Gõ Cửa Thiền
  • Hình đại diện của thành viên
    lối mòn
    Bài viết: 23
    Ngày tham gia: Thứ 7 Tháng 10 03, 2020 8:02 pm

    Gõ Cửa Thiền

    by lối mòn » Thứ 6 Tháng 1 28, 2022 3:05 pm

    Hãy Gọi Đúng Tên Tôi





    Mỗi người chúng ta nên tự hỏi mình: Tôi thật sự muốn gì? Trở thành người thành công số một?
    Hay đơn giản là người hạnh phúc?
    Để thành công, bạn có thể phải hy sinh hạnh phúc của mình.
    Bạn có thể trở thành nạn nhân của thành công, nhưng bạn không bao giờ là nạn nhân của hạnh phúc.


    Nhờ tiếp xúc được với khổ đau, lắng nghe khổ đau thì ta mới làm phát hiện được cái hiểu biết và cái thương yêu. Hiểu biết và thương yêu là chất liệu làm nên hạnh phúc.
    Cũng như một người làm vườn biết cách dùng phân bón để cho ra những bông hoa tươi đẹp, người tu tập biết tận dụng nỗi đau khổ để tạo ra hạnh phúc.






    Hình ảnh





    Mỗi một cái tên chỉ nhốt được một mảnh vụn của sự sống.
    Gọi đúng tên tôi thì tất cả đều lên tiếng một lần.
    Chỉ có sự thức tỉnh mới mở được cánh cửa của đại bi tâm
    .






    Đừng bảo ngày mai tôi đã ra đi

    Bởi vì chính hôm nay tôi vẫn còn đang tới

    Hãy ngắm tôi thoát hình trong từng phút từng giây

    Làm đọt lá trên cành xuân

    Làm con chim non cánh mềm chiêm chiếp

    vui mừng trong tổ mới

    Làm con sâu xanh trên cuống hoa hồng

    Làm gân viên ngọc trắng tượng hình trong lòng đá.

    Tôi còn tới để khóc để cười

    Để ước mong để lo sợ

    Sự xuất nhập của tôi là hơi thở

    Nhịp sinh diệt của tôi cũng là tiếng đập một lần

    của hàng triệu trái tim.

    Tôi là con phù du thoát hình trên mặt nước

    Và là con chim sơn ca mùa xuân về trên sông đón bắt phù du

    Tôi là con ếch bơi trong hồ thu

    Và cũng là con rắn nước trườn đi

    Tìm cách nuôi thân bằng thân ếch nhái

    Tôi là em bé nghèo Ouganda, bao nhiêu xương sườn đều lộ ra,

    hai bàn chân bằng hai ống sậy

    Tôi cũng là người chế tạo bom đạn

    Để cung cấp kịp thời cho các dân tộc Á phi.

    Tôi là em bé mười hai

    Bị làm nhục nhảy xuống biển sâu

    Tôi cũng là người hải tặc sinh ra với một trái tim

    chưa biết nhìn biết cảm

    Tôi là người đảng viên cao cấp, cầm quyền sinh sát trong tay

    Và cũng là kẻ bị coi là có nợ máu nhân dân đang chết dần mòn

    trong trại tập trung cải tạo

    Nỗi vui của tôi thanh thoát như trời Xuân,

    ấm áp cỏ hoa muôn lối

    Niềm đau của tôi đọng thành nước mắt,

    ngập về bốn đại dương sâu.

    Hãy nhớ gọi đúng tên tôi

    Cho tôi được nghe một lần tất cả những tiếng

    tôi khóc tôi cười

    Cho tôi thấy được nỗi đau và niềm vui là một

    Hãy nhớ gọi đúng tên tôi

    Cho tôi giật mình tỉnh thức

    Và để cho cánh cửa lòng tôi để ngỏ

    Cánh cửa Xót Thương.



    Thiền Sư Thích Nhất Hạnh






  • Hình đại diện của thành viên
    lối mòn
    Bài viết: 23
    Ngày tham gia: Thứ 7 Tháng 10 03, 2020 8:02 pm

    Gõ Cửa Thiền

    by lối mòn » Thứ 6 Tháng 7 01, 2022 3:24 am

    Ba Điều Phải Từ Bỏ Để An Từ Trong Tâm




    Hình ảnh




    Thế giới rộng lớn, đời người dài lâu. Trạng thái tốt nhất của cuộc sống chính là: Khổ cực, không than oán. Vui vẻ, không khoe khoang. Thành công, không mù quáng. Gặp chuyện, không hoảng loạn.

    Mọi khổ nạn trong đời phần lớn đều phát sinh từ tâm tư đó của chúng ta! Hãy theo Đức Phật chỉ bảo, tránh xa đau khổ phiền não và tam độc tham, sân, si. Nhận ra chân tướng của sinh mệnh, và từ đó đạt đến cảnh giới không khổ đau ở phía bên kia của trí tuệ.

    Quan trọng nhất là hãy bắt đầu thay đổi những quan niệm sai lầm và những tập tính không đúng đắn của mình, tịnh hóa tâm ý của bản thân không bị mê hoặc bởi những thứ tầm thường; ở vào bất kỳ hoàn cảnh nào, tâm cũng phải lặng như mặt hồ, không vì bóng trăng soi đáy mà gợn sóng. Như vậy, khi đối mặt với bất kỳ chuyện gì cũng đều có thể làm được.


    ♣ Tham

    Trong ba nỗi khổ cũng là nguyên nhân dẫn tới khổ đau của con người, chữ “Tham” đứng hàng đầu, vì lòng tham nên mới sân hận, vì tham nên mới si mê, u tối.

    Dục vọng từ tham mà ra, cũng vì tham mà lớn lên thành nghiệp ác.Tham lam không phải bản chất của con người, Phật dạy rằng, bất kể ai sinh ra đều như tờ giấy trắng, đều có trái tim thuần hậu và thiện lương. Nỗi tham lớn dần lên theo năm tháng, theo những điều mà con người muốn sở hữu và đang sở hữu. Càng có nhiều càng tham nhiều, càng mong nhiều lại càng tham nữa. Dục vọng không bao giờ dừng lại, lòng tham tạo nên dục vọng và dục vọng phóng đại lòng tham.

    Mà tham thường đi liền với ác. Vì tham nên làm ác để thỏa mãn thứ mình muốn, làm ác để thỏa mãn lòng tham vô bờ bến.

    Nếu không biết tiết chế, kìm nén lòng tham thì chắc chắn con người sẽ rơi vào tai họa, lòng tham nổi lên, phúc đức tiêu tán. Dù làm trăm ngàn việc tốt, cố gắng tu tích thế nào mà không buông bỏ được lòng tham thì tai họa vận đến, phúc lộc vẫn bay đi, không giữ lại được gì.

    Hãy để bản thân thoát khỏi ý nghĩ khát khao tham dục nơi thế tục hồng trần, ta là chủ của chính mình, nắm giữ tâm và thân mình, bước ra khỏi con đường lạc lối. Tham dục, cố chấp sản sinh ra phiền não, đau khổ. Nếu chúng ta có thể nhổ bỏ chấp ngã, tất cả mọi phiền não đau khổ đều sẽ biến mất vô hình.


    ♣ Sân

    “Sân” là cơn giận, lòng giận dữ, nóng nảy, thù hận khi không vừa lòng, không được thỏa thích như ý muốn. Bất bình vì bị xúc phạm, nhân đó làm những chuyện sai trái. Sau cơn giận thời giữ lại lòng oán ghét tìm dịp mà trả thù.

    Sở dĩ sân sinh khởi là do lòng yêu thích “cái ta” hay thích “cái của ta”. Nếu người ta mắng nhiếc, chê bai kẻ nào khác thời ta không thấy giận, nhưng nếu ai chửi bới hoặc khiển trách ta hay người thân của ta, hoặc làm tổn hại tài sản của ta lập tức ta cảm thấy khó chịu ngay. Khi khó chịu tăng dần thời sẽ trở thành nóng giận. Nhưng nên nhớ rằng trên đời này không ai tránh khỏi bị khiển trách, bị chê bai, khó tránh khỏi miệng thế gian.

    Phải tu tâm để đạt tới “vô sân”. Vô sân là không nóng nảy, hết giận hờn.

    Chúng sinh bị qua nhiều kiếp sinh tử luân hồi chính vì không thắng nổi lòng sân. Chư Phật được tự tại, giải thoát, là do dứt trừ được lòng sân tận gốc. Điều khó nhất là diệt trừ phẫn nộ ngay từ trong tâm. Khi tâm chúng ta không còn nghĩ đến giận hờn thì tự nhiên cơn phẫn nộ sẽ tự diệt.


    ♣ Si

    “Si” là si mê, vô minh, ngu tối. Người vô minh không sáng suốt, không suy xét hiểu biết đúng lẽ phải, đúng sự thật để phán đoán việc hay dở, tốt xấu, lợi hại… nên mới làm những điều nhiễm ô tội lỗi, có hại cho mình và người.

    Si, vô minh theo thế tục gọi là “dại” hay “ngu”. Vô minh che lấp tâm trí, làm cho con người không còn nhìn thấy được những chất bợn nhơ đang gặm nhấm từ bên trong con người khiến các thói hư tật xấu ấy sẽ tăng dần và cuối cùng đưa con người vào con đường tội lỗi triền miên. Đức Phật dạy rằng vô minh là điều ô trược tệ hại nhất. Hãy dứt bỏ vô minh để trở thành người trong sạch.

    Con người sống giữa nhân sinh đều phải thuận theo luân hồi nghiệp báo, tránh không được, nhưng tự mình có thể xây dựng những nghiệp duyên tốt đẹp cho mình. Muốn thiện, trước hết phải hết tham. Muốn phúc, trước tiên phải biết đủ. Vô sở cầu nhi tự đắc, đó mới thực sự là đại trí huệ của đời người.

    Tiền của trên đời, cố kiếm thật nhiều rồi chết đi cũng không mang theo được. Tiền tài danh vọng, mất rồi tất cả cũng chỉ là hư vô. Đời người là hữu hạn, nhân sinh là vô hạn, cớ gì mãi tham lam để tự chuốc lấy đau khổ cho mình.

    Những lời Phật dạy về sân si và lòng tham nhắc nhở chúng sanh rằng, lòng tham chính là thuốc độc giết chết nhân cách con người. Nếu sở hữu nào của chúng ta có được từ sự đau khổ của người khác, thì sự sở hữu ấy tất yếu là không chính đáng. Dù là mưu cầu cho cuộc sống hằng ngày hay lưu danh hậu thế, bất cứ ai bị lòng tham chi phối ắt sẽ nhận quả báo nặng nề.

    Con người sống giữa nhân sinh là đều thuận theo luân hồi nghiệp báo, không ai tránh được, càng không ai thay đổi được. Vì thế, Phật dạy buông bỏ lòng tham, tu tâm dưỡng tính chính là việc đầu tiên để tích đức hành thiện. Muốn thiện, trước hết phải hết tham, muốn phúc trên hết phải biết đủ. Không tham lam, không vọng tưởng thì hạnh phúc ngay trong phút giây ấy, phúc đức ngay trong phút giây ấy. Vô sở cầu nhi tự đắc, đó là đại trí huệ. Cứ níu kéo những điều không thể thuộc về mình, giành những thứ vốn không thể với tới, chính là một loại đau khổ, một loại hành xác.

    Từ bỏ Tham Sân Si, an từ trong tâm, sống đời yên vui.


    OrangeBooks
  • Hình đại diện của thành viên
    lối mòn
    Bài viết: 23
    Ngày tham gia: Thứ 7 Tháng 10 03, 2020 8:02 pm

    Gõ Cửa Thiền

    by lối mòn » Thứ 7 Tháng 8 27, 2022 4:03 am

    💥 Nhật Ký Sau Khi Con Người Chết




    Trần gian quán trọ đời mình
    Đến chơi một chút thình lình rồi đi
    Trăm năm tay giữ được gì
    Có mang xuống dưới âm ty bạc vàng?


    Hàn Long Ẩn





    Hình ảnh




    ♣ Vào một ngày, khi người không còn nữa, đứng cạnh thân xác đang nguội lạnh, cứng đờ người đã thấy... Người ghét ta, nhảy múa vui mừng, người thương ta, nước mắt rưng rưng.

    ♣ Ngày Động Quan...thân thể ta nằm sâu dưới lòng đất. Người ghét ta, nhìn nấm mộ niềm vui hiện rõ. Người thương ta, chẳng nỡ quay đầu nhìn lần cuối.

    ♣ Ba tháng sau, thân xác ta đang dần trương sình, bốc mùi hôi thối, thuở còn sống ta vô cùng ghét côn trùng, giờ đây giòi bọ đang nhăm nhi cái thân mà ta cả đời nâng niu, tàn sát sinh mạng để cung phụng cho nó đủ thức ngon, mặc đẹp, đắp vào bao nhiêu tiền của.

    ♣ Một năm sau: Thân thể của ta đã rã tan…nấm mộ của ta mưa bay gió thổi...ngày giỗ ta, họ vui như trẩy hội, mở tiệc hội họp ca nhạc, ăn uống linh đình. Người ghét ta, lâu lâu trong buổi trà dư tửu hậu nhắc đến tên ta...họ vẫn còn bực tức. Người thương ta, khi đêm khuya vắng lặng, khóc thầm rơi lệ tìm ai bày tỏ.

    ♣ Vài năm sau: Ta không còn thân thể nữa, chỉ còn lại một ít xương tàn. Người ghét ta, chỉ nhớ mơ hồ tên ta, họ đã quên mất gương mặt của ta. Người yêu thương ta, khi nhớ về ta có chút trầm lặng. Cuộc sống xô bồ dần dần làm phai mờ đi tất cả.

    ♣ Vài chục năm sau...nấm mộ của ta hoang tàn không người nhang khói, quan tài nơi ta nằm đã mục nát, chỉ còn một mảng hoang vu. Người ghét ta, đã già lú cũng quên ta rồi. Người yêu thương ta, cũng tiếp bước ta đi vào nấm mộ.

    ♣ Đối với Thế Giới này... Ta đã hoàn toàn trở thành hư vô, không ai biết ta từng tồn tại, bạn bè, đồng nghiệp, người thân, mỗi người một nơi, kẻ già, người chết, những gì ta dùng đã mất, những gì ta để lại rơi vào tay kẻ khác.

    ♣ Ta phấn đấu, hơn thua, tranh giành cả đời, cũng không mang theo được nhành cây ngọn cỏ. Tiền tài, gia sản mà tôi cố giữ, cố thủ đoạn, mưu mô để có cũng không mang được một phần hư danh, vinh dự hão huyền nào.

    ♣ Ta nhận ra sống trên đời này, bất luận là giàu sang phú quý hay bần tiện nghèo nàn. Khi nhắm mắt, xuôi tay phải bỏ lại tất cả, trả hết cho đời. Cái ta mang theo được, chính là cái ta đã cho đi là đạo đức, là sự lương thiện.
    Bất giác ta có chút ân hận, lòng lâng lâng một nỗi buồn khó tả, cứ da diết, da diết mãi không thôi. Bao nhiêu phồn hoa, thoáng qua phút chốc. Trăm năm sau, chỉ còn lại một nắm nấm mộ vô danh. Cuộc đời như nước chảy hoa trôi, lợi danh như bóng mây chìm nổi, chỉ có tình yêu thương ở lại đời.


    💥💥💥


    "Đã biết chốn này là quán trọ...
    Hơn thua hờn oán để mà chi...
    Thử ra ngồi xuống bên phần mộ.
    Hỏi họ mang theo được những gì"



    https://www.facebook.com/tinhhoa.tv/pos ... 3559968960
  • Hình đại diện của thành viên
    lối mòn
    Bài viết: 23
    Ngày tham gia: Thứ 7 Tháng 10 03, 2020 8:02 pm

    Gõ Cửa Thiền

    by lối mòn » Thứ 7 Tháng 2 04, 2023 12:39 am

    Thứ Khó Được Nhất Trên Thế Gian Này Là Gì?




    Hình ảnh




    Có ba vị hòa thượng cùng nhau bàn luận về vấn đề: Trên đời này, thứ mà con người khó có được nhất là gì?



    Hòa thượng đầu tiên nói:

    “Trên thế gian này, thứ khó có được nhất chính là tuổi trẻ còn mãi, sức khỏe dồi dào và trường thọ. Một người dù có gia tài bạc triệu, nhưng đến tuổi già bệnh tật ập tới, chẳng mấy lúc rồi cũng ly biệt thế gian, không thể nào hưởng thụ được niềm vui của cảnh hạnh phúc nơi trần thế nữa.”  

    Hòa thượng thứ hai nói:

    “Trên thế gian này, thứ khó có được nhất là một người tri kỷ có thể chia sẻ niềm vui cũng như lúc hoạn nạn cùng mình. Một người cho dù đứng trên đỉnh cao của quyền lực nhưng không có nổi một người bằng hữu chân thành thì thật tịch mịch, cô đơn, giống như đóa hoa có sắc mà không hương, sẽ chẳng có cảnh ong bướm vờn quanh thưởng thức.”

    Vị hòa thượng thứ ba lại nói:

    “Tôi cho rằng thứ khó có được nhất trên thế gian chính là một gia đình hạnh phúc mỹ mãn. Một người dù cho có thân thể khỏe mạnh, có tri kỷ kề bên, nhưng gia đình nội bộ lục đục chỉ lo nghĩ tranh tranh đấu đấu thì những thứ kia còn có ích gì? Cuộc sống như vậy mỗi ngày sẽ giống như địa ngục trần gian, muốn thoát ra mà không được.”



    Đức Phật sau khi nghe được lời nghị luận của ba vị hòa thượng, ngài bèn cho triệu tập chúng đệ tử lại. Lúc này đang độ mùa thu, tiết trời nhẹ nhàng khoan khoái, gió thu nhè nhẹ thổi, cỏ cây xanh tươi thoáng đãng và không khí cũng trở nên dễ chịu hơn. Đức Phật hướng các Phật tử phía dưới nói:

    “Trên thế gian này thứ gì là khó được nhất? Không phải khỏe mạnh trường thọ, không phải bạn bè tri tâm, cũng chẳng phải thân quyến hòa hợp. Ta kể một câu chuyện cho các con nghe:

    Trong biển lớn, có một con rùa mù, tuổi thọ của nó là vô lượng kiếp số, trải qua bao lần thế sự xoay vần (trăm ngàn năm bãi bể nương dâu).
    Bình thường nó lặn sâu ngàn trượng dưới lòng đại dương, trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần. Lại có một thân cây gỗ mục rỗng bên trong, theo gió và sóng mà trôi dạt trên mặt biển. Rùa mù trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần, để gặp được cây gỗ nổi thì cơ hội đúng là ngàn năm có một, huống chi nay nó lại gặp đúng cây gỗ có thân rỗng cho nó chui vào bên trong, đưa nó trôi trên mặt biển rồi theo sóng gió dạt vào bờ.
    Rùa mù gặp thân gỗ rỗng đã là kỳ tích, nhưng đối với sinh mệnh trôi nổi trong luân hồi mà nói, muốn có được thân người còn khó hơn rùa mù được vào bờ hàng vạn lần!”.

    Đức Phật lại bốc lấy một nắm bùn trên mặt đất, mở lòng bàn tay ra rồi nói với các đệ tử:

    “Chúng sinh đắc được thân người giống như bùn trong lòng bàn tay ta, còn chúng sinh đánh mất thân người, lại như toàn bộ bùn trên mặt đất này. Vậy thì cái gì là khó có được nhất? Thân người là khó có được nhất. Hỡi các đệ tử! Các con nhất định phải chăm chú lắng nghe và suy nghĩ về điều này!”. 



    Vuột mất cơ hội đắc được thân người thì muôn kiếp khó mà có lại được. Đây không chỉ là lời dạy trong kinh Phật cổ mà còn là một tri thức không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi người. Chúng ta nên trân quý cơ hội làm người này, quý trọng nhân duyên vốn có. 

    Giới tu hành quá khứ có câu: “Thân người khó được, chân Pháp khó tìm, Trung thổ khó sinh”.
    Giải thích khái quát chính là “ba cái khó” để con người có thể tu luyện, đắc đạo thành Phật. Thân người là khó có được nhất. Vì duy chỉ có con người mới có thể tu tập, tạo lập công đức và cũng chỉ có con người thì mới có thể tu hành thành Phật. Cho nên bạn phải quý lấy cơ duyên được làm người này.

    Danh lợi vốn dĩ chẳng thể mang theo được, con người khi đến thế gian này với hai bàn tay trắng, khi rời khỏi nơi đây cũng là hai bàn tay trắng. Vậy mà sao còn mê lạc trong thế gian, vì danh vì lợi mà theo đuổi đến cùng, sẽ lại càng tạo thêm nhiều nghiệp lực tội lỗi. Thiện – ác tất có báo ứng đó là đạo lý của Trời, nếu cứ chạy theo danh lợi như vậy chỉ khiến cho đời sau càng thêm thống khổ.

    Cái gì là khó được nhất? Thân người là hiếm có, khó được nhất! Chúng ta phải biết trân quý cơ duyên này, sử dụng thân này để tu luyện, giúp đỡ chúng sinh. Vậy nên hãy trân trọng lấy hiện tại, tuân theo chính Pháp, phản bổn quy chân, đây mới là mục đích làm người chân chính của chúng ta.


    Theo Secret China (Bích Liên biên dịch)

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách