Gõ Cửa Thiền
  • Hình đại diện của thành viên
    lối mòn
    Bài viết: 23
    Ngày tham gia: Thứ 7 Tháng 10 03, 2020 8:02 pm

    Gõ Cửa Thiền

    by lối mòn » Thứ 6 Tháng 11 20, 2020 2:07 pm

    Gẫm Suy Về Cái Chết




    Hình ảnh




    “Có làm mưa làm gió, rồi cũng nằm đó mà thôi…”
    Một ông lão chợt thốt lên những lời như thế khi chứng kiến cảnh đưa tang của một người đã từng có khả năng “làm mưa làm gió”. Một câu nói rất đỗi bình thường, nhưng hàm chứa cả một chân lý, một sự “ngộ ra” căn bản và nền tảng nhất của kiếp nhân gian này. Ai cũng biết là mình sẽ chết vào một ngày nào đó, ai cũng có một ý thức rất rõ ràng là “có một thời sinh ra, có một thời chết đi”, nhưng để có thể cảm được cái vô thường của cuộc đời qua hai chữ “nằm đó”, người ta phải đánh đổi rất nhiều điều.



    Cái chết là dấu chấm hết cho một sự hiện hữu. Nó không là cái gì cả, chỉ đơn giản là việc vật đó, cái đó, con đó, người đó… không còn mang trong mình sự sống nữa thôi. Nếu được chọn, người ta sẽ chọn sống. Nếu như phải chết, chẳng qua chỉ là vì không còn chọn lựa nào khác, hoặc người ta chọn chết vì một giá trị thiêng liêng nào đó cao quý hơn. Nhưng dù là với lý do gì, động lực gì, cái chết cũng đưa người ta về với sự khởi đầu, một tình trạng ngang bằng nhau cho tất cả: cát bụi.



    Chết đi rồi thì chẳng còn gì để bàn cãi nữa. Nhưng cái chết của người khác lại là một sự cảnh tỉnh dành cho người còn sống. Nó đặt cho người ta câu hỏi về ý nghĩa sự hiện hữu của mình, về những nỗ lực phấn đấu, về cung cách hành xử, về những gì mà người ta đang cố nắm giữ trong tay. Nó cũng đặt người ta vào mối bận tâm về các tương quan, những cảm xúc. Cái chết là một biến cố làm ta cảm nghiệm cách rõ ràng nhất về tính đơn nhất của mình. Chẳng ai có thể chết thay ta, chết dùm ta, hay đối diện cái chết với cùng một tâm trạng giống như ta. Người ta có thể chia vui sẻ buồn với ta, nhưng cái chết của ta thì chỉ một mình ta đảm nhận lấy.



    Khi tôi chết đi, thế giới này cũng vẫn cứ vần xoay theo định luật đã được mặc định cho nó. Chẳng phải vì tôi chết đi mà vũ trụ này có rúng động hay biến đổi gì. Người thân của tôi sẽ buồn vì mất tôi, không còn được gặp mặt và chuyện trò với tôi, nhưng rồi họ cũng chẳng làm gì được hơn. Giả như có ai đó cùng chết với tôi, thì họ cũng mang lấy cái chết của họ, còn tôi chết cái chết của tôi, mỗi người tự gánh lấy phần của riêng mình.



    Cái chết có thể là một “sự yên nghỉ” dành cho những ai đã lăn lộn trên hành trình dương gian này suốt một thời gian dài. Cái chết cũng có thể bị coi là một sự “quả báo” dành cho những ai đã làm không ít điều xấu xa. Nó cũng được nhìn đến như một “về nguồn” dưới nhãn quan của một cuộc trở về với nơi từ đó mình được sinh ra. Đôi khi, nó là một “sự giải thoát” khi cuộc sống này có quá nhiều nỗi chán ngán đến thê lương, buộc người ta phải tìm cho mình một cái kết. Với người lạc quan, cái chết là cửa ngõ để dẫn vào một sự hiện hữu khác, không giống như kiểu hiện hữu mà ta đang trải nghiệm: chết là cánh cửa đi vào chốn vô hình – sự bất diệt.



    Tháng 11 thường gợi lên trong lòng người nhiều cảm xúc. Trong tháng này, thời tiết cũng thay đổi nhiều, lá bắt đầu chuyển màu rồi rụng xuống, trở về với cội đất lạnh lùng. Cảnh sắc đất trời như cũng cố khơi gợi lên một nỗi niềm nào đó. Cái “qua đi” của thời gian làm ta thấy khó chịu. Có một xung năng nào đó trong lòng mình muốn kháng cự lại điều này. Ta muốn mình còn mãi, chứ không thích bị lãng quên. Ta cảm thấy khó có thể chấp nhận định luật sinh-diệt của đất trời. Nhưng dẫu sao, con người dù quyền phép cỡ nào cũng không thể chiến thắng được nó. Biết dừng lại, chấp nhận và vui lòng đón lấy quy luật này, con người mới có thể bình an và không còn sợ hãi.



    Tháng 11 mời gọi con người đi vào trong một cuộc thay da đổi thịt. Nơi đó, họ thấy được chân tướng của hiện sinh, rằng mọi cái rồi sẽ qua đi, rằng chẳng có gì là tồn tại mãi mãi, ngoại trừ Đấng là nền tảng cho mọi hiện hữu trên đời. Tháng 11 ảm đạm là thế, nhưng không đưa người ta vào một cõi thê lương u uất. Tháng 11 cho ta khoảng lặng để trầm mặc về cái kết của cuộc đời và phô bày ra trước mắt nhân gian hệ quả của tất cả những chọn lựa của họ. Tháng 11 đưa ta vào một cuộc biến đổi, để cho lá vàng cũ kỹ rụng đi, chuẩn bị cho những chiếc lá mới sẽ tỏ lộ. Ta cũng sẽ “qua đi” theo dòng chảy thời gian, nhưng không mất hút như chưa bao giờ tồn tại. Mỗi cái chết là một sự tuôn trào của sự sống. Hạt giống được chôn vùi chính là để có một cây mới vươn lên. Có một sự sống viên mãn đang đợi ta phía trước.


    Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
  • Hình đại diện của thành viên
    lối mòn
    Bài viết: 23
    Ngày tham gia: Thứ 7 Tháng 10 03, 2020 8:02 pm

    Gõ Cửa Thiền

    by lối mòn » Thứ 7 Tháng 11 28, 2020 2:46 pm

    Để Tránh Sai Lầm




    Cái tôi hoàn lại đất trời,
    Trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh.






    Hình ảnh




    Đang ở trên đỉnh cao của danh vọng, bất ngờ mọi thứ đổ sụp, nợ nần chồng chất. Anh ta tìm đến ngọn đồi cạnh chùa định tự tử. Một cái thòng lọng vừa làm xong và chuẩn bị đưa đầu vào để treo cổ thì cũng vừa kịp lúc tiếng chuông chùa công phu chiều vang vọng. Anh dừng lại, lên chùa gặp chư Tăng tâm sự rồi xuống thắt cổ sau.


    Được quý Thầy khuyên răn, giảng giải. Bầu trời u ám được vén lên, chân trời sáng lạng thế chỗ, cuộc đời tươi sáng, đáng sống làm sao! Đổi ý định, không tự tử nữa, anh ta quyết định trở về nhà sống tốt, làm lại từ đầu.


    Lên xe Hon-da, quý Thầy đèo xuống núi, anh luôn miệng căn dặn: “Chạy chầm chậm kẻo bị tai nạn, nguy hiểm ảnh hưởng đến tánh mạng”.


    Là một câu chuyện thật, quý Thầy tận mắt chứng kiến. Trước đó do buồn đau, nghĩ quẩn và định bụng tự tử. Sau đó tỉnh ra thì thấy không có gì phải chết. Trước đó thương yêu và nghĩ rằng không thể sống thiếu nhau. Sau đó bị xúc phạm, hất hủi, nguyền rủa thì uất hận, thề rằng từ nay về sau dứt khoát không bao giờ gặp mặt. Cho đến cuối đời, phát hiện ở người lâu nay mình oán hận lại có nhiều điều cao thượng mà mình đã hiểu lầm, không nhận ra, thì lại nghĩ, sẽ ghi nhớ suốt đời. Và còn nhiều nữa, không thể kể hết. Mà không cần kể ra cũng biết, bởi đã có đủ trong mỗi người. Chính nhiều thứ đó đã khiến cho lòng người như một đống hỗn độn, bị dày vò, ray rứt và phải khổ đau.


    Thành và bại, buồn và vui, thương và ghét, mừng và giận, hơn và thua, phải và trái… và nhiều điều tương tự. Đây là tất cả là những gì mà con người thường có và đang bị nó chi phối, thôi thúc khiến ta tư duy và hành động theo cách ấy. Nhưng một thực tế cho thấy, nếu khi ở trong những tâm trạng này để đi đến quyết định một vấn đề, sẽ không khỏi những ăn năn ân hận sau đó cho mình và mọi người.


    Khi nóng giận, vì bực tức sôi sục để quyết định. Khi hết giận, bình tâm sẽ thấy khác. Lúc quá vui để ban hành một vấn đề, sau đó bình tâm lại nhận ra nhiều điều lầm lỡ. Đang khi căng thẳng, không cảm thấy thoải mái, suy nghĩ sẽ khác lúc tâm trạng sẵn sàng, thảnh thơi… Cho thấy, hai tâm này vốn đã trái ngược nhau, vả lại chúng luôn luôn thay đổi. Hơn nữa, hoàn cảnh của hôm nay không phải là hoàn cảnh của ngày hôm sau. Biết bao người hôm nay là bất lương, nhưng ngày mai lại là người tử tế. Cuộc đời và con người cũng luôn được cải thiện và đổi thay, không cố định. Do đó, sự quyết định khi tâm bất ổn sẽ chưa thấy hết được mọi mặt của vấn đề, sẽ khiến cho mình luôn bị sai lầm, chưa ổn sau đó.


    Sau tất cả là một tâm thái trưởng thành, ổn định, bình thường, lớn rộng và cao thượng, mọi thứ được phản ánh trung thực nhất. Nếu kết luận và đi đến quyết định một điều gì trong khi tâm đang ở vào hai trạng thái bất thường của mừng giận, buồn thương… vừa nêu trên. Thời gian sau, tỉnh táo, lắng dịu, lương tâm sẽ bị dằn vặt, cắn rứt, đôi khi phải trả giá vì đã muộn màng, không còn cứu vãn kịp. Nếu bình tĩnh để sống, ở trạng thái tâm bình khí hòa mới quyết định, sẽ sáng suốt, không bị nhầm lẫn giữa tình và lý, thân và sơ, đúng và sai, thiện và ác. Đặc biệt hơn nữa là dù nhiều năm sau để nhìn vào sự việc của hôm nay, tâm này sẽ ở vào trạng thái bình thường để thấy rõ tường tận mọi thứ. Vì vậy, những quyết định trước đó ở vào trạng thái bình thường, bình tâm tỉnh trí để giải quyết sẽ luôn cảm thấy đúng đắn, thấu tình đạt lý và không bị hối hận gì. Bởi cái thấy biết trong tâm tĩnh lặng, bình thường sẽ không bị sai lầm và không đổi khác.


    Cho thấy, để tránh sai lầm, không nên quyết định một việc gì đang lúc chúng ta ở vào một trong hai trạng thái của cuộc đời như vừa nêu trên (không kẹt hai bên). Nên chờ cho đến khi tâm ta thật sự lắng đọng, chắc chắn là đã thoát ra khỏi hai bên, không còn bị những tác động hai bên của cuộc đời chi phối. Tâm đã bình thường, an định, trí tuệ sáng soi, sẽ thấy hết mọi khía cạnh của vấn đề một cách đầy đủ, viên dung, rồi đi đến quyết định.


    Được vậy, mọi chuyện trong đời đều trở nên đơn giản, nhẹ nhàng. Đồng thời sẽ tránh khỏi những hối tiếc muộn màng về sau.


    TT.Thích Tâm Hạnh
  • Hình đại diện của thành viên
    lối mòn
    Bài viết: 23
    Ngày tham gia: Thứ 7 Tháng 10 03, 2020 8:02 pm

    Gõ Cửa Thiền

    by lối mòn » Chủ nhật Tháng 1 31, 2021 3:01 am

    Mất một vật gì, tất nhiên ta cảm thấy buồn.
    Nhưng chính cái buồn ấy không giúp ta tìm lại được vật đã mất.
    Ta phải nghĩ rằng ai đó có thể hưởng vật kia, mặc dầu họ hưởng một cách bất chánh.
    Ước mong người ấy được vui vẻ, an lành và hạnh phúc.

    Hoặc giả ta có thể tự an ủi:
    "Đây chỉ là một mất mát nhỏ nhen, không quan trọng."
    Hoặc giả ta có thể chấp nhận một thái độ triết lý cao thượng:
    "Không có gì là 'Ta', không có cái gì là 'Của Ta'".





    Hình ảnh




    Tách Trà


    Nan-in là một thiền sư Nhật sống vào thời đại Minh Trị (1868-1912). Ngày kia, ngài tiếp một giáo sư đại học đến tham vấn về thiền.

    Thiền sư rót trà mời khách. Ngài rót đầy tách trà của khách rồi nhưng vẫn tiếp tục rót.

    Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách trà tràn ra mãi, cho đến khi không dằn lòng được nữa phải kêu lên:

    “Đầy quá rồi, không thể rót thêm vào được nữa!”

    Thiền sư nói:

    “Cũng giống như tách trà này, trong lòng ông đang chứa đầy những quan điểm và định kiến. Làm sao tôi có thể trình bày với ông về thiền nếu như trước tiên ông không làm trống cái tách của ông đi?”


    Giáo sư nọ nghe môn thiền đạo,

    Gặp thiền sư tham khảo, xem qua.

    Ông này mời uống nước trà,

    Chiếc ly tràn đổ vậy mà chẳng ngưng.

    Giáo sư nói: “Xin đừng rót nữa,

    Ly đã tràn ông chớ rót thêm.”

    Thiền sư khi ấy đứng lên:

    “Giáo sư, tôi nhắc chớ quên ý này:

    Ông đầu óc đã đầy kiến thức,

    Nếu không ngay lập tức cạn đi,

    Học thiền như thế ích gì,

    Cũng như ông thấy chiếc ly đã tràn.





    Hình ảnh




    Mỗi chúng ta đều có một tách trà, và phần lớn là những cái tách đã đầy ắp. Vì thế, quá trình tiếp thu mỗi một tư tưởng mới thường bao giờ cũng là sự đối chọi, xung đột và tranh chấp với các tư tưởng cũ, chen chúc nhau trong một tâm thức ngày càng thu hẹp.

    Thiền không chấp nhận tiến trình này. Các thiền sư không bao giờ tranh biện hay thuyết phục người khác tin theo mình. Họ chỉ giản dị sống và thể hiện thiền qua chính cuộc sống. Vì thế, sẽ không có bất cứ phương cách nào để bạn tiếp nhận thiền trừ phi bạn buông bỏ những quan điểm, định kiến sẵn có.
    Khi tách trà của bạn đã được làm trống, tâm thức bạn sẽ tự nhiên rộng mở và dòng nước thiền cũng tự nó dạt dào tuôn chảy. Tách trà ấy tự nó có thể chứa đựng cả ba ngàn đại thiên thế giới!


    Sưu Tầm
  • Hình đại diện của thành viên
    lối mòn
    Bài viết: 23
    Ngày tham gia: Thứ 7 Tháng 10 03, 2020 8:02 pm

    Gõ Cửa Thiền

    by lối mòn » Thứ 7 Tháng 2 27, 2021 2:17 am

    Tha Thứ




    Bạn đang muốn chạy trốn quá khứ, bạn muốn loại bỏ hình ảnh người đã làm bạn đau khổ ra khỏi tâm trí mình.
    Đôi khi bạn muốn trừng phạt những người làm cho bạn khổ.
    Bạn không có khả năng tha thứ cho người làm bạn đau khổ bởi vì những lời nói hoặc hành động mà người đó đã làm tổn thương bạn, đã làm cho con tim bạn nhói đau một khi nghĩ tới.
    Sau một thời gian lâu, bạn nghĩ rằng bạn đã tha thứ được cho người đó rồi, vết thương trong lòng bạn đã lành rồi, nhưng khi phải đối diện với người làm cho bạn đau khổ thì bạn thấy sự buốt nhói vẫn còn.
    Bạn chưa thể tha thứ.
    Những nỗi khổ mà người đó gây ra cho bạn vẫn còn ảnh hưởng đến đời sống của bạn trong hiện tại và cả trong tương lai.
    Làm sao chúng ta có được một sự tha thứ chân thật và buông bỏ được quá khứ đau thương kia?





    Hình ảnh




    Sự tha thứ chân thật là thấy được những nỗi khổ đau của người kia, thấy được những gì họ làm đều có nguyên nhân xa từ những tập khí không lành mà do môi trường sống của bản thân người đó tạo nên, hay được thừa hưởng từ những hạt giống của ông bà, cha mẹ người đó trao truyền. Và thật sự họ không muốn làm những điều như vậy, thật sự họ không muốn làm tổn hại đến chúng ta.
    Họ là người gây ra những lời nói đó, những việc làm đó, nhưng họ cũng chính là nạn nhân của những gì họ nói và làm. Khi thấy được những điều này thì sự tha thứ, tình thương có mặt rất tự nhiên trong lòng của chúng ta. Và sự tha thứ, tình thương này chính là nước từ bi thanh lương sẽ làm lành những vết thương mà người kia đã làm cho ta đau khổ.



    Nhưng để thấy được những điều này chúng ta cần có nhiều thời gian thực tập và nhìn sâu.
    Trước hết chúng ta cần nhận thức rõ thân và tâm ta là những dòng chảy linh động, thay đổi không ngừng. Và sự thay đổi này luôn luôn bị tác động bởi môi trường xung quanh.
    Nếu ta sống trong môi trường lành mạnh, mọi người biết thương yêu giúp đỡ nhau, thì những phẩm chất yêu thương, nâng đỡ ấy sẽ đi vào con người chúng ta, và nó biến thành một phần trong đời sống của chúng ta.
    Còn ngược lại nếu ta sống trong một môi trường mà sự bạo động, kì thị, lên án, trách móc… quá nhiều thì ta cũng bị ảnh hưởng bởi những năng lượng này. Tâm hồn ta sẽ khô héo, thân thể ta sẽ mỏi mệt bởi vì mỗi ngày ta phải tiếp nhận quá nhiều những năng lượng không lành như thế.



    Ta sẽ thấy điều này rất rõ đối với những đứa bé sống trong một gia đình hạnh phúc, và một đứa bé sống trong gia đình mà ba mẹ thường hay cãi vả, mối bất hòa thường xuyên xảy ra.
    Đứa bé được sống trong một gia đình hạnh phúc, bố mẹ thương yêu nhau thì em sẽ thừa hưởng được những năng lượng lành này. Đối với em cuộc sống là niềm vui và gia đình là mái ấm thật sự. Còn ngược lại, ở trong gia đình là một cực hình vì phải nghe ba mẹ cãi vả nhau. Và khi lớn lên tâm tính của các em, cách hành xử của các em sẽ mang theo những dấu ấn mà người lớn đã vô tình trạm khắc trên tâm hôn bé thơ của em.
    Nếu được những dấu ấn của hòa ái, yêu thương thì các em sẽ hành xử với những người xung quanh theo cách hòa ái, yêu thương. Nếu những dấu ấn là bạo động, hận thù thì các em cũng sẽ hành xử với những người xung quanh theo phương thức hận thù và bạo động. Các em là nạn nhân của môi trường sống chung quanh em.
    Và các em này là ai? Các em này chính là chúng ta. Các em này là con chúng ta, là cháu chúng ta. Các em này chính là những người làm ta đau khổ.



    Hiểu được điều này thì tha thứ, yêu thương sẽ có mặt dễ dàng trong lòng chúng ta. Và chúng ta sẽ tha thứ được cho những người làm ta đau khổ. Điều này diễn ra một cách tự nhiên, không gò ép khi tuệ giác trên có mặt.
    Chúng ta không có khuynh hướng trừng phạt hay lên án nữa. Và ta muốn cho những người xung quanh ta có được một nếp sống hiền hòa, yêu thương.
    Bởi vì ta biết những gì ta suy nghĩ, nói hay làm đều để lại những dấu ấn trong lòng chúng ta và những người xung quanh ta.



    Ai cũng có lỗi lầm

    Vấp ngã rồi đứng lên

    Con thực tập tha thứ

    Cho con và cho người.


    Pháp Nhật

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách