Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Nhân dịp gs gốc Việt được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ, kể chuyện về hiệp sĩ ở Anh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Nhân dịp gs gốc Việt được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ, kể chuyện về hiệp sĩ ở Anh

    by music123 » Thứ 6 Tháng 1 14, 2022 1:19 pm

    Nhân dịp giáo sư Jonathan Van-Tam được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ, kể chuyện về hiệp sĩ ở Anh xưa và nay

    1/14/22

    Hình ảnh


    Mẫn Thục, London

    Theo thông lệ, mỗi năm Nữ hoàng Anh Elizabeth II sẽ phong tước Hiệp sĩ (với các cấp bậc khác nhau) cho những công dân Anh quốc – và cá biệt còn có thể có công dân các nước khác ngoài Anh – đã có đóng góp lớn đối với đất nước Anh. Lễ phong tước được tiến hành vào hai dịp trong năm: một lần vào lễ mừng Năm mới, một lần vào ngày sinh nhật của Nữ hoàng.

    Trong số những hiệp sĩ được phong tước vào dịp lễ mừng Năm mới 2022, giáo sư Jonathan Van-Tam, một người Anh có dòng máu Việt Nam, là một nhân vật gây được sự chú ý lớn. Tin ông được phong tước, từ khi được công bố trong danh sách ngày 31/12/2021, đã được lan truyền rộng rãi bởi báo chí Anh quốc và Việt Nam.

    Hình ảnh

    Giáo sư Jonathan Van-Tam (Ảnh: gov.uk)


    Từ sau khi được phong tước, ông Jonathan Van-Tam sẽ được gọi là Sir.

    Giáo sư Jonathan Van-Tam được gọi là “giáo sư người Anh gốc Việt” tuy nhiên nếu cẩn thận hơn có thể cho rằng ông là một người Anh có dòng máu Việt Nam, như cách một số báo chí quốc tế khác đề cập đến ông. Ông sinh ra ở Boston, hạt Lincolnshire, vương quốc Anh, có mẹ là người Anh và cha là một người Pháp gốc Việt. Cha của ông, Paul Nguyen Van-Tam, là giáo viên toán học tại trường trung học Boston Grammar School nơi ông theo học cấp 2 và 3. Và nếu như những thông tin sơ lược trên thoạt nhìn khiến ông có vẻ giống như mọi cậu bé có huyết thống Việt khác sinh ra, lớn lên, học tập và trưởng thành tại Anh, thì khi ngược dòng tìm hiểu sâu hơn về dòng dõi của ông, sẽ phát hiện vài thông tin đáng chú ý hơn.

    Ông Jonathan Van-Tam là cháu nội của cụ Nguyễn Văn Tâm, người có biệt danh Hùm xám Cai Lậy, giữ chức thủ tướng dưới quyền Quốc trưởng Bảo Đại từ tháng 6-1952 đến tháng 12-1953. Bác của ông Jonathan Van-Tam là Nguyễn Văn Hinh, sĩ quan người Việt đầu tiên được phong cấp Tướng ở thời kỳ Liên hiệp Pháp, cấp bậc Trung tướng không quân. Ông Hinh đồng thời cũng là Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội quốc gia Việt Nam trong thời gian từ năm 1952 đến 1954.

    Về phần mình, ông Jonathan Van-Tam, hoặc từ nay là Ngài Jonathan Stafford Nguyen-Van-Tam, là một chuyên gia về bệnh cúm ở Anh, ông được bổ nhiệm vị trí Phó giám đốc Y tế của Anh từ năm 2017. Ông, cùng với sếp của mình là giáo sư Chris Whitty – Giám đốc Y tế Anh, là một trong bốn chuyên gia y tế được phong tước lần này, vì những đóng góp trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.

    Theo nhận định của BBC, nếu không có đại dịch, hai ông Jonathan Van-Tam và Chris Whitty vẫn có thể được phong tước hiệp sĩ vì những cống hiến của họ. Trước đó, trong đợt gia phong đầu năm 1998, ông Jonathan Van-Tam đã được trao tặng danh hiệu MBE (Most Excellent Order of the British Empire). Thống kê từ BBC cho thấy, trong năm 2019, giáo sư Chris Whitty chỉ xuất hiện trong hai tin của BBC News, và cùng năm đó, đồng nghiệp của ông là giáo sư Jonathan Van-Tam chỉ xuất hiện trong một tin của BBC, về chiến dịch tiêm phòng cúm lớn nhất từ trước đến nay của nước Anh.



    Nhưng từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 tới nay, có một bước nhảy vọt trong số lần họ xuất hiện trên các tin của BBC: Whitty 599 tin, Van-Tam 238 tin.

    Trong mắt người dân nước Anh, uy tín và danh tiếng của ông Jonathan Van-Tam tăng mạnh nhờ những lần xuất hiện trong các cuộc họp báo của chính phủ để thông báo, cập nhật thông tin và giải đáp các thắc mắc về tình hình dịch bệnh. Ông được đánh giá là một người có lối nói chuyện duyên dáng, lý thú, thích dùng phép ẩn dụ, nhưng đưa được thông tin đầy đủ và dễ hiểu đến với người nghe. Ông cũng được ghi nhận vì nỗ lực tuyên truyền và mở rộng việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân Anh.



    TƯỚC HIỆU HIỆP SĨ: XƯA VÀ NAY

    HIỆP SĨ XƯA


    Khi nhắc đến từ “hiệp sĩ” người ta sẽ dễ hình dung ngay đến hình ảnh tìm thấy trong những bức tranh thời Trung cổ, hay những bộ phim khai thác đề tài lịch sử: một chàng trai châu Âu cường tráng, đội mũ giáp che gần kín gương mặt, mặc áo giáp bằng kim loại, trên tay cầm giáo dài, kiếm đeo bên hông, cưỡi trên một con ngựa cao lớn đang nhấc cao vó, phô bày tư thế oai hùng.

    Hình tượng này cũng không cách xa là mấy với thực tế khi hiệp sĩ đã trở thành một cấp bậc xã hội, được công nhận vào hàng ngũ quý tộc – dù ở cấp bậc thấp nhất, trong thời Trung cổ. Còn ở xuất phát điểm, khi họ chưa được thừa nhận như một cấp bậc xã hội, danh từ “hiệp sĩ” vốn được dùng để chỉ một chiến binh, sau đó là một tinh binh, và tiến hóa dần đến một chiến binh có ngựa. Phải từ thế kỷ thứ 10 trở đi, khi chiến tranh lan tràn ở châu Âu, địa vị của tầng lớp này mới được nâng cao. Hiệp sĩ khi đó là biểu trưng của đẳng cấp, và có tổ chức, được huấn luyện, được phong tước chính thức thay vì là chức nghiệp có tính tự phát như trước kia.



    Trên lý thuyết, ai cũng có thể trở thành một hiệp sĩ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội thời Trung cổ, khi vật liệu kim loại còn hiếm, và kỹ thuật luyện kim, rèn, đúc… không được nắm giữ trong tay nhiều người, có thể tưởng tượng độ khó của việc sở hữu vũ khí (kiếm, giáo, phủ, chùy,…) bằng kim loại, khiên, mũ sắt, áo giáp phủ toàn thân bằng sắt hoặc đồng (từ các mảnh kim loại ghép với nhau, cùng với các mảnh ghép bằng da thuộc, hoặc từ nhiều sợi xích sắt mắt nhỏ ghép thành), và một con ngựa chiến – vốn là những trang bị cơ bản mà một hiệp sĩ yêu cầu phải có đã trở thành một rào cản tự nhiên ngăn cản tầng lớp người nghèo trở thành hiệp sĩ như thế nào. Bởi vậy, tuy rằng những binh sĩ xuất thân bình dân nếu lập được những chiến công hiển hách trong chiến đấu cũng sẽ có cơ hội được phong làm hiệp sĩ, nhưng từ thế kỷ 12 trở đi, con đường đi đến danh hiệu hiệp sĩ dường như là con đường của nam giới có xuất thân quý tộc, hoặc là con em các gia đình giàu có. Và để được phong làm hiệp sĩ, các cậu bé trai đã phải theo một quy trình gồm ba giai đoạn: từ người hầu cho các lãnh chúa, người hầu riêng cho các hiệp sĩ và cuối cùng là giai đoạn huấn luyện toàn diện.

    Danh xưng Hiệp sĩ, trong quá trình phát triển của lịch sử, không chỉ biểu trưng cho tước hiệu hay địa vị (trong giới quý tộc), cho chức nghiệp (chiến đấu) mà còn biểu trưng cho phẩm tính một thanh niên quý tộc nên có, bởi vậy quá trình huấn luyện để trở thành một hiệp sĩ rất nghiêm khắc, và dài lâu, cũng như bắt đầu từ rất sớm.

    Từ khi sinh ra, trẻ em (trai) xuất thân từ các gia đình giàu có và quý tộc hay con cái các hiệp sĩ sẽ được những bà mẹ đỡ đầu thuộc giới quý tộc nuôi dạy trong các lâu đài đến năm bảy tuổi.

    Bắt đầu vào năm cậu bé 7 tuổi, cậu bé sẽ được gửi đến lâu đài hoặc pháo đài của một lãnh chúa, và trở thành một thị đồng (page). Ở đó, cậu bé sẽ được học cách cư xử, phép lịch sự, học cách giữ vệ sinh từ những người hầu nữ, học giáo lý và học thuật với các thầy tu và giáo sĩ, rồi sẽ được huấn luyện ban đầu bằng cách học săn bắn với thợ săn, cách thuần dưỡng chim ưng với người thuần ưng, và được dạy một số kỹ năng phụ khác như chăm sóc ngựa, cưỡi ngựa, cách sử dụng tất cả các loại áo giáp và vũ khí. Cậu bé cũng được làm quen với vũ khí, nhưng thường chỉ được mang kiếm và giáo bằng gỗ.

    Đến năm 14 tuổi, cậu bé sẽ đi theo hầu một hiệp sĩ, từ đó trở thành một hộ vệ, hay hỗ tòng kỵ sĩ (squire) Nhiệm vụ chính của cậu bé là bảo dưỡng, chăm sóc ngựa và binh khí cho hiệp sĩ mình theo hầu. Khi lớn thêm, cậu có thể được sở hữu một bộ giáp riêng, thay vì phải mượn. Cậu có thể tùy hầu hiệp sĩ đi săn bắn hoặc chinh chiến ở phương xa, thông qua đó, cậu được rèn luyện tính kiên nhẫn, tính hào hiệp và sự trung thành, và sẽ được hiệp sĩ hướng dẫn mình dạy cho về thuật chiến đấu, cũng như lòng dũng cảm. Khi hiệp sĩ bị thương, cậu có thể chiến đấu thay người đó, và nếu lập quân công cậu có thể được phong hiệp sĩ ngay trên chiến trường, tuy nhiên hầu hết đều phải trải qua vài năm tùy hầu và thông qua các khóa huấn luyện hoàn chỉnh mới được phong tước. Một trong những tiêu chuẩn cậu phải hoàn thành đó là thuần thục “bảy điểm linh hoạt” là sự kết hợp các đặc tính như nhanh nhẹn, cân bằng, phối hợp, phản xạ, tốc độ, sức mạnh và sức chịu đựng, nhờ đó cậu có thể mặc giáp mà vẫn thực hiện được lưu loát các hoạt động như bơi, lặn, nhảy xa, leo trèo, bắn tên, chiến đấu bằng vũ khí và đấu vật, thậm chí là khiêu vũ.



    Vào khoảng 18-21 tuổi, một khi đã thông qua mọi chương trình học, cậu bé – khi đó đã là một chàng trai trẻ- sẽ được vinh thăng hiệp sĩ thông qua lễ phong tước. Trước đó, cậu sẽ cầu nguyện cả đêm, xưng tội trước ngày phong tước trong nhà thờ. Rồi cậu tắm rửa sạch sẽ, mặc áo trắng và quần màu vàng, áo khoác tím, và tiến đến quỳ gối trên chiếc bục hay đôn trước mặt vua hay lãnh chúa, đọc lời thề kỵ sĩ rằng sẽ không bao giờ làm một đào binh. Người phong tước cho cậu sẽ đặt phẳng thanh kiếm lên vai cậu và đọc lời phong tước, rồi tuyên bố cậu đã trở thành một hiệp sĩ.

    Hình ảnh

    Bức tranh “The Accolade” của họa sĩ người Anh Edmund Blair Leighton minh họa cảnh phong tước hiệp sĩ thời Trung cổ. (Ảnh: Wikipedia)

    HIỆP SĨ NGÀY NAY

    Trong xã hội hiện đại, với sự thu hẹp đáng kể của thể chế phong kiến, và sự biến mất trên diện rộng của giới quý tộc, thì tước hiệu hiệp sĩ được ban như một loại hình vinh danh, gia tăng thêm vinh dự cho người được nhận hơn là mang lại những lợi lộc thực tế, và không được thừa kế. Những hiệp sĩ hiện đại được phong dựa vào cống hiến đáng kể của họ cho xã hội trên mọi phương diện từ quân sự, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, giải trí,.. Khi được phong tước, nếu là tước hiệp sĩ chính thức (KBE với nam, DBE với nữ) thì tên của họ sẽ được thêm vào từ “Sir” (ngài), nếu là phụ nữ thì là “Dame” (quý bà). Các tước phong có cấp bậc thấp hơn như CBE, OBE, hay MBE chỉ được ghi ký hiệu tước vị phía sau tên, không được dùng tiền tố tôn xưng Sir hay Madam, Tước chỉ đi với tên, chứ không đi với họ. Ví dụ như Elton John, có thể gọi là Sir Elton hay Sir Elton John chứ không bao giờ là Sir John. Vợ của những hiệp sĩ cũng có tước hiệu “Lady”, nhưng sẽ đi với họ của chồng. Ví dụ, vợ của Paul McCartney sẽ được gọi là Lady McCartney chứ không phải là Lady Paul McCartney hay Lady Heather McCartney.

    Nước Anh không phải quốc gia duy nhất có truyền thống phong tước hiệp sĩ, tuy nhiên danh hiệu hiệp sĩ Anh lại là danh hiệu được chú ý nhất.



    Nếu một người không phải công dân vương quốc Anh, các lãnh thổ thuộc Anh hoặc công dân khối Thịnh vượng chung có những đóng góp lớn cho sự phát triển của xã hội Anh trong một lĩnh vực nào đó, họ vẫn sẽ được phong tước, nhưng là tước Hiệp sĩ danh dự. Hiệp sĩ danh dự có thể thêm vào tước hiệu sau tên của mình, nhưng sẽ không được dùng danh xưng Sir hay Madam.

    Ngày nay, có nhiều dư luận cả bên trong và ngoài nước Anh cho rằng người dân Anh đã không quan tâm đến Hoàng gia Anh, hay giới quý tộc và các tước hiệu (có tính hình thức) này nữa. Đó cũng là một phần thực tế. Tuy nhiên, còn có một phần khác của thực tế, là vẫn có rất nhiều người Anh yêu quý Hoàng gia, và để ý đến các tin tức về giới quý tộc, cũng như coi trọng hoạt động phong tước hiệu thường niên cho những người có công tích này. Chẳng vậy mà khi cựu thủ tướng Anh Tony Blair, được phong tước hiệp sĩ cũng cùng đợt lễ mừng Năm mới 2022 với cấp bậc cao nhất (Order of the Garter) thì chỉ sau chưa đến một tuần, trên mạng đã khởi xướng thỉnh nguyện thu hồi và hủy bỏ tước hiệu của ông này, vì họ cho là ông không xứng đáng, với gần 900,000 chữ ký đồng thuận. Hoặc trong các lễ hội có tính tôn vinh truyền thống ở Anh, hình ảnh người kỵ sĩ, hiệp sĩ và giới quý tộc vẫn luôn xuất hiện, và được công chúng nhiệt tình đón nhận.

    Với những người muốn cắt đứt hoàn toàn với xã hội cũ, “hiệp sĩ” là một danh xưng biểu trưng cho một điều gì đó cổ hủ, lạc hậu, cho sự phân biệt giai cấp. Nhưng trong mắt những người yêu quý truyền thống, có lẽ hiệp sĩ chính là loại tinh thần, loại phẩm chất mà họ muốn thấy, muốn có, muốn bảo vệ và truyền lưu, là những tính cách và đặc điểm tốt đẹp nhất con người luôn hướng đến: tinh thần hào hiệp, thân thể khỏe mạnh, dũng mãnh trong chiến đấu và có khả năng ứng phó trong mọi hoàn cảnh, sự can trường, thanh lịch, hiểu biết, cùng với lòng chung thủy với bạn đời và luôn có sự tôn trọng, sẵn sàng bảo vệ phụ nữ hay kẻ yếu, trung thành và có đức tin mạnh mẽ.

    Hình ảnh

    Hình ảnh


    Kỵ binh Anh trong lễ hội Lord Mayor’s show. (Ảnh: Mẫn Thục)
    (Mẫn Thục, London.)



    Trang wiki về ông cũng đã cập nhật tên ông thành Sir Jonathan Stafford Nguyen-Van-Tam, theo cách viết trong các văn bản chính thức và cách gọi trang trọng.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 18 khách