Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Những thuyền nhân tị nạn muộn màng
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Những thuyền nhân tị nạn muộn màng

    by music123 » Thứ 4 Tháng 1 26, 2022 1:18 pm

    Những thuyền nhân tị nạn muộn màng

    1/26/22

    Nam Lộc

    Vâng, họ là những thuyền nhân tị nạn muộn màng, nhưng không tuyệt vọng, bởi vì vẫn có những tấm lòng nhân ái trên cuộc đời này. Gia đình của bà Trần Thị Lụa gồm bảy người, vượt biển bằng thuyền hai lần, vừa đặt chân đến bến bờ tự do, và được tổ chức VOICE Canada bảo trợ. Phi cơ chở bà cùng chồng là ông Nguyễn Long và ba người con, hai người cháu, đã đáp xuống phi trường quốc tế Toronto vào lúc 10 giờ tối Thứ Năm, 20 Tháng Giêng, trong cơn gió lạnh thấu xương, nhưng được những vòng tay yêu thương của đồng hương tại quốc gia “đất lạnh, tình nồng” này ôm ấp.

    Hình ảnh

    Gia đình bà Trần Thị Lụa vừa dọn vào căn nhà hạnh phúc nơi miền đất hứa, chung vui cùng các thành viên của VOICE Canada. (Hình: Nam Lộc cung cấp)

    Suốt từ nhiều năm qua, ngoài LHQ, thì chỉ có VOICE Canada là tổ chức đã đứng ra bảo trợ người tị nạn Việt Nam qua nhiều chương trình khác nhau, từ nhân đạo cho đến bảo lãnh tư nhân v.v…

    Cuộc hành trình tìm tự do của gia đình bà Trần Thị Lụa kéo dài suốt bảy năm trời trong gian khổ và nhục nhằn. Khởi đi từ Tháng Ba, 2015, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, chiếc tàu của gia đình bà Lụa trên đường đến Úc bị chặn lại trong vùng biển Timor. Vì sự thay đổi về chính sách của nước Úc đối với người vượt biển cho nên tất cả những người trên chiếc tàu đó bị thanh lọc và trả về Việt Nam cùng số phận với một số thuyền nhân khác đến Úc trước họ, trong đó có hai gia đình của bà Trần Thị Thanh Loan và bà Nguyễn Thị Phúc.



    Để trấn an các thuyền nhân bị hồi hương, bộ trưởng di trú Úc tuyên bố: “Nhà cầm quyền Việt Nam đồng ý và cam kết với chính phủ Úc là sẽ không bắt giữ hoặc giam cầm những người bị trả về, đồng thời hứa hẹn là sẽ không truy tố một ai, mà ngược lại, còn tạo công ăn, việc làm, đưa con em của quý vị trở lại trường học v..v…”

    Nhưng đến cuối Tháng Tám, 2015, Tòa Án Nhân Dân thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) tuyên phạt bà Trần Thị Thanh Loan và một thuyền nhân khác là bà Nguyễn Thị Liên mỗi người ba năm tù. Các ông Hồ Trung Lợi (chồng bà Loan) và Nguyễn Văn Hải mỗi người hai năm tù, các bị cáo phải nộp phạt 844 triệu đồng để sung vào công quỹ.

    Hình ảnh

    Ký giả Shira Sebban (hàng đứng, thứ ba từ phải) và cô Grace Bùi (bìa phải) chụp hình cùng các thuyền nhân tị nạn Việt Nam tại Úc. (Hình: Nam Lộc cung cấp)



    Tháng Chín, 2016, sau khi hết hạn tự do tạm để nuôi con nhỏ trong lúc chồng ở tù, bà Trần Thị Lụa bị Tòa Án Nhân Dân tỉnh Bình Thuận tuyên phạt 30 tháng tù giam vì tội tổ chức vượt biên! Trước sự kiện này, Thiếu Tướng Andrew Bottrell, chỉ huy trưởng lực lượng biên phòng Úc, lên tiếng tố cáo chính quyền Hà Nội nói dối với chính phủ Úc.

    Xúc động trước hình ảnh bốn mẹ con bà Trần Thị Thanh Loan đứng trước tòa án thị xã La Gi, bà Shira Sebban, một nữ ký giả người Úc (cũng là giáo sư đại học), đã cùng với Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Nhi, một thiện nguyện viên ở Úc, lập quỹ “GoFundMe” trên mạng, để quyên góp hầu cấp dưỡng cho bốn đứa con của bà Loan để các cháu được đi học cho đến khi vợ chồng bà mãn án. Quỹ này đã kết thúc sau khi đạt được mục tiêu 15,000 đô la Úc.



    Lo sợ trước viễn ảnh phải trở lại lao tù, bị tra tấn, hành hạ, ngày 31 Tháng Giêng, 2017, tức mùng 2 Tết Âm Lịch, cả ba gia đình, Trần Thị Lụa, Trần Thị Thanh Loan, và Nguyễn Thị Phúc, quyết định rủ nhau vượt biển lần nữa với dự tính tái nhập cảnh vào Úc. Sau 11 ngày hải hành, tàu của họ bị hư máy và bị cảnh sát Indonesia bắt giữ vào ngày 10 Tháng Hai, 2017, tại bờ biển Java.

    Ngày 22 Tháng Hai, 2017, thể theo lời yêu cầu của Bác Sĩ Nhi, cô Grace Bùi, một người Mỹ gốc Việt sống ở thành phố Seattle, Washington, nhưng tình nguyện sang Thái Lan tranh đấu và giúp đỡ người tị nạn Việt Nam từ nhiều năm qua và cũng là đại diện dự án hỗ trợ người Thượng tại Thái Lan, bay sang Jakarta để giúp các thuyển nhân làm hồ sơ xin tị nạn.

    Hình ảnh

    Ký giả Shira Sebban (thứ hai từ trái) chụp hình với ba thuyền nhân tị nạn Việt Nam. (Hình: Nam Lộc cung cấp)


    Ngày 20 và 21 Tháng Ba, 2017, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) phỏng vấn cả ba gia đình và xác nhận họ là “người đi tìm quy chế tị nạn.” Ngày 23 Tháng Năm, 2018, tất cả 18 người của gia đình này được UNHCR công nhận và cấp thẻ tị nạn. Một tuần sau đó, ngày 31 Tháng Năm, 2017, nữ ký giả Shira Sebban, cùng cô Grace Bùi và cô Hòa Ái (phóng viên đài Á Châu Tự Do-RFA) bay qua Indonesia để thăm viếng, giúp đỡ và an ủi họ.

    Ngày 5 Tháng Sáu, 2018, cô Grace Bùi trở lại Jakarta một lần nữa để can thiệp với UNHCR về các trường hợp của ông Trần Trung Lợi và Trần Văn Yên, sau cùng cơ quan Liên Hiệp Quốc cũng đồng ý cấp quy chế cho hai thuyền nhân này, nâng số xin tị nạn lên 20 người. Cả ba gia đình sau đó được chuyển đến tạm trú trong cao ốc Paramount Tildomiroto, thành phố Tangerang, tỉnh Banten, Indonesia.



    Lần thứ tư, cô Grace Bùi sang Indonesia là ngày 14 Tháng Mười Một, 2019, khi gia đình bà Trần Thị Lụa được nhân viên di trú tòa Đại Sứ Canada phỏng vấn.

    Trong thời gian này, tại Úc, ông Phạm Văn, trưởng nhóm, cùng các thành viên của Ủy Ban Bảo Trợ Người Việt Tị Nạn Queensland, phối hợp với Bác Sĩ Bùi Trọng Cường, chủ tịch BCH Cộng Đồng NVTD Queensland, tổ chức quyên góp tài chánh để bảo lãnh cả ba gia đình sang Úc định cư. Tuy nhiên, một lần nữa, chính phủ Úc từ chối đơn xin tị nạn của những thuyền nhân nêu trên. Nhận được tin không vui này, bà Shira Sebban tìm cách liên lạc và thông báo với Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải của Canada về những trở ngại trong việc bảo lãnh ba gia đình sang Úc. Ông Hải đã sốt sắng, yêu cầu tổ chức VOICE Canada vận động và tiến hành thủ tục xin định cư họ qua chương trình bảo trợ tư nhân.

    Hình ảnh


    Đồng hương Việt Nam tại Toronto, Canada, đón tiếp gia đình bà Trần Thị Lụa tại phi trường. (Hình: Nam Lộc cung cấp)
    Ngay sau khi VOICE Canada đồng ý bảo lãnh toàn bộ 20 thành viên của ba gia đình này, cộng đồng người Việt tự do ở Úc chuyển ngân khoản 31,000 đô la Úc (tương đương $22,330) quyên góp được cho VOICE Canada để đóng góp một phần nào chi phí đòi hỏi. Sự cộng tác giữa VOICE Canada, VOICE Australia, Ủy Ban Bảo Trợ Người Việt Tị Nạn Queensland, cùng với Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu, nói lên tinh thần đoàn kết và tình người viễn xứ, để cùng nhau xây dựng một cộng đồng người Việt hải ngoại ngày càng tốt đẹp và lớn mạnh.

    Ông Đỗ Kỳ Anh, đại diện VOICE Canada, phát biểu: “Trong những ngày sắp tới, VOICE Canada cùng các thiện nguyện viên sẽ hết lòng trợ giúp đồng bào tị nạn hội nhập vào cuộc sống mới để họ sớm tự lực cánh sinh và sẽ không trở thành gánh nặng của xã hội.”



    Cần nhấn mạnh ở đây là, chính ý chí tự lập của hầu hết đồng bào tị nạn Việt Nam được tổ chức VOICE Canada bảo lãnh từ nhiều năm qua khiến chính phủ Canada dành nhiều thiện cảm và tiếp tục mở rộng vòng tay đón nhận người Việt đến định cư tại quốc gia này. Điển hình là tất cả bốn thành viên trong tuổi lao động của gia đình bà Nguyễn Thị Phúc, từ Indonesia đến Toronto vào Tháng Mười Hai, 2021, đều đã có công ăn, việc làm chỉ sau chưa đầy một tháng định cư tại Canada.

    Khi bài này được đăng báo, được biết, ông Nguyễn Long, chồng bà Lụa, đã có việc làm từ 23 Tháng Giêng. Còn bà Lụa sẽ đi làm tại xưởng sản xuất phụ tùng xe hơi ngày 26 Tháng Giêng.

    Mọi người đều tin tưởng rằng, chẳng bao lâu nữa, chính họ sẽ trở thành những người bảo trợ cho các đồng hương khác đang mòn mỏi đợi chờ nơi mảnh đất tạm dung ở Thái Lan, bởi vì trên cuộc đời này vẫn có những tấm lòng nhân ái và quan tâm đến những người tị nạn muộn màng. [đ.d.]
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 24 khách