Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Xuân này con sẽ về
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 50141
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Xuân này con sẽ về

    by music123 » Thứ 7 Tháng 1 29, 2022 7:45 am

    Xuân này con sẽ về


    1/29/22

    Hình ảnh

    Từ màn ảnh camera tôi thường thấy ba tôi ngồi đó trên chiếc ghế mây trong phòng khách nhìn xa xăm ra phía trước sân nhà. (Hình: Ngân Hà Nguyễn cung cấp)

    Giấc ngủ chập chờn, ba tôi tỉnh hẳn khi nghe tiếng động. Ngay lập tức ông ngồi dậy hỏi:

    -Ai đó?

    -Dạ thưa con. Con Vũ đây.

    -Con làm gì mà giờ này chưa về ngủ?

    -Thưa ông, trời nóng quá ông ơi. Con ngủ không được, con đi quanh ghé thăm chừng ông ngoại ngủ chưa.

    -Mầy làm tau giật mình. Tau đang thấy chiêm bao Tết năm nay tụi nó về quê ăn Tết đông đủ.



    -Ông ơi! Tình hình này không ai đoán được ngày mai đâu ông. Bây giờ các nơi đều bị cách ly ông ạ.

    -Chuyện gì? Đâu phải thời chiến mà giới nghiêm, cách ly?

    -Ông ơi, COVID-19 còn hơn thời chiến nữa đó ông. Hồi xưa con nghe mẹ con nói: “Chạy giặc.” Chứ bây giờ giặc COVID-19 như ma hiện hồn, không biết đâu mà tránh. Gần như cả thế giới đều là nạn nhân của dịch COVID-19 đó ông?

    -Mà ai gây ra chuyện này?

    -Có Trời mới biết ông ơi. Chưa ai tìm ra được nguyên nhân. Mình chỉ biết đề phòng lây nhiễm và cầu ơn trên phò hộ. Nhưng ông yên chí. Con nghe mấy dì nói nếu COVID-19 giảm xuống, sự đi lại không còn trở ngại nữa, mấy dì, mấy cậu sẽ bay về thăm ông liền.

    -Có thật không con? Vậy mà ông nghĩ chắc tụi nó chờ ông chết rồi mới về…



    Rồi ông chậm rãi bước đến cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Cành lá đong đưa qua lại dưới ánh đèn lờ mờ bên kia đường chiếu sang, lẩn với bóng đêm chập chờn và tiếng côn trùng kêu rả rích, như chia sẻ với tâm tư của ông trong tuổi già bóng xế, ông được về quê sống bên cạnh bà con họ hàng, mồ mả ông bà, nhà thờ tộc họ là nguyện vọng ở những ngày cuối đời của ông. Nhưng sao, ông vẫn cảm thấy toàn những ngày cô đơn hiu quạnh.

    Con cháu của ông đều ở bên kia đại dương. Thời gian gần đây ông không thấy đứa nào về, ông nghĩ “Chẳng lẽ chúng nó mãi mê theo đuổi cái hư ảo của cuộc đời mà quên ông sao?”

    Nhưng rồi ông ngẫm nghĩ mà thông cảm cho con mình, vì ông cũng đã từng say mê đấu tranh trong cuộc sống để có được những gì mà họ có cho các con của ông.

    Hình ảnh

    Nhìn ra sân, ba biết là Thu đã về và nhớ đến mẹ chúng tôi. (Hình: Ngân Hà Nguyễn cung cấp)


    Đến tuổi già dù muốn hay không, ông cũng phải buông bỏ mọi thứ từ mấy chục năm trước. Ông đứng đây một mình với cảnh vật thôn quê về đêm bốn bề yên lặng. Ông càng nhớ đến tuổi thơ với ruộng dâu xanh biếc dọc theo bờ sông Thu hiền hòa, trong sạch, những bông bí vàng rực rỡ đã gắn bó cùng ông chịu đựng sóng gió của cuộc đời qua hai cuộc chiến.

    Rồi ông nhớ đến anh em họ hàng trong tộc và bạn bè cỡ tuổi ông đã mất đi từ nhiều năm trước, lòng ông chùng xuống: “Nam Mô A Di Đà!”



    Chúng tôi trong hoàn cảnh hiện tại không thể nào về thăm ông. Hằng ngày tôi nhìn qua màn ảnh của camera để theo dõi việc sinh hoạt của ông, tôi rất xót xa khi thấy ông tiều tụy hẳn so với bốn năm trước (2017) lúc ông trở lại Mỹ thăm chị em chúng tôi.

    Ông đi đứng khó khăn, chậm chạp, nhớ nhớ quên quên. Khi nhớ thì ông hỏi thăm người này, người kia. Khi quên thì ông trầm tư nghĩ ngợi… Có lần ông nhìn lên bàn thờ rồi xúc động, ông nói trong nước mắt: “Ba không ngờ các con còn giữ được nguyên vẹn cái bàn và tủ thờ cẩn xà cừ cổ xưa mà ba quý nhất. Hình ảnh ông bà đó. Bây giờ ba không đi đâu nữa hết. Ba ở đây cho đến cuối đời. Cám ơn các con đã lo cho ba đầy đủ.”

    May mắn thay trước khi dịch COVID-19 bùng nổ, chúng tôi rất khó khăn tìm người chăm sóc cho tuổi già của ba tại Sài Gòn. Do đó có lẽ ơn trên đã dẫn dắt cho em gái tôi và chị họ tôi đưa ba tôi về quê sống cuối đời theo nguyện ước của ông.

    Ba tôi năm nay đã qua tuổi 90. Ông vẫn còn tỉnh táo để cảm nhận được ông đang ở tại quê nhà nơi chôn nhau cắt rốn của mình mà ông không ngờ tới. Nơi đây ông đã dốc hết tâm huyết cùng với bà con, họ hàng trong tộc tu bổ lại nhà thờ tự, đình, chùa, và nghĩa trang gia tộc từ lâu. Ông mãn nguyện lắm!



    Ông vui với những ngày đầu tiên mới về, nhưng rồi cũng không tránh khỏi nỗi buồn xa vắng, ông cô đơn với tuổi già hiu quạnh.

    Từ màn ảnh camera tôi thường thấy ba tôi ngồi đó trên chiếc ghế mây trong phòng khách nhìn xa xăm ra phía trước sân nhà, không biết ông đang nghĩ gì. Ông có còn bâng khuâng trong nắng chiều tím nhạt, hay còn vương mây trời bàng bạc rơi xuống dòng sông, đã gợi cho ông hoài niệm về quá khứ rồi buồn trong cảnh chiều tịch liêu?

    Tôi xót xa bấm vội điện thoại lên hỏi:

    -Ba đang nghĩ gì đó?

    -Tổ cha mầy! Ba đang nghĩ cái đầu mầy! – Ba tôi thường mắng yêu tôi như thế và ông nói tiếp: Làm sao con biết ba đang nghĩ gì?

    -Dạ con đoán.

    -Ba quên mất đám giỗ mẹ con rồi con ơi! Ba lú lẫn rồi, ba không còn biết ngày tháng nữa rồi con ạ!

    -Không phải ba quên đâu. Ba vẫn còn minh mẫn lắm! Ba nhắc đến đám giỗ mẹ con tức là ba đang nhớ. Còn ba tuần nữa ba ạ!

    -Ờ hỉ! Tại ba thấy lá xanh đã đổi màu, và gió đùa với cành cây trước ngõ.



    Ba biết là Thu đã về và nhớ đến mẹ chúng tôi… Ông nói tiếp:



    -Mẹ của chúng con đã rời thế gian này cũng trong tiết trời vào Thu. Người còn quá trẻ nằm hắt hiu một mình trong nhà thương Duy Tân chờ ba và chúng con về, nhưng chưa kịp thì mẹ con đã xuôi tay!

    Hình ảnh

    Hơn bốn mươi năm qua tôi hằng mơ ước được trở về để hưởng một cái Tết đoàn tụ nơi quê nhà. (Hình minh họa: Vinh Tran/Pixabay)


    Ông ngừng một chút rồi từ từ nói tiếp:

    -Thấm thoát mà đã gần 60 mùa Thu theo dòng thời gian như mây bềnh bồng trôi mãi…

    Rồi ông im lặng đưa mắt về hướng sông Thu như tìm về quá khứ xa xưa của một thời tuổi trẻ… Ôi thật xót xa! Ơn nghĩa sinh thành lòng quặn đau…

    Tâm trạng làm con, tôi cảm thấy bất hiếu với ba tôi quá, tôi đã không quý trọng thời gian lúc ông ở bên cạnh tôi vì cứ mãi chạy theo công việc mà quên ông. Tôi đi sớm về khuya, ông ngồi nhà trông ngóng, có hôm ông ra ngồi ngay trước cửa chờ chúng tôi về.

    Rồi theo dòng đời trôi nổi, tuổi già không thể níu kéo được nếp gấp thời gian. Tóc ba tôi cũng đã điểm dần hoa tuyết, vết tàn nhang từ từ lộ diện, ba tôi không lái xe được nữa, mắt kém dần và ông thường nhắc đến: “Tuổi đời của ba càng ngày càng ngắn! Ba ở đây thêm chẳng ích lợi gì cho chúng con!”

    Thế là ba tôi về Việt Nam không chịu qua lại Mỹ. Kể từ đó tôi không còn cơ hội để cận kề báo hiếu. Thương và tiếc nhớ đến ba tôi quá! Nhớ bao nhiêu công lao ba tôi đã gian khổ với đời trong thời chiến để chăm lo dạy dỗ chúng tôi ăn học nên người, nhất là trong thời gian chị em chúng tôi mồ côi mẹ khi còn rất nhỏ: “Vời vợi non cao ơn dưỡng dục/ Mênh mông biển rộng đức sinh thành.”

    Cứ mỗi lần nhớ đến ông, tôi nhìn vào camera vẫn thấy ba tôi ngồi đó. Hình như ông không màng tới ánh nắng cuối ngày như đang đuổi bóng đêm sắp bao trùm vạn vật. Và cũng không buồn phiền vì những người chung quanh làm trái ý ông.

    Nhưng hằng ngày ông buồn vì cô đơn vắng bóng con cháu bên cạnh.

    Ông ngồi yên lặng như nhà tu thiền trong tự viện.

    Ôi thật tội nghiệp! Tôi cố nén lòng mà đôi mắt thấy cay cay.

    Ba ơi ba, lời bài hát “Tình Cha” của nhạc sĩ Ngọc Sơn đang thấm vào tim não của con: “Tình cha ấm áp như vầng thái dương. Ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn. Suốt đời vì con gian nan. Ân tình đậm sâu bao nhiêu. Cha hỡi! Cha già dấu yêu. Những lời của cha năm xưa. Con nguyện ghi sâu trong tim. Cha hỡi! Cha già dấu yêu…”

    Tôi xót xa gọi nữa: “Ba ơi! Ba đi nghỉ. Ba ngồi đó mãi dễ bệnh lắm! Con đang nhớ đến ba mà không về thăm được, con thương ba lắm!”

    Dường như ông cũng khóc! Một người cha nghiêm khắc thuở xưa tưởng chừng như không bao giờ mềm lòng trong bất kỳ trường hợp nào, nhưng ông đang mếu máo: “Gần Tết rồi con ạ! Ba chờ các con! Phải về nhá. Các con không về ba buồn lắm con ơi!”

    Tôi lại đùa “Xuân này con không về,” nhưng trong lòng như tràn ngập mưa tuông!

    -Ba ơi! Trong lòng con luôn nguyện cầu sớm chấm dứt dịch COVID-19 để Xuân này con sẽ về bên ba.

    -Nhất định nghe con.

    -Dạ!

    Hơn bốn mươi năm qua tôi hằng mơ ước được trở về để hưởng một cái Tết đoàn tụ nơi quê nhà, bên bàn thờ tổ tiên, bên bà con họ hàng thân tộc rộn ràng Ba Mươi Tết cúng rước ông bà. Tiếng chuông chùa ngân vang trong đêm Giao Thừa làm tan đi màn đêm tịch mịch mà trong bóng đêm tôi tưởng tượng được sự linh hiển của đấng thần linh đang nghe thấy lời cầu nguyện của con người đặt lòng tin vào cõi trên.

    Đêm Ba Mươi Tết, người người tôn nghiêm quỳ lạy trước cửa nhà với mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh tét, hộp mứt theo truyền thống để dâng hương cầu nguyện sang năm mới được dồi dào sức khỏe, vạn sự bình an và may mắn suốt năm.

    Trên bàn thờ nhà nào cũng có một bình hoa với khói hương nghi ngút đón chào năm mới theo truyền thống. Một nét văn hóa đặc sắc, một ý nghĩa sâu xa của ngày Tết Nguyên Đán mà ai ai đi xa cũng muốn quay về. (Ngân Hà Nguyễn) [qd]
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 8 khách