Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Người Việt ở PA tất bật đón Tết, dù miền Đông tuyết phủ January 31, 2022 Facebook Twitter Email Print Trà Nhi
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Người Việt ở PA tất bật đón Tết, dù miền Đông tuyết phủ January 31, 2022 Facebook Twitter Email Print Trà Nhi

    by music123 » Thứ 2 Tháng 1 31, 2022 7:03 am

    Người Việt ở Philadelphia tất bật đón Tết, dù miền Đông tuyết phủ

    1/31/22

    PHILADELPHIA, Pennsylvania (NV) – Không khí lễ Tết ở miền Đông Hoa Kỳ tuy không đông vui và nhộn nhịp như ở Little Saigon, miền Nam California, nhưng trong mùa Đông khắc nghiệt ấy, các gia đình gốc Việt ở Philadelphia, Pennsylvania, vẫn luôn tất bật chuẩn bị đón Tết không thiếu thứ gì, để giữ gìn truyền thống và hoài niệm “hình bóng quê nhà” dịp Xuân về.

    Hình ảnh

    Bà Lê Trần (giữa) cùng gia đình sum họp dịp Tết 2021. (Hình: Lê Trần cung cấp)

    Cái riêng của Tết miền Đông

    Giáp Tết, trái ngược với không khí rộn ràng nắng Xuân ở Little Saigon, nơi có đông cư dân gốc Việt nhất hải ngoại, các tiểu bang xa ít người Việt, đơn cử như ở miền Đông thì có phần ảm đạm hơn khi thời tiết có khi xuống dưới âm độ C.

    Mặc dù chịu thời tiết băng giá và ngày nắng thì đếm trên đầu ngón tay, nhưng cư dân ở Philadelphia, thành phố lớn nhất Pennsylvania và là nơi có đông người Việt nhất tiểu bang, đón Tết theo cách rất riêng.



    Bà Lê Trần, ở Harleysville, cách Philadelphia gần 1 tiếng lái xe, trải qua 14 năm ăn Tết ở Pennsylvania nên cũng quen với những mùa “Tết tê tái.”

    “Cũng như tất cả người Việt sống tha hương, Tết đến là dịp để con dân Việt nhớ đến cội nguồn, tổ tiên. Chúng tôi ở Pennsylvania miền Đông nước Mỹ, Tết đến vào khoảng Tháng Hai dương lịch nên thời tiết lạnh lẽo, có năm bị tuyết “ngập tràn” nên không khí Tết không vui nhộn, rộn ràng như California hay Texas,” bà kể.



    “Nếu Mùng Một Tết mà đúng ngày cuối tuần thì vui vẻ, ở nhà cúng kiến quây quần gia đình với nhau hay ghé thăm chúc Tết bạn bè. Còn nếu vào ngày trong tuần thì vẫn đi làm bình thường, gia đình sum họp vào cuối ngày,” bà thêm.

    Bà Lê quê ở Bến Tre nên mỗi dịp lễ Tết là bà thường trổ tài nấu các món miền Tây dân dã nhưng cũng không kém phần bắt mắt để cúng và để con cháu tụ họp thưởng thức

    “Mẹ chồng tôi nấu xôi và các loại chè thì miễn chê,” chị Hương Lê, con dâu bà Lê tấm tắc khen.



    Chị Hương cũng chia sẻ thêm là người dân nơi đây thường đi chợ vào dịp cuối tuần và chia thực phẩm để nấu cho cả tuần chứ hiếm khi ra ngoài ăn uống dù cũng có một vài nhà hàng Việt Nam.

    “Thậm chí các món nước như phở, bún bò, hủ tiếu thì chúng tôi cũng tự nấu luôn. Còn nếu làm biếng thì ra ngoài ăn dịp cuối tuần hay các ngày nghỉ lễ,” chị Hương cho hay.

    Ở Pennsylvania cũng như các tiểu bang miền Đông không khí Tết chỉ bắt đầu nhen nhóm vào cuối tuần gần Giao Thừa.

    Hình ảnh

    Tuy ăn Tết bên miền Đông không vui như nơi khác nhưng gia đình bà Lê Trần luôn chuẩn bị cúng chu đáo. (Hình: Lê Trần cung cấp)



    Bà Lê cũng nói thêm là mọi người chuẩn bị Tết khá trễ so với những nơi đông đúc người Việt nhưng cũng rất đầy đủ vì chợ có đầy đủ mọi thứ.

    “Thường thường, tiểu bang tôi ở thì cuối tuần cận Tết mới đông đúc người đi chợ mua sắm bánh mứt, đồ ăn thức uống chuẩn bị Tết. Trước và sau ngày đưa ông Táo vẫn còn thưa thớt lắm. Thành phố Philadelphia cách nhà chúng tôi khoảng một tiếng lái xe, có một vài chợ Việt Nam cũng bán đầy đủ bánh mứt các loại, bánh chưng, bánh tét, dưa hấu, củ kiệu…,” bà Lê cho hay.



    Tết, ngoài đồ ăn cúng Tết thì không thể thiếu hoa mai, hoa đào trang trí cho đúng điệu không khí mừng Xuân.

    Tuy nhiên, vì là tiểu bang có thời tiết băng giá nên việc chuẩn bị hoa trưng Tết cũng có nét riêng của nó.

    Anh Quân Bùi, con trai bà Lê, vừa khoe mới cắt các nhánh mai sau vườn để chuẩn bị Tết.

    “Đây là cây ‘Forsythia’ có hoa màu vàng như hoa mai Việt Nam nơi quê nhà. ‘Forsythia’ còn gọi là “hoa mai Mỹ” hay “hoa đầu Xuân.” Bên miền Đông thời tiết lạnh nên chúng tôi phải cắt nhánh mai, mặc dù lúc này đang rụng hết lá, trước khoảng 10 ngày, ngâm trong bình nước ấm thì ngày 30, Mùng Một, hoa mới nở đều và đẹp được. Tiểu bang lạnh muốn thưởng thức sắc hoa thì cũng “cực khổ” hơn các miền nắng ấm khác,” anh Quân nói.

    Tuy việc chuẩn bị hoa hơi nhiêu khê vì không có chỗ chuyên bán hoa trưng Tết nhưng nhìn cảnh ra bờ rào sau vườn “cắt nhành mai” chuẩn bị đón Tết truyền thống cũng “rạo rực “ trong lòng mỗi người con xa xứ.

    Hình ảnh

    Anh Quân Bùi cắt các nhành mai để ngâm nước nóng 10 ngày trước Tết để mai kịp ra hoa mừng Xuân. (Hình: Quân Bùi cung cấp)

    Dịch bệnh khiến Tết miền Đông càng thêm buồn

    Ông Johnny Nguyễn, sống ở Telford, phía Bắc Philadelphia, cũng gần 15 năm, cho biết luôn cúng Tết bài bản vì đó là truyền thống người Việt.

    “Mọi năm vào ngày 23 Tháng Chạp, chiều đi làm về là tôi cúng đưa ông Táo, cũng đĩa trái cây đơn sơ, bình trà, đĩa muối gạo và đĩa bánh thèo lèo. Rồi chiều 30 Tết rước ông Táo về cũng cúng như vậy,” ông Johnny từ tốn kể.



    Ông tiếp: “Trưa 30, gia đình tôi cúng rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết, cũng bánh mứt trái cây, trà rượu. Thức ăn thì thịt kho tàu, canh khổ qua dồn thịt…. Đêm 30 vào giờ khắc Giao Thừa, cúng ngoài sân mừng năm mới đến với trà rượu, bánh chưng, bánh tét, đĩa muối gạo. Trái cây thì cúng “cầu dừa đủ xài “ như dân gian từ trước đến nay, nhưng mấy năm sau này tôi không cúng dừa nữa vì “dừa đủ” là không có dư, mình muốn cuộc sống đầy đủ hơn nên cúng “cầu đủ xài! Chiều Mùng 3 Tết cũng bày biện thức ăn, đồ cúng đầy đủ để tiễn đưa ông bà, tổ tiên sau ba ngày Tết.”

    Vừa kể ông vừa lục lại trong kho hình điện thoại để khoe những tấm hình chụp cúng Tết những năm qua.

    Ông chia sẻ thêm: “Việc cúng kiến những ngày Tết gia đình người Việt nào cũng cúng, còn cúng như thế nào tuỳ hoàn cảnh, tục lệ mỗi miền lúc còn ở Việt nam. Quan trọng là thành tâm tưởng nhớ đến các bậc tiền hiền, gia đình sum họp đầm ấm là ý nghĩa trọn vẹn, không nên câu nệ hình thức rườm rà.”

    Ông cho biết thêm rằng gia đình ông thường đi hai chùa lớn nhất khu đó là Chùa Linh Quang, và Thiền Viện Minh Đăng Quang vì có tổ chức lễ hội chợ Tết mỗi năm.

    “Đầu năm gia đình chúng tôi cũng đi lễ chùa, tham gia hội chợ Tết. Nhưng hai năm rồi thì nơi đây ảm đạm lắm vì năm 2021 vừa qua do dịch bệnh COVID-19 nên hoạt động lễ Tết tạm ngưng. Sang đến 2022 thì chùa cũng không tổ chức hội chợ vì dịch vẫn còn hoành hành,” ông cho hay.

    Hình ảnh

    Bàn cúng Giao Thừa Tết năm rồi của gia đình ông Johnny. (Hình: Phương Bùi cung cấp)



    Chị Phương Bùi, con dâu ông Johnny, cũng than rằng Tết bên miền lạnh đã buồn mà gặp dịch bệnh thì càng thêm thê lương.

    “Vợ chồng tôi năm nào cũng đi chùa và hội chợ Tết cùng các con vào Mùng Một hoặc Mùng Hai nhưng năm rồi thì buồn hiu vì chùa không tổ chức gì hết. Năm nay tôi sắm áo dài cho các bé rồi nhưng chắc chỉ chụp hình ở nhà thôi chứ chùa không có lễ hội do dịch bệnh ở Pennsylvania vẫn còn căng thẳng,” chị Phương thở dài.

    Nỗi niềm Tết tha hương

    Em An Nguyễn, sang Philadelphia du học hơn hai năm tại đại học Temple University, vẫn man mác nhớ những lần đón Tết tại quê nhà. Tuy Tết bên miền Đông khó sánh bằng Việt Nam nhưng phảng phất một chút không khí lễ còn hơn không.

    “Tại miền Đông Hoa Kỳ xa xôi lạnh lẽo có ít người Việt sinh sống, mỗi dịp Tết đến, dù ít hay nhiều, em vẫn thấy vui vẻ và rất trân quý khoảnh khắc đón Tết bên cạnh gia đình họ hàng,” nữ sinh viên tâm sự.



    Ngẫm nghĩ một lúc, em bộc bạch: “Không khí chuẩn bị Tết ở nơi này có hơi muộn nhưng không có nghĩa là không vui. Khoảnh khắc em cùng mọi người dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua đồ Tết, nấu nướng, phụ cúng kiếng, hay đi chùa xin lộc đầu năm đã xua tan phần nào nỗi nhớ nhà và cô đơn của du học sinh. Đó thực sự là những giây phút ấm lòng cho dù thời tiết nơi đây là âm độ C và tuyết thì cứ ghé đến một lần một tuần.”

    Hình ảnh

    Em An Nguyễn chụp hình ở Chùa Linh Quang năm 2020 trước khi COVID-19 bùng phát. (Hình: An Nguyễn cung cấp)


    Em An cũng cho biết thêm, em cũng thường đi hai chợ châu Á gần nhà là J-Mart và Assi, luôn bán đủ thực phẩm thuần Việt, đặc biệt chợ luôn chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, thức uống cho đến bao lì xì, cành hoa mai, hoa đào, những vật dụng trang trí nhà cửa…để phục vụ cư dân đón Tết.

    Em kể thêm là vào cuối tuần cũng thường hay lui tới nơi tập trung cộng đồng gốc Việt ở ngay lòng thành phố Philadelphia, vì nơi đây cũng có vài chợ mà chủ là người Hoa và người Việt như chợ Bến Thành, Hùng Vương…



    “Những ngày cận Tết, em thấy lượng khách người Á Châu đến các chợ cũng đông hơn hẳn. Bên cạnh đó, em cũng có dịp viếng thăm hai ngôi chùa lớn tại đây. Khi đến chùa em gặp nhiều đồng hương người Việt. Họ mặc áo dài khăn đóng và chụp hình bên những cành mai đào. Hình ảnh đó chẳng khác gì ở Việt Nam,” cô bé hào hứng kể.

    “Dù chỉ mới đón hai cái Tết Nguyên Đán ở nơi xứ người, nhưng em đã trải qua những cung bậc cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Phần buồn, phần cô đơn vì không được đón Tết bên cạnh ba mẹ và em trai nhưng thật may mắn khi Pennsylvania vẫn mang đến cho em cảm giác ấm lòng, hạnh phúc và vui vẻ,” em An cho hay.

    Ông Thanh Nguyễn, sống luân phiên giữa Philadelphia và Virginia Beach, thuộc tiểu bang Virginia, cho hay những năm đầu qua Mỹ chưa quen lắm vì cô đơn.

    “Những năm đầu ở Mỹ, buồn lắm vì nhớ nhà, bạn bè, người thân… Cuối năm là lúc nhớ nhà nhất, vì mọi thông tin, hình ảnh về không khí chuẩn bị đón Tết ở Việt Nam tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội. Nơi tôi thì cộng đồng người Việt ít nên chúng tôi chỉ tụ tập thành nhóm, tổ chức các hoạt động chung, cùng nhau chuẩn bị đón Tết.”

    Sống ở Virginia được sáu năm thì ông chuyển sang sinh sống ở Santa Ana, miền Nam California hai tháng vừa rồi.

    Từ miền Đông xa xôi lạnh lẽo, về đến miền Tây nắng ấm chan hoà cùng quây quần bên cộng đồng đông đảo người Việt ở Little Saigon, ông Thanh thấy cũng an ủi phần nào.

    “Little Saigon thật nhộn nhịp! Trước Tết một tháng mà đã kẹt xe ở đường Bolsa, và giáp Tết thì càng đông đúc hơn vì mọi người đi chợ hoa Phước Lộc Thọ cùng ăn uống, mua sắm…Đúng là California vui thiệt, cứ như Việt Nam. Tôi vừa đi chợ đêm Phước Lộc Thọ tối qua, ôi không khí hội chợ Tết cứ rần rần y như quê nhà,” ông phấn khởi cho hay.

    Hình ảnh

    Một góc bánh mứt cúng Tết được trưng ở chợ J-Mart, Philadelphia, chuyên bán đồ ăn Á Châu, đặc biệt là đồ Việt. (Hình: An Nguyễn cung cấp)



    Ông cười vui kể về sự khác biệt “một trời một vực” về Tết nơi xứ lạnh và Little Saigon.

    Rồi, ông trầm ngầm với “giây phút chạnh lòng.”

    “Vui vậy thôi, nhưng cũng qua nhanh…vì nỗi buồn lại ùa về do tôi sống một mình, như nhà thơ Thế Lữ từng viết ‘rũ áo phong sương trên gác trọ, lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang,’” ông Thanh tâm sự.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 29 khách