Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
CA:Gia đình gốc Huế và cách ăn Tết ‘rất Huế’
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    CA:Gia đình gốc Huế và cách ăn Tết ‘rất Huế’

    by music123 » Thứ 5 Tháng 2 03, 2022 3:57 pm

    Gia đình gốc Huế và cách ăn Tết ‘rất Huế’ ở Bắc California

    2/3/22

    ELK GROVE, California (NV) – “Mỗi độ Xuân về, quê mình rộn rịp từ rằm Tháng Chạp, cho đến sau ngày đưa Ông Táo về Trời là coi như Tết đến rồi. Từ ngày đoàn viên, gia đình mình giữ nguyên truyền thống ấy.”

    Hình ảnh

    Gia đình chị La Hạnh Thảo trước một “góc Tết” tự làm sau nhà. (Hình: La Hạnh Thảo cung cấp)

    Chị La Hạnh Thảo, một phụ nữ gốc Huế, cho hay như vậy khi chúng tôi ghé thăm ngôi nhà tràn ngập không khí Tết của gia đình chị ở thành phố Elk Grove, cách thủ phủ Sacramento khoảng 25 phút lái xe, miền Bắc California.

    “Ăn Tết” từ sau ngày 23 Tháng Chạp

    Nhìn từ cửa chính ngôi nhà, ai cũng nhận ra Tết đã đến với gia đình chị Thảo. Bình hoa mai-đào kết hợp rực rỡ đặt trước cửa nhà, bên trên là hai câu đối “Chúc Mừng năm Mới – Tấn Tài Tấn Lộc.”

    Bước vào nhà, mùi hương tràn ngập. Vợ chồng chị đang chuẩn bị cúng đưa Ông Táo về Trời.



    Ở một góc bếp, chị Thảo đang bày biện bốn dĩa thức ăn gồm cả đồ chay lẫn đồ mặn. Rồi còn có xôi, chè, trái cây, giấy vàng mã,… Chỉ tô chè trôi nước có hình ba con cá chép, chị Thảo cười, nói: “Thay vì làm những viên chè, mình nặn hình tượng cá chép, là phương tiện đưa Ông Táo lên Thiên Đình.”

    Hình ảnh

    Chị Thảo bên mâm cúng trong ngày đưa ông Táo về Trời, 23 Tháng Chạp. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


    Ở sân sau nhà chị Thảo có nguyên một “góc Tết” gồm đầy đủ trái cây, bánh mứt, như một gian hàng Tết.

    Anh Tuấn Trương sẵn sàng trong trang phục áo dài truyền thống, lăng xăng giúp vợ.



    Vừa nhắc chồng rót rượu chuẩn bị “đưa Ông Táo” chị quay sang kể tiếp: “Mình không thể nào quên không khí Tết quê nhà. Sự nhộn nhịp ở quê mình là vì nhà nào cũng bận rộn làm mứt bánh. Cả xóm nấu chung một nồi bánh chưng, bánh tét, rồi chia nhau mỗi gia đình năm bảy cặp bánh chưng, mấy đòn bánh tét. Sau ngày đưa Ông Táo về trời nghĩa là Tết rồi đó! Và mọi người được quyền ‘ăn Tết’ chứ không nghĩ gì đến công việc nữa.”

    “Sau ngày đưa Ông Táo về Trời, từ 24 Tháng Chạp đến 30 Tết, các gia đình đi tảo mộ, mời ông bà về ăn Tết với gia đình.”

    Hình ảnh

    Chuẩn bị bàn thờ đón Tết. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


    Anh Tuấn Trương theo gia đình qua Mỹ định cư theo diện HO từ năm 1991, khi mới 18 tuổi. Thấm thoát đã hơn 30 năm, nhưng những ký ức về Tết Việt ở quê anh vẫn còn y nguyên.

    Anh nói: “Tôi nhớ nhất là cứ vài dịp Tết đến, tôi được giao thay toàn bộ cát ở sân nhà, thay cả cát đặt trong tất cả các lư hương trên bàn thờ và bên ngoài.”



    Đó là việc phải thực hiện một cách nghiêm chỉnh của người Huế, và chỉ làm đúng một lần vào dịp Tết đến. Nhưng mấy chục năm qua, anh Tuấn không còn được làm việc này.

    Lập gia đình và có được hai người con trai, 18 tuổi và 13 tuổi, chị Thảo đi đi-về về, mãi đến năm 2018, chị Thảo mới chịu thật sự “theo chàng về dinh” ở Mỹ.

    Tết năm nay là năm thứ tư, gia đình chị Thảo sum họp đầy đủ bốn người, gồm hai vợ chồng và hai cậu con trai, Minh Trương, 18 tuổi và Tuệ Trương, 13 tuổi.

    Bánh mứt Tết trong nhà một tay chị Thảo làm. Chị làm mứt gừng, mứt bí, mứt hạt sen, mứt dừa, mứt khoai, mứt hạt sen,… Ở Mỹ, không có gừng Huế, chị mua gừng Đại Hàn. Sen khô bên này cũng khó mua, chị nhờ người gửi từ Huế gửi sang cho chị làm mứt sen. Ngoài ra chị còn làm mứt tắc (quất). Nói chung, chị Thảo chuẩn bị tất cả các loại mứt, mà theo chị là “rất Huế.”

    Hình ảnh


    Nhà chị Thảo có đủ các hũ thịt ngâm, dưa chua, bánh mứt Tết. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


    Nếp Tết nhà

    Phần mứt bánh xong, chị ngâm mắm thịt heo, ngâm ngũ vị thịt bò, làm chả, tré, nem,… và không quên món bò khô và đồ chua ngọt, cải chua để nhâm nhi với rượu đầu năm.

    “Và như thế ‘thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ’ là nhà tôi có đủ cả,” chị Thảo nói.

    Hình ảnh

    Gia đình chúc nhau trong ngày Mùng Một Tết Nhâm Dần. (Hình: La Hạnh Thảo cung cấp)


    Ngày Tết, nếu người miền Bắc chơi rút bất, thì người Huế đổ xăm hường. Chị kể, Tết mấy năm nay, cứ tối đến, cả nhà lại chị xúm lại đổ xăm hường ăn tiền cho vui nhà vui cửa, và để… đỡ nhớ quê.

    Theo như tên gọi của trò chơi, “xăm” được dịch nghĩa ra là “cái thẻ,” còn “hường” là chữ “hồng” – màu của mặt “tứ” trên các hột xúc xắc. Chơi “đổ xăm hường” là gieo các hột xúc xắc để dành những chiếc thẻ khắc chữ ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa như: tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn, trạng nguyên.

    Hình ảnh



    Chị Thảo cho biết tùy điều kiện, mỗi năm chị trang trí Tết theo cách khác nhau. Ví dụ năm ngoái thời tiết thuận lợi, hoa đào nở rực vào dịp Tết, nhà chị toàn hoa đào. Chỉ mấy cây đào trơ lá ngoài vườn và nụ cũng mới nhỏ xíu, nói: “Năm nay chỉ có cúc thôi.”

    Nhưng được một điều, thay vì ba năm trước bàn thờ nhà chị không có bánh in, thì năm nay chị tự làm được loại bánh truyền thống này.



    “Không cao sang, rất dân dã vì chỉ làm bằng bột đậu xanh và hạt sen, nhưng bất cứ dịp lễ, Tết nào ở quê tôi cũng phải có loại bánh in này,” chị Thảo tâm sự.

    “Ngày rời Huế, cứ Tết đến, mình lại cặm cụi nhào nặn để có cái bánh nhỏ xinh gọi là ‘hương Huế’ cho thỏa nỗi nhớ, để dành cúng Giao Thừa, đơm bàn Phật và bàn thờ ông bà, cũng để cả nhà thưởng trà ngày cuối tuần, ấm áp trong mùa Đông California.”

    Gia đình nội ngoại hai bên đều là người Huế, nhưng anh chị Thảo-Tuấn sang Mỹ vẫn sống theo nếp nhà.

    Chị Thảo nói: “Năm nào cũng vậy, ông xã tôi hay nói ‘làm chi mà nhiều rứa?’, nhưng vì nghĩ mỗi năm chỉ có một cái Tết, nên nếu không được 10 phần như ngày xưa thì cũng phải được bảy, tám.”

    “Tôi không cực gì, nhưng thấy cô ấy cứ làm hết cái này đến cái nọ, không có giờ nghỉ ngơi, rồi tối đến than đau lưng, cũng xót,” anh Tuấn nói. “Tuy vậy, thấy vợ còn sức khoẻ, còn làm được là tốt. Những điều Thảo làm khiến cô ấy hạnh phúc, tôi cũng rất vui.”

    Hình ảnh


    Mứt bánh đầy đủ để cả nhà thưởng trà những ngày Tết. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

    Ước muốn

    Vợ chồng chị Thảo may mắn có sự trợ giúp rất đắc lực của hai cậu con trai trong nhà.

    Minh Trương nói: “Con phụ ba me lau chùi ban thờ, dọn dẹp mọi thứ trong nhà cho sạch sẽ. Qua Mỹ mà vẫn thấy hình ảnh Tết ở Huế, con thích lắm. Tuy không thể có được không khí như ở Việt Nam, nhưng trong nhà con vẫn đầy đủ hơn rất nhiều so với những gì con thấy ở các gia đình khác bên này.”



    Chị Thảo thừa nhận gia đình chị may mắn sống trong khu vực có đông đảo người Việt.



    “Tuy ở đây không có đông người Việt bằng ở Little Saigon, Nam California, nhưng như thế cũng khiến tôi khỏa lấp nỗi nhớ nhà.”

    Hình ảnh

    Mâm bánh, mứt, trà Tết nhà chị Thảo. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


    Nhưng chị Thảo vẫn cảm thấy… hụt hẫng.

    Chị đượm buồn, kể: “Hồi xưa, cứ 30 Tết xong, mùng Một Tết chưa xuống giường đã nghe mọi người nói to “Chào ông năm mới,” “Chào chú năm mới,” “Chào chị năm mới”… Qua đây, Mùng Một Tết im re như ngày thường, càng không có Tết nếu Mùng Một không nhằm cuối tuần.”

    “Không biết bao giờ mới có được lại cảm xúc dạt dào khi nghe câu “Chào O năm mới.” Cũng giống như những tiếng rao bán hàng ngoài ngõ, nghe mà thân thương lắm!”



    Không nghe được tiếng ai chúc, chị dạy các con chúc, nên Mùng Một Tết, chị lại được nghe câu “Chào Ba Me năm mới.” Thế cũng đủ vui rồi.

    Tuy vậy, chị Thảo rất sợ những phong tục, tập quán quê nhà bị mai một, chính trong gia đình mình.

    Hình ảnh

    Bé Tuệ Trương đang làm thủ công những bông hoa giấy Thanh Tiên – biểu tượng của Huế, đặc biệt là Tết Huế. (Hình: Gia đình cung cấp)


    “Ở vùng miền mô cũng rứa, ai cũng muốn giữ lại gốc. Có gốc mới có nhà, nên tôi vẫn hay dạy các con, bất cứ điều gì, không chỉ của riêng Huế, mà là đặc sản của vùng miền đều phải biết, phải học. Tôi cho con đọc sách rất nhiều để con tham khảo. Cứ nỗ lực giữ gìn, sau đó trong cuộc sống hàng ngày, các con sẽ thực hành.”

    Chị khoe cậu con trai út là Tuệ Trương được sinh ra ở Sài Gòn, chưa cảm nhận được Tết Huế, nhưng rất thích học hỏi về Tết quê nhà trên… Google. Những đồ trang trí thủ công trưng vào dịp Tết này đều do Tuệ làm, như bánh chưng, nem chả,… đặc biệt là hoa giấy Thanh Tiên – biểu tượng của Huế, đặc biệt là Tết Huế.

    Mưa dần thấm lâu, từ từ con sẽ thấm, để rồi, những điều này sẽ không phải ký ức, mà là ước muốn. Ước muốn của chị là ít nhất đến thế hệ thứ ba trong gia đình, Tết vẫn tràn ngập hương Huế trong gia đình.

    “Tết bây giờ không còn như ngày xưa. Nhưng khi điều kiện cho phép, cả nhà chúng tôi sẽ về Việt Nam ăn Tết, để các con tận hưởng cái Tết quê nhà, không cần qua lời kể của mẹ, ký ức của cha,” chị Thảo tâm nguyện. [kn]
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 35 khách