Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Anh:Nghề “làm vườn” của người Việt: Những nẻo đường cần sa.
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49321
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Anh:Nghề “làm vườn” của người Việt: Những nẻo đường cần sa.

    by music123 » Thứ 4 Tháng 2 09, 2022 6:59 am

    Nghề “làm vườn” của người Việt ở Anh: Những nẻo đường cần sa.

    2/9/22

    Hình ảnh

    Khu vực phơi cần sa tại một trang trại ở hạt Wiltshire, Anh - Ảnh: The Guardian


    Mẫn Thục, London!

    Vài nét về việc trồng và sử dụng cần sa ở Anh


    Cali Today News – Có một nhận định hiếm khi gây tranh cãi, rằng người Anh là một trong những dân tộc yêu thích việc làm vườn nhất thế giới.

    Và sau đó là một câu đùa, nhưng tiếp nhận như là chuyện đùa hay là thật thì tùy người nghe, rằng người Việt ở Anh nhập gia tùy tục rất nhanh, thành thử có một số (không hề ít) biến làm vườn từ yêu thích thành nghề nghiệp.



    Chính xác hơn một chút, thì phải viết là “làm vườn.”

    Thay vì trồng hoa, rau hay cây ăn quả, những nông dân Việt này chọn một giống cây tuy nghe tên có vẻ tầm thường, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cực kỳ cao: cỏ. Dĩ nhiên, chi phí đầu tư và độ rủi ro khi canh tác và buôn bán loại sản phẩm nông nghiệp này cũng cao tương tự.

    Cỏ (weed) là tên thông dụng để chỉ cây cần sa (cannabis).

    Hình ảnh


    Ở Anh, cần sa bị cấm trồng, buôn bán và sử dụng ngoài mục đích y tế, như vậy, người trồng và buôn bán hay các công ty dược mua cần sa đều phải có giấy phép, cũng như người sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ. Sử dụng cần sa cho mục đích tiêu khiển là hành vi phạm pháp. Cần sa là một loại ma túy trong bảng B (cùng hạng mục với các loại ma túy như ketamine and amphetamine) theo đó người tàng trữ bất hợp pháp có thể bị phạt đến 5 năm tù, trong khi người sản xuất và cung cấp có thể bị phạt lên đến 14 năm tù, bên cạnh việc bị phạt tiền không giới hạn hạn mức cao nhất.

    Luật là vậy, nhưng thỉnh thoảng trong một ngày nắng đẹp, mùi cần sa nồng hắc, khét nghẹt vẫn bay từ nhà hàng xóm sang nhà bạn, khi họ vừa đứng hút trong vườn vừa ngắm hoa nghe nhạc, và bạn thì chỉ có cách đóng cửa sổ nếu chịu không nổi mùi này.

    Trên các diễn đàn hay các nhóm giao lưu trên mạng xã hội của các bà mẹ và phụ nữ ở Anh, thường có người hỏi nên xử lý ra sao với trường hợp bị quấy nhiễu vì mùi cần sa từ hàng xóm này. Nên gọi cho cảnh sát? Cho hội đồng địa phương? Hay gọi cho quản lý khu tòa nhà, nếu có người sử dụng khu vực công cộng – như là hành lang hay cầu thang bộ – để làm nơi hút cỏ?

    Ở những nơi công cộng khác và trong không gian văn phòng khép kín, việc hút thuốc lá thông thường cũng là hành vi bị cấm. Tuy vậy, khi đứng chờ xe bus ở các bến lớn, đông đúc như Lewisham hay Abbey Wood, bạn có thể nghe mùi cỏ khá thường xuyên. Bạn không cần hút cỏ cũng có thể nhận ra cái mùi rất đặc trưng của nó.

    Theo AFP, năm 2017, ước tính có khoảng 7,2% người Anh trong độ tuổi 16-59 đã sử dụng cần sa. Hiện nay, cần sa vẫn là loại ma túy được sử dụng phổ biến nhất ở Anh.

    Câu hỏi là, nếu nguồn cung hợp pháp bị pháp luật quản chế chặt chẽ, thì người thường, không có đơn bác sĩ, sẽ làm cách nào để mua được cần sa?

    Câu trả lời sẽ khiến rất nhiều người Việt đến nước Anh một cách hợp pháp, và ở lại để học tập, làm việc bình thường không muốn đối mặt: nguồn cung nổi tiếng nhất chính là từ các “chủ trang trại” người Việt.

    Ảnh hưởng từ sự “nổi tiếng” hay đúng hơn là “nổi tai tiếng” này thì ai ở Anh lâu một chút cũng dễ dàng thể nghiệm được. Thỉnh thoảng, khi nghe bạn là người Việt, sẽ có người hỏi đùa, bạn có “làm vườn” không đó?



    Khi tôi thuê căn nhà đầu tiên ở London và hỏi ý chủ nhà trước khi cải tạo mảnh vườn phía sau để trồng một số loại cây vì có ý định ở lâu dài, ông chủ nhà nói, “trồng gì cũng được, đừng trồng cỏ nghen, phạm pháp đó.” Khi thấy tôi nhíu mày, ông nói thêm, “Tui nói trước cho chắc, mới mấy tháng trước cảnh sát bắt một nhóm trồng cỏ cách đây có mấy blocks nhà nè. Cũng người Việt.”

    Năm 2004, luật Anh hạ xếp hạng của cần sa từ bảng B xuống bảng C trong bảng phân loại ma túy, với mức phạt dành cho tội sử dụng, tàng trữ và trồng, vận chuyển, buôn bán đều nhẹ hơn, vì thế tội phạm trồng cần sa từ Canada bắt đầu chuyển công nghệ và địa bàn sang Anh. Đến năm 2009, khi được đánh giá lại về mức độ gây nguy hại cho sức khỏe con người, cần sa bị đưa trở về xếp hạng ma túy bảng B, tuy nhiên đến lúc ấy một “nền công nghiệp” xoay quanh cây cần sa đã cắm rễ và lan rộng, từ Anh và Hà Lan lan ra nhiều nước châu Âu khác.

    Không chỉ đề cập đến trồng hay tiêu thụ, những kẻ đầu sỏ trong ngành sản xuất cần sa này thường còn liên quan đến một chuỗi phạm pháp liên hoàn với khởi điểm là tệ nạn bắt cóc, buôn người và các hành vi lừa đảo hoặc có đồng thuận để tìm nguồn lao động trong các trang trại trồng cần sa, đến việc làm giấy tờ giả và đưa người nhập cư trái phép trong các đường dây xuyên quốc gia, đến việc thuê nhà và phá hoại cấu trúc của căn nhà để cải tạo thành trang trại trồng cần sa, cũng như đằng sau sẽ dính líu đến tình trạng các băng đảng tội phạm giành thị trường, đôi khi gây ra các án giết người, và càng không thể tránh thoát quá trình rửa tiền từ nguồn thu này.

    Ai trồng cần sa, và họ đã làm điều đó như thế nào?

    Trong khi người làm chủ và điều hành các “trang trại” cần sa ở Anh thường là người Việt thường trú hoặc đã có quốc tịch Anh, thì người làm công ở đây hầu hết là dân Việt nhập cư trái phép.

    Thành phần làm công này có thể là người vốn đang sống hợp pháp và làm việc tay chân tại các nước châu Âu (đa số là Đông Âu) bị thuyết phục bởi thu nhập “cao đến không thể tưởng tượng” từ ngành nghề này nên tìm đường sang Anh bằng visa du lịch, và đương nhiên sẽ ở lại, rồi chủ động tìm cách liên hệ để “xin việc” với những chủ cơ sở trồng cỏ.

    Họ có thể là người Việt, đặc biệt là người dân của một vài tỉnh miền Trung, đến nước Anh thông qua các đường dây đưa người nhập cảnh lậu đã có quy mô, bằng các loại phương tiện từ xe tải, xe container hay thuyền hoặc đường bộ hay kết hợp tất cả các đường đó. Đến nơi, trừ một số làm việc tại các tiệm nails, một số khác, theo điều tra, bị ép làm việc trong ngành công nghiệp tình dục, còn lại thường là được đưa đến các địa điểm trồng cần sa ẩn nấp đâu đó khắp nước Anh. Ở đây, họ làm việc cũng như ăn ở tại chỗ, không hoặc rất ít được phép ra ngoài. Thực phẩm sẽ được người chủ hoặc một người liên lạc đáng tin cậy trong đường dây đưa đến hàng tuần.



    Trong một mẫu quảng cáo tuyên truyền chống lại hành vi trốn vé, lậu vé khi sử dụng giao thông công cộng trên các tàu điện ngầm và xe buýt ở Anh, có câu, “Người trốn vé trông như thế nào? Họ trông giống như bạn!” Quả thật nhiều khi một người có hành vi vi phạm pháp luật thực ra hoàn toàn có thể trông như một người bình thường, dễ dàng hòa lẫn trong đám đông.

    Điều này cũng đúng với những cơ sở trồng cần sa. Chúng không có nhận dạng đặc biệt. Chúng không cần được dựng lên ở nơi hoang vắng hay trong rừng. Ngược lại, những “trang trại” này có thể ở bất kỳ đâu, giữa London sầm uất, hay ở một vùng quê hiền hòa thanh vắng.

    Những chủ cơ sở trồng cần sa sẽ tận dụng bất kỳ nơi nào tìm được. Từ những căn nhà thuê được bằng giấy tờ giả, cho đến bệnh viện bỏ hoang, các trung tâm năng lượng đã ngừng hoạt động lâu năm, nhà kho vô chủ hay những hầm trú ẩn thời chiến, thậm chí đến chuồng chó đều có thể tận dụng.

    Hình ảnh

    Trang trại trồng cần sa. Ảnh: Scunthorpe Live


    Theo số liệu của cảnh sát Anh Quốc, từ tháng 1/2016 tới tháng 4/2018, chỉ riêng tại London, nhà chức trách phát hiện ra 314 ‘trại cần sa’ (cannabis farms).

    “Từ 2000 đến 2014, số trại cần sa ở Anh tăng 150%, theo cảnh sát. Trong tất cả các nạn nhân buôn người buộc phải làm trong các trại cần sa, 96% đến từ Việt Nam và 81% là trẻ em.” (Thông tin từ BBC trích nội dung một bộ phim về chống nô lệ hiện đại và buôn trẻ em vào các trại cần sa ở Anh)



    Khi đã thuê được nhà, chủ trang trại cần sa thường phá hoại cấu trúc bên trong, như là đục thông tường để lấy mặt bằng đặt chậu trồng. Việc chiếu sáng và sưởi ấm liên tục để cây phát triển cũng khiến lượng điện năng sử dụng tăng khủng khiếp, và nhiệt độ có thể khiến cho tường, trần bị hủy hoại nhanh hơn. Để tránh gây chú ý, những cơ sở này thường kéo màn dày che kín các cửa sổ, cũng như hạn chế người ra vào.

    “Thông thường, một người Việt sẽ làm việc cho 1 ông chủ. Nếu diện tích trồng cần sa lớn thì cần đến 3 hoặc 4 người chăm sóc. Ông chủ tự mình đứng ra thuê nhà, mua giống cây cần sa, trang thiết bị, còn nhiệm vụ của người làm thuê là chăm sóc cây thật tốt, cho nhiều hoa”, Hùng, một người từng tham gia trồng cần sa, kể lại trên Vietnamnet như thế.

    “Công nhân” trồng cần sa – thường là những trẻ em trai, nam thanh niên và nam giới trưởng thành – từ đó sẽ chăm sóc các chậu cần sa được trồng gối vụ, và thu hoạch chúng khi cây thành thục. Trong ba tháng đầu, do phải chuẩn bị mặt bằng và đợi đủ một vòng trưởng thành của cây, họ chỉ thu hoạch một đợt, sau đó thì thu hoạch và trồng vụ mới mỗi 4 tuần. Cây đủ tiêu chuẩn thu hoạch chỉ cần được cắt và treo lên dưới đèn công suất lớn một ngày để tự hong khô, sau đó sẽ được cất giữ và sẵn sàng để tiêu thụ.


    Hình ảnh

    Khu vực phơi cần sa tại một trang trại ở hạt Wiltshire, Anh – Ảnh: The Guardian

    Lợi nhuận khổng lồ từ cần sa

    Trồng cần sa là một nghề đem lại lợi nhuận khổng lồ, với thị trường có giá trị hàng tỉ bảng Anh. Bất chấp các biện pháp truy quét của cảnh sát, bất chấp các cơ sở trồng cần sa bị phát hiện và tịch thu, hoặc bị đột nhập và đánh cướp, cùng với những người liên quan bị bắt giữ, bị phạt tù hay trục xuất, một lực lượng “máu mới” vẫn liên tục được luân chuyển đến để bổ sung và thay thế hàng năm.

    Cũng vậy, bất chấp các thông tin không hề khó tiếp cận về công việc lao động trong hoàn cảnh “như ở tù” tại các trang trại ở Anh này, hay những thông tin đau lòng về các chuyến đi biến thành thảm họa, như cái chết bi thảm trong xe container đông lạnh của 39 người Việt thì quyết tâm của những người bỏ tiền và tìm mọi cách đến Anh “trồng tiền, hái tiền” vẫn không có dấu hiệu giảm đi.

    Theo báo Evening Standard, cứ trung bình hai ngày cảnh sát Anh lại phát hiện một căn nhà trồng cần sa.

    Trước năm 2010, có đến 50% số lượng cần sa ở Anh là nhập khẩu, nhưng từ 2010 về sau, nước Anh đã thành nguồn xuất khẩu lượng lớn cả marijuana và cần sa.

    Phân chia vai trò trong chuỗi cung ứng cần sa thường được cho là người Việt kiểm soát đa số các cơ sở trồng trọt, đóng vai trò là người trồng và thu hoạch. Công đoạn tiêu thụ được cho là bị các nhóm tội phạm người Anh và châu Âu nắm giữ nhiều thị trường hơn, nhưng cũng tồn tại những thống kê và số liệu không chính thức nêu ra khoảng 70% thị trường cần sa ở Anh bị kiểm soát bởi các băng đảng người Việt và gốc Việt.

    Trị giá của 250 nghìn cây cần sa ngoài chợ đen có thể lên tới 60 triệu bảng Anh, theo số liệu của National Police Chief’s Council hồi 2015.

    Năm 2017, cảnh sát Anh phá mạng lưới hàng chục trang trại cần sa của băng đảng 21 người Việt, tịch thu 2,5 tấn cần sa trị giá khoảng 6 triệu bảng Anh (7,7 triệu USD). Kẻ cầm đầu Bang Xuan Luong, 44 tuổi, bị kết án 8 năm tù. Những kẻ còn lại bị kết án 5-6 năm.

    Việc “ăn chia” trong nghề trồng cần sa, theo những người từng tham gia kể lại, phụ thuộc vào thỏa thuận giữa chủ và người làm thuê. Trừ những người bị “bán” đến trang trại và bị cưỡng ép làm việc không công hoặc được trả công rẻ mạt, bị tịch thu giấy tờ, điện thoại,… thì tỉ lệ ăn chia phổ biến nhất là chủ 70%, nhân viên 30% lợi nhuận, sau khi đã trừ hết các chi phí ban đầu chủ phải bỏ ra và chi phí duy trì các cơ sở này. Tùy theo quy mô của cơ sở, mỗi người làm công có thể được chia từ 7,000 đến 10,000 bảng Anh (từ 210 – 300 triệu VNĐ) mỗi vụ cần sa chu kỳ 1 – 2 tháng.

    Theo cách tính này, chỉ sau hai đến bốn vụ thu hoạch trót lọt không bị các băng đảng khác cướp đoạt hay bị cảnh sát bắt giữ, những người trồng cần sa sẽ trả được hết số nợ ban đầu đã vay mượn từ người thân, hay từ chính đường dây buôn người, để được sang Anh, ước tính từ 10,000 đến 40,000 bảng mỗi người. Sau đó, họ sẽ bắt đầu giấc mơ phát tài tại Anh, có thể gửi tiền về cho người thân ở Việt Nam xây nhà, mua đất, hoặc bắt đầu nghĩ cách đưa thêm người thân, người quen sang. Tất nhiên số tiền này không thể được gửi đi công khai và đường đường chính chính thông qua ngân hàng, mà phải thông qua những con đường khác, với một khoản phí rất cao. Đơn cử một ví dụ, mỗi lần chuyển tiền online qua Lloyds Bank, hạn mức tham khảo dưới 10,000 bảng, thì phí ngân hàng chỉ mất 9.5 bảng. Ngược lại, nếu chuyển qua tư nhân, tại các tiệm tạp hóa hay tiệm nails của người Việt, thì phí sẽ là 60 bảng Anh trên mỗi 1,000 bảng.

    Mẫn Thục, London!

    (Bài viết có sử dụng một số thông tin từ các báo Daily Mail, Evening Stadard, BBC News, The Guardian và vài số liệu từ cơ quan cảnh sát Anh)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 25 khách