Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Chuyện cô Việt sống cô đơn@Nhật
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Chuyện cô Việt sống cô đơn@Nhật

    by music123 » Thứ 5 Tháng 4 21, 2022 2:16 pm

    Chuyện người Nhật ngại cưới, sống cô đơn qua lời kể của cô gái Việt


    ViệtHồng Anh Ảnh: NVCC Thứ năm, 21/4/2022


    Một mình giữa Tokyo sầm uất, nhiều lần Kiều Trang thấy lạc lõng, phải vật lộn để chống lại cảm xúc tiêu cực.



    Cuối năm 2017, Lê Thị Kiều Trang (26 tuổi), khi đó vừa hoàn thành năm 2 đại học tại Việt Nam, khăn gói sang Nhật Bản theo chương trình trao đổi du học sinh. Sau hơn 4 năm ở đất nước mặt trời mọc, Kiều Trang đã có công việc, tự chủ tài chính và sống độc lập tại Tokyo.

    Cũng như bao người xa xứ khác, Trang phải trải qua buổi đầu khó khăn để làm quen với con người và nhịp sống tại nước bạn. Guồng quay công việc tại thành phố sầm uất bậc nhất Nhật Bản vẫn nhiều phen khiến cô sa sút thể chất lẫn tinh thần.

    Hình ảnh

    Cuối năm 2019, Kiều Trang đến Nhật Bản sinh sống và học tập.


    Cô đơn ở Tokyo

    Khi mới đến Nhật Bản, Kiều Trang học và sống tại thành phố Kobe (Hyogo) . Tại đây, cô có nhiều bạn bè thân thiết, thường xuyên tham gia các hoạt động do trường và địa phương tổ chức.

    Năm 2020, cô vẫn quyết định chuyển đến Tokyo nhằm tìm kiếm thêm cơ hội phát triển nghề nghiệp, đổi mới chính mình.

    Ngày đầu tiên đi làm tại thành phố mới, sự cô đơn bủa vây tâm trí Trang. Cô không thể nào quên cảm giác vừa ngộp thở, vừa lạc lõng trên chuyến tàu điện chật kín người hôm đó.

    “Ai cũng trong trạng thái vội vã hoặc mệt mỏi, thiếu sức sống. Tôi biết môi trường công sở tại Tokyo khá căng thẳng nhưng không ngờ lại đến mức này. Khi nhìn những khuôn mặt xa lạ, lòng tôi dấy lên một nỗi sợ mơ hồ. Chưa bao giờ tôi có cảm giác này, kể cả lúc vừa đặt chân đến Nhật Bản”, Trang nhớ lại.

    Do các thủ tục về chỗ ở chưa hoàn tất, cô phải trọ tạm trong share house (nhà có phòng cho nhiều người thuê chung) của công ty.

    “Phòng tôi trên tầng 3, trong khi bếp và khu vệ sinh ở tầng 2. Lâu không có người ở nên căn phòng ám mùi ẩm thấp khó chịu. Cửa sổ hỏng chốt không khóa được, rèm cửa chỉ còn một bên treo lủng lẳng. Nhiều đồ đạc ngổn ngang trên sàn nhà bụi bặm càng khiến nơi đó thêm phần tạm bợ. Tôi tốn khá nhiều thời gian để dọn dẹp đến khi căn phòng trông tạm ổn”, Trang kể.

    Hình ảnh

    Hình ảnh

    Tại thành phố Kobe, Trang tham gia sôi nổi các hoạt động do trường và địa phương tổ chức.

    Việc hòa vào nhịp sống và làm việc của con người Nhật Bản nói chung và Tokyo nói riêng không hề đơn giản. Không khí công sở ngột ngạt vì ai cũng làm việc ở cường độ cao để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng.

    Tuy đã sử dụng tiếng Nhật khá thông thạo, Trang vẫn gặp áp lực khi giao tiếp với sếp và đồng nghiệp. Các văn bản, hồ sơ dùng từ học thuật chuyên ngành cũng khiến cô bối rối. Ngoài ra, cô phải dành nhiều thời gian học cách ứng xử khéo léo để tạo thiện cảm, gìn giữ mối quan hệ với mọi người.

    “Đồng nghiệp luôn lịch sự, nhã nhặn nhưng không thật sự cởi mở, thậm chí có phần khó tính. Là ‘lính mới’, ngoài tập trung hoàn thành công việc được giao, tôi chủ động kết giao, nhờ các anh chị hướng dẫn thêm các khoản còn yếu. Chắc họ ghi nhận tinh thần cầu tiến này nên bắt đầu thoải mái, chỉ dạy tôi nhiều hơn”, cô cho biết.

    Trầm cảm

    Để bắt kịp mọi người, Kiều Trang ép mình phải liên tục làm việc, tự gay gắt, trách móc bản thân nếu có gì không hoàn hảo. Cứ như vậy, cô trở nên dễ hoảng loạn vì chuyện vụn vặt, tự suy diễn và nghiêm trọng hóa sự việc.

    “Ví dụ, tôi sợ đi làm muộn sẽ bị khiển trách nhưng lại quá lo lắng dẫn đến mất ngủ, nhiều hôm thức trắng chờ trời sáng rồi đi làm luôn. Không thể nghỉ ngơi đầy đủ, cộng với áp lực tài chính khi sống một mình khiến tôi yếu đi trông thấy rồi rơi vào trầm cảm.

    Tôi dần hiểu lí do trầm cảm và tự tử được xem là vấn đề hiển nhiên ở Nhật Bản. Dù mức sống đắt đỏ, áp lực công việc, thu nhập nặng nề, người Nhật vẫn chọn cách im lặng đối diện với áp lực vì không thích để người khác biết phần yếu đuối của mình. Mọi thứ bị dồn nén đến khi vượt ngưỡng chịu đựng, họ tự giải thoát thay vì làm phiền ai khác”, cô nói.

    Hình ảnh

    Hình ảnh

    Hình ảnh

    Kiều Trang mất nhiều tháng mới quen dần được với cuộc sống và con người Tokyo.
    Trang cho rằng đây cũng là nguyên nhân khiến giới trẻ ở Nhật Bản ngại kết hôn. Không phải ai cũng có khả năng vừa đối phó tốt với mức sống đắt đỏ, cường độ làm việc khắc nghiệt, vừa chu toàn chuyện vợ chồng, con cái.

    Thay vào đó, họ đầu tư toàn bộ sức lực để thăng tiến trong công việc, tăng thu nhập để chi tiêu thoải mái hơn.

    “Tôi không muốn gia đình lo lắng nên hầu như không chia sẻ về những khó khăn mắc phải. Bạn bè thân thiết toàn ở Kobe, tôi lại chẳng có tâm trí yêu đương nên lại càng cô đơn hơn nữa. Thậm chí tôi còn khóa tài khoản cá nhân, ngắt kết nối với thế giới bên ngoài để đầu óc được nghỉ ngơi. Đôi lúc, tôi thấy mình như một người Nhật cô đơn”, Trang bộc bạch.

    Chữa lành

    Sau hơn 1 năm chật vật với trầm cảm, Kiều Trang tìm ra giải pháp chữa lành cho bản thân. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trang được work from home nên có nhiều thời gian chăm chút chính mình hơn.

    Cô đọc sách, thiết kế lại blog cá nhân, tham gia một số khóa học và buổi trao đổi về chủ đề trầm cảm tại Nhật Bản. Gặp gỡ bạn bè, chụp ảnh và thưởng tranh ở bảo tàng cũng là hoạt động xả stress yêu thích của Kiều Trang.

    Cùng lúc, cô gái 26 tuổi tiếp tục khám phá các vùng đất mới. Tính đến nay, Trang đã đặt chân đến 21 trên 47 tỉnh, thành của xứ sở mặt trời mọc. Đặc biệt, hành trình 2 tuần sống và lao động cùng người dân tại làng hạc Tsuruimura (Hokkaido) giúp cô có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với đất nước này.

    “Thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành góp phần chữa lành tôi. Ở đây, mọi người hăng hái làm việc nhưng vẫn vui vẻ, yêu đời. Tôi hiểu Nhật Bản vẫn còn nhiều điều đáng trải nghiệm chứ không chỉ toàn áp lực và sự mệt mỏi”, Trang nói.

    Hình ảnh

    Hình ảnh

    Hình ảnh

    Kiều Trang dành thời gian du lịch, trải nghiệm văn hóa các vùng đất khác nhau của Nhật Bản.

    Gần đây, Kiều Trang vừa mở một cửa hàng nhỏ mang tên Okaeri. Trong tiếng Nhật, "okaeri" có nghĩa là “chào mừng bạn đã về”.

    Hiện tại, sức khỏe thể chất và tinh thần của Kiều Trang đã ổn định hơn trước. Theo kế hoạch, cô muốn dành thêm 1,5-2 năm để tiếp tục làm việc tại Nhật Bản trước khi về Việt Nam hẳn.

    “Nhật Bản mở ra nhiều cơ hội để người ta phát triển, song để có thể ‘sống sót’, mọi người cần rất nhiều sự dũng cảm và ý chí. Tôi hy vọng các bạn trẻ có ước mơ đến Nhật Bản sẽ tự trang bị đủ kiến thức chuyên môn cũng như hiểu biết về văn hóa, con người nơi đây để vượt qua khó khăn, làm được những điều mình muốn”, cô nhắn nhủ.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 24 khách