Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Giáng sinh trầm lắng của người Việt trên thế giới
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Giáng sinh trầm lắng của người Việt trên thế giới

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 12 24, 2020 9:51 am




    Giáng sinh năm nay, bác sĩ Ngô Bá Định dành thời gian đi thăm khám cho bệnh nhân Covid-19 ở California, thay vì mở tiệc cùng gia đình như thường lệ.

    "Mọi người nghỉ lễ nhưng bệnh viện và bệnh nhân thì không. Năm nay vì Covid-19, chúng tôi càng bận rộn", ông Ngô Bá Định, một bác sĩ gốc Việt đã có 23 năm trong nghề tại thành phố Huntingon Beach, bang California, Mỹ, chia sẻ với VnExpress.

    Tối 23/12, ông Định có lịch tới 5 bệnh viện để thăm khám cho các bệnh nhân Covid-19 mà mình phụ trách trên tư cách bác sĩ gia đình. Hai ngày tới, lịch làm việc của ông vẫn kín mít bởi số ca nhiễm đang tăng mạnh.

    Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, hiện mỗi ngày ghi nhận khoảng 200.000 ca nhiễm mới và 3.000 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm lên gần 19 triệu, trong đó hơn 330.000 người đã chết. Giới chức y tế cảnh báo tình hình dịch bệnh những tháng tới sẽ rất thảm khốc.

    Hình ảnh
    Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại sân bay quốc tế Los Angeles, Nam California, Mỹ, hôm 22/12. Ảnh: AFP.

    Bác sĩ Định cho biết hạt Orange, nơi có khu Little Saigon đông người gốc Việt sinh sống, ghi nhận khoảng 4.600 ca nhiễm nCoV mỗi ngày. Dù phần đa tuân thủ lệnh đóng cửa các nhà hàng, quán cafe và dịch vụ mà Thống đốc California Gavin Newsom đưa ra, vẫn có những nơi lơ là quy định. Nhiều người dân vẫn tụ tập ăn uống mừng Giáng sinh và năm mới, không đeo khẩu trang hay tuân thủ giãn cách.

    "Tại 3 bệnh viện mà tôi đến thăm khám, người gốc Việt chiếm phần lớn số ca nhập viện vì Covid-19, cao hơn cả người gốc Latinh hay Trung Đông. Mùa đông đã tạo điều kiện cho nCoV phát triển và lây truyền nhiều hơn. Một phần các ca nhiễm cũng là do mọi người tham các cuộc vận động tranh cử, biểu tình vào tháng trước", ông nói.

    Sau một năm đáng quên với dịch bệnh và thiên tai, Giáng sinh này ông Định từ bỏ ý định trang hoàng nhà cửa, đi mua sắm hay ra ngoài vui chơi cùng gia đình như thường lệ.

    "Chúng tôi sẽ chỉ ở nhà, ăn tối với các món do bà xã nấu, rồi mở quà Giáng sinh chứ không mời họ hàng, bạn bè làm tiệc như mọi năm", ông nói. "Vì sức khỏe và an toàn, hy sinh một năm vui chơi cũng không ảnh hưởng gì".

    Buồn và vắng lặng cũng là không khí chung của Giáng sinh năm nay ở nhiều vùng dịch khác, trong đó có London, Anh, nơi đang bị áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhằm kiềm chế sự lây lan của chủng nCoV mới.

    Gia đình chị Sharon Vũ ở London có truyền thống trang hoàng nhà cửa đón lễ từ cuối tháng 11. Nhưng năm nay, do lệnh phong tỏa khẩn cấp, người dân toàn đông nam nước Anh được yêu cầu ở nhà, mọi cuộc tụ họp với các cá nhân ngoài gia đình bị cấm. Các trung tâm thương mại, dịch vụ cá nhân và cửa hàng kinh doanh không thiết yếu đều phải đóng cửa.

    Mọi năm, vợ chồng chị cùng hai con thường tới các chợ Giáng sinh để hoà chung không khí lễ hội sôi động và chiêm ngưỡng những không gian rực rỡ. Tuy nhiên, năm nay, các khu chợ truyền thống này cũng không được tổ chức.

    "Năm nay sẽ buồn hơn vì không được ra ngoài ngắm cảnh và đón không khí Noel. Chúng tôi cũng không làm tiệc đêm Giáng sinh nữa vì không được đón tiếp bạn bè", chị cho hay.

    Đã 5 ngày nay, chị Sharon thậm chí không dám đi siêu thị vì sợ lây nhiễm, bất chấp mọi người đổ xô đi mua đồ tích trữ do hàng hóa bị tắc nghẽn ở biên giới Anh - Pháp. Anh hôm 23/12 ghi nhận hơn 39.000 ca nhiễm mới và 744 ca tử vong, cao kỷ lục kể từ đầu đại dịch.

    "Mình hạn chế đi mua sắm vì trong nhà đã đầy đủ thực phẩm, hơn nữa việc mọi người xếp hàng dài cả km ở siêu thị là nguồn lây nhiễm nCoV chính", chị nói.

    Hình ảnh
    Người đi bộ dọc một đường phố trung tâm London hôm 22/12. Ảnh: AFP.

    Tại thủ đô Paris, Pháp, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, Noel với chị Chi Nguyễn cũng như bao ngày bình thường khác bởi đã quen sống trong cảnh phong toả vì Covid-19 cả năm nay. Nhà hàng và các trung tâm mua sắm vẫn trang hoàng lung linh và tấp nập người vào ban ngày, nhưng đến 20h là đóng cửa. Mọi người hầu hết làm việc tại nhà, chỉ tổ chức tiệc tại gia, hạn chế ra ngoài buổi tối.

    "Mọi năm vào ngày 25/12, họ hàng thường tập trung rất đông ở nhà bố mẹ chồng tôi, tới 25-30 người, nhưng nay ai ở nhà đó. Ông bà đã cao tuổi nên con cháu phải cẩn thận", người phụ nữ lấy chồng Pháp cho hay. "Thằng bé 3 tuổi rưỡi nhà tôi vừa sổ mũi, ho và sốt, ông xã đã tức tốc đón về nhà vì sợ nhỡ lây Covid-19 cho ông bà".

    Cũng đang chiến đấu với làn sóng lây nhiễm thứ hai, những ngày cuối năm của người Việt tại Nga diễn ra trầm lắng hơn. Giới chức nước này không tái áp đặt phong tỏa toàn quốc mà chọn phương án hạn chế theo từng khu vực nên các hàng quán ở thủ đô Moskva vẫn mở cửa bình thường, đường phố, công viên vẫn lung linh đón Noel như mọi năm.

    Tuy nhiên, với gần 30.000 ca nhiễm mới nCoV mỗi ngày, người dân ở vùng dịch lớn thứ tư thế giới vẫn được khuyến cáo tuân thủ các biện pháp phòng dịch như hạn chế ra ngoài, tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang. Các sự kiện công cộng, hoạt động vui chơi, giải trí đều bị huỷ.

    "Dù nhiều người tranh thủ ra ngoài chụp ảnh và ngắm nhìn khung cảnh Giáng sinh, tôi vẫn tự nhắc bản thân chủ động phòng tránh", anh Xuân Hoàn, một nghiên cứu sinh người Việt ở Moskva, cho hay. "Sinh viên thì học từ xa, nghiên cứu sinh như tôi thi thoảng lên trường. Mọi sinh hoạt diễn ra bình thường nhưng sẽ không có tụ tập hay tiệc tùng để tránh nguy cơ lây nhiễm".

    Mọi năm vào những ngày này, các du học sinh Việt Nam ở Hàn Quốc cũng thường quây quần liên hoan và tổ chức dã ngoại đón năm mới.

    "Năm nay chúng tôi không có Noel hay năm mới nữa. Từ ngày 23/12, vùng thủ đô Seoul cấm tụ tập từ 5 người trở lên. Các nhà hàng sẽ bị phạt nếu cho phép tụ tập trên 4 người. Các biện pháp mạnh hơn sẽ được áp dụng toàn quốc từ ngày 24/12", Thiện Quang, du học sinh Việt Nam tại đại học Hannam, thành phố Daejeon, nói, thêm rằng các khu nghỉ dưỡng và du lịch nổi tiếng cũng bị đóng cửa để hạn chế Covid-19 lây lan trong mùa lễ hội cuối năm.

    Hình ảnh
    Nhân viên y tế mặc trang phục Noel để khích lệ tinh thần của mọi người tại trung tâm xét nghiệm Covid-19 ở thành phố Gwangju, Hàn Quốc, hôm 24/12. Ảnh: Yonhap.

    Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới tăng mạnh khoảng 1.000 ca/ngày, trong đó vùng thủ đô Seoul sắp hết giường điều trị tích cực. Với tình hình được đánh giá là vô cùng nghiêm trọng này, viễn cảnh đón Tết xa gia đình đang dần hiện ra trước mắt Quang.

    "Mong ước của mình lúc này là dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để sắp tới có thể về Việt Nam ăn Tết cùng bố mẹ và bạn gái. Mình nghĩ đây cũng là mong ước chung của nhiều du học sinh năm nay, bởi mỗi năm bọn mình chỉ có một dịp này để đoàn tụ gia đình", Quang nói.

    Bác sĩ Định khuyên mọi người nên chấp nhận hoàn cảnh khó khăn mà Covid-19 đang gây ra trên toàn cầu và tuân thủ các khuyến cáo của giới chức mới có thể nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

    "Mọi người chỉ nên gọi điện thăm hỏi, chúc mừng nhau qua video để đảm bảo an toàn. Thông điệp của tôi năm nay là 'nhà ai nấy ở, miệng ai nấy thở, càng xa nhau càng sống lâu'. Thay vì đón Giáng sinh, chúng ta hãy ráng hy sinh một năm", ông nói.

    Chị Sharon, người có công việc kinh doanh nội thất bị ảnh hưởng 50% so với kế hoạch do ảnh hưởng của Covid-19, cũng đồng tình rằng sức khoẻ là quan trọng nhất.

    "Hy vọng sang năm, tình hình dịch bệnh sẽ tiến triển tích cực để mọi người có thể trở lại cuộc sống bình thường. Dự kiến tháng 5 năm sau, vợ chồng chúng tôi, nhóm cư dân U40, sẽ được tiêm vaccine Covid-19", chị nói.

    Anh Ngọc
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 25 khách