Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Hawaii:VC Việt bỏ đất liền, đến ‘khai hoang’ trên đảo Hawaii
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Hawaii:VC Việt bỏ đất liền, đến ‘khai hoang’ trên đảo Hawaii

    by music123 » Chủ nhật Tháng 5 01, 2022 3:48 pm

    Người Mỹ gốc Việt bỏ đất liền, đến ‘khai hoang’ trên đảo Hawaii

    5/1/22



    HONOLULU, Hawaii (NV) – “Đi Hawaii, nhớ đến thăm khu dân cư mới hình thành ở Honolulu mà các vườn trái cây của người Việt mình đã đến mùa thu hoạch, lại còn có hai ngôi chùa Việt Nam nữa. Thích lắm!”

    Hình ảnh


    Mảnh đất chết trở nên xanh tươi, nhờ công lao người đi “khai hoang” là những gia đình gốc Việt ở Kunia Loa Ridge Farmland. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

    Một vị linh mục quen biết, mà chúng tôi hay gọi thân mật là “Cha Thảo,” gợi ý như thế khi biết chúng tôi có ý định bay sang Hawaii, quần đảo nằm hoàn toàn trong miền nhiệt đới trên Thái Bình Dương và không thuộc về châu lục nào, tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ.

    Nghe “vườn cây ăn trái đến mùa thu hoạch” là đã thích rồi, lại thêm một vị linh mục Công Giáo “giới thiệu” về hai ngôi chùa Phật Giáo, càng khơi gợi tính tò mò của chúng tôi.

    Hình ảnh


    Chánh điện ngôi chùa Thanh Nguyên ở khu dân cư mới Kunia Loa Ridge Farmland. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

    Vùng đất sơ khai

    Nôn nóng, háo hức là thế, nhưng bắt tay vào chuẩn bị cho cuộc hành trình không dễ tí nào. Chẳng ai biết cái “khu dân cư mới” ấy ở đâu, ngay cả cư dân có hai ba chục năm sống ở thủ phủ Honolulu trên đảo O’ahu của Hawaii cũng… ú ớ.

    “Làm gì có khu dân cư mới nào! Chắc ở đảo khác.” Gương mặt đăm chiêu thấy rõ trên màn hình Facetime khi chị Tammy Trần trả lời. Ngay cả anh Peter Huỳnh, người làm nghề lái taxi và hướng dẫn du khách ở Honolulu, cũng không biết. “Nghe lạ quá, nhưng nếu có chùa thì để tui hỏi mẹ vợ tui, vì mẹ hay đi chùa.”



    Đợi phản hồi của mẹ vợ anh Peter mãi không thấy, chúng tôi “cầu cứu” Cha Thảo.

    Hình ảnh

    Đường lên chùa Thanh Nguyên. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


    Thì ra, khu dân cư mới này “có tên có tuổi” đàng hoàng. Đó là Kunia Loa Ridge Farmland (KLRF), cách trung tâm Honolulu khoảng 30 phút lái xe. Dù đã quen với đường đi nước bước trên đảo được vài ngày, nhưng để vào được bên trong khu dân cư, “khách lạ” như chúng tôi phải có người quen “dẫn đường” và mở code vào cổng.

    “Người quen” ấy là cô Cát Tâm, do Cha Thảo giới thiệu. Dù đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy, cô Tâm khỏe như… cô gái xuân thì. Cô đi nhanh như chạy, lanh lẹ và khỏe khoắn hơn nhiều so với mấy chục năm sống ở Oregon. Cô bảo chỉ mới ra đảo vài năm nay, nhưng “giờ kêu vô (đất liền) là không chịu à nhe.”

    Hình ảnh

    Một góc đường trong khu dân cư Kunia Loa Ridge Farmland. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


    Buổi trưa, mặt trời trên cao, nhưng gió thổi bay hết những cơn nắng nóng, thậm chí còn đưa về cái mát dịu nhẹ y như khí hậu vùng cao nguyên. Ôi, Đà Lạt! Tôi reo lên trong lòng. Giống lắm. Là vùng đồi núi, thỉnh thoảng có những con dốc cheo leo, KLRF rộng tới hơn 850 mẫu, và dân cư vẫn còn thưa thớt.

    Cô Cát Tâm đưa chúng tôi đến thăm một trong hai ngôi chùa trước. Vẫn còn đường đất, cỏ dại mọc um tùm, nhưng tên đường và bảng hiệu giao thông được lắp đặt đầy đủ. Chùa nằm trên đường nào nhỉ? “Cứ quen mà đi thôi, chứ đọc đã khó, đố mà nhớ được cái tên,” cô Tâm nói rồi chỉ một tên đường khó nhớ, khó đọc: Honouliuli.


    Ngôi nhà đang cất của cô Hương Kaufmann. Trong hình, từ trái: bà Betty Nguyễn, cô Cát Tâm, cô Hương Kaufmann. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


    Khai hoang

    Thầy Thích Nguyên Thẩm, trụ trì Chùa Thanh Nguyên, còn khá trẻ, vui vẻ đón khách như người nhà.

    “Mười năm trước, thầy trụ trì ngồi tu trong một cái thùng gỗ. Kia kìa,” cô Betty Nguyễn, một cư dân của KLRF chỉ một góc chùa, nói. “Ngày qua ngày, Phật tử và bá tánh các nơi chung tay góp sức mà ngôi chùa trở nên khang trang, đẹp đẽ như thế này đây.”

    Hình ảnh

    Ông bà Tùng Trần trước căn nhà trong khu dân cư Kunia Loa Ridge Farmland. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)



    Quả thật, chánh điện của ngôi chùa thật rực rỡ nhưng không kém trang nghiêm. Trong khuôn viên nhà chùa còn có một “sân khấu mini” để tổ chức những ngày lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan. Chùa nằm ở nơi hẻo lánh là thế, vậy mà mấy năm trước đại dịch COVID-19, tuần nào cũng có dăm bảy chục, có khi cả trăm người đến viếng Phật. Suốt gần hai năm dịch bệnh, không ai muốn đi đâu, nhưng thỉnh thoảng cũng có vài nhóm người rủ nhau lên lễ Phật. Các thầy nấu thức ăn, mời cơm Phật tử.

    Cô Betty kể, khoảng năm năm về trước, nơi đây là vùng đất chết, chỉ có cát và đất, nắng và gió, cây khô và cỏ dại, là nơi đặt kho hàng và bãi đậu xe, nên rất ít người qua lại.

    Hình ảnh

    Ông Tùng Trần và chùm xoài có trái to hơn bàn tay. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


    Honolulu là thành phố du lịch, đất hẹp người đông, kiếm chỗ thuê làm kho hàng cũng khó, nên các doanh nghiệp “chịu khó” đi xa một chút là ở khu đất này. Vì giá thuê chỗ để xe, hoặc một kho hàng cũng mất cả ngàn mỗi tháng, nên “lỡ” thuê rồi, nhiều người mua luôn! “Tính mà xem, nếu thuê thì mỗi năm tốn hơn chục ngàn, trong khi giá đất khi đó có $40,000/mẫu rộng thênh thang. Tội gì mà không mua cơ chứ! Vừa có chỗ làm kho, đậu xe không tốn tiền, mà đất lại là của mình, chính phủ cho thuê tới 99 năm lận mà,” cô Betty kể.

    (*) Xem video: Người Việt ‘khai hoang’ vùng đất chết trên đảo Hawaii



    Cứ có đất là trồng cây. Với khí hậu nhiệt đới, lại được chăm bón tốt nên trái cây ở đây ngon ngọt không kém đặc sản ở các vựa trái cây miền tây Việt Nam. Nếu ai đã từng ghé vườn trái cây Lái Thiêu, hay các vựa trái cây ở Tiền Giang, Vĩnh Long,… thì hình ảnh của những ngôi nhà có chủ nhân là người Việt ở đây cũng hao hao như thế.

    Hình ảnh

    Ông bà Tùng Trần đứng ở căn nhà của mình chỉ hướng về Honolulu. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


    Nhà nào cũng trồng vải, mít, xoài, ổi, đu đủ, sapoche, cam, quýt, cóc,… trái nào trái nấy to, nhìn mà ham. Buồng chuối cũng mập mạp, mũm mĩm. Hôm chúng tôi ghé thăm nhà cô Hương Kaufmann, lúc cô đang… dọn chuồng gà. Vừa xịt nước cho sạch, cô vừa kể: “Tui lên đây hai năm thôi, mà thích quá, nào nuôi gà, trồng cây. Nhãn, xoài, sakê, vải, mít, đu đủ, chanh,… thứ gì cũng ra trái. Tiếc quá, em lên sớm chừng tháng, tha hồ mà ăn vải.”

    “Sống trong bể ngọc kim cương, không bằng sống giữa tình thương bạn bè.” Cô Hương nói, trồng cây để bạn bè có lên chơi thì mọi người có trái mà hái. Một mẫu đất hơn 4,000 m2. Thênh thang là thế, nên cô Hương chia lại một nửa cho người bạn. Nhưng đất đai vẫn còn dư dả, cô đang cho cất một căn nhà, để bạn bè đến chơi có chỗ nghỉ ngơi. Cô Hương có cả chục người bạn thân, toàn 70 tuổi trở lên. Ở tuổi này mà còn sống khỏe thì nhu cầu gặp gỡ bạn bè càng nhiều.

    Hình ảnh

    Ông chủ tiệm Phở 808 Tùng Trần nay trở thành “nông dân thứ thiệt.” (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


    “Nơi đây vùng đồi núi, không khí trong lành, thích lắm. Nhà xây xong, có khi tháng nào mình cũng có khách lên chơi,” cô Hương khoe.

    Ai mua đất ở đây cũng cất một cái nhà và trồng nhiều cây ăn trái như nhà cô Hương, nên dần dà một cộng đồng người Việt hình thành. Có thể nói, người Việt “chiếm lĩnh” khu dân cư này, khi 30% trong tổng số 400 nóc gia đã hình thành ở KLRF có chủ nhân là người Việt. Số còn lại là dân bản địa người Hawaii, Philippines, Nhật, Nam Hàn,… Tứ hải giai huynh đệ. Chẳng biết nhau, nhưng cứ người Việt gặp nhau, là vui như Tết.

    Hình ảnh

    Ông Tùng Trần vừa bẻ buồng chuối to để tặng bạn lên chơi. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

    Hưởng thụ và dưỡng già

    Ở một ngọn đồi khác, có ngôi nhà của vợ chồng ông bà Tùng Trần, người đã chọn Hawaii làm quê hương từ bảy năm qua. Dù vẫn còn căn nhà ở Honolulu, nhưng ông Tùng và vợ là Bác Sĩ Đào Hà cứ “bám riết” căn nhà này mà chẳng muốn đi đâu. Điện xài free (vì dùng hệ thống solar) xăng rẻ, nước cũng… miễn phí (vì xài nước mưa) và đặc biệt thời tiết lúc nào cũng mát mẻ, gió mát trăng thanh, bà Hà nói “bỏ đi không đành.”

    Mấy năm trước, ông bà Tùng có chủ tiệm Phở 808 ở thành phố Kapolei, cũng trên đảo O’ahu của Hawaii. Khi mua được năm mẫu đất trên này, ông chủ tiệm phở bỏ phố lên núi, làm “nông dân thứ thiệt” chăm sóc vườn cây ăn trái nay đã um tùm, nào mía, xoài, chuối, mãng cầu,… Trong số đó có cây sapoche rất sai trái, ngọt lịm.

    Hình ảnh

    Cô Hương Kaufmann bên cây đu đủ chi chít trái. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


    Ông ngoài 70, người vợ cũng 65 tuổi, bỏ luôn áo blouse, đội chiếc nón rộng vành, ngày ngày vác cuốc đi xới đất, bón phân, tưới cây. “Tụi tôi trước là dân California đó chớ. Sau dọn qua ở Houston, Texas ở 10 năm, rồi qua Ohio thêm 10 năm nữa mới ra đảo sống. Quen ở đảo, giờ chẳng muốn vô đất liền. Nơi này là ‘số 1’ với người về hưu đó nha,” bà Hà nói.

    Ông Tùng cũng thổ lộ rằng vợ chồng ông không muốn sống ở phố nữa, mà làm cái chòi rồi về đây sống cho đến cuối đời.

    Hình ảnh

    Cô Hương Kaufmann và chùm nhãn trên cây mới trồng hai năm. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


    “Cái chòi” của ông bà là một căn nhà hai phòng ở trên lầu, có đầy đủ tiện nghi như căn nhà dưới phố. Ông bà thích ở đảo, dù những ngày gian nan trên đảo Galang, Indonesia, sau chuyến vượt biên năm 1984 vẫn còn nguyên trong ký ức.

    “Ừ, tính ra cả đời đi làm cật lực rồi, giờ về già cũng cần sống chậm lại, hưởng thụ chút xíu chứ nhỉ,” bà Hà nói, nở một nụ cười mãn nguyện. Ông Tùng bồi thêm: “Tụi này cứ sống tà tà, mỗi tuần ra biển chơi, đánh cá, chỉ làm những gì mình thích. Bốn mươi năm vất vả rồi, giờ nghỉ… xả hơi thôi.”

    Hình ảnh

    Một ngôi nhà trong khu dân cư Kunia Loa Ridge Farmland. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

    Tương lai hứa hẹn

    KLRF do một tổ chức phi lợi nhuận quản lý, ở đó gồm những nông dân chăm chỉ và đa dạng từ các nền kinh tế và dân tộc khác nhau. Ban Quản Lý KLRF gọi đây là một “gia đình” cùng nhau làm việc để “vượt qua những thách thức liên quan đến hoạt động nông nghiệp” trên đảo O’ahu.

    KLRF cam kết đáp ứng nhu cầu của các gia đình chọn “cắm dùi” tại đây, và thực hiện các hoạt động có lợi cho cộng đồng. Có họ, đất đai nơi đây mới màu mỡ hơn, góp phần cải thiện sức khỏe, kinh tế, môi trường và an ninh lương thực thông qua việc cung cấp thực phẩm tươi sống tại địa phương, các cơ hội kinh doanh, cũng như sinh hoạt cá nhân.



    Bà Betty, cô Hương, vợ chồng ông Tùng, và những gia đình Việt khác đã góp tay làm “thay màu” mảnh đất này chỉ trong vài năm trở lại đây. Họ cũng là những người chứng kiến giá trị đất tăng rất nhanh.

    Hình ảnh

    Sự sống đang hình thành ở vùng đất chết. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


    Từ $40,000/mẫu cách đây 10 năm, đến năm 2015, ông Tùng đã phải mua với giá $127,000/mẫu. Nếu không có dịch bệnh COVID-19, có lẽ đất ở đây “nóng” không thua gì đất liền, chứ không có giá $130,000/mẫu như hiện nay.

    Cộng đồng người Việt ở khu dân cư mới này dù chỉ vài trăm người cũng đã làm nên điều kỳ diệu, là góp công, góp của vào quá trình khai hoang một vùng đất chết. Khi dịch bệnh qua đi, không chừng, chỉ cái Tết sang năm thôi, nơi đây sẽ còn nhiều thay đổi. Và chắc chắn chúng tôi sẽ quay trở lại, để đem về những bức hình “xanh” hơn, “mầu mỡ” hơn, và nhiều “sinh khí” hơn, là thành quả của những người con gốc Việt trên vùng đảo xa xôi này. [kn]
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 19 khách