Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
SJ:1gia đình Việt có ‘trăm con’ ở San Jose
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    SJ:1gia đình Việt có ‘trăm con’ ở San Jose

    by music123 » Thứ 5 Tháng 5 05, 2022 12:41 pm

    Một gia đình gốc Việt có ‘trăm con’ ở San Jose


    May 5, 2022

    SAN JOSE, California (NV) – Vợ chồng anh chị Kiên Võ và Vân Nguyễn, cư dân thành phố San Jose, miền Bắc California, có hai người con, nhưng lại đang chăm sóc hàng trăm loại cây quanh nhà, mà tất cả đều được họ gọi là “con.”

    Hình ảnh

    Vợ chồng anh chị Kiên Võ-Vân Nguyễn trước ngôi nhà có “trăm con.” (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

    Càng “dính” với cây cỏ, càng thích thú

    Chị Vân kể, 17 năm về trước, khi hai vợ chồng mua ngôi nhà này, xung quanh nó chỉ toàn là xi măng, chỉ có chút xíu đất ở phía trước và sân sau. Tuy ít đất nhưng chủ cũ cũng trồng sẵn một cây mận và một cây tầm dâu phía sau nhà. Sân trước cũng có một cây thông rất cao, và cây chuối kiểng. Cách đây hai năm, chủ nhà buộc phải đốn cây thông để làm hàng rào. Vả lại, cây này khô nên dễ bắt cháy.

    Chị Vân còn được người cha cho cây lựu và cây quýt. Khi hai cây này ra trái, chị thấy việc trồng cây khá thú vị, nên rủ chồng mua thêm cây hồng dòn.

    Ang Kiên kể: “Lúc mua cây hồng, năm đầu tiên cây ra được bốn trái, chỉ đủ cho vợ chồng tôi và hai đứa con. Những năm sau, năm nào cây cũng ra được 40, 50 trái. Cứ một năm ra trái nhiều, năm sau ra ít đi. Dù cây không ra trái nhiều, nhưng cũng vui.”

    Sau nhiều năm “cắc củm” từng ngày rảnh rỗi cho vườn rau, đến nay, vườn nhà anh chị có đủ loại như một “chợ rau” như rau cải bẹ xanh, rau muống, rau má, bó xôi, lá cẩm, lá mơ, lá lốt, tía tô, dền đỏ, ngải cứu, húng cây, húng quế, rau răm, ngò, lá xương sâm, bầu có bầu sao, bầu hồ lô…

    Hình ảnh

    Một góc “vườn ớt” do anh Kiêm chăm sóc. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
    “Vườn rau” này lúc nào cũng tươi xanh vì có bàn tay chăm bón của chủ nhà. Anh Kiên nói, lâu lắm anh chị mới phải ra chợ mua rau. “Rau dư ăn không hết, nên bạn bè ai cần cứ nhắn tin, tôi hái tặng, hoặc ai thích trồng thì tôi lại tặng cây.”

    Riêng ớt thì anh Kiên sưu tầm đủ loại, như Red Ghost, Scotch Bonnet, Habanero,… từ ớt không cay cho đến loại cay xé lưỡi mà anh gọi là “siêu cay.”

    Trồng ớt lâu năm, nên anh Kiên rất có kinh nghiệm. Anh cho hay: “Ai có ‘green house’ thì gieo ớt lúc nào cũng được, chứ ‘amateur’ như tụi mình thì phải phải biết mà gieo từ Tháng Ba, do lúc đó không có sương đêm, nhiệt độ trên 50 độ F mới gieo được. Nếu cây con mà trúng sương đêm thì không cách gì cứu. Thời gian từ lúc gieo cho đến khi cây ớt ra trái là khoảng bốn tháng.”

    Hình ảnh

    Chị Vân đang giải thích trong chậu sen đá, cây nào bị stress, cây nào không. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
    Lúc “cao điểm” nhất, trong nhà anh chị có khoảng 60 cây ớt. Ăn không hết, chị đem ngâm, phơi khô, hoặc làm xả ớt.

    Khi California kêu gọi tiết kiệm nước, anh Kiên tưới cây bằng nước rửa rau, vo gạo.


    Càng “dính” với cây trồng, anh chị càng thấy thích thú vô cùng. Anh Kiên kể các loại cây ăn trái ở nhà mình, như hồng giòn, lựu, chanh không hạt (ra trái quanh năm), tắc đủ loại của Việt Nam, Mỹ, Tàu, Nhật Bản.

    Điểm đặc biệt trong khu vườn quanh nhà anh chị là hầu hết các loại rau, cây ăn trái đều được trồng trong chậu.

    “Vì quanh nhà đâu có đất, nên chúng tôi cứ mua cây trong chậu về trồng. Cây sinh sôi nảy nở thì lại mua đất và chậu không về chiết ra,” chị Vân nói. “Chúng tôi không tốn nhiều tiền mua cây, vì nhiều loại chúng cứ tự mọc, mình chỉ có công chăm bón mà thôi.”

    Hình ảnh

    California kêu gọi tiết kiệm nước, anh Kiên tưới cây bằng nước rửa rau, vo gạo. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


    Ngày làm hãng, đêm tranh thủ… làm nhà

    Thời gian đầu định cư ở Mỹ, vợ chồng chị Vân ở trong căn nhà mobilhome. Năm 2005, khi anh chị đã có được hai con, một cháu lên ba, một cháu lên hai, họ gặp “duyên” và mua được ngôi nhà này, trên đường Locksley Park, với giá $605,000.

    “Đó là một căn nhà ‘già nua,’ cũ kỹ,” chị Vân mô tả ngôi nhà lúc mới mua. “Chỉ có một điểm duy nhất khiến chồng tôi thích, là sân trước và sân sau đều rộng chỗ, để anh chứa vật dụng.”

    Anh Kiên làm nghề sửa ống nước, nên sắm nhiều “đồ nghề.” Nhân lúc người thuê anh sửa ống nước tâm sự rằng ông muốn bán nhà, anh về hỏi ý vợ và quyết định mua luôn. Lúc đó ở San Jose có chương trình “0 down” nên anh chị trả một phần và vay tiền ngân hàng để lấy căn nhà.

    Hình ảnh

    Chậu dùng để nhân giống cây của anh Kiên. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


    “Trong suốt năm năm trời, vợ chồng tôi cứ đi làm về là lại… lăn ra sửa cửa, thay nền nhà, thay thảm, lau chùi,” chị Vân kể tiếp. “Tôi thì làm hãng, anh ấy cũng ‘trăm công nghìn việc,’ nhưng nhiều khi đi làm về, vợ chồng lại loay hoay mãi từ 9 đến 12 giờ đêm mới nghỉ. Mỗi ngày làm một ít.”

    Chị nói, tự tay anh chị làm mà không thuê thợ, từ việc lật từng cục gạch cũ để thay mới, cho đến căn nhà mới xinh xinh ở sân sau, anh chị cũng tự làm để con “ra riêng.”

    Những ngày nghỉ lễ như Giáng Sinh, Tết Tây, lễ Lao Động,… khi mọi người được nghỉ ngơi, đi chơi, thì đó lại là ngày sửa nhà của anh chị.

    “Tuy mình làm không bằng ai, và dù nhà cửa có xấu xí, không đẹp như thợ chuyên nghiệp làm, nhưng tất cả là tình thương của vợ chồng mình đặt hết trong đó, là tài sản cho con. Mình hãnh diện về điều ấy.”

    Hình ảnh

    ức tượng Phật trước cửa nhà tuy nhỏ nhưng không ai nhấc nổi. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)


    Cây “càng stress, càng đẹp”

    Vì vẫn phải đi làm, nên anh chị không dành nhiều thời gian cho vườn tược, mãi đến khi hai con khôn lớn, chị Vân quyết định về hưu sớm để lấy trọn thời gian cho “đám con” quanh nhà.

    Chị Vân bắt đầu chú ý đến các loại cây kiểng, đặc biệt là sen đá và các loại succulent (cây mọng nước).

    “Nhìn là biết ‘đứa’ nào bình thường, ‘đứa’ nào bị stress. Càng nghiên cứu, tìm hiểu kỹ, tôi càng muốn đi sâu vào cuộc đời ‘các con’ của mình,” chủ nhân ngôi nhà nói.

    Hình ảnh

    Giống ớt cay Habanero mà anh Kiên chiết ra để trồng. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)



    Chỉ cây jade, một cây thuộc loại succulent, chị Vân nói: “‘Anh’ này chịu được đủ mọi thời tiết, có ‘ý chí mạnh mẽ’ lắm. Mình mua về rồi tự nhân giống. Loại cây này cũng có thể uốn thành bonsai. Lúc đầu mình uốn xấu, nhưng vẫn thích, vì đó là ý của mình. Sau này mình có nghiên cứu thêm trên YouTube, nhưng vẫn thích tự mình uốn theo cảm xúc, tình cảm của mình. Mình đã uốn được khoảng 20 cây jade như thế.”

    Lý do chị Vân muốn uốn và chăm sóc cây “theo cảm xúc” là vì “succulent có tâm tính giống người,” như lời chị nói.

    “Những lúc bình thường, cây sẽ có màu xanh, nhưng khi bị stress, cây chuyển sang màu khác, đỏ, vàng hoặc đen,” chị Vân giải thích. “Nếu ở trong môi trường quá nóng, hay quá lạnh, cây sẽ bị stress. Khi đó chúng phải tự điều chỉnh mình, bằng cách tự tiết ra chất làm đổi màu để đề kháng với môi trường không phù hợp.”

    Hình ảnh

    Chị Vân bên một góc vườn của sân nhà, nơi chị đặt những bức tượng Phật. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
    “Tuy dễ bị stress, nhưng các loại sen đá và cây mọng nước lại rất cứng cỏi. Khi được đặt vào đúng với môi trường sống của nó, cây sẽ trở lại màu xanh.”

    Vì màu sắc khi bị stress của cây rất đẹp, nhiều nhà vườn “chọc tức” bằng cách đưa chúng ra môi trường… khắc nghiệt trong vòng vài ba ngày, để nó… không chịu nổi và đổi màu.

    “Khi các bạn đi mua, thấy những loại này có màu đỏ, màu đen, màu vàng, hoặc có chấm đen trên lá, có nghĩa cây đang bị stress. Càng stress, cây càng đẹp,” chị Vân cho biết. “Mà dù bình thường hay bị stress, ở đâu cây cũng có thể sống được, cứ một nhánh bị đứt rơi xuống đất, chúng lại tự mọc rễ và trở thành một cây con mới. Đó là lý do tại sao mình không đếm nổi nhà có bao nhiều cây.”

    Hình ảnh

    Bên hông nhà chị Vân cũng có những mảng xanh là giàn cây treo trên cao. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

    Sống thiện

    “Mình xem cây cỏ như con cái trong nhà, cưng lắm, đi đâu thì thôi, về đến nhà là phải ‘thăm’ chúng,” chị Vân tâm sự. “Tụi nó cũng như mình, khi khoẻ mạnh thì tươi tắn, xinh đẹp, nhưng khi mệt mỏi sẽ ủ rũ, nhìn… chán lắm, mà mình lúc nào cũng muốn ‘con cái’ xinh tươi.”

    Đất lành chim đậu. Ngay cửa trước nhà chị có một tổ chim, năm nào tới mùa sanh nở, chim cũng đến làm tổ, và chỉ bay đi khi con cái chúng khôn lớn.

    Chị Vân kể: “Mấy con chim cũng làm mình vui. Chúng dạn dĩ lắm. Khi mình làm vườn, chúng đậu bên cạnh, nghiêng đầu ngó, như hỏi ‘mẹ đang làm gì đó.’ Khi mình bận không ra hỏi thăm, chúng lại bay vù vù như nhắc ‘tụi con còn ở đây nha.’”

    Xung quanh ngôi nhà, từ sân trước vô tới sân sau và hai bên hông nhà, ngoài hàng trăm chậu cây trên nền xi măng, hoặc treo trên dàn, chủ nhà còn đặt nhiều tượng Phật, các chú tiểu,… để “cảm thấy yên tâm” như lời anh Kiên nói.

    Hình ảnh

    Sen đá sống ở đâu cũng được, nên chị Vân cho chúng vào bình để trang trí trong nhà. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

    Còn theo chị Vân: “Cuộc sống ai cũng muốn hướng thiện, nhưng đôi khi mình quên mất ‘tính bản thiện’ của mình, mà tham, sân, si, nên hay nổi xung. Những bức tượng này như nhắc nhở mình phải bình tâm, sống thiện trở lại.”

    Chỉ bức tượng Phật đặt ở sân trước, ngày sát lối đi bộ, chị Vân kể: “Bức tượng này có từ lúc mình mới mua nhà. Bức tượng tuy nhỏ bé, nhưng rất nặng, không ai có thể nhấc lên nổi, muốn chuyển tượng đi đâu cũng không thể. Vì thấy ai đi bộ ngang cũng cúi đầu xá, mình làm luôn mảnh vườn xung quanh. Đó là mảnh vườn đầu tiên của mình, lúc đầu mình trồng cà, sau trồng cây dừa kiểng, hoa Cẩm Tú, cho mọi người thưởng ngoạn.”

    Không có đất, nhưng xung quanh nhà chỉ toàn màu xanh của cây lá. Mỗi cây là một đứa con, dù có khác nhau nhưng đều được yêu thương như nhau. Không dễ để làm nên câu chuyện như vậy, nếu không có tình yêu thương sâu sắc, bền bỉ với thiên nhiên cây cỏ, như chủ nhân ngôi nhà của hai vợ chồng người Mỹ gốc Việt này. [kn]
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 22 khách