Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Người Việt ở Mỹ thành công, nhờ lý do gì?
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Người Việt ở Mỹ thành công, nhờ lý do gì?

    by music123 » Thứ 5 Tháng 5 26, 2022 7:03 pm

    Người Việt ở Mỹ thành công, nhờ lý do gì?


    Hình ảnh

    Tác giả và gia đình chụp hình lưu niệm với tân khoa

    "Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…" là câu hát mở đầu nhạc phẩm "Nỗi buồn hoa phượng" của nhạc sĩ Thanh Sơn, sáng tác cách đây hơn nửa thế kỷ, ghi lại tâm cảm của lứa tuổi học trò ở Việt Nam khi niên học sắp kết thúc.

    Nửa thế kỷ trước, lúc còn ở quê nhà tôi cũng đã có nỗi buồn như thế khi thấy phượng nở đỏ sân trường và trên sóng phát thanh vang vang những lời báo hiệu mùa hè đang về.

    Hôm nay, bên trời Mỹ, sắp vào hạ lòng tôi không buồn mà vui. Vui vì sắp hết niên học với các buổi lễ tốt nghiệp, khi khúc nhạc hoà tấu "Pomp and Circumstance" trổi vang chào đón tân khoa và mùa hè thư giãn đang chờ đón trước mặt.

    Lúc này còn vui hơn vì nguy hiểm chết người của bệnh dịch Covid đã qua, đời sống đã bình thường trở lại sau hai năm với nhiều điều bất bình thường như làm việc từ nhà, đeo khẩu trang, giữ giãn cách xã hội để đề phòng lây bệnh. Có lúc thiếu nhu yếu phẩm, dân phải xếp hàng trước siêu thị chờ mua. Hai năm không còn tự do đi chơi đó đây. Xa lộ, phố phường có nhiều ngày vắng xe như giờ giới nghiêm thời chiến tranh trên quê hương cũ. Đó là những hình ảnh lạ trong đời sống Mỹ.

    Năm 2020 khi lệnh cấm túc được ban hành vào tháng 3, học sinh không còn đến trường mà ở nhà học online. Hết niên học không nơi nào có lễ tốt nghiệp vì mọi sinh hoạt đông người đã phải tạm ngưng.

    Cuối niên học 2021 đã có thuốc chống Covid và nhiều người được chích ngừa, một số nơi có lễ tốt nghiệp nhưng tổ chức đơn giản. Sinh viên học sinh vào những bãi đậu xe, ngồi trên xe nhận bằng. Chỉ vài người thân có mặt. Không bạn bè bên cạnh để chứng kiến, tặng hoa, chụp hình kỷ niệm, chúc mừng tân khoa.

    Năm nay, sắp hết niên học và đang là thời điểm của các lễ tốt nghiệp truyền thống cho sinh viên, học sinh.

    Chúng tôi vừa đi dự lễ tốt nghiệp của người cháu ở Đại học Colorado, Boulder.

    Như truyền thống, buổi lễ "Commencement" để tất cả sinh viên tốt nghiệp tập trung về sân vận động trường, mới đủ chỗ cho mấy chục nghìn người. Hiệu trưởng, các khoa trưởng chúc mừng tân khoa. Sinh viên và gia đình nghe khách mời đặc biệt là phóng viên đài NBC Tom Costello nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm.

    Trong số gần một vạn sinh viên tốt nghiệp, chỉ một ít tốt nghiệp các năm trước về lại trường nhận văn bằng vì nhiều người đã có việc làm, ở xa trường không về được.

    Người điều khiển chương trình giới thiệu một sinh viên tốt nghiệp năm 1968, nhưng khi đó vì phải gia nhập quân đội Hoa Kỳ sang chiến đấu tại Việt Nam, hôm nay sau 54 năm mới trở lại trường dự lễ.

    Người con trai của em tôi cùng gia đình đến Mỹ định cư năm 2016, lúc đó cháu vừa học xong lớp 10 trường Lê Hồng Phong.

    Hình ảnh

    Lễ tốt nghiệp tại Đại học Colorado, Boulder hôm 4/5/2022

    Gia đình tôi trước ở Ngã ba Ông Tạ nên các em và con cháu trong nhà đều là cựu học sinh các trường trong khu vực như Nghĩa Hoà, nay là Chi Lăng; Bành Văn Trân, trước là Mai Khôi; Thánh Tâm, nay là Tân Bình; hay Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thái Bình, trước là Nhân Chủ.

    Cháu học cấp một trường Bành Văn Trân, cấp hai ở Nguyễn Gia Thiều, thi cấp ba trúng tuyển vào Lê Hồng Phong. Học hết lớp 10, vừa vào lớp 11 thì đi Mỹ định cư.

    Bốn năm trước, khi hoàn tất bậc trung học, dù mới qua Mỹ không lâu nhưng với thành tích học tập tốt và tiếng Anh rất trau chuốt, cháu đã được chọn là một trong những học sinh có bài phát biểu trong lễ tốt nghiệp vào tháng 5/2018.

    Hôm nay cháu nhận bằng cử nhân ngành giáo dục, với điểm trung bình GPA 3.75 và được tuyên dương là sinh viên xuất sắc. Cháu dự định làm việc vài năm trong chương trình gây quỹ giáo dục của University of Southern California rồi sẽ học lên cao hơn.

    Hai con của người em vào đại học đều chọn ngành giáo dục, có thể không phải là lựa chọn của nhiều người Việt, nhưng là ngành mà các cháu thích.

    Cô chị tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Pennsylvania, một trường trong Ivy League. Những năm qua cháu làm việc cho một cơ sở giáo dục, giúp các bạn ôn tập thi SAT, ACT, TOEFL và hướng dẫn cho sinh viên, học sinh từ Việt Nam có cơ hội đến Mỹ du học.

    Không như các thế hệ trước, phần đông sinh viên chọn các ngành nghề kỹ sư, bác sĩ, luật sư như trong nếp văn hoá Việt đã có. Ngày nay nhiều sinh viên Mỹ gốc Việt và cả du sinh đến từ Việt Nam đã chọn các ngành nhân văn, nghệ thuật.

    Phạm Lan Phương, mà nhiều người biết qua bút danh Khải Đơn là một thí dụ. Chị từng là phóng viên của báo Tuổi Trẻ, sau đó có thời gian làm cho BBC Tiếng Việt. Được học bổng Fulbright học thơ văn tại Đại học San Jose State University và vừa hoàn tất chương trình thạc sĩ.

    Năm ngoái, một học sinh gốc Việt là em Alexandra Huỳnh tốt nghiệp trung học ở thủ phủ Sacramento tiểu bang California đạt giải nhà thơ trẻ 2021 của nước Mỹ.

    Thi sĩ gốc Việt Ocean Vương, qua Mỹ theo chương trình con lai vào đầu thập niên 1990 khi mới 3 tuổi, nay là một thi sĩ nổi tiếng đạt nhiều giải thưởng thi ca Hoa Kỳ.

    Nhà văn gốc Việt Nguyễn Thanh Việt, đến Mỹ năm 1975 lúc mới 5 tuổi, tiến sĩ từ Đại học Berkeley, đạt giải Pulitzer văn chương 2016 của Hoa Kỳ với tác phẩm The Sympathizer.

    Đại học Berkeley cũng đã có sinh viên từ Việt Nam nhận học bổng của Vietnam Education Fund theo học tiến sĩ về môi sinh.

    Về nghệ thuật, nhiều hoạ sĩ gốc Việt như Bình Danh, Nguyễn Long, Ann Phong, Nguyễn Việt Hùng được giới phê bình chú ý.

    Nghiên cứu lịch sử có các giáo sư tiến sĩ Nguyễn Liên Hằng, Vũ Tường. Về thần học có linh mục giáo sư Trần Quốc Anh.

    Quân sự có các tướng Lương Xuân Việt, Nguyễn Từ Huấn. Truyền thông có Betty Nguyễn, Tini Trần.

    Người Mỹ gốc Việt nay không chỉ học các ngành khoa học kỹ thuật, không chỉ có bác sĩ, luật sư, kỹ sư mà cũng có người tài giỏi trong giới văn chương, nghệ thuật hay tướng lãnh quân đội.

    Hôm lễ tốt nghiệp tại Đại học Colorado, Boulder có diễn giả chính là phóng viên Tom Castello của truyền hình NBC, cựu sinh viên ngành truyền thông của trường. Trong hơn 20 năm qua, sau ngày tốt nghiệp năm 1987, ông ra đời làm việc và đã có mặt ở nhiều nơi, từ biên giới Hoa Kỳ - Mexico, New York đến London làm phóng sự.

    Ông nhận định là một sinh viên mới ra trường không có nghĩa là biết mọi thứ, nhưng là người có căn bản để biết nêu câu hỏi, biết đặt vấn đề. Ông nhấn mạnh giữa thời đại nhiễu thông tin qua mạng xã hội, phóng viên có trách nhiệm với nền dân chủ, nhà báo phải tìm ra sự thật, vì nếu thiếu vắng nó sẽ không có nền dân chủ bền vững.

    Đại học Colorado ở Boulder có 36 nghìn sinh viên. Trong tập chương trình lễ tốt nghiệp với tên của gần một vạn tân khoa, tôi tìm các tên họ Việt thấy có 2 tiến sĩ, 7 thạc sĩ và 45 cử nhân. Con số nay khiêm tốn, so với các đại học ở California, vì chỉ có 25 nghìn người Việt ở tiểu bang Colorado và đa số sống tập trung trong vùng Denver.

    Hôm ở đây tôi đi lòng vòng thăm vài cơ sở người Việt. Có quán phở 888 làm ăn phát tài. Ông chủ người gốc xứ Nam Hoà, Ngã ba Ông Tạ. Người em lúc mới qua cũng làm phụ bếp ở đây. Một ngày tiệm bán cũng đến 300 tô, mùa tuyết lại đông khách hơn, có hôm bán cả nghìn tô.

    Đóng góp cho sự phát triển của nước Mỹ không chỉ là giới khoa bảng mà còn thành phần tiểu thương người Việt. Từ những vườn cam ở phía nam California hay cánh đồng hoa vàng ở phía bắc, ngày nay các khu vực này tràn ngập cơ sở thương mại được gọi là "Little Saigon" ở nhiều nơi trên đất nước Hoa Kỳ.

    Từ hải đảo biển xanh nắng ấm Hawaii cho đến vùng băng tuyết Alaska nay đã có phở và bánh mì. Đến bất cứ nơi thị tứ nào trên đất Mỹ, dù xa lạ cũng dễ dàng tìm ra quán phở, tiệm bán bánh mì.

    Phở 79 nổi tiếng ở Quận Cam. Lee's Sandwich với chuỗi cửa hàng bánh mì là điển hình của sự thành công trong thương trường của người Việt.

    Còn hàng chục nghìn tiệm làm đẹp móng tay của người Việt, với số doanh thu lên đến 8 tỉ đôla một năm. Theo số liệu gần nhất của sở kiểm tra dân số năm 2012, người Việt làm chủ trên 300 nghìn cơ sở thương mại, với doanh thu 35 tỉ đôla một năm.

    Rất nhiều gia đình đến Mỹ với hai bàn tay trắng, khởi nghiệp bằng cách đi bỏ báo, cắt cỏ, rửa chén, phụ bếp hay làm móng tay và chẳng bao lâu là có cuộc sống ổn định.

    Hoa Kỳ là xứ sở của tự do kinh doanh. Người Việt tính chăm chỉ, sẵn sàng bươn trải, có đầu óc kinh doanh nên nhiều người muốn có văn phòng, cở sở riêng. Gặp thời và trở nên giầu.

    Tự do kinh doanh đã đưa nước Mỹ phát triển. Người dân Mỹ, trong đó có người gốc Việt, có thể mở cơ sở thương mại một cách dễ dàng vì thủ tục không rườm rà, không phải lo hối lộ, bôi trơn.

    Mới đây, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính qua Mỹ dự họp thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN, trong một buổi gặp gỡ Việt kiều đã phát biểu là sự thành công của người Việt tại Hoa Kỳ phản ánh sự thành công của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

    Báo Thanh Niên Online hôm 14/5/22 viết: "Thủ tướng giao trách nhiệm cho Đại sứ quán thúc đẩy, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt với tinh thần tốt nhất có thể, phát triển nhanh nhất có thể."

    Tôi nghe mà giật mình tưởng mình đang ngủ mơ ở thiên đường xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng hãy làm tốt hơn cho dân Việt Nam đi, tạo điều kiện kinh doanh dễ dàng cho tư nhân, cán bộ các cấp bớt vòi tiền bôi trơn để nước Việt Nam có thể phát triển.

    Người Việt sống bên Mỹ thành công thì nhà nước Việt Nam đâu có giúp gì. Muốn vào đại học, ra trường muốn có việc làm, hay muốn mở một tiệm phở, tiệm làm đẹp móng tay, một công ti con, đâu có cần giúp đỡ của sứ quán Việt Nam mà thủ tướng lại vơ vào.

    Chính vì nhà nước kiểm soát và can thiệp quá nhiều vào đời sống sinh hoạt của dân nên cả triệu người Việt đã bỏ nước ra đi, đến Mỹ tị nạn, lập nghiệp.

    Nhà nước Việt Nam can thiệp thì chỉ làm chậm lại sự phát triển của cộng đồng người Việt. Như lãnh đạo đã và đang làm chậm phát triển Việt Nam.

    Theo một khảo sát của PEW năm 2019, 22% người Mỹ gốc Việt trên 25 tuổi có bằng cử nhân và 10% có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ. So với toàn thể sắc dân châu Á ở Mỹ nói chung là 30% cử nhân và 24% với văn bằng cao hơn. Trong khi cả nước Mỹ, người trên 25 tuổi có bằng cử nhân là 20% và 13% có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ.

    Thủ tướng cần ban hành và thực thi nghiêm chỉnh những chính sách thu hút người Việt tài giỏi, để những ai muốn có thể về giúp quê hương. Cộng đồng người Việt ở Mỹ không cần sự giúp đỡ của nhà nước Việt Nam.

    Đi dự lễ tốt nghiệp lòng tràn ngập niềm vui. Nghe thủ tướng Việt Nam phát biểu lòng lại man mác buồn.

    Tác giả là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco.



    Bùi Văn Phú
    Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ California

    26 tháng 5 2022
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 26 khách