Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Phòng trọ du học sinh Việt ở châu Âu như lò nung vì sóng nhiệt
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Phòng trọ du học sinh Việt ở châu Âu như lò nung vì sóng nhiệt

    by music123 » Thứ 5 Tháng 7 21, 2022 1:18 pm

    Phòng trọ du học sinh Việt ở châu Âu như lò nung vì sóng nhiệt


    Thái An Ngọc Bích Thứ năm, 21/7/2022

    Du học sinh người Việt tại châu Âu mô tả phòng trọ, xe buýt như lò nung vì không có thiết bị làm mát khi nền nhiệt tăng cao trong đợt nắng nóng lịch sử.



    4h sáng, trong căn phòng ở Aix-en-Provence (miền Nam nước Pháp), Ngọc Ánh, du học sinh Việt Nam, không thể ngủ nổi vì quá nóng. Dù quạt điện bật hết công suất, nữ sinh vẫn cảm thấy bức bối, khó chịu.

    "Thời tiết tại Pháp lúc này gần giống mùa hè ở miền Trung Việt Nam, nóng gay gắt. Nhiều hôm, mình thao thức đến sáng vì nóng quá, không ngủ được", nữ sinh chia sẻ.

    Phòng trọ, xe buýt không khác gì lò nung

    Nữ sinh cho biết vào các năm trước, đợt nóng bắt đầu vào tháng 6. Nhưng năm nay, cuối tháng 4 đầu tháng 5, Pháp đã phải đón đợt nóng đầu tiên của mùa hè. Trung bình, nhiệt độ rơi vào khoảng 37 độ C. Vào những ngày nóng cao điểm như đầu tháng 7 vừa qua, thành phố nơi Ngọc Ánh sinh sống ghi nhận mức nhiệt 39-40 độ C.

    “Mọi năm, cánh đồng hoa lavender trong thành phố phải đến giữa tháng 7 mới thu hoạch. Nhưng năm nay, mùa hè đến sớm, từ đầu tháng, việc thu hoạch hoa đã được triển khai”, nữ sinh nói với Zing.


    Hình ảnh

    Mùa thu hoạch hoa lavender ở nơi Ngọc Ánh sinh sống đến sớm hơn khi Pháp hứng chịu nắng nóng lịch sử. Ảnh: NVCC.


    Với thời tiết như vậy, nếu không có quạt và điều hòa, người dân sẽ khó có thể ngủ vào những đêm nóng bức. Ngọc Ánh tâm sự nhiều lần cô thao thức đến sáng vì nóng quá không ngủ nổi, dù đã bật quạt ở mức cao nhất.

    Không chỉ gặp khó khăn trong sinh hoạt, sức khỏe của Ngọc Ánh cũng chịu ảnh hưởng do đợt nắng nóng bất thường này. Trời nóng, nữ sinh mất nước và thường xuyên bị cảm.

    Đối mặt với mùa hè trên 40 độ C, Trung Sơn, sinh sống và học tập tại Manchester (Anh), tốn không ít tiền để mua kem chống nắng. Vì đã quen với cái nóng ở Việt Nam, Sơn không gặp khó khăn khi thích nghi với cái nóng. Nhưng nhiều ngày chạy sự kiện ngoài trời, nam sinh vẫn phải cấp nước liên tục để tránh bị kiệt sức.

    Nam sinh cho biết thêm người Anh ít khi sử dụng quạt hoặc điều hòa, ngay cả xe buýt cũng không có hệ thống làm lạnh. Vào những ngày nóng kỷ lục, Sơn cảm thấy xe buýt nóng như lò than, đông đúc và bí bách. Những người ngồi trên xe bị cái nóng gây ảnh hưởng tâm lý khá nhiều.

    Đức cũng đang hứng chịu đợt nắng nóng lịch sử. Sinh sống và học tập ở Leipzig trong 2 năm, Vũ Thy cảm thấy bất ngờ vì lần đầu tiên thấy mùa hè tại đây nóng như vậy. Hàng năm, nhiệt độ cao nhất tại khu vực nữ sinh sống dao động trong khoảng 30-31 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ cao nhất năm nay đạt ngưỡng 36 độ C.

    “Phòng mình ở có 6 cửa sổ bằng kính, nắng chiếu vào liên tục từ sáng sớm đến 22h. Nếu không tắt nắng, phòng mình không khác gì lò nung”, nữ sinh tâm sự.

    Mỹ Anh, sống tại Pforzheim (Đức), cũng gặp tình trạng tương tự. Những ngày gần đây, nhiệt độ trong thành phố lên đến 35 độ C, gây cảm giác nóng bức và khó chịu. Nữ sinh nhận xét mùa hè ở Đức gắt và khô hơn mùa hè ở Việt Nam, da dẻ dễ bị khô nếu không uống đủ nước và cấp ẩm đúng cách.

    Nhà ở tại Đức hầu như không có điều hòa, người dân chỉ dùng quạt trong những ngày hè nóng bức. Mỹ Anh cho biết điều hòa chỉ được lắp đặt tại các tòa nhà, trung tâm thương mại và một số tuyến xe buýt. Đôi khi, vào những giờ cao điểm, điều hòa trên xe buýt cũng không đủ mát do lượng người quá đông.

    Hình ảnh

    Phương Anh bất ngờ vì mùa hè ở Đức đến sớm hơn mọi năm. Ảnh: NVCC.

    Đã quen với mùa hè đến vào tháng 7, tháng 8, Phương Anh (sống ở vùng Tây Nam nước Đức), bất ngờ vì mùa hè năm nay đến sớm, khi chỉ mới vào giữa tháng 5. Tính đến tháng 7, Đức đã hứng chịu hai đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ban ngày dao động từ 35-37 độ C.

    Vào ngày nóng đỉnh điểm, nhiệt độ khu vực nữ sinh sống đạt ngưỡng 39 độ C. Những ngày này, nữ sinh cảm thấy mệt nếu phải đi bộ lâu dưới trời nắng, cô không muốn rời khỏi nhà.

    "Người Đức rất thích tắm nắng, nhưng những ngày gần đây nóng quá, họ cũng ngại ra đường", Phương Anh nói thêm.

    Tìm mọi cách để tránh nóng


    Việc sử dụng quạt hay điều hòa tại Pháp không quá phổ biến do khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Nhưng năm nay nắng nóng, người dân đổ xô mua thêm quạt khiến nguồn cung khan hiếm, giá cả cũng tăng cao.

    Ngọc Ánh cho hay hệ thống lắp đặt điều hòa cho nhà ở tại Pháp bị hạn chế, nên quạt chính là ưu tiên số một trong mùa hè, dẫn đến tình trạng “cháy hàng”. Chi phí sử dụng điện theo đó cũng tăng lên.

    Trước những diễn biến cực đoan của thời tiết, Chính phủ Pháp đưa ra khuyến cáo y tế, nhắc nhở người dân hạn chế ra đường và chú ý chế độ, thời gian nghỉ ngơi phù hợp. Vì ngại nắng, nóng, Ngọc Ánh cũng hạn chế đi lại ngoài trời nắng, chỉ ra đường sau 19h.

    Nữ sinh cũng mới sắm thêm điều hòa nhiệt độ. Dù biết giá tiền điện sẽ tăng, cô chấp nhận vì không thể thích nghi nổi với cái nóng của mùa hè năm nay.


    Hình ảnh

    Khi làm sự kiện, Sơn uống nhiều nước để tránh kiệt sức giữa trời nắng nóng. Ảnh: NVCC.



    Trong khi đó, căn nhà nơi Trung Sơn ở không có thiết bị cách nhiệt hay điều hòa nhiệt độ, nhưng xung quanh nhiều cây cối nên nam sinh tránh được phần nào cái nắng gay gắt giữa mùa hè.

    Nam sinh chia sẻ cách làm mát phòng là xịt hơi nước vào rèm cửa, khi gió thổi vào thì căn phòng sẽ mát mẻ hơn. Khi làm sự kiện, Sơn uống nhiều nước và đứng nghỉ trong bóng râm để tránh kiệt sức, say nắng.

    Nắng nóng khiến Vũ Thy mệt và hay ốm. Nữ sinh quyết định mua thêm quạt điều hòa để chống lại cái nắng cực đoan ở Đức. Tuy nhiên, quạt điều hòa không thể làm mát toàn bộ căn phòng, những nơi quạt không hướng đến vẫn nóng như bình thường.

    “Cũng may, nắng tắt, nhiệt độ sẽ giảm đi, mình không cần dùng quạt nữa. Bên cạnh đó, nắng nóng chỉ kéo dài vài ngày, sau đó lại có mưa, thời tiết lại mát mẻ”, cô nói.

    Còn với Mỹ Anh, vào những ngày nắng nóng, nữ sinh chọn cách đi ăn kem với bạn bè tại các cửa hàng, trung tâm thương mại - nơi có điều hòa - để cảm thấy dễ thở hơn.

    Trong khi đó, Phương Anh dùng quạt điện để đối phó với cái nóng ở Đức. Nhà của nữ sinh có cửa sổ to nhưng bên ngoài có thiết kế rèm sắt tránh nhiệt nên giảm đáng kể tình trạng ánh nắng chiếu thẳng vào nhà.

    Khi đi học, đi làm, nữ sinh di chuyển bằng phương tiện công cộng và luôn mang theo bình nước cá nhân. Một hạn chế ở nơi Phương Anh sống là cây cối không nhiều, mỗi khi ra ngoài, cô phải đội mũ và sử dụng kem chống nắng.

    Nữ sinh thông tin thêm những nhà khác, thậm chí cả công ty, tòa nhà lớn tại địa phương hầu như không có điều hòa nhiệt độ. Thay vào đó, người Đức xây nhà với thiết kế cách nhiệt, cách âm để đối phó với nhiều kiểu thời tiết.

    "Hai năm gần đây, thị trường Đức mới bổ sung nhiều loại điều hòa cây song không thể giải quyết triệt để tình trạng nắng nóng như bây giờ", Phương Anh nói.
    Giữa tháng 7, truyền thông châu Âu đồng loạt đưa tin về cái nóng bất thường, khiến cuộc sống và mọi hoạt động của người dân bị đảo lộn. Trong đó, Anh trở thành tâm điểm và được ví như “chảo lửa” của châu Âu. Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận vào ngày 19/7 tại nước này là 40,3 độ C, theo Washington Post.

    Giới chức Pháp cũng thông tin về cái nóng kỷ lục. Montpellier, Nantes, Saint-Brieuc được ghi nhận là những thành phố hứng chịu mức nhiệt cao. Nắng nóng cũng gây ra hai trận cháy rừng ở Gironde (vùng Tây Nam nước Pháp), phá hủy hơn 190 km2 rừng và khiến hơn 32.000 người phải sơ tán.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 25 khách