November 5, 2024
LITTLE SAIGON, California (NV) – Dù thể lệ bầu cử có thay đổi đến đâu và dù người ta có được bầu khiếm diện sớm đến bao nhiêu thì ngày 5 Tháng Mười Một vẫn là ngày “lễ dân chủ” và cử tri gốc Việt tại Little Saigon, Orange County, vẫn hăng hái tề tựu về phòng bỏ phiếu.

Từ sáng sớm 5 Tháng Mười Một cử tri đã hăng hái đến phòng phiếu. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Phòng phiếu tại Thư Viện Orange County ở đường 13th, Westminster, cử tri gốc Việt tấp nập ra vào.
“Tôi không tin ai cả, nhất là nhân viên bưu điện nên tôi muốn tự tay đến đây bỏ phiếu. Nghe đồn là phiếu bầu đường bưu điện bị lấy cắp hoài,” bà Mai Nguyễn, cư dân Garden Grove, nói. “Tôi phải bỏ trống rất nhiều vì có nhiều dự luật tiểu bang tôi không hiểu.”
Nhưng bà Mai rất vui vẻ vì bà chọn được vị tổng thống xứng đáng. Và bà cũng chọn được một thị trưởng Garden Grove gốc Việt “mặt mũi sáng sủa.”
Bà khoe: “Hôm trước ‘ông nhà tôi’ bảo để ông bầu giúp tôi vì tôi mắt mũi kèm nhèm, nhưng sức mấy mà tôi chịu. Phiếu ai nấy bầu chứ. Tôi biết ông ấy muốn kiếm thêm phiếu cho ‘ông kia’ nhưng đừng hòng mà qua mặt được tôi.”
Bà Tuyết Lê Trần, ở Westminster, cho biết bà rất cám ơn OCTA cho bà di xe buýt miễn phí để đi bầu.
“Tôi mua thẻ tháng nên đâu cần một ngày miễn phí nhưng thấy họ lo lắng cho mình thì cũng thấy vui,” bà chia sẻ. “Nhờ họ, tôi khỏi phải đi nhờ mấy bà hàng xóm.”
Cả bà Mai và Tuyết Lê đều nghĩ Phó Tổng Thống Kamala Harris sẽ đắc cử và trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.
Đi “scooter” điện đến phòng phiếu, ông San Phan, ở Westminster, nghiêm nghị nói: “Tôi bầu cho bà Harris, không phải vì bà có sách lược tinh vi để ‘an bang tế thế’ gì cả mà vì tôi nghĩ đối thủ của bà lại càng không có gì cả. Năm 2016, tôi bầu cho bà Clinton cũng không phải vì bà ‘sách lược kinh thiên động địa’ mà vì không có ai giỏi giang hơn thôi.”
Ông tiếp: “Hôm nay, lý do chính mà tôi đi bầu là vì tôi tin ở thể chế dân chủ của đất nước này và tôi vẫn nghĩ ngày Thứ Ba đầu tiên của Tháng Mười Một là ngày lễ mừng cho thể chế dân chủ.”
Ngoài ra, ông vẫn có lý do khác để đi bầu hôm nay.
“Tôi điền xong phiếu bầu cả tuần rồi, đã niêm phong xong xuôi nhưng phải đợi sáng nay mới bỏ phiếu, coi như là đi ‘trẩy hội dân chủ,’” ông nói. “Và, với tôi, quan trọng nhất vẫn là bầu dân cử địa phương, từ giám sát viên đến thị trưởng rồi đến nghị viên. Tôi chọn được mấy người rất xứng đáng đại diện cộng đồng.”

“Bà này” hay “ông kia,” mọi cử tri nô nức chờ đến lượt mình thể hiện chính kiến. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Một số dự luật trưng cầu dân ý của California cũng rất quan trọng, đối với ông San Phan.
Về chuyện “quốc gia đại sự,” ông San ước ao được sống tại một trong bảy tiểu bang “dễ thay đổi” như Arizona, Georgia, Michigan, North Carolina, Nevada, Pennsylvania hay Wisconsin.
“Ở ‘swing state,’ thường là tiểu bang nhỏ, cầm lá phiếu chọn ‘hiền tài’ ra giúp nước mới sướng vì lá phiếu của dân có thể thay đổi cục diện chứ ở California, mình có tới hơn 50 đại cử tri, mỗi phiếu của một đại cử tri gần bằng 750,000 lá phiếu một người dân. Vậy thì thấm thía gì,” ông phân tích.
“Nhưng tôi vẫn bầu vì tổng số phiếu bầu của người dân sẽ phải vào ‘record’ và sẽ phản ảnh tiếng nói của thời đại, phản ảnh nguyện vọng của quần chúng,” ông nói.
Lý luận của ông San là nếu sự khác biệt giữa “popular vote” và “electoral college vote” xảy ra thường xuyên thì sẽ có lúc Hiến Pháp sẽ phải được củng cố lại.
Hệ thống cử tri đoàn được thành lập từ thế kỷ 18 khi dân số Hoa Kỳ chỉ chừng 2.5 triệu người, khi truyền thông, báo chí chưa thao túng chính trường như bây giờ và giới “đại gia” cũng chưa vận động hậu trường như bây giờ.
Ngày nay, để một lá phiếu của một đại cử tri (ở California) bằng gần 750,000 phiếu cử tri thường thì khó thể gọi đó là dân chủ, theo ông San.

Giới trẻ có mặt tại phòng phiếu là hiện tượng lạ năm nay. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Nhưng, ở một quốc gia có dân số 334.9 triệu, khi trình độ nhận thức của mỗi cá nhân vẫn còn quá thấp (vì học đường còn cần cải thiện), khi dân trí chưa cao đủ để có khả năng phân tích những vấn đề phức tạp một cách sáng suốt thì bầu cử tổng thống vẫn phải qua cử tri đoàn, ông San phàn nàn.
Có người trẻ tuổi chịu bỏ thời gian ghé phòng phiếu trên đường Deodar.
Sinh viên Leo Văn Nguyễn, ở Huntington Beach, nhận xét rằng sự khác biệt giữa cựu Tổng Thống Donald Trump và Phó Tổng Thống Kamala Harris như ngày với đêm.
Trong lúc bà Harris ủng hộ quyền lựa chọn của phụ nữ, ủng hộ những người LGBTQ+, chống hình phạt tử hình thì ông Trump làm chuyện hoàn toàn trái ngược. Mỗi người mỗi ý. Ai tin ai thì ủng hộ ứng cử viên đó.
“Cháu có quốc tịch lâu rồi nhưng hôm nay là lần đầu tiên cháu đi bầu. Cháu bầu để ủng hộ bà Harris và cháu tin hôm nay sẽ là ngày lịch sử khi bà lên TV tối nay,” anh Leo cười. “Bà Harris là hình ảnh của sự thay đổi và nước Mỹ cần thay đổi.”
Cô Kate Trần, ở Cypress, lại không ủng hộ bà Harris như vậy nhưng cô vẫn “thích” bà hơn.
“Cháu cũng bầu cho bà Harris nhưng không vì nghĩ bà sẽ là một tổng thống giỏi, dung hợp được cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa cùng làm việc với nhau cho đất nước nhưng chỉ vì cháu nghĩ ông Trump đã là một tổng thống…,” cô dè dặt ngập ngừng. “Cháu ‘thích’ bà vì cháu nghĩ là dù bà có thất bại thì cũng vẫn không đến nỗi nào.”

Tại tất cả các phòng phiếu quanh Little Saigon đều có cử tri gốc Việt chờ xếp hàng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Lại có người bỏ phiếu một cách “vô tư” hơn.
Ở phòng phiếu góc đường Beach/Hazard, bà Hoàng Liên Trần (không muốn cho thành phố cư ngụ) nói: “Thật tình, tôi không theo dõi các đường lối và quốc sách của mỗi vị, tôi cứ thấy vị nào có tác phong đức độ, có tư cách đứng đắn của người có học thì tôi bầu cho người đó. Tôi không muốn nói tôi bầu cho ai. Tôi chỉ muốn nói, gánh nặng của trách nhiệm tổng thống Hoa Kỳ từng làm bao nhiêu đàn ông phải ‘bạc đầu rụng tóc’ thì rất khó để một phụ nữ cáng đáng. Nhưng tôi sợ bộ ba Donald Trump, JD Vance và Elon Musk hợp tác với nhau thì không là điềm lành.”
Một nhân viên phòng phiếu ở Thư Viện Orange County đường 13th muốn giấu danh tánh, nhận xét: “Chưa bao giờ tôi thấy cử tri gốc Việt ở tuổi trung niên (chừng từ 45 đến 65 tuổi) lại ‘hung dữ’ đến như năm nay. Hôm ấy, thấy một bà đang tiến đến thùng phiếu, tôi chạy đến định cầm phong bì giúp bà bỏ vào thùng thì bà gay gắt hất tay tôi ra, bực tức, không muốn tôi đến gần. Thái độ của bà như nghi kỵ, sợ tôi làm gì lá phiếu của bà.”
Ở phòng phiếu gần trung học Bolsa Grande, một nữ nhân viên phòng phiếu không để một cử tri gốc Việt vừa bầu xong mặc áo có in hình ông Trump vào cho đỡ lạnh. Cô yêu cầu cử tri bước ra cách chỗ đó 100 ft rồi mặc áo sau.
Lý do của cô là “no electioneering” (cấm ảnh hưởng cử tri) trong khuôn viên phòng phiếu. [qd]