Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Sự thật về kỹ năng phát hiện nói dối
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27909
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Sự thật về kỹ năng phát hiện nói dối

    by VietNews » Chủ nhật Tháng 4 04, 2021 12:57 pm





    Nhiều người nghĩ rằng kẻ nói dối sẽ để lộ sự thật qua ngôn ngữ cơ thể lo lắng nhưng chứng cứ khoa học lại cho thấy thực tế khác.

    Năm 1988, Marty Tankleff, 17 tuổi, được cảnh sát đánh giá là quá bình thản sau khi phát hiện mẹ bị đâm chết, bố bị đánh tử vong tại căn nhà sang trọng tại đảo Long Island, bang New York (Mỹ). Lời khẳng định vô tội của Tankleff không thuyết phục được nhà chức trách. Anh cuối cùng phải ngồi tù oan 17 năm.

    Trong một vụ án khác, Jeffrey Deskovic bị cho là đã quá đau buồn và quá háo hức khi muốn giúp cảnh sát tìm ra hung thủ siết cổ chết người bạn cấp 3. Tương tự Tankleff, Deskovic cũng bị cho là đã nói dối và phải chịu gần 16 năm tù oan.

    Tankleff không buồn rầu, Deskovic lại quá đau khổ. Tại sao hai cảm xúc trái ngược lại cùng được cho là dấu hiệu chỉ điểm tội lỗi? Cả Tankleff và Deskovic đều là nạn nhân của quan niệm sai lầm rằng con người có thể phát hiện nói dối dựa vào cách cư xử của đối phương, theo Maria Hartwig, nhà nghiên cứu về sự gian dối thuộc Trường Tư pháp Hình sự, Đại học thành phố New York.

    Trong nhiều nền văn hóa, người ta tin rằng những hành vi như lảng tránh ánh mắt, không chịu ngồi yên, và nói lắp... sẽ tố cáo người gian dối. Nhưng trên thực tế, các nhà nghiên cứu tìm được rất ít chứng cứ củng cố cho quan niệm trên.

    "Một vấn đề các nhà nghiên cứu về sự gian dối như chúng tôi gặp phải là việc mọi người đều nghĩ rằng mình biết rõ nguyên lý đằng sau nói dối", Hartwig nói. Nhưng chính sự tự tin này đã dẫn đến một số bản án oan như của Tankleff và Deskovic.

    Từ lâu, các nhà tâm lý học đã nhận thức được độ khó của việc phát hiện nói dối. Năm 2003, nhà tâm lý học Bella DePaulo, thuộc Đại học California, Santa Barbara (Mỹ) cùng đồng nghiệp đánh giá tổng quan các tài liệu khoa học và thu thập 116 thí nghiệm so sánh hành vi của người nói dối và người nói thật.

    Những thí nghiệm trên đánh giá 102 dấu hiệu phi ngôn ngữ như ánh mắt lảng tránh, nháy mắt, nói to hơn, nhún vai, thay đổi tư thế, chuyển động tay chân... Kết quả cho thấy không dấu hiệu nào được chứng minh là có thể nhận biết người nói dối với độ tin cậy cao. Chỉ một số dấu hiệu phi ngôn ngữ có liên hệ yếu với nói dối như đồng tử giãn nở hoặc cao độ giọng nói tăng nhẹ ở mức tai người không thể phát hiện.

    "x" là không có liên hệ mạnh; "o" là có liên hệ với việc nói dối; "O" là có liên hệ với việc nói thật.

    Dấu hiệu phi ngôn ngữ Liên hệ giả định Liên hệ thực tế
    Do dự khi nói (như "à", "ờ", "hừm"...) o x
    Nói sai (sai ngữ pháp, lặp từ hoặc câu,...) o x
    Tông giọng bị đẩy cao o o
    Độ trễ (khoảng lặng giữa câu hỏi và trả lời) x x
    Lảng tránh ánh mắt của người đối diện o x
    Cười (cười mỉm hoặc cười thành tiếng) x x
    Hay sờ vùng mặt o x
    Cơ thể hay cựa quậy o x
    Cử động tay để minh họa cho lời nói x O
    Cử động chân o x
    Thay đổi tư thế ngồi o x
    Chuyển động đầu (gật hoặc lắc đầu) o x
    Nháy mắt o x
    Bảng này cho thấy rất ít dấu hiệu phi ngôn ngữ có mối liên hệ mạnh với việc nói dối hoặc nói thật, theo AR Psychology 2019.

    Năm 2005, De Paulo và nhà tâm lý học Charles Bond thuộc Đại học Texas Christian (Mỹ) tiếp tục rà soát 206 nghiên cứu có sự tham gia của gần 24.500 người quan sát được giao nhiệm vụ đánh giá độ xác thực trong hơn 6.500 lượt giao tiếp của hơn 4.400 cá nhân.

    Kết quả cho thấy cả chuyên gia chấp pháp lẫn sinh viên tình nguyện đều không thể phân biệt lời nói thật và nói dối với độ chính xác hơn 54%, tỷ lệ chỉ nhỉnh hơn một chút so với may rủi. Ở các thí nghiệm riêng lẻ, độ chính xác này dao động khoảng 31-73%, trong đó nghiên cứu quy mô nhỏ hơn thì dao động kết quả cũng lớn hơn. "Tác động của may mắn rất hiển hiện trong nghiên cứu cỡ nhỏ. Trong nghiên cứu ở quy mô vừa đủ, yếu tố này sẽ cân bằng", Bond nói.

    Tác động của yếu tố quy mô cho thấy độ chính xác cao như được ghi nhận trong một số thí nghiệm nói trên có thể chỉ là do ngẫu nhiên, theo Timothy Luke, nhà tâm lý học kiêm nhà phân tích dữ liệu ứng dụng tại Đại học Gothenburg (Thụy Điển). "Nếu lúc này mà chúng ta chưa tìm thấy hiệu ứng ở quy mô lớn, rất có thể là vì chúng không tồn tại", Luke nói.

    Tuy nhiên, chuyên gia cảnh sát đã thường xuyên đưa ra lập luận phản bác rằng nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chưa đủ độ thực tế. Theo những người này, các tình nguyện viên (mà chủ yếu là sinh viên) khi được dặn nói dối hoặc nói thật trong phòng thí nghiệm tâm lý không phải đối diện hậu quả tương tự như nghi phạm trong phòng thẩm vấn hoặc trên bục làm chứng.

    "Những người ‘có tội’ trong thí nghiệm không phải mạo hiểm điều gì. Điều này không phải động lực thực tế và đi kèm hậu quả", Joseph Buckley, Chủ tịch của John E. Reid và Cộng sự, tổ chức đào tạo kỹ năng phát hiện nói dối dựa trên hành vi cho hàng nghìn nhân viên chấp pháp mỗi năm.

    Khi mới nghiên cứu về sự dối trá vào 20 năm trước, Samantha Mann, nhà tâm lý học tại Đại học Portsmouth (Anh), từng cho rằng sự phê bình như trên là có lý. Để nghiên cứu vấn đề này, Mann và đồng nghiệp ngồi xem hàng tiếng video cảnh sát thẩm vấn sát nhân hàng loạt đã bị kết tội rồi lọc ra ba lời nói thật và ba lời nói dối. Sau đó, Mann yêu cầu 65 cảnh sát Anh xem băng ghi hình 6 đoạn thẩm vấn để đánh giá lời nào là thật giả. Vì ngôn ngữ thẩm vấn là tiếng Hà Lan, nhóm cảnh sát Anh phải hoàn toàn dựa vào dấu hiệu phi ngôn ngữ.

    Kết quả cho thấy 65 cảnh sát đoán đúng 64%, cao hơn sự may rủi nhưng vẫn chưa chính xác cho lắm, theo Mann. Ngoài ra, những cảnh sát đoán sai nhiều nhất cũng là những người nói mình đánh giá dựa vào định kiến phi ngôn ngữ như "kẻ nói dối nhìn ra chỗ khác" hoặc "không chịu ngồi yên". Trên thực tế, tên sát nhân hàng loạt trong nghiên cứu vẫn luôn nhìn vào mắt đối phương và không cựa quậy khi nói dối. "Hắn ta rõ ràng rất lo lắng, nhưng hắn đã kiểm soát hành vi để đi ngược lại những giả định về nói dối", Mann nhận xét.

    Trong một nghiên cứu sau này cũng do Mann và đồng nghiệp thực hiện, 52 cảnh sát Hà Lan được cho phân biệt lời nói dối và nói thật của một số kẻ vừa giết người thân nhưng lại tỏ ra đau đớn trong họp báo được phát đi trên tivi. Tỷ lệ chính xác của nhóm cảnh sát này cũng không hơn may rủi.

    Những cảnh sát có kết quả kém nhất là người cho rằng màn thể hiện cảm xúc của sát thủ là thật. "Nếu giết vợ, người chồng có thể đau khổ vì nhiều lý do như hối hận hoặc sợ bị bắt. Hành vi phi ngôn ngữ rất mang tính cá nhân nên bạn sẽ sai lầm nếu tập trung vào đó", Mann nói.

    Năm 2014, những kết quả trên được xác nhận ở quy mô lớn khi Hartwig và Bond đánh giá tổng quan các nghiên cứu khoa học so sánh giữa khả năng phát hiện lời nói dối rủi ro nhỏ và lời nói dối rủi ro lớn. Kết quả, họ không tìm được chứng cứ cho thấy khi gặp phải lời nói dối của tội phạm hoặc của người bị nghi oan trong cuộc điều tra hình sự, con người sẽ có khả năng nhận biết tốt hơn so với khi gặp phải lời nói dối từ tình nguyện viên phòng thí nghiệm.

    Những nghiên cứu trên đều có đối tượng là sự gian dối dưới dạng lời nói. Nhưng vào năm 2019, Mann công bố nghiên cứu về sự gian dối phi ngôn ngữ, ví dụ khi kẻ gian muốn che giấu hoạt động phi pháp, bao gồm kẻ đánh bom hoặc buôn lậu.

    Hình ảnh
    Marty Tankleff ngồi tù oan sau khi bị cho là quá bình thản trước cái chết của bố mẹ giàu có. Ảnh: Howard Schnapp.

    Trong nghiên cứu này, Mann chia 52 sinh viên tình nguyện thành hai nhóm. Một nhóm được yêu cầu mang lậu chiếc laptop chứa ảnh nhạy cảm trên chuyến phà nối giữa hai thành phố. Người trong nhóm này được dặn hãy trà trộn giữa đám đông và đừng tỏ ra "khả nghi" vì sẽ có người cố xác định họ. Nửa số tình nguyện viên còn lại cũng được đưa cho chiếc điện thoại thông thường để vận chuyển nhưng không được dặn là cần giấu giếm.

    Khi Mann cho 104 tình nguyện viên khác xem băng ghi hình trên phà và yêu cầu chỉ ra "kẻ buôn lậu", những người này không thể đưa ra nhận định tốt hơn việc đoán mò. Khi được phỏng vấn, nhóm "kẻ buôn lậu" nói có cảm thấy lo lắng nhưng đã cố cư xử như thường và kiểm soát tâm trạng bằng chiến thuật như nghe nhạc hoặc nghịch điện thoại.

    Tiếp theo, Mann đẩy rủi ro lên cao. Trong nhóm 60 tình nguyện viên mới, một nửa được yêu cầu giấu phong bì chứa ngoại tệ Nga, Ai Cập, và Hàn Quốc, nửa còn lại không "buôn lậu" thứ gì qua phà. Nhưng lần này, Mann cho hai nhà nghiên cứu quanh quẩn trên phà và có hành động như đang đối chiếu mặt hành khách với ảnh trong điện thoại.

    Lần này, khi cố chọn ra "kẻ buôn lậu" trong băng ghi hình, 120 người quan sát chỉ có thể đoán trúng 39,2%, thấp hơn hẳn so với sự may rủi. Theo Mann, điều này là do "kẻ buôn lậu" cố gắng tỏ ra bình thường, trong khi nhóm "vô tội" chỉ phản ứng tự nhiên. Trong mắt người quan sát, sự ngạc nhiên của nhóm "vô tội" khi bất ngờ bị nhìn ngó lại là dấu hiệu của tội lỗi.

    Việc kẻ gian có thể che giấu sự lo lắng đã lấp đầy khoảng trống trong lĩnh vực nghiên cứu về sự gian dối, theo Ronald Fisher, nhà tâm lý học thuộc Đại học Quốc tế bang Florida, người thường đào tạo đặc vụ FBI. "Chưa có nhiều nghiên cứu so sánh cảm xúc nội tâm của con người với những gì người ngoài nhìn thấy được. Mấu chốt ở đây là người nói dối có cảm thấy lo lắng nhưng đây là cảm xúc nội tâm, trái ngược với cách họ cư xử trong con mắt của người khác", Fisher nói.

    Những kết quả trên khiến các nhà nghiên cứu hầu như đã từ bỏ việc truy tìm dấu hiệu phi ngôn ngữ của sự dối trá. Hiện, các nhà tâm lý học nhiều khả năng sẽ tập trung nghiên cứu những dấu hiệu ngôn ngữ, đặc biệt là phương thức phóng đại điểm khác biệt giữa lời nói của người nói thật và người nói dối.

    Ví dụ, người thẩm vấn có thể không tiết lộ chứng cứ trong thời gian dài hơn để nghi phạm phát biểu tự do hơn, từ đó có thể khiến kẻ nói dối để lộ mâu thuẫn. Trong một thí nghiệm năm 2006, nhà nghiên cứu Maria Hartwig dạy kỹ thuật trên cho 41 cảnh sát học việc. Sau đó, nhóm cảnh sát này đã xác định được người nói dối trong 85% số trường hợp được đưa ra, trong khi tỷ lệ đoán đúng của nhóm 41 cảnh sát học việc khác chưa được học kỹ thuật trên chỉ là 55%.

    Một kỹ thuật thẩm vấn khác vận dụng tới trí nhớ không gian. Theo đó, người thẩm vấn sẽ yêu cầu nghi phạm và nhân chứng phác thảo lại hiện trường liên quan tới vụ án hoặc chứng cứ ngoại phạm. Vì kỹ thuật này tăng cường sự hồi tưởng, người nói thật có thể ghi nhận lại nhiều chi tiết hơn.

    Trong nghiên cứu giả lập nhiệm vụ điệp viên do Mann và đồng nghiệp công bố năm 2020, 122 người tham gia được cho gặp "đặc vụ" trong căng-tin trường, trao đổi mật mã để được nhận gói hàng. Kết quả, những người tham gia được yêu cầu nói thật có thể cung cấp số chi tiết nhiều hơn 76% so với người được yêu cầu che giấu vụ trao đổi mật mã. "Khi phác thảo, bạn đang sống lại sự kiện đó nên kỹ thuật này sẽ trợ giúp hồi tưởng", Haneen Deeb, đồng tác giả của nghiên cứu trên và là nhà tâm lý học tại Đại học Portsmouth (Anh) nói.

    Thí nghiệm trên được thiết lập với sự góp ý từ cảnh sát Anh, lực lượng thường xuyên dùng cách thẩm vấn bằng phác thảo. Hoạt động phối hợp giữa cảnh sát Anh và các nhà nghiên cứu tâm lý học là một phần trong quá trình quốc gia này chuyển đổi sang cách phỏng vấn không suy đoán có tội, để chính thức thay thế kỹ thuật thẩm vấn theo kiểu buộc tội vào thập niên 1980-1990 sau khi nhiều bê bối án oan xảy ra.

    Quốc Đạt (Theo Knowable Magazine, Smithsonian Magazine)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 50 khách