Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Tiến sĩ chia sẻ chuyện đời khó nhọc trong luận án
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Tiến sĩ chia sẻ chuyện đời khó nhọc trong luận án

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 4 20, 2021 10:35 pm





    TRUNG QUỐC- Suốt 22 năm, tiến sĩ Hoàng Quốc Bình kiên định niềm tin: Học rồi bước ra thế giới để không sống phí hoài kiếp này.

    Ngày 18/4, trang mạng xã hội của Học viện Khoa học Trung Quốc đăng tải lời cảm ơn trong luận án tiến sĩ của anh Hoàng Quốc Bình, bảo vệ thành công năm 2017 tại Trung tâm Nghiên cứu Tự động hóa, Học viện Khoa học Trung Quốc.

    Lời cảm ơn mau chóng được hơn 30.000 người dùng chia sẻ và báo chí đưa tin. Hiện ông Bình làm việc cho Phòng thí nghiệm AI của Tencent, tập đoàn công nghệ lớn tại Trung Quốc.

    Hình ảnh
    Tiến sĩ Hoàng Quốc Bình. Ảnh: 163.com

    Lời cảm ơn

    Tôi đã đi qua chặng đường rất dài, nếm trải nhiều cay đắng mới có thể hoàn thành bản luận án mọi người đang cầm trên tay. 22 năm ăn học đầy khó khăn ấy, quả không dễ dàng. Tất cả như một giấc mộng, dường như mới hôm qua gia đình tôi vẫn còn quây quần bên nhau.

    Tôi sinh ra ở một vùng núi hẻo lánh. Lúc tôi 12 tuổi, mẹ bỏ nhà ra đi. Số ngày bố con gặp nhau cũng hiếm hoi. Kể cả những lúc tôi ốm nặng không thể tự nâng mình dậy, bố chỉ để lại số tiền vừa đủ chữa bệnh rồi lại đi. Khi tôi lên 17, bố mất trong một tai nạn giao thông. Tôi khóc đến mờ mắt vì từ đó, tôi có bị ốm nặng cũng không còn ai quan tâm nữa. Cùng năm ấy, bà nội đổ bệnh qua đời. Người bà chăm sóc tôi 17 năm, khi xuống mộ chỉ độc một cỗ quan tài ván gỗ mỏng manh.

    Trong nhà còn một thành viên khác là con chó già tên Tiểu Hoa. Lúc bố và bà mất, nó gác mộ nửa bước không rời. Sau này, tôi vào thành phố học cấp 3, không biết nó đã lưu lạc đến nơi nào. Thầy giáo Khưu Hạo dạy Tin học, người coi tôi như em trai, không kịp nhìn thấy giấy báo đỗ đại học của tôi. Vợ thầy, người quan tâm tôi hết mực, cũng vội lìa trần trước tuổi 40. Những lần về thăm quê, từng ngôi mộ của họ nhắc nhở tôi rằng mọi phút giây trong đời đều đáng quý.

    Nếu nhân tình thế thái, sinh ly tử biệt khiến con người đau khổ bất lực, cái nghèo lại có thể làm ta mất hy vọng. Hồi ấy, điều khiến tôi vui nhất mỗi tối là làm bài tập hoặc đọc sách dưới ánh đèn dầu trong căn nhà trống. Cứ trời mưa là lại đến tiết mục lợp mái nhà dột.

    Trước khi lên cấp ba, nguồn tài chính chủ yếu của tôi tới từ đi bắt lươn, câu cá, nuôi heo, và cho thuê trâu cày. Cánh đồng và con sông gần nhà đã in hằn không biết bao nhiêu dấu chân của tôi. Những chuyện như nửa đêm bị chó và rắn đuổi ngã xuống nước, phải mò mẫm chạy về nhà hay chuyện chưa đóng học phí mà bố đã lén đem lươn đi đổi lấy rượu thịt, là điều khó tránh khỏi.

    Tôi có thể âm thầm chịu đựng những khó khăn ấy, nhưng trước mặt người khác, lòng tự tôn của tôi rất đỗi mong manh. Lên lớp, tôi thường xuyên bị gọi ra ngoài nhắc nhở vì chậm tiền học. Ngày mưa đến trường, áo tôi ướt nhèm, sau quần không chừng còn bám cả bùn đất. Mùa hè tôi đi chân trần trên con đường nóng giãy. Mùa đông tôi khoác tấm áo cũ sờn vượt qua con đường lạnh cứa da đến lớp nhận bài tập. Với tôi, những thứ này đều có thể trở thành giọt nước làm tràn ly. Nếu không phải vì nghĩ tới niềm hư vinh được đứng trên bục nhận thưởng sau mỗi kỳ thi và được dán đầy tường những bằng khen, có lẽ tôi đã bỏ cuộc từ lâu.

    Sinh ra trong bão tố cuộc đời, tôi phải phấn đấu hết sức để có được những thứ rất đỗi bình thường. May mắn là cuộc đời này vẫn còn chút thương xót tôi. Sau khi vào cấp 3, tôi được nhà trường miễn toàn bộ học phí, chi phí sinh hoạt được gia đình bác Hồ lo liệu. Vào đại học, công nghệ thông tin trở thành sự nghiệp và hy vọng của tôi.

    Từ nhà ngồi xe bus cần hơn hai tiếng mới tới được huyện, cả đường tôi cứ mong sớm ra khỏi núi. Từ tiểu học thôn Cự Quang đến trung học trấn Đại Dần, từ cấp ba huyện Nghi Lũng đến cấp ba thành phố Miên Dương, từ Đại học Tây Nam Trùng Khánh đến Học viện Khoa học Trung Quốc, không biết bao lần tôi cảm thấy sắp gục ngã trước áp lực thực tại. Nhưng suốt chặng đường ấy, tôi có niềm tin rất đơn giản: Kiên trì học rồi bước ra ngoài thế giới để không sống phí hoài kiếp này.

    Cuộc đời vốn dĩ khó đoán. Tương lai ắt tôi sẽ phải đối diện những thử thách chông gai hơn. Nhưng lúc này đây, tôi đã có dũng khí và kiên nhẫn đối diện mọi khó khăn. Lý tưởng của tôi không cao siêu, chỉ mong sau này qua nửa đời người, tôi vẫn có thể có tâm thế của một thiếu niên, vẫn có cơ hội được làm quen lại với thế giới để không uổng phí những cay đắng nếm trải đời này. Cuối cùng, nếu có thể khiến cuộc sống của người khác trở nên tốt đẹp hơn một chút, vậy đời này tôi đã lãi lắm rồi.

    Trung tâm Nghiên cứu Tự động hóa của Học viện Khoa học Trung Quốc được thành lập vào tháng 10/1956, là cơ quan nghiên cứu tự động hóa công lập sớm nhất Trung Quốc. Đây cũng là đơn vị nghiên cứu công lập đầu tiên tại nước này triển khai nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.


    Quốc Đạt (Theo The Paper, Xinhua)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 37 khách