Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Cách tạo niềm tin khi là người mới trong đội ngũ
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Cách tạo niềm tin khi là người mới trong đội ngũ

    by VietNews » Chủ nhật Tháng 5 02, 2021 5:43 pm






    Niềm tin phải xây dựng khi bạn và người khác dành thời gian tương tác và đánh giá tính cách lẫn nhau, quanh 3 phẩm chất cơ bản.

    Trong bất kỳ môi trường làm việc nào, bạn cần có niềm tin vì nhiều lý do. Bởi không có sự tin tưởng, bạn không thể hết mình trong công việc. Bạn và thành viên trong nhóm có thể khó hỗ trợ nhau hoặc thoải mái chia sẻ ý kiến và quan điểm. Điều này dẫn đến việc hiểu sai ý nhau, làm giảm năng suất và ngại chấp nhận rủi ro.

    Có nhiều cách vun đắp và duy trì lòng tin nếu như bạn biết cách gửi và nhận các tín hiệu phù hợp. Sau đây là ba trong số các chỉ số đáng tin cậy nhất.

    Hình ảnh
    Xây dựng niềm tin xoay quanh việc bồi dưỡng: năng lực, tính rộng lượng và sự chính trực. Ảnh: Pixabay.

    Năng lực

    Năng lực là khả năng hoàn thành công việc hiệu quả và thành công. Khi người khác đánh giá bạn là người có năng lực, họ luôn tin bạn có đủ kỹ năng và kiến thức hoàn thành công việc. Điều này khiến họ xem bạn là người làm được việc, đáng tin cậy. Tất cả điều này là động lực thiết yếu cho niềm tin. Vài điều bạn có thể thực hiện để thể hiện năng lực bản thân gồm:

    - Có kế hoạch và biết sắp xếp: Trước cuộc họp, hãy chuẩn bị kỹ và nghiên cứu qua lịch trình làm việc. Để thể hiện bạn có chuẩn bị, hãy đưa ra các câu hỏi, nghiên cứu, hoặc giải pháp có thể khiến các thành viên tham gia dự án thấy hứng thú. Đồng nghiệp sẽ thấy bạn là thành viên năng nổ và biết sắp xếp.

    - Thể hiện độ tin cậy và kiên định: Hãy nhất quán trong các thông điệp bạn đưa ra. Nếu bạn có góp ý quan trọng về một dự án, đừng chỉ nói với một đồng nghiệp và giấu đồng nghiệp khác. Mọi người luôn liên kết sự nhất quán và cam kết cùng với độ tin cậy. Đối xử công bằng với mọi người và đảm bảo hành vi phù hợp với giá trị bản thân.

    - Luôn thận trọng khi đưa ra lời hứa: Đừng hứa những điều bạn không có thời gian hay động lực thực hiện. Ngoài ra, tránh hứa nhiều làm ít. Khi trò chuyện cùng đồng đội, tránh đưa ra những góp ý chung chung. Thay vào đó, hãy đưa ra những cách hữu ích mà bạn có thể hỗ trợ khi thích ý tưởng của họ. Tương tự vậy, nếu bạn không đồng ý với một ý tưởng, hãy thành thật và đừng vờ hỗ trợ.

    - Dễ đoán và đáng tin: Loại bỏ bí ẩn xung quanh hành động bằng cách giải thích động cơ, giá trị, và tiêu chí của bạn.

    Tính rộng lượng

    Rộng lượng là phẩm chất của lòng tốt và là mức độ bạn quan tâm đến người khác. Mọi người sẽ dần dần tin tưởng bạn dựa trên mức độ họ tin bạn quan tâm đến lợi ích của họ, và có nỗ lực vượt qua nhu cầu bản thân để đáp ứng nhu cầu của nhóm. Vài điều bạn có thể thực hiện nhằm thể hiện tính rộng lượng bao gồm:

    - Xác định điểm tương đồng: Mọi người sẽ cởi mở hơn với ý tưởng của bạn nếu cảm thấy giá trị của bạn giống với giá trị của họ. Cố gắng xác định các chủ đề và mục tiêu mà bạn và thành viên trong nhóm gặp nhau, bằng cách trò chuyện chân thành với họ.

    Ví dụ, khi ai đó chia sẻ một hay hai điều về cuộc sống của họ lúc bắt đầu cuộc họp, cố gắng giao tiếp với họ bằng việc cũng chia sẻ vài điều về bản thân. Khi ai đó hỏi cách làm việc của bạn, hãy xem đây là cơ hội tương tác thật sự. Hãy trung thực về những thách thức và khó khăn bạn đang đối mặt – và đặt câu hỏi ngược lại.

    Cuối cùng, khi nói về ý tưởng của bạn, hãy liên kết chúng với các giá trị bản thân. Điều này sẽ giúp người khác có cơ hội kết thân hơn với bạn. Các đồng nghiệp càng hiểu rõ về quê quán của bạn, họ càng có nhiều khả năng hỗ trợ bạn hơn.

    - Thể hiện lòng tốt và lòng trắc ẩn: Những cử chỉ nhỏ cũng tạo nên thay đổi lớn. Trong suốt các buổi hàn huyên hoặc trò chuyện, hãy dành thời gian hỏi về cảm giác và mối quan tâm thực sự của đồng nghiệp. Mọi người sẽ dễ nhận định bạn là người quan tâm đến nhu cầu của người khác và do đó, nhận định bạn đáng tin hơn.

    Ví dụ, bạn có thể tham gia giúp đỡ đồng nghiệp đang gặp khó khăn do trường hợp khẩn cấp trong gia đình hoặc tỏ lòng biết ơn công việc của đồng nghiệp trong cuộc họp nhóm tiếp theo. Khi những người khác nhận thấy bạn là người có lòng tốt và lòng trắc ẩn, họ có nhiều khả năng nghĩ những điều bạn nói theo hướng tích cực.

    - Biết kiềm chế: Hãy suy nghĩ kỹ trước khi nói. Trong suốt cuộc họp, đảm bảo các nhận xét của bạn không mang tính bác bỏ. Tránh chế giễu và đảo mắt dù cho bạn không quan tâm đến mức nào. Đừng chỉ biết phát biểu trong buổi trò chuyện, thay vào đó, đảm bảo mọi người đều có cơ hội nêu ý kiến.

    Tránh nói chuyện phiếm sau lưng đồng nghiệp. Nếu đồng nghiệp chia sẻ khó khăn cá nhân với bạn, đây không phải là chuyện bạn nên nói với người khác. Bạn cần phải chú ý đến quyền riêng tư ở nơi làm việc. Chú ý quản lý ranh giới cá nhân và công việc để bạn có thể được tin cậy ở những thông tin nhạy cảm.

    Chính trực

    Chính trực là cách bạn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cao và mức độ trung thực của bạn. Sự chính trực rất quan trọng cho việc vun đắp lòng tin.

    - Thể hiện lòng trung thành: Tìm cách thể hiện ủng hộ và trung thành với các thành viên trong nhóm. Là thành viên mới, bạn có thể thể hiện lòng trung thành bằng cách chứng thực danh tiếng nhóm đối với người ngoài, bảo vệ tầm nhìn và sứ mệnh của nhóm, và bằng cách hành động vì lợi ích dành cho mục tiêu của nhóm hơn là mục tiêu cá nhân.

    Nếu như người quản lý khen ngợi bạn về bài thuyết trình vừa trình bày và bạn có nhờ ba đồng nghiệp giúp bạn tổng hợp lại, hãy công nhận đóng góp của họ. Thay vì nói, "Cám ơn, tôi làm hết sức để hoàn thành nó," bạn có thể nói, "Cám ơn. Tôi muốn cám ơn tất cả sự trợ giúp từ X, Y và Z".

    - Lắng nghe: Bằng cách lắng nghe và xem xét quan điểm của thành viên trong nhóm trước khi đưa ra quyết định sẽ thể hiện bạn là người thận trọng và suy xét mọi khía cạnh, chứ không phải là người bốc đồng.

    Ví dụ, nếu như nhận thấy bản thân có ý kiến bất đồng, thay vì phản bác ngay lập tức, trước tiên hãy dành thời gian lắng nghe đồng nghiệp. Cố gắng hiểu khía cạnh lập luận của họ. Đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn và sau đó nêu quan điểm của bản thân. Bạn có thể nói, "Theo cách tôi nhận thấy, ý của bạn là X." Điều này cho thấy bạn có lắng nghe ý kiến của họ và muốn hiểu rõ trước khi quyết định – chứ không phải chỉ muốn "thắng" trong cuộc tranh luận này.

    - Giúp đỡ người khác: Cố gắng làm hơn những gì thuộc nghĩa vụ bản thân, như việc giúp những người khác đạt được thành tích xuất sắc. Ví dụ, bạn có thể chủ động huấn luyện kỹ năng cho đồng nghiệp nhằm giúp họ cải thiện hiệu suất trong công việc. Bạn là chuyên gia về Excel? Hãy mở lớp nâng cao ngắn hạn hướng dẫn cho các đồng nghiệp.

    Các đội ngũ mạnh thường dựa trên tinh thần hợp tác tốt giữa các thành viên, mà niềm tin chính là chìa khóa. Cho đồng nghiệp thấy bạn xứng đáng với sự tin tưởng của họ bằng cách thể hiện các đặc điểm nêu ở trên. Hãy nhất quán, và tìm kiếm sự nhất quán trong hành động của đồng nghiệp. Đó là cách họ gia tăng niềm tin không đổi về tính cách của bạn và cũng là cách bạn có thể xem xét liệu có nên đầu tư thời gian và tin vào họ hay không.

    Phiên An (theo Harvard Business Review)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 35 khách