Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Cô giáo khiếm thị trở thành nhà tư vấn tâm lý
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27907
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Cô giáo khiếm thị trở thành nhà tư vấn tâm lý

    by VietNews » Thứ 2 Tháng 5 03, 2021 3:56 pm






    TRUNG QUỐC- Mất thị lực khi đang là cô giáo tiếng Trung, Liu Fang chuyển sang tư vấn tâm lý cho học trò là những đứa trẻ "bị bỏ lại" ở Quý Châu.

    Năm 1997, khi đang dạy tiếng Trung tại một trường trung học ở tỉnh Quý Châu, Liu Fang được chẩn đoán mắc viêm võng mạc sắc tố (retinitis pigmentosa), một căn bệnh di truyền khiến mất dần thị lực. Khi ấy, Liu đã kết hôn được hai năm và có con trai 8 tháng tuổi.

    "Lúc bác sĩ nói bệnh của tôi không có thuốc chữa hay không thể can thiệp phẫu thuật, mọi thứ xung quanh như sụp đổ, chân tôi muốn khuỵu xuống", Liu nhớ lại.

    Hôm đó, đoạn đường từ bệnh viện về nhà chỉ 5 km nhưng Liu cảm thấy như dài vô tận. Cô không biết phải tiếp tục công việc hay cuộc sống thế nào.

    5 tuổi, Liu theo bố mẹ lên thành phố Quý Dương. Từ tiểu học tới trung học, Liu luôn được cô giáo khen có khả năng viết. Thế nên, Liu nuôi mong ước trở thành cô giáo tiếng Trung. Năm 1993, sau khi tốt nghiệp Đại học Quý Dương, Liu bắt đầu giảng dạy tại một trường trung học tại thành phố này.

    Hình ảnh
    Liu Fang tương tác với học sinh sau giờ học tại một trường ở thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, tháng 3/2019. Cô trở thành nhà tư vấn tâm lý cho học sinh sau khi mất đi thị lực. Ảnh: China Daily.

    Quý Châu là một trong những khu vực chậm phát triển nhất Trung Quốc. Thời điểm đó, phần lớn học sinh trong lớp Liu dạy là những đứa trẻ "bị bỏ lại" cho người thân chăm sóc khi bố mẹ tỏa đi khắp các thành phố lớn để tìm việc.

    Lúc được chẩn đoán mắc căn bệnh về võng mạc, Liu đang tạo ra những thay đổi tích cực cho học sinh của mình. Cô khuyến khích chúng yêu trường, chăm chỉ học hành hơn để có kiến thức, thay đổi tương lai.

    "Tôi quan niệm, những người có việc làm đều hạnh phúc. Nếu có một công việc yêu thích, bạn sẽ càng hạnh phúc hơn", Liu nói, nhắc đến công việc giáo viên của mình.

    Là người nhiệt tình và có nhiều sở thích như hát, vẽ, Liu truyền cho học sinh sự tích cực ấy và nhận được sự cộng hưởng từ học trò. Cô khuyến khích chúng nhớ những bài thơ cổ bằng cách ngân nga như đang hát.

    Liu quyết định tiếp tục dạy học với phần thị lực còn lại và xem như không tồn tại căn bệnh về võng mạc. Cô hiếm khi giao lưu, chỉ tập trung vào công việc.

    Thị lực ngày càng giảm, Liu chỉ còn thấy hai chữ cái in trên bìa cuốn sách giáo khoa là hai điểm màu đen. Cô chỉ có thể nhìn thấy rõ ràng khi áp sát mặt vào sách.

    Học sinh và đồng nghiệp không nhận ra điều bất thường ở Liu khi cô đã nắm được nội dung cuốn sách và luôn sẵn sàng kế hoạch giảng dạy. Cô vẫn có thể cho điểm hay góp ý cho học sinh trên lớp như trước khi được chẩn đoán bệnh. "Tôi giống như một con kén dùng bộ lông sặc sỡ để che đậy sự mong manh và bất lực", Liu tâm sự.

    Năm 2006, Liu không còn trông thấy gì, ngoài bóng đen trước mặt. Liu quyết định chấp nhận tình trạng của mình và được công nhận là người khuyết tật. "Trong thế giới của tôi, bầu trời đột nhiên mở ra. Tôi cảm thấy giống như một chú bướm được tự do và sẵn sàng đón nhận lòng tốt của người khác", Liu chia sẻ.

    Với Liu, không còn có thể tiếp tục dạy tiếng Trung nữa là hối tiếc lớn nhất trong cuộc đời. Năm 2007, cô chọn trở thành một nhà tư vấn sức khỏe tinh thần trong trường học. "Khi đó, tôi mới 36 tuổi. Thật không thể tưởng tượng nổi việc tôi sẽ chỉ về nhà và ngồi cả ngày", Liu nói.

    Tuy nhiên, việc tư vấn tâm lý không phổ biến ở các trường tiểu học và trung học tại những vùng nông thôn của Quý Châu. Nhiều học sinh có quan niệm sai lầm rằng chỉ những bạn không bình thường mới tới phòng tư vấn của Liu.

    Liu đã nói với học sinh rằng phòng tư vấn là một không gian an toàn, nơi có thể tâm sự với cô về mọi chuyện vốn khó nói cho bố mẹ biết.

    Từ căn phòng 40 m2, được giới chức giáo dục địa phương đặt tên là Liu Fang studio, Liu đã tư vấn cho hơn 10.000 học sinh, kể từ năm 2007. Khác biệt lớn nhất giữa một giáo viên dạy tiếng Trung và một nhà tư vấn tâm lý là Liu không còn phải nói nhiều hơn nữa. Giờ cô có vai trò lắng nghe.

    Để ngày càng nhiều trẻ nhận ra tầm quan trọng của giáo dục sức khỏe tinh thần, đặc biệt ở các vùng nông thôn, Liu nghĩ ra nhiều buổi tư vấn tâm lý, tổ chức các chương trình radio và viết sách dưới sự hỗ trợ của phần mềm. Người ủng hộ cô không chỉ học sinh mà cả giáo viên và phụ huynh.

    Năm 2009, Liu nhận được giải thưởng "giáo viên nổi bật quốc gia" của chính phủ. Năm 2016 và 2019, Liu nhận các danh hiệu ghi nhận sự đóng góp của cô cho ngành giáo dục ở vùng nông thôn.

    Bình Minh (Theo China Daily)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 20 khách