Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Hóa thạch của hổ răng kiếm nặng 300 kg
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Hóa thạch của hổ răng kiếm nặng 300 kg

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 5 05, 2021 11:52 pm





    Một loài hổ răng kiếm sống ở Nam Mỹ cách đây 5 - 9 triệu năm có thể săn con mồi to gấp 10 lần kích thước cơ thể.

    Hình ảnh
    Phục dựng hổ răng kiếm săn lạc đà. Ảnh: Roger Witter.

    Các nhà khoa học Mỹ đặt tên cho loài hổ đáng sợ mới phát hiện là Machairodus lahayishupup để tôn vinh những người Cayuse sống ở vùng đất tìm thấy mẫu vật. Trong tiếng Cayuse, "Laháyis Húpup" có nghĩa là mèo hoang dã cổ đại, còn "Machairodus" là từ chỉ họ hổ răng kiếm khổng lồ sống ở Bắc Mỹ, châu Phi và đại lục Á - Âu. Nhóm nghiên cứu cho rằng loài vật mới tồn tại ở đầu quá trình tiến hóa của hổ răng kiếm. Họ công bố kết quả nghiên cứu hôm 3/5 trên tạp chí Mammalian Evolution.

    M. lahayishupup cũng là họ hàng của Smilodon, loài hổ răng kiếm nổi tiếng nhất tuyệt chủng cách đây khoảng 10.000 năm. Nó được nhận dạng chủ yếu dựa vào bàn chân trước, bộ phận hổ răng kiếm dùng để chế ngự con mồi. Nghiên cứu do nhà sinh vật học Jonathan Calede ở Đại học Ohio và John Orcutt ở Đại học Gonzaga tại Spokane, Washington, tiến hành. Các nhà nghiên cứu suy đoán M. lahayishupup thường săn động vật lớn như bò bison.

    Nghiên cứu bắt đầu khi Orcutt tìm thấy một chiếc xương chi trước cực lớn ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên và Văn hóa của Đại học Oregon với chú thích đó là xương mèo. Họ còn phát hiện 6 mẫu vật trong nhiều bộ sưu tập tại Bảo tàng Cổ sinh vật học của Đại học California, Bảo tàng tưởng niệm Texas và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Idaho. Ngoài xương chi trước, họ còn thu thập những chiếc răng vốn được cho là tiêu chuẩn vàng để nhận dạng loài mới.

    Hóa thạch M. lahayishupup lớn nhất dài hơn 46 cm, rộng 4,3 cm. Trong khi đó, xương chi trước của một con sư tử đực trưởng thành cỡ trung bình chỉ dài 33 cm. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phân tích mẫu vật chân trước của báo đốm, sư tử, báo puma, hổ và nhiều loài mèo lớn đã tuyệt chủng từ các bảo tàng trên khắp thế giới. Calede sử dụng phần mềm để lập mô hình cẳng chân và đánh dấu những đặc điểm nổi trội.

    Hai nhà nghiên cứu dựa vào tương quan giữa khối lượng cơ thể và kích thước cẳng chân trước ở mèo lớn hiện đại để ước tính kích thước cơ thể của M. lahayishupup. Họ suy đoán con mồi của chúng bao gồm lười đất, tê giác và họ hàng của lạc đà khổng lồ là Hemiauchenia.

    An Khang (Theo Mail)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 34 khách