Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Nạn nhân bị 'bắt cóc' trở về sau 22 ngày biệt tích
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27930
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Nạn nhân bị 'bắt cóc' trở về sau 22 ngày biệt tích

    by VietNews » Thứ 6 Tháng 12 04, 2020 9:04 am


    MỸ- Ba tuần sau khi mất tích, Sherri Papini bất ngờ trở về bên gia đình với câu chuyện mình bị bắt cóc.

    Chiều 2/11/2016, bà mẹ hai con Sherri Papini, 34 tuổi, được chồng Keith báo mất tích khỏi nhà riêng tại thành phố Redding, bang California.

    Keith kể Sherri trước đó nói sẽ đón con từ nhà trẻ sau khi đi chạy bộ. Nhưng khi chồng đi làm về, Sherri và hai con nhỏ vẫn chưa có mặt ở nhà.

    Cảm giác có chuyện bất thường, Keith bật ứng dụng định vị và tìm được điện thoại của vợ trên con đường mòn vợ hay chạy bộ, cách nhà khoảng một dặm. Điện thoại vẫn còn cắm tai nghe, gần đó là lọn tóc vàng bị giật đứt, Keith kể.

    Nhận tin báo, cảnh sát mở cuộc tìm kiếm với sự trợ giúp của trực thăng và chó nghiệp vụ, nhưng không tìm thấy dấu vết gì quanh khu vực tìm thấy điện thoại của Sherri. Người thân của gia đình Papini cũng phát tờ rơi và treo thưởng cho người cung cấp thông tin, nhưng không có kết quả. Vụ mất tích của bà mẹ hai con nhận được sự quan tâm rất lớn của truyền thông và dư luận.


    Hình ảnh
    Sherri Papini mất tích không dấu vết sau một buổi chiều tháng 11/2016. Ảnh: Keith Papini.

    Thông thường, nếu người vợ mất tích, người chồng sẽ bị nghi ngờ đầu tiên. Trường hợp của Keith không ngoại lệ, nhất là khi cảnh sát thấy hiện trường vụ mất tích như có dấu hiệu sắp đặt: tai nghe của nạn nhân bị rối như thể vừa được rút từ trong túi ra, không giống như đang được sử dụng.

    Để xóa bỏ mọi nghi ngờ, Keith tự nguyện ngồi máy kiểm tra nói dối trong nhiều tiếng và cuối cùng vượt qua. Anh được cảnh sát loại khỏi diện tình nghi sau 9 ngày kể từ khi Sherri mất tích. Sau đó, Keith tự đứng ra vận động quyên góp để có tiền thuê thám tử tư vì cho rằng cuộc tìm kiếm diễn ra quá chậm. Kết thúc gây quỹ, anh ta thu được gần 50.000 USD.

    Kể cả khi thám tử tư vào cuộc, manh mối mới cũng không xuất hiện. Cuộc tìm kiếm cứ thế diễn ra trong vô vọng cho tới khi Sherri bất ngờ xuất hiện. Khoảng 4h30 sáng 24/11/2016, 22 ngày sau khi mất tích, Sherri được một người lái xe qua đường nhìn thấy khi đang vẫy tay cầu cứu trên con đường làng cách nhà khoảng 150 dặm về phía nam.

    Lúc này Sherri trông gầy gò, bị xích ở vùng eo, cổ tay trái bị cột với dây xích ở eo bằng loại dây rút nhựa, cổ chân bị bọc đai siết kim loại. Cơ thể chị có nhiều vết bầm tím, chóp mũi bị vỡ, mái tóc vàng bị cắt cụt. Đặc biệt, vai Sherri bị đóng dấu nung đỏ.

    Theo cảnh sát và Keith, khi bình tĩnh trở lại, Sherri kể đang chạy bộ thì bị hai phụ nữ gốc Latinh chụp túi kín đầu và đem tới nơi khác. Sherri nói bị bịt mắt suốt những ngày giam cầm, hai kẻ bắt cóc nói tiếng Tây Ban Nha và luôn che mặt.

    Dù bị giam giữ nhiều ngày, Sherri không thể hồi tưởng bất cứ tình tiết nào về ngoại hình kẻ bắt cóc hoặc đặc điểm nơi nhốt. Điều duy nhất người phụ nữ nhớ được là lúc bị kẻ bắt cóc đá ra khỏi xe van và bỏ lại dọc đường.

    Cảnh sát không khai thác được thông tin từ Sherri nên cũng không có manh mối để tiếp tục cuộc điều tra. Vụ bắt cóc của Sherri dường như không có nghi phạm, không có động cơ, và không có chứng cứ cụ thể.

    Hình ảnh
    Bản phác thảo chân dung hai kẻ bắt cóc nữ giới. Ảnh: FBI.

    Dựa trên số ít chứng cứ thu được, cảnh sát thấy rằng lời khai của Sherri có một số điểm bất hợp lý. Quần áo Sherri mặc lúc được phát hiện có hai mẫu ADN của một cặp nam nữ, trong khi Sherri nói kẻ bắt cóc là hai phụ nữ. Sau khi loại trừ Keith, cả hai mẫu ADN lạ được đem đi đối chiếu với cơ sở dữ liệu ADN tội phạm của FBI nhưng cũng không cho kết quả trùng khớp.

    Ngoài ra, Sherri kể đã giằng co khi bị bắt cóc nên ở phần chân bị một vết cắt sâu. Tuy nhiên, khi được khám tại bệnh viện, chân Sherri hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu từng bị thương.

    Sau khi Sherri trở về, cả gia đình Papini bắt đầu khép mình với người ngoài. Sherri thậm chí không xuất hiện bên ngoài căn nhà cho tới một năm sau sự việc.

    Dù Sherri đã an toàn, nhiều người vẫn băn khoăn điều gì thật sự đã xảy ra. Theo thời gian, một số thông tin được công khai khiến lời kể của Sherri có chút lung lay.

    Hàng xóm của gia đình Papini cho biết đã sống ở đó nhiều năm liền nhưng chưa từng thấy Sherri chạy bộ trên con đường mòn sau nhà. Có vẻ vụ "bắt cóc" xảy ra ngay lần đầu Sherri lên đường chạy.

    Ban đầu, cảnh sát hạt Shasta cũng nghi ngờ câu chuyện của Papini và đặt giả thuyết Sherri muốn từ bỏ mọi thứ để bắt đầu lại ở nơi khác. Có thể sau một thời gian, chị ta đổi ý nên bịa chuyện bị bắt cóc.

    Quá trình điều tra, cảnh sát còn phát hiện Sherri thường xuyên nhắn tin với một người đàn ông khác ở bang Michigan trong vài tháng trước khi mất tích. Cảnh sát không xác nhận đây có phải quan hệ tình cảm hay không nhưng tình tiết này vẫn khiến nhiều người nghi ngờ Sherri định bỏ nhà theo nhân tình.

    Một số người lại cho rằng Sherri chỉ đơn giản bịa chuyện vì muốn được chú ý. Theo mẹ Sherri, con gái từng có lần định tự làm hại bản thân nhưng lại đổ lỗi cho mẹ. Bố Sherri cũng cáo buộc con gái từng đột nhập nhà riêng.

    Theo giả thuyết khác, vụ "bắt cóc" do gia đình Papini dàn dựng để thu lợi bất chính, điều này lý giải các dấu hiệu bất thường trên con đường mòn. Sau khi quyên góp được gần 50.000 USD, Keith chưa bao giờ công bố dùng tiền vào mục đích gì dù nhiều người bày tỏ nghi ngờ và yêu cầu hoàn tiền sau khi Sherri trở về.

    Dù vậy, phía cảnh sát cho biết vẫn tin việc Sherri bị bắt cóc nhưng không cung cấp thêm thông tin. Hồ sơ vụ án chưa được đóng lại nhưng nhà chức trách xác nhận không còn manh mối điều tra. Nhiều chuyên gia nuôi hy vọng tìm sự thật bằng cách dùng công nghệ ADN phả hệ để xác định chủ nhân hai mẫu ADN lạ trên quần áo Sherri.

    Hình ảnh
    Keith thường xuất hiện thay vợ trong những cuộc phỏng vấn. Ảnh: ABC News.

    Công nghệ ADN phả hệ có thể giúp nhà chức trách lập cây gia phả của mẫu ADN khả nghi, sau đó loại trừ dần người trong dòng họ cho tới khi tìm được hung thủ. Như vậy, kẻ xấu vẫn lộ tẩy kể cả khi không có ADN trong cơ sở dữ liệu tội phạm. Tuy nhiên, các cơ quan điều tra thường chỉ dùng tới phương pháp này khi không còn cách nào khác nên tới nay, những gì xảy ra đối với Sherri Papini vào ngày 2/11/2016 vẫn còn là điều bí ẩn.

    Quốc Đạt (Theo People, New York Post, Redding)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 5 khách