Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
'Pháo đài' bài vaccine ở Pháp
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27926
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    'Pháo đài' bài vaccine ở Pháp

    by VietNews » Thứ 6 Tháng 12 04, 2020 10:29 am



    Pháp, quê hương của "ông tổ vaccine" Louis Pasteur, hiện lại nằm trong số những nước nghi ngờ vaccine nhất thế giới, dù Covid-19 diễn biến nghiêm trọng.

    Một trong những chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử Pháp đang được chuẩn bị, khi Tổng thống Emmanuel Macron hôm 1/12 tuyên bố nước này đặt mục tiêu bắt đầu tiến hành tiêm vaccine Covid-19 cho những người có nguy cơ cao vào đầu năm 2021, sau đó là giai đoạn tiêm chủng rộng rãi từ tháng 4 đến tháng 6 năm sau.

    Theo kế hoạch, đợt tiêm chủng đầu tiên vào đầu năm 2021 sẽ hướng đến những nhóm dễ bị tổn thương và lây nhiễm nCoV nhất. Macron giải thích rằng thời điểm này khó có thể tiến hành tiêm phòng trên diện rộng do thiếu nguồn cung vaccine, chưa kể điều kiện bảo quản khó khăn đối với những lô đầu tiên.

    Ưu tiên trước hết dành cho những người trên 75 tuổi và đội ngũ nhân viên y tế, tiếp đó là những người trên 50 tuổi, rồi đến người lao động làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc sống trong điều kiện xã hội bấp bênh. Sau đợt đầu tiên, chiến dịch tiêm chủng toàn dân dự kiến được tiến hành.

    Hình ảnh
    Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại một trường học ở Paris, Pháp, hôm 23/11. Ảnh: AFP.

    Kế hoạch được chính phủ Pháp đưa ra trong bối cảnh toàn cầu đang hy vọng các vaccine Covid-19 tiềm năng có thể sẵn sàng đưa vào sử dụng từ cuối năm nay, sau khi Anh trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn vaccine Covid-19 của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer và đối tác Đức BioNTech, loại vaccine rất được mong đợi với hiệu quả được ghi nhận lên đến 95%. Vaccine Covid-19 tiềm năng của hãng công nghệ sinh học Mỹ Moderna và vaccine Sputnik V của Nga cũng đạt hiệu quả ấn tượng tương tự.

    Tuy nhiên, Macron được cho là phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn, là thuyết phục đủ người tham gia tiêm chủng, nhằm đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng giúp toàn dân được bảo vệ trước virus, trong bối cảnh Pháp đang là vùng dịch lớn thứ 5 thế giới với hơn 2,2 triệu ca nhiễm nCoV và gần 54.000 trường hợp tử vong.

    Theo khảo sát trên tờ Le Journal du Dimanche hồi cuối tuần, chỉ 41% người Pháp dự định tiêm vaccine Covid-19, thậm chí thấp hơn cả con số 58% được ghi nhận trong cuộc thăm dò của Gallup tại Mỹ, nơi sự hoài nghi về đại dịch và phong trào bài vaccine gia tăng.

    Khảo sát của tờ du Dimanche còn cho thấy tâm lý hoài nghi vaccine mạnh mẽ nhất tồn tại trong nhóm người ủng hộ các đảng chính trị cực tả và cực hữu. Theo một khảo sát khác của Gallup với 140.000 người tham gia đến từ 44 quốc gia, Pháp đang là nước e dè việc tiêm phòng nhất, với 1/3 người được hỏi nói rằng họ không tin các vaccine an toàn.

    Richard Lamette, một thợ sửa ống nước 65 tuổi ở Paris, cho biết ông không có kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 "cho tới khi nó đạt được kết quả thử nghiệm tốt trong cộng đồng". Thêm vào đó, sau khi chứng kiến một số đồng nghiệp trẻ hơn nhiễm nCoV rồi khỏi trong vòng 10 ngày, ông cảm thấy mối nguy hiểm từ đại dịch "đã bị phóng đại một chút".

    "Số người chết vì những căn bệnh khác, như ung thư, lớn hơn rất nhiều, nhưng họ không làm ầm lên như đối với Covid-19", Lamette lập luận.

    Trước phản ứng của người dân, Tổng thống Macron cam kết không bắt buộc tiêm phòng Covid-19, mà sẽ áp dụng "chiến lược thuyết phục và minh bạch".

    Dù từng là quốc gia nổi tiếng "chuộng" dược phẩm, với tỷ lệ sử dụng kháng sinh và thuốc chống trầm cảm cao hàng đầu thế giới, người Pháp những năm gần đây ngày càng nghi ngờ ngành công nghiệp này. Một trong các nguyên nhân được cho là liên quan tới phong trào biểu tình "áo vàng".

    Phong trào này bùng phát hồi cuối năm 2018, trở thành cuộc biểu tình lớn nhất Pháp trong vòng 5 thập kỷ, khi hàng chục nghìn người mặc áo vàng xuống đường kêu gọi chính phủ cắt giảm thuế xăng dầu và điều chỉnh chính sách kinh tế. Nhiều thuyết âm mưu được lan truyền tại thời điểm đó cho rằng chính phủ đang chịu sự chi phối của các hãng dược phẩm, khi số mũi vaccine bắt buộc dành cho trẻ em 3-11 tuổi gia tăng.

    Giới chuyên gia chỉ ra rằng lòng tin của công chúng vào các mũi tiêm bắt đầu xói mòn từ những năm 1980. Đây là giai đoạn một bê bối y tế nghiêm trọng đã xảy ra, khi hàng nghìn người mắc bệnh máu khó đông trên toàn thế giới bị nhiễm HIV hoặc viêm gan C do điều trị bằng cách truyền chế phẩm máu nhập khẩu từ Mỹ, nhưng phần lớn chúng lại được điều chế từ huyết tương các tù nhân và người nghiện ma túy, đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV và viêm gan C.

    Niềm tin vào các hãng dược phẩm ngày càng lung lay mạnh mẽ hơn sau vụ Mediator, loại thuốc giảm cân nổi tiếng do công ty dược Servier sản xuất, bị phát hiện gây tổn thương tim nghiêm trọng. Sự việc được "đưa ra ánh sáng" vào năm 2009, trở thành một trong những bê bối lớn nhất lịch sử y tế Pháp, khi hơn 2.000 người được cho là đã tử vong vì Mediator.

    Nhiều người Pháp còn nghi ngại về việc tiêm chủng hàng loạt sau khi chiến dịch hồi năm 2009, nhằm chống lại đại dịch cúm H1N1, kết thúc bằng quyết định tiêu hủy hàng triệu liều vaccine thừa, gây tốn kém hàng trăm triệu euro. Theo Jocelyn Raude, giáo sư tại Trường Y Cộng đồng EHESP ở thành phố Rennes, sự việc này đã đánh dấu bước ngoặt trong dư luận.

    Nhiều bác sĩ và dược sĩ, dưới sự dẫn dắt của bác sĩ phẫu thuật Henri Joyeux tại thành phố Montpellier, bắt đầu phát động phong trào bài vaccine. Raude cho rằng sự tham gia của Joyeux, một bác sĩ nổi tiếng với khoảng 175.000 người theo dõi trên Facebook, đã tạo ra uy tín cho phong trào, biến nó thành một "pháo đài" bài vaccine mạnh mẽ ở Pháp.

    Nhà địa lý học Lucie Guimier, một người nghiên cứu về phong trào bài vaccine, cho biết phong trào diễn ra quyết liệt nhất ở Marseille. Giáo sư Didier Raoult tại thành phố này đã quảng bá phương pháp chữa Covid-19 bằng thuốc điều trị sốt rét chloroquine, dù đây là vấn đề gây tranh cãi.

    Ngay cả Samia Ghali, phó thị trưởng Marseille, cũng tỏ ra hoài nghi về việc tiêm vaccine. Hồi tháng 9, bà lên án cách ứng phó với đại dịch của chính phủ và tuyên bố "không muốn trở thành chuột bạch" tiêm phòng Covid-19.

    Laurent-Henri Vignaud, nhà sử học Pháp đã nghiên cứu thăng trầm của các phong trào bài vaccine ở nước này, cho rằng thái độ hoài nghi vaccine của người Pháp rốt cuộc bắt nguồn từ sự mất tin tưởng vào các chính trị gia và truyền thông, trong bối cảnh chính trường Pháp chia rẽ giữa phe cực tả và cực hữu.

    Ông nhận định khi chứng kiến số ca tử vong vì Covid-19 tăng cao, sự hoài nghi "trong bản năng" của người Pháp cũng sẽ dần nhạt phai và họ sẽ rốt cuộc "xếp hàng chờ được tiêm vaccine", chỉ trừ những thành phần "cứng đầu" nhất.

    "Dù vậy, sự hoài nghi mang tầm quốc gia của Pháp vẫn sẽ tồn tại, chẳng khác gì một đại dịch", Vignaud viết. "Mối đe dọa của nó với sức khỏe chính trị của đất nước có lẽ còn ghê gớm hơn nguy cơ mà phong trào bài vaccine gây ra với y tế cộng đồng".

    Ánh Ngọc (Theo AFP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 5 khách