Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Phụ huynh Trung Quốc nỗ lực đưa con rời bỏ giáo dục hà khắc
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Phụ huynh Trung Quốc nỗ lực đưa con rời bỏ giáo dục hà khắc

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 1 05, 2022 10:42 pm







    Khi đưa con trai Tian Tian, 7 tuổi, đến thăm "Trường học Hạnh phúc", nơi không có bảng xếp hạng và các bài kiểm tra, Zhang Fen đã nghĩ “Nơi này dành cho chúng ta”.

    Tại Trung Quốc, ngày càng nhiều phụ huynh quay lưng với giáo dục công lập vì cách hoạt động nghiêm ngặt, khốc liệt. Nhiều người đánh giá, nền giáo dục này đã tạo cho học sinh và phụ huynh những gánh nặng không cần thiết trong rất nhiều năm qua. Do đó, bên cạnh trường công lập và ngoài công lập, một lựa chọn thứ ba đã xuất hiện và trở nên phổ biến: trường học với phương pháp giáo dục đổi mới.

    Ở Bắc Kinh, một năm cho con học tại "Trường học Hạnh phúc" hoặc các trường với triết lý tương tự, khiến phụ huynh tốn khoảng 70.000-100.000 nhân dân tệ (khoảng 250-360 triệu đồng) hoặc nhiều hơn. Dù chi phí cao, loại hình này vẫn thu hút các gia đình trung lưu từ năm 2005.

    Tian Tian đã học hai năm tại một trường công lập danh tiếng ở quận Haidian, Bắc Kinh. Tuy nhiên, em bị bắt nạt và gặp khó khăn trong việc kết bạn. Tại ngôi trường mới, Zhang thấy con trai được phát triển trong một môi trường thân thiện hơn.

    Giống như các trường đổi mới khác, "Trường học Hạnh phúc" không có bảng xếp hạng và các kỳ thi. Sách giáo khoa của trường công lập cũng hiếm khi được sử dụng tại đây. Thay vào đó, giáo viên dùng tài liệu gốc để dạy mọi thứ, từ sự kiện thời sự đến các tác phẩm kinh điển Trung Quốc.
    Với 400 học sinh từ mầm non đến lớp 9, Ririxin là một trong những trường sáng tạo có uy tín nhất Trung Quốc. Được thành lập vào năm 2006, Ririxin tập trung vào sự phát triển cá nhân và sức khỏe thể chất của mỗi đứa trẻ, hiện có cả chi nhánh ở New Jersey, Mỹ.

    Tuy nhiên, bất chấp việc các trường học đổi mới ngày càng phổ biến, nhiều vấn đề về tính hợp lệ và sự công nhận của công chúng vẫn được mang ra tranh luận. Hình thức giáo dục này không được đăng ký với chính quyền trung ương và không thể tự xưng là một trường học chính thức. Thay vào đó, các trường phải thiết lập hoạt động với tư cách "xue tang", đây lại là tên gọi dành cho các trường tư thục truyền thống.

    Mặc dù không được đăng ký chính thức với chính phủ, các trường học đổi mới vẫn mở rộng tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến - bốn khu vực đô thị lớn của Trung Quốc.

    Hình ảnh
    Học sinh Trung Quốc. Ảnh: Getty Image

    Đại Lý ở tỉnh Vân Nam trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều "bố mẹ voi", từ trái nghĩa với "bố mẹ hổ" - chỉ những phụ huynh hà khắc, thậm chí cực đoan, với con cái trong việc học và cuộc sống. Là một điểm du lịch nổi tiếng nép mình giữa núi Cang và hồ Er, Đại Lý được coi là thiên đường giữa ngành công nghiệp trường học đổi mới đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc.

    Melody Liu, mẹ của Mango, một cô bé 6 tuổi, đã chuyển đến Đại Lý vào đầu năm nay. "Chúng tôi đến đây vì môi trường giáo dục, gia đình và cộng đồng. Trước khi đến Đại Lý, giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình tách biệt với nhau và với tôi, nhưng ở đây, chúng tôi được làm mọi thứ cùng nhau", cô nói. Liu đã trở thành bạn với các giáo viên của con gái. Ngoài giờ học, phụ huynh và giáo viên tụ tập để chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống và quan điểm giáo dục.

    Sophia Zeng, mẹ của Zaizai, đã ghi danh cho con trai 7 tuổi của mình vào một trường học đổi mới ở Đại Lý vào năm 2017. Zang cho rằng, con đã phát triển rất nhiều trong bốn năm ở đây, từ khả năng cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên đến sự sáng tạo và động lực bên trong. Trải nghiệm ở Đại Lý cũng giúp cô và chồng thành những phụ huynh tốt hơn.

    Trong trường của mình, Zaizai được học tiếng Trung, Toán, Tiếng Anh và nhiều môn tự chọn khác. Những bài kiểm tra được xây dựng theo hình thức làm dự án, tham gia các hoạt động xã hội, từ đó hiểu biết, sự tập trung và sức khỏe thể chất của học sinh được đánh giá khách quan.

    Mao Mao Guo Er, một trong những trường đổi mới nổi tiếng nhất ở Đại Lý, tự mô tả mình là "một cộng đồng giáo dục gồm 180 trẻ em từ 2 đến 12 tuổi và hơn 40 giáo viên". Được thành lập vào năm 2012, trường coi trọng khả năng trải nghiệm hạnh phúc của học sinh và tạo động lực học tập suốt đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể cho con học ở những nơi như này.

    Với một học sinh mầm non, học phí và các phí dịch vụ hàng tháng ở Mao Mao Guo Er là 4.500 tệ (708 USD), gấp đôi so với thu nhập trung bình tháng của người dân Đại Lý, theo thống kê của Chính phủ năm 2020.

    Hình ảnh
    Phụ huynh và học sinh tại Trung Quốc. Ảnh: Weibo

    Wang A Wan, blogger du lịch và là mẹ của Derek, một cậu bé 5 tuổi, cho rằng chuyện tiền bạc bị coi là đáng xấu hổ ở Đại Lý. Các trường học đổi mới không chỉ là thách thức về tài chính với phụ huynh, một số tin rằng các giáo viên cũng không được trả lương đủ.

    Khi Wang phát hiện rằng hầu hết giáo viên tại trường của Derek được trả lương 3.000 tệ mỗi tháng, cô đã đặt câu hỏi liệu họ có nên được trả nhiều hơn hay không. Wang cho rằng giáo dục càng đổi mới thì càng đòi hỏi nhiều yêu cầu đối với giáo viên. Ngoài đam mê, thầy cô cần có kiến thức sâu rộng về nhiều môn học, tư duy linh hoạt. Do đó, Wang cho rằng mức lương hiện tại không đủ hấp dẫn để giữ chân giáo viên giỏi.

    Trong một thông báo tuyển dụng giáo viên mẫu giáo vào năm 2020, Mao Mao Guo Er yêu cầu ứng viên "tràn đầy năng lượng", "học tập suốt đời" và "luôn dành tình yêu cho trẻ em". Ở phần kinh nghiệm giảng dạy, trường không bắt buộc nhưng cho rằng ứng viên cần có "niềm tin vào bản thân với tư cách giáo viên".

    Đối với Xu Xiao, mẹ của Joy - một cô bé 4 tuổi, đang học tại trường mẫu giáo nổi tiếng ở Đại Lý, mối quan tâm lớn nhất là nguồn nhân lực giảng dạy. "Nhiều thầy cô là khách du lịch, họ ở đây vài năm trước khi chuyển đi nơi khác", Xu nói.

    Giáo viên không phải nhóm duy nhất không ở lại các trường đổi mới trong thời gian dài. Một nửa lớp học của Joy có kế hoạch di cư, trong khi số còn lại chuyển đến các trường quốc tế.

    Dù nhiều học sinh phát triển tốt ở trường học đổi mới và các bậc phụ huynh như Zhang, Zeng đánh giá cao việc này, không phải tất cả đều chọn ở lại đây. Nỗ lực đưa con ra khỏi giáo dục hà khắc vẫn vấp phải bế tắc. Sau bốn năm học ở trường học đổi mới, Zhang đã đăng ký cho Tian Tian vào một trường công lập trong năm cuối tiểu học, giống 30 bạn cùng lớp. "Sau một thời thơ ấu tích cực tại "Trường học Hạnh phúc", Tian Tian phải đối mặt với sự cạnh tranh trong học tập của hệ thống trường công lập", cô nói.

    Thanh Hằng (Theo SCMP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 29 khách