Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Những hành vi đánh giá một người được giáo dục tốt
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Những hành vi đánh giá một người được giáo dục tốt

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 5 12, 2022 4:51 pm







    Người được sống trong môi trường nề nếp, giáo dưỡng tốt từ nhỏ sẽ luôn lịch sự, cư xử khéo léo trong mọi tình huống.

    Qua những hành vi dưới đây, có thể đánh giá được một người có được giáo dục tốt hay không.

    1. Lực đóng mở cửa

    Đóng mở cửa là vấn đề thường được cho là vụn vặt, ít người để ý. Nhưng việc đóng mở cửa như thế nào cũng phản ánh việc người đó được giáo dục kỹ lưỡng hay không.

    Nhiều người không nghĩ đến thái độ của người khác, đóng mở cửa tùy tiện, thậm chí tạo tiếng ồn lớn. Ở nơi công cộng hay chốn đông người, đây là hành vi bất lịch sự. Người được giáo dục tốt khi đóng mở cửa thường rất nhẹ nhàng, quan sát thái độ người xung quanh để điều chỉnh hành vi phù hợp. Điều này thể hiện sự tôn trọng của họ với người khác.

    Hình ảnh
    Cách đóng mở cửa cũng là chỉ dấu cho thấy con người có tinh tế hay không. Ảnh minh họa: iStock.

    2. Quy tắc ăn uống

    Có những đứa trẻ trong bữa ăn cứ toàn gắp món ngon về phần mình, ăn uống tùy tiện, bới chọn đồ ăn và không coi trọng người lớn... Sau này lớn lên, biểu hiện của chúng cũng giống hệt hồi nhỏ.

    Cách ăn uống của một người có thể phản ánh phẩm chất và đạo đức của người đó. Một người được giáo dục tốt phải thể hiện hành vi đúng đắn trên bàn ăn: Trước khi ăn cơm, đợi người lớn ngồi xuống bàn rồi mình mới ngồi. Trong bữa ăn không nên tùy tiện, bới chọn đồ ăn. Không cãi nhau hay tranh luận khi ăn, không tạo âm thanh bất thường khi ăn và nhai chậm. Họ cũng thường nuốt thức ăn xong mới nói chuyện với người khác. Khi khách chưa kết thúc bữa ăn, chủ nhà không đứng dậy rời bàn trước.

    3. Nói chuyện đúng mực

    Nói năng đúng mực thể hiện trí tuệ, phẩm chất và thái độ sống. Người không có tài ăn nói thường gặp nhiều trở ngại và khó đạt được thành công. Bởi vậy, người nói năng phù hợp với hoàn cảnh và tâm lý người nghe, không phát ngôn bừa bãi, nghĩ gì nói nấy...là người được giáo dục tốt.

    Ngoài ra, nói chuyện đúng mực còn thể hiện ở những cách thức sau:

    - Khi bắt chuyện, làm thân với người khác, cho đối phương thấy thiện ý chân thành và sự niềm nở của mình.

    - Lựa lời ăn nói phù hợp với trình độ văn hóa, tính cách, tâm lý, hoàn cảnh sống, thói quen ngôn ngữ, thói quen nghề nghiệp của đối phương.

    - Dùng những lời nhẹ nhàng, khéo léo như khích lệ động viên, thậm chí khuyên răn cũng đầy thiện ý. Họ không dùng những lời châm chọc khiến mọi người khó chịu.

    - Trong tất cả các cuộc trao đổi, đàm phán thương mại, họ dùng cách ăn nói hòa nhã, lịch sự.

    4. Thói quen đúng giờ

    Trong cuộc sống, đúng giờ là một nguyên tắc quan trọng giữa các cá nhân. Làm việc gì cũng nên hình thành thói quen đúng giờ, bởi việc này thể hiện tính chuyên nghiệp, giúp bạn hoàn thành nhiệm vụ dễ dàng hơn. Không những vậy thói quen đúng giờ còn giúp bạn có được sự tôn trọng từ người khác, tăng thêm uy tín và tin cậy cho bản thân.

    Tuân thủ đúng thời gian là dấu hiệu cho thấy sự cống hiến của bạn. Nhà quản lý đo lường giá trị không chỉ bằng công việc hoàn thành, mà tính cách và sự đúng giờ cũng đóng một vai trò lớn trong cách bạn được đánh giá.

    5. Hài hước biết điểm dừng

    Tục ngữ nói: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Hài hước cũng tương tự, muốn nói phải nói sao cho hợp lý, giữ nguyên tắc, nắm được mức độ cần nói, phân biệt rõ từng trường hợp. Đùa giỡn quá đà dễ gây chuyện thị phi.

    Nếu không nắm được liều lượng của sự hài hước chỉ làm tổn hại tới hình tượng của mình trong lòng người khác, đồng thời giảm bớt uy tín của bản thân, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp quan hệ đôi bên. Tùy tình huống mà thể hiện sự hài hước, hóm hỉnh. Hài hước nhưng không được khiếm nhã và không hài hước một cách gượng ép.

    6. Không đem người khác ra trêu ghẹo

    Lấy chuyện riêng tư, tôn giáo, khuyết điểm... của đối phương ra trêu ghẹo là biểu hiện của một người không chỉ có trí tuệ cảm xúc thấp mà còn thể hiện người đó thiếu đi sự đồng cảm.

    Ai cũng có những bí mật không muốn người khác biết. Ai cũng có những khuyết điểm muốn được giấu kín. Dù là bạn bè hay đồng nghiệp, bạn nên giữ bí mật thay vì rắc muối vào vết thương của nhau như một trò đùa.

    7. Trả lời kịp thời

    Trong thời đại công nghệ, nếu người khác muốn nhắn gửi thông tin tới bạn, bạn đều có thể trả lời được ngay. Những người không trả lời, có lẽ không đủ tôn trọng người khác. Nhận được một câu trả lời kịp thời, đó là bạn tôn trọng đối phương cũng như tôn trọng chính mình.

    Ví dụ khi người khác chào hỏi, ít nhất bạn nên trả lời "xin chào". Đối tác gửi email, dù bận ra sao cũng nên thông báo đã nhận được thư của họ. Người ta mời tới cuộc hẹn, đi hay không cũng cần xác nhận nhanh chóng. Nếu bạn bận rộn chưa thể trả lời nhanh, sau đó cũng nên giải thích lý do chậm trễ của mình.

    Vy Trang (Theo aboluowang)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 30 khách