Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Bệnh kén ăn
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Bệnh kén ăn

    by VietNews » Thứ 6 Tháng 5 27, 2022 9:08 am







    MỸ- Khi được mẹ khuyên ăn thử quả dưa chuột vào năm 19 tuổi, Jacqui Tetreault lên cơn hoảng loạn.

    Tetreault hiện 28 tuổi, là một chuyên viên tổ chức sự kiện du lịch ở Boston. Cô chia sẻ: "Tôi cũng muốn thích những thứ đồ ăn đó, nhưng không thể. Dù đã cố thử, tôi vẫn không thích chúng. Tôi cảm thấy rất xấu hổ khi không thể vừa làm những điều mình muốn, vừa thích nghi với người khác".

    Tetreault kén ăn từ lâu, nhưng tới khi hoảng loạn trước một quả dưa chuột, cô mới quyết định tìm đến chuyên gia tư vấn. Tetreault được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ăn uống hạn chế (ARFID).

    Hana Zickgraf, giáo sư trợ lý nghiên cứu hành vi ăn uống tại Đại học Nam Alabama, cho biết nhiều người bị ARFID ăn ít hơn 20 loại thực phẩm, chủ yếu là carbs (tinh bột, đường) và sữa. Đây là dạng nặng nhất của tình trạng kén ăn, ảnh hưởng khoảng 0,3-3% dân số nước Mỹ. Trong khi đó, 30% dân số được xác định là kén ăn nói chung.

    Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do tiến hóa. Là động vật ăn tạp, theo bản năng sinh học, con người sẽ cảnh giác trước những loại thực phẩm mới lạ, để không ăn phải các chất độc hại. Trẻ em đạt đến độ kén ăn nhất vào năm 2 tuổi, ngay sau khi có khả năng kiểm soát, vận động và kỹ năng nhai nuốt cần thiết.

    Mỗi người sẽ vượt qua giai đoạn kén ăn đỉnh cao vào lúc 5 hoặc 6 tuổi. Tuy nhiên, những người có độ nhạy cảm về giác quan cao và sự cứng nhắc về nhận thức sẽ khó lòng thay đổi.

    Khi trưởng thành, người không kén ăn thử ngày càng nhiều loại thực phẩm, tăng cường những món có lợi cho cơ thể. "Ngay cả khi bắt gặp đồ ăn có mùi vị, kết cấu lạ, chúng ta có đủ trải nghiệm để hệ thần kinh không phản ứng với nó như một món hoàn toàn mới", giáo sư Zickgraf nhận định.

    Tuy nhiên, người mắc chứng kén ăn không làm được điều này. "Họ sẽ cảm thấy rất khó khăn. Họ ý thức được nó an toàn, nhưng hệ thống thần kinh đang phản ứng ngược lại", bà nói thêm.

    Để khắc phục tình trạng này, Zickgraf khuyến nghị người kén ăn chủ động tiếp xúc với các món mới.

    Hình ảnh
    Người mắc chứng rối loạn ăn uống hạn chế chỉ ăn 20 loại thực phẩm trở xuống. Ảnh: iStock

    Đừng cảm thấy xấu hổ

    Giáo sư tâm thần học Nancy Zucker, Giám đốc Trung tâm Rối loạn Ăn uống Đại học Duke, nhận định người trưởng thành kén ăn thường vật lộn trong cảm giác xấu hổ và bị cô lập.

    Bà cho rằng bước đầu tiên là cởi mở về tình trạng của mình khi đi ăn với người khác, để bản thân cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. "Hãy cộng điểm cho mình khi dám thử món mới, thay vì hạ thấp bản thân khi không thích thứ gì đó", giáo sư Zucker nói.

    Keira Oseroff, chuyên gia trị liệu tâm lý, giảng viên Viện Ellyn Satter, đồng ý rằng "cảm giác xấu hổ chưa bao giờ là động lực hiệu quả" để giải quyết các chứng rối loạn ăn uống, bởi việc thay đổi thói quen có thể mất tới vài tháng hoặc vài năm.

    "Kiên nhẫn chính là chìa khóa", bà nói.

    Tìm hiểu về những loại thực phẩm cụ thể

    Jennifer Thomas, đồng Giám đốc chương trình Nghiên cứu Rối loạn Ăn uống Lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, khuyến nghị người kén ăn lập danh sách các loại thực phẩm nên thử. Đây có thể là các loại đồ ăn dễ xuất hiện trong những buổi tụ tập, có giá trị về mặt dinh dưỡng.

    Ví dụ, Thomas cho biết, nhiều người kén ăn ưu tiên thử salad vì đây là món phổ biến trong bữa tối của các doanh nghiệp. Với một món ăn hỗn hợp như vậy, Thomas đề nghị thử riêng biệt từng thành phần như rau diếp, cà chua trước khi trộn chúng với nhau.

    Sau khi có danh sách thực phẩm, người kén ăn cần chọn 5 món cụ thể để nếm thử trong ngày tiếp theo. Ban đầu, Thomas đề nghị ăn trái cây và rau sống, bởi mùi vị của đồ nấu chính sẽ nồng hơn. "Nhưng hãy làm bất cứ điều gì bạn thấy thoải mái nhất", bà nói thêm.

    Trong không gian riêng tư, bạn có thể đặt các loại thực phẩm trước mặt và mô tả hình dáng, cảm nhận, mùi vị của chúng, cố gắng tránh những ý nghĩ tiêu cực.

    Zickgraf khuyến nghị thả lỏng khuôn mặt khi ăn, bởi việc nhăn trán, chun mũi là phản ứng sinh lý để tự vệ của cơ thể trước các chất độc. Chúng sẽ gửi tín hiệu đến não bộ, khiến mọi người không thể tiếp tục bữa ăn.

    "Hít thở sâu, miêu tả thức ăn. Nếu có thể, hãy cắn thêm một miếng. Nếu không, hãy thử lại vào ngày hôm sau hoặc sau nữa", ông nói.

    Nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ sơ sinh chỉ cần từ 7 đến 12 lần tiếp xúc món mới để làm quen và ăn thường xuyên. Theo Thomas, việc lặp đi lặp lại các hành động nhỏ sẽ tạo thói quen, hình thành cảm giác thích thú. Bà so sánh nó với việc nghe một bài hát mới. "Lần đầu tiên, bạn có thể ghét nó. Nhưng đến lần thứ năm, bạn sẽ hát theo", bà nói.

    Thục Linh (Theo Washington Post)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 38 khách