Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Cẩn trọng với các mức độ đau đầu do chấn thương
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Cẩn trọng với các mức độ đau đầu do chấn thương

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 5 31, 2022 2:38 pm







    Chấn thương đầu có thể gây đau đầu với mức độ từ nhẹ đến nặng, nếu đau kéo dài kèm yếu tay chân, co giật, khó nói… thì đến bác sĩ ngay.

    Theo TS.BS Lê Văn Tuấn - Cố vấn chuyên khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chấn thương đầu là chấn thương ở não, sọ hoặc da đầu. Chấn thương đầu có thể chia làm hai loại là chấn thương đầu kín và chấn thương đầu hở. Chấn thương đầu kín không làm vỡ hộp sọ, tuy nhiên có thể gây tổn thương não. Ngược lại, chấn thương đầu hở sẽ gây rách da đầu và hộp sọ, làm tổn thương não bộ với vết thương hở dễ gây nhiễm trùng.

    Các chấn thương đầu dù nặng hay nhẹ cũng có thể gây đau đầu. Nhiều trường hợp đau đầu sau một chấn thương đầu có thể không đáng lo ngại. Nhưng nếu sau một vài ngày bị chấn thương đầu, người bệnh vẫn cảm thấy đau đầu và đi kèm với các triệu chứng của tình trạng chấn động, ví dụ như yếu tay hoặc chân, khó nói, co giật hoặc cơn đau đầu diễn biến nặng hơn thì nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

    Bác sĩ Tuấn cho biết thêm, những biểu hiện, dấu hiệu đau đầu sau chấn thương khá đa dạng, tùy theo mức độ hay hình thức chấn thương. Trong đó, có thể có đau đầu do bị chấn thương nhẹ, chấn thương phần mềm gây trầy xước da đầu; đau đầu do va đập mạnh gây tụ máu, xuất huyết dưới màng não; chấn động não; phù não, vỡ hộp sọ; tổn thương sợi trục lan tỏa...

    Đau đầu nhẹ do chấn thương phần mềm khi bị chấn thương ở đầu, do vùng da đầu, trán có nguồn cấp máu phong phú nên chấn thương ở những vùng này thường dẫn đến chảy máu dưới da. Người bị chấn thương sẽ có hiện tượng đau đầu nhẹ, các vết bầm tím hoặc sưng phồng, thường thì các vết sưng bầm này sẽ dần tan hết, không ảnh hưởng tới sức khỏe. Chấn thương nhẹ cũng có thể bị chảy máu nhưng chỉ nằm ở ngoài phần mềm, nếu tỉnh táo, nhanh nhẹn, các phản ứng bình thường, thần kinh bình thường, người bệnh không cần quá lo lắng.

    Đau đầu do sưng phù vết thương gây ra tình trạng căng, nặng đầu và đau đầu. Bệnh nhân nên tìm đến cơ sở y tế để được khám ngay vì vết thương gây sưng các mô xung quanh, tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn nếu xảy ra trong não. Hộp sọ không thể căng ra để thích ứng với vết sưng. Điều này dẫn đến tích tụ áp lực trong não, khiến cho bộ não áp vào hộp sọ.

    Chấn động não sau chấn thương cũng gây ra hiện tượng đau đầu như búa bổ kèm theo các hiện tượng nôn ói, chóng mặt, choáng váng, ù tai, mệt mỏi, rối loạn tinh thần và cảm xúc, ảnh hưởng đến trí nhớ và sự tập trung... Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do tai nạn đập đầu vào tường hoặc do té ngã. Xương sọ là một khối xương cứng có chức năng bảo vệ não bộ. Nếu các xương này bị thương thì não bộ sẽ dễ bị tổn thương. Đầu bị đánh hoặc bị va đập, não sẽ dịch chuyển và va chạm vào xương sọ và xương mặt, có thể gây bầm tím làm cho bất tỉnh, đôi khi xương sọ còn bị gãy rạn. Nếu các chấn động lặp đi lặp lại có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn.

    Chấn thương để lại ổ tụ máu trong sọ gây ra đau đầu thường là đau nhiều khi có một mạch máu bên trong não hoặc nằm giữa não và hộp sọ bị vỡ, tích tụ máu gây chèn ép các mô não. Tụ máu có thể xuất hiện ngay sau chấn thương. Tuy nhiên, tụ máu có thể xuất hiện muộn sau đó. Sau một vụ tai nạn giao thông hoặc va đập mạnh ở vùng đầu, người bị chấn thương sẽ thấy bình thường, không triệu chứng.

    Sau một thời gian khối máu tụ hình thành và lớn lên làm tăng áp lực nội sọ, bệnh nhân mới cảm thấy đau nhức đầu tăng dần về cường độ đến khi đau dữ dội; buồn nôn và nôn mửa, chóng mặt, thường xuyên buồn ngủ, hay quên, lú lẫn, đồng tử không bằng nhau, một bên chân tay bị yếu, huyết áp tăng. "Nhiều bệnh nhân lơ là, chủ quan, đến khi đau đầu dữ dội, bệnh phát nặng và đã gây hậu quả nghiêm trọng", bác sĩ Tuấn nói thêm.

    Đau đầu do xuất huyết não (chảy máu trong não) là tình trạng máu chảy bên trong nhu mô não, có thể liên quan đến các chấn thương não khác, đặc biệt là dập não. Kích thước và vị trí chỗ chảy máu giúp bác sĩ xác định có thể phẫu thuật lấy máu tụ hay không. Bên cạnh đó, tình trạng xuất huyết dưới nhện là tình trạng máu chảy lan rộng ở khoang dưới nhện (là khoang nằm giữa màng mềm và màng nhện của não) sau chấn thương sọ não cũng gây đau đầu rất nhiều. Não úng thủy có thể là hậu quả của xuất huyết dưới nhện nghiêm trọng do chấn thương gây ra.

    Hình ảnh
    Chụp sọ não sau chấn thương giúp xác định tổn thương và điều trị kịp thời. Ảnh: Shutterstock

    Nứt sọ cũng là nguyên nhân gây đau đầu báo hiệu những nguy hiểm bệnh nhân đang gặp phải. Tình trạng nứt ở nền sọ sẽ gây đau đầu dữ dội khi gây chấn thương thần kinh, động mạch hoặc các cấu trúc khác. Nếu vết nứt kéo dài vào trong các xoang, có thể gây rò rỉ dịch não tủy từ mũi hoặc tai. Hầu hết các chỗ rò rỉ sẽ ngừng tự nhiên. Đau đầu sẽ gia tăng khi nứt sọ chèn ép là trường hợp một phần xương đè vào trong não. Tình huống này cần phải phẫu thuật. Tổn thương do nứt sọ chèn ép tùy thuộc vào vùng não bên dưới và sự tồn tại đồng thời của bất kỳ chấn thương não lan tỏa nào.

    Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, sau chấn thương đầu, mỗi người cần giám sát tình trạng sức khỏe chặt chẽ. Khi có hiện tượng đau đầu sau chấn thương, bệnh nhân cần được đi khám và điều trị sớm. Tùy tình trạng chấn thương, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân chụp CT, MRI hay chụp số hóa nền DSA giúp bác sĩ phát hiện nứt sọ, chảy máu, dập não và bất kỳ tổn thương nào khác. Chẩn đoán hình ảnh học sọ não này sẽ giúp bác sĩ thấy chi tiết hơn về tổn thương đầu và lên phương án điều trị hiệu quả.

    Minh Anh
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 30 khách