Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Biến đổi khí hậu khiến chuột sinh sôi mạnh hơn
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Biến đổi khí hậu khiến chuột sinh sôi mạnh hơn

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 6 30, 2022 4:39 pm







    MỸ- Các chuyên gia lo ngại mùa đông ấm hơn sẽ tạo điều kiện cho chuột sống sót và mở rộng lãnh thổ về phương bắc, dẫn tới số lượng chuột trong nhà tăng lên.

    Hình ảnh
    Chuột chân trắng đang mở rộng lãnh thổ nhanh chóng. Ảnh: The Spruce

    Rita Davisson, cư dân ở thành phố Rockford, bang Illinois, cho biết trước đây, bà thường chỉ bắt gặp 1 - 2 con chuột nhắt ở nhà riêng trong những tháng mùa đông, nhưng số lượng tăng lên 10 - 15 con trong hai năm qua. Điều này buộc bà phải liên hệ với công ty kiểm soát động vật gây hại lần đầu tiên sau hơn 30 năm sống trong ngôi nhà. "Chúng trốn quanh tầng hầm, garage, sân vườn. Gần đây, chiếc bẫy tôi từng dùng không hiệu quả nữa", Davisson nói.

    Các nhà nghiên cứu cho biết nhiệt độ ấm hơn và mùa đông ít lạnh hơn khiến số lượng chuột chân trắng tăng lên, tạo thêm áp lực cho chuyên gia kiểm soát động vật gây hại. Đây là loài chuột dồi dào nhất sinh sống ở miền đông nước Mỹ và Canada. Nhiệt độ cao hơn mức trung bình được ghi nhận ở phần lớn các bang ở miền đông và miền trung nước Mỹ vào mùa đông năm ngoái. Từ năm 1970, nhiệt độ trung bình mùa đông tăng ít nhất 0,6 độ C ở mỗi bang. Những bang ở vùng đông bắc và Ngũ Hồ ấm lên hơn 1,7 độ C.

    Số lượng chuột thường giảm vào mùa đông kéo dài, nhưng mùa đông ấm hơn do biến đổi khí hậu có nghĩa ít chuột chết trước mùa xuân hơn, theo Christian Floyd, nhà sinh vật học ở Đại học Đảo Rhode, cho biết. "Những động vật có vú nhỏ này rất sợ lạnh. Chúng mất nhiệt rất nhanh", Floyd nói. "Khi mùa đông bớt lạnh, chúng sống sót tốt hơn. Chúng không cần run rẩy và ít khả năng chết đói do có nhiều thời gian tìm thức ăn hơn".

    Susan Hoffman, phó giáo sư sinh vật học ở Đại học Miami tại Oxford, Ohio, chia sẻ chuột chân trắng đã di cư qua vùng rừng chuyển tiếp vốn đóng vai trò như ranh giới đối với nhiều loài. Chúng mở rộng khu vực sinh sống nhanh bất ngờ ở Bắc Mỹ (khoảng 200 km trong 30 năm), xa hơn 15 lần so với dự đoán.

    Chuột chân trắng sinh sôi từ thung lũng Tennessee qua vùng ven biển phía bắc Đại Tây Dương, đã mở rộng biên giới phía bắc của chúng tới Québec, theo Hoffman. Năm 2050, giới chuyên gia dự đoán chúng sẽ tiếp tục di cư về phương bắc. Xu hướng di cư này cũng được ghi nhận ở nhiều loài khác, bao gồm sóc chuột, sóc bay, chuột nhảy đồng cỏ.

    "Nhiều bằng chứng chỉ ra nhiệt độ ấm lên cùng với ảnh hưởng của khí hậu tạo điều kiện cho chuột chân trắng sống sót ở phương bắc", Hoffman nhấn mạnh.

    Các nhà khoa học cảnh báo phạm vi sinh sống ngày càng rộng sẽ kéo theo ngày càng nhiều chuột ở trong và xung quanh nhà. Michael Bentley, giám đốc đào tạo và giáo dục của Hiệp hội quản lý động vật gây hại quốc gia, cho biết hoạt động ngày càng tăng của chuột cũng khiến kỹ thuật viên quản lý động vật gây hại mất nhiều thời gian hơn để loại bỏ nguồn thức ăn và lối vào nhà, từ đó kiểm soát số lượng chuột. Allie Dickman, giám đốc công ty AAA Pest Control, chia sẻ số ca đặt dịch vụ diệt chuột tăng vọt vào mùa đông năm nay, từ cả những gia đình thành thị và nông thôn.

    Giới chuyên gia cũng lo ngại về tác động tới sức khỏe cộng đồng do chuột chân trắng là nguồn dự trữ vi khuẩn gây bệnh Lyme. Vi khuẩn này có thể truyền sang bọ chét, từ đó lây sang người. Bệnh Lyme có thể gây sốt, mệt mỏi, đau khớp, mẩn đỏ da, kèm theo biến chứng khớp và hệ thần kinh nghiêm trọng hơn. Đây là bệnh truyền qua vật trung gian phổ biến nhất ở Mỹ.

    An Khang (Theo Yahoo)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 28 khách