Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Người nhiễm Covid-19 có thể mắc chứng khó ngủ kéo dài
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Người nhiễm Covid-19 có thể mắc chứng khó ngủ kéo dài

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 7 19, 2022 5:49 pm







    Khó ngủ là triệu chứng được nhiều người bệnh báo cáo trong quá trình mắc Covid-19 cũng như sau khi khỏi bệnh.

    Theo nghiên cứu mới từ phòng khám Cleveland ở Ohio về các vấn đề liên quan tới giấc ngủ ở những người đã hồi phục sau mắc Covid-19, gần nửa số người rối loạn giấc ngủ vừa phải. Nghiên cứu được trình bày vào tháng 6 năm nay tại Sleep 2022, một cuộc họp của Hiệp hội Liên kết giấc ngủ chuyên nghiệp (hiệp hội liên kết giữa Học viện Y học giấc ngủ Mỹ (AASM) và Hiệp hội Nghiên cứu giấc ngủ (SRS)). Các nhà nghiên cứu cho biết khó ngủ hay rối loạn giấc ngủ là tình trạng Covid-19 kéo dài, xảy ra cả ở những người đã được tiêm chủng và có thể tồn tại trong nhiều năm đối với một số người.

    Các nhà nghiên cứu đã phân tích trải nghiệm của 962 bệnh nhân tại phòng khám Cleveland từ tháng 2/2021 đến tháng 4/2022. Mỗi người được yêu cầu điền vào các phần câu hỏi về rối loạn giấc ngủ và mệt mỏi. Các chuyên gia tại phòng khám phát hiện ra rằng những bệnh nhân da đen có nguy cơ rối loạn giấc ngủ từ trung bình đến nặng hơn gấp ba lần sau khi phục hồi Covid-19. Một yếu tố khác có liên quan đến tỷ lệ rối loạn giấc ngủ cao hơn mức trung bình là lo lắng.

    Sau khi tính toán tuổi, chủng tộc, giới tính và chỉ số khối cơ thể, phân tích, các chuyên gia kết luận 41,3% bệnh nhân báo cáo rối loạn giấc ngủ vừa phải và 8% mô tả các vấn đề nghiêm trọng về giấc ngủ sau phục hồi. Hơn 2/3 số bệnh nhân (67,2%) cho biết mệt mỏi vừa phải. Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Cinthya Pena Orbea nói: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ rối loạn giấc ngủ từ trung bình đến nặng khá cao và chủng tổng (da đen) làm tăng tỷ lệ mắc chứng rối loạn giấc ngủ từ trung bình đến nghiêm trọng. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu thêm về yếu tố chủng tộc quyết định đến rối loạn giấc ngủ và cần phát triển các biện pháp can thiệp dành riêng cho từng chủng tộc".

    Hình ảnh
    Khó ngủ là triệu chứng Covid-19 kéo dài mà nhiều người mắc phải, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Small Business Trends

    Khi được hỏi "nguyên nhân nào khiến tỷ lệ người da đen bị khó ngủ cao hơn", tiến sĩ Pena Orbea trả lời: "Tìm hiểu những nguyên nhân tiềm ẩn giữa gián đoạn giấc ngủ với từng chủng tộc không phải là mục tiêu trong nghiên cứu của chúng tôi. Tuy nhiên, yếu tố này có thể liên quan đến sự khác biệt trong cách tiếp cận chăm sóc sức khỏe, các yếu tố vùng miền..."

    Tiến sĩ Michael Grandner, Giám đốc chương trình Nghiên cứu giấc ngủ và sức khỏe tại Đại học Arizona và Giám đốc Phòng khám Y học hành vi giấc ngủ tại Trung tâm Y tế Đại học Banner ở Tucson, Arizona, nói: "Một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng người Mỹ da đen ít phàn nàn về giấc ngủ của họ hơn người da trắng nhưng họ lại có xu hướng ngủ ít và có nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ cao hơn, đặc biệt là do căng thẳng và các yếu tố môi trường. Họ cũng có nhiều khả năng gặp vấn đề về tim mạch và phổi cao hơn sau khi mắc Covid-19".

    Theo tiến sĩ Grandner, hàng trăm nghiên cứu đã mô tả mối quan hệ mạnh mẽ nhưng phức tạp giữa giấc ngủ và sự lo lắng. Ví dụ lo lắng gây ra một tình trạng gọi là "hyperarousal" - nơi một người thường xuyên ở trong tình trạng cảnh giác ngay cả khi không có lý do gì. Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về giấc ngủ ở những người này. "Rối loạn giấc ngủ có thể gây ra mệt mỏi nhưng nhiều thứ khác cũng có thể xảy ra. Nhiều người có thể gặp khó khăn với giấc ngủ nhưng họ lại không nhận thức được, ví dụ giấc ngủ nông, khiến họ cảm thấy ít được nghỉ ngơi và mệt mỏi hơn", ông nói.

    Tiến sĩ Pena Orbea lưu ý rằng sự lo lắng và thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến nhau. Cô chỉ ra tác động hai chiều giữa giấc ngủ và sức khỏe tâm thần. Rối loạn tâm trạng rất phổ biến ở những bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ. Tương tự như vậy, rối loạn giấc ngủ có thể làm tăng nguy cơ hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng đau khổ về tinh thần. "Các bước tiếp theo của chúng tôi sẽ là nghiên cứu sâu hơn về tác động lẫn nhau của sự mệt mỏi và tâm trạng với rối loạn giấc ngủ vì nó liên quan đến chủng tộc (da đen)".

    Để cải thiện giấc ngủ hậu Covid-19, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM Cơ sở 3, khuyến cáo người bệnh nên thay đổi thói quen sinh hoạt như: ăn uống đầy đủ, tập thể dục đều đặn, thư giãn... giúp làm chủ cảm xúc, xây dựng tinh thần lạc quan, đời sống năng động hơn. Bên cạnh đó, người bệnh cần vệ sinh giấc ngủ (là các phương pháp được thiết kế để cơ thể chuẩn bị cho giấc ngủ) đúng cách như: duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy đều đặn; giữ phòng ngủ chỉ dành cho giấc ngủ và sự ấm áp gia đình, loại bỏ tivi, máy tính, điện thoại di động... ra khỏi phòng ngủ. Vào buổi tối nên tránh uống cà phê, rượu, chất kích thích, không ăn thức ăn nặng và không vận động mạnh trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ. Tuy nhiên cũng đừng đi ngủ khi đói hoặc khát.

    Bác sĩ Vũ lưu ý, người bệnh nên thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng, kể cả vào cuối tuần và ngày lễ và không nên ngủ trưa quá dài. Đồng thời giữ một cuốn sổ ghi chú bên cạnh giường để ghi lại những điều nghĩ đến. Ghi nhật ký sẽ giúp dừng lại suy nghĩ và trở lại giấc ngủ. Một phương pháp khác giúp bạn dễ ngủ hơn là tự xoa bóp bấm huyệt.

    Trường hợp dù đã điều chỉnh, thực hiện các phương pháp tâm lý liệu pháp, tự xoa bóp bấm huyệt mà vẫn mất ngủ, ngủ không ngon giấc, người bệnh nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa để có sự đánh giá và điều chỉnh giấc ngủ phù hợp.



    Ý Linh (Theo Medical News Today)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 37 khách