Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Cách giữ ấm cho trẻ ngày lạnh

Đã gửi: Chủ nhật Tháng 1 03, 2021 11:58 am
by VietNews



Trẻ nên mặc quần áo thành nhiều lớp mỏng, uống đủ nước, đảm bảo dinh dưỡng; bố mẹ tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ khi trẻ bị cúm, không tự ý dùng thuốc tại nhà.

Bác sĩ Phí Xuân Thi, khoa Nhi, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết thời tiết miền bắc đang trong những ngày rét đậm, sức đề kháng của cơ thể suy giảm, nhất là trẻ nhỏ. Song, nhiều cha mẹ không biết mặc thế nào cho con đủ ấm, đôi khi mặc nhiều quá làm trẻ quá nóng hoặc mặc chưa đúng cách khiến trẻ khó vận động hay chơi các trò chơi ngoài trời.

Bác sĩ Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết khi thời tiết chuyển mùa là môi trường thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây cúm phát triển. Triệu chứng phổ biến là đau, vướng họng khi nuốt; sốt, khàn tiếng, ho, sổ mũi do bị kích ứng ở đường hô hấp trên. Để phòng ngừa, giữ ấm là quan trọng nhất.

Theo chuyên gia, nguyên tắc của việc mặc giữ ấm là mặc quần áo thành nhiều lớp, nhiều lớp mỏng tốt hơn một lớp dày. Khi đó, cơ thể sẽ tạo ra nhiều lớp giữ nhiệt và hạn chết mất nhiệt ra ngoài môi trường. Riêng trẻ em cần mặc nhiều hơn một lớp quần áo so với người lớn trong cùng một điều kiện thời tiết.

Thông thường, lớp áo trong cùng là lớp quan trọng nhất, tạo lớp giữ nhiệt đầu tiên cho cơ thể. Bạn nên chọn những cỡ quần áo vừa khít với cơ thể con, mềm mại như chất liệu len, tránh các loại bông hay cotton.

Lớp áo tiếp theo là lớp cách nhiệt, giữ ấm. Bạn có thể chọn các loại sản phẩm từ len tự nhiên hoặc len tổng hợp. Còn lớp ngoài để giữ an toàn cho trẻ và giúp các lớp bên trong tránh khỏi gió, nước. Nên chọn các loại nhẹ, bền, mềm mại để giúp trẻ có thể dễ dàng di chuyển.

Ngoài ra, trẻ cần trang bị đầy đủ mũ, găng tay, tất để giữ ấm, nhất là phần đầu, tai, tay, chân là những bộ phân cơ thể thường xuyên tiếp xúc trực tiếp ra ngoài không khí.

Cho trẻ đội mũ len có thể che được tai, mang găng tay phù hợp với thời tiết. Nếu trời mưa, ẩm ướt, chọn đôi găng chống thấm nước. Dự trữ thêm cho trẻ một vài loại giày, dép chống ngấm nước để luôn giữ cho tất được khô ráo.

Tùy theo tình trạng thời tiết, nhiệt độ để mặc bao nhiêu lớp áo cho trẻ. Nếu mặc tất cả các lớp vào, có thể dẫn đến trẻ đổ mồ hôi, khiến lạnh hơn và mất nước gây khó chịu.

"Trẻ mặc quá dày và nhiều lớp dễ dẫn đến toát nhiều mồ hôi làm giảm thân nhiệt hoặc khó thở", bác sĩ Thành nhấn mạnh.

Thường xuyên kiểm tra lưng, hay mồ hôi ở trẻ. Nếu trẻ vận động nhiều, hay chơi trò chơi ngoài trời, chúng ta có thể cởi bỏ một hoặc lớp ra để trẻ không quá nóng khi vận động. Luôn dự phòng túi đựng đựng mũ, găng tay, chân cho trẻ.

Bổ sung nước ấm thường xuyên cho trẻ, ăn những bữa ăn nhẹ bổ sung năng lượng. Chế độ dinh dưỡng đủ chất bao gồm các thực phẩm chứa nhiều tinh bột, giàu protein, chất béo từ các loại hạt, đậu, trứng, cá, thịt lợn nạc, thịt gà, thịt bò, sữa ít chất béo, rau quả tươi giúp cơ thể tăng sức đề kháng.

Khi trẻ bị cúm, viêm họng cần tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ, không tự ý uống thuốc dẫn đến kháng thuốc và tác dụng phụ.

Thùy An