Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Xác ướp Ai Cập 4.300 năm phủ đầy vàng lá
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Xác ướp Ai Cập 4.300 năm phủ đầy vàng lá

    by VietNews » Thứ 6 Tháng 1 27, 2023 2:01 pm






    AI CẬP- Nhà khảo cổ nổi tiếng Zahi Hawass hôm 26/1 thông báo phát hiện ngôi mộ quan trọng chứa xác ướp lâu đời và hoàn chỉnh nhất từ trước tới nay ở Saqqara.

    Hình ảnh
    Một bức tường đá khắc chữ ở ngôi mộ 4.300 năm mới phát hiện tại Saqqara. Ảnh: Reuters

    Xác ướp của người đàn ông tên Hekashepes phủ đầy vàng lá, được phát hiện trong quách lớn bằng đá vôi tại căn phòng dưới đường hầm sâu 15 m. Theo Hawass, quanh chiếc quách có nhiều bình đá còn bịt kín hoàn toàn.

    "Đây là xác ướp không thuộc hoàng gia cổ và hoàn chỉnh nhất ở Ai Cập từ trước tới nay", Hawass, giám đốc nhóm khai quật làm việc với Hội đồng Cổ vật Tối cao tại khu vực Gisr el-Mudir, Saqqara, cho biết. "Xác ướp này nằm trong phát hiện cụm mộ có niên đại từ vương triều thứ 5 và thứ 6 của thời kỳ Cổ Vương quốc".

    Phát hiện mới hé lộ di chỉ bao gồm một nghĩa trang lớn. Ngoài xác ướp Hekashepes, các nhà khảo cổ còn tìm thấy ngôi mộ thuộc Khnumdjedef, người giám sát quý tộc kiêm thầy tế ở tổ hợp kim tự tháp của Unas, vị vua cuối cùng ở vương triều thứ 5. Ngôi mộ của Khnumdjedef trang trí chữ khắc mô tả đời sống thường nhật.

    Ngôi mộ thứ hai và thứ ba lần lượt thuộc về Meri, trợ thủ của người đứng đầu cung điện và Messi, thầy tế của Pepi I Meryre, vị vua thứ 3 ở vương triều thứ 6 của Ai Cập. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn đào được 9 bức tượng chạm khắc đẹp mắt. Ở dưới một đường hầm sâu 10 m khác có một loạt quan tài gỗ, 3 bức tượng đá, bàn thờ và quan tài đá của một người đàn ông tên Fetek, nhiều bùa hộ mệnh, bình đá, dụng cụ sinh hoạt và tượng nữ thần Ptah-Sokar.

    Saqqara là nghĩa trang nằm ở kinh đô Memphis cổ đại của Ai Cập, bao gồm Đại kim tự tháp Giza cũng như các kim tự tháp nhỏ hơn ở Abu Sir, Dahshur và Abu Ruwaysh. Khu vực được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào thập niên 1970.

    An Khang (Theo Global Times)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 23 khách