Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Người Trung Quốc nơm nớp nỗi lo nghỉ hưu muộn
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Người Trung Quốc nơm nớp nỗi lo nghỉ hưu muộn

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 10 26, 2021 10:09 pm






    Meng, nhân viên trật tự đô thị 48 tuổi ở Giang Tây, mong được nghỉ ngơi sau tuổi 60, nhưng thất vọng khi chính phủ muốn tăng tuổi nghỉ hưu.

    Là nhân viên thực thi pháp luật cấp thấp ở thành phố Nam Xương, Meng Shan thường xuyên phải đuổi bắt những người bán hàng rong trái phép trên phố, nhiệm vụ khiến ông mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần, trong khi mức lương rất khiêm tốn.

    Sắp bước vào tuổi ngũ tuần, Meng mong ngóng đến ngày về hưu để có thể nghỉ ngơi một cách thanh thản, dù có thể chỉ nhận được khoản lương hưu ít ỏi.

    Bởi vậy, khi chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ tăng tuổi nghỉ hưu, Meng tự hỏi liệu với tình trạng thể chất của mình, ông có thể tiếp tục công việc trật tự đô thị này bao lâu nữa và liệu ông có bị sa thải trước khi đủ điều kiện nhận lương hưu hay không.

    "Thực lòng mà nói điều này cực kỳ bất lợi đối với những lao động cấp thấp", Meng nói về thông báo tăng tuổi nghỉ hưu của chính phủ.

    Hình ảnh
    Công nhân làm việc tại nhà máy may thành phố Hải An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc hồi tháng 8/2020. Ảnh: AP.

    Trung Quốc hiện là một trong những nước có tuổi nghỉ hưu thấp nhất thế giới: 50 với nữ lao động chân tay, 55 tuổi với nữ lao động bàn giấy và 60 tuổi với hầu hết nam giới. Nhưng tình trạng già hóa dân số khiến lực lượng lao động suy giảm và quỹ hưu trí có nguy cơ cạn kiệt buộc chính phủ Trung Quốc phải đặt ra kế hoạch thay đổi.

    Chính phủ chưa công bố chi tiết kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng đã vấp phải sự phản đối từ nhiều lao động. Trong khi lao động lớn tuổi sợ không đủ sức khỏe để bám trụ đến ngày về hưu, những người trẻ lo lắng gia tăng nguy cơ cạnh tranh công việc vốn đã khốc liệt. Những lao động chân tay hay đòi hỏi thể chất như Meng, nhóm chiếm phần lớn lực lượng lao động Trung Quốc, sợ sẽ bị kiệt sức hoặc thất nghiệp.

    Trên thế giới, tăng tuổi nghỉ hưu được xem là một trong những thách thức khó khăn nhất đối với các chính phủ. Nỗ lực tăng tuổi hưu của Nga năm 2018 đã khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin giảm xuống mức thấp nhất. Putin ban đầu nỗ lực thúc đẩy kế hoạch, nhưng cuối cùng chọn nhượng bộ.

    Kế hoạch cải cách hưu trí của Pháp cũng làm dấy lên cuộc đình công kéo dài trong lĩnh vực giao thông vận tải vào năm ngoái, buộc chính phủ phải gác lại đề xuất.

    Chính phủ Trung Quốc từng từ bỏ nỗ lực tăng tuổi nghỉ hưu vào năm 2015 khi đối mặt với sự phản đối tương tự. Tuy nhiên, lần này, Bắc Kinh dường như quyết tâm theo đuổi kế hoạch, dù thừa nhận vấp phản ứng dữ dội. Quan chức Trung Quốc đang có những bước đi thận trọng, khi chưa công bố phương án tăng tuổi hưu chi tiết và chỉ nói "sẽ tăng dần tuổi nghỉ hưu" trong 5 năm tới.

    Các tiêu chuẩn hưu trí hiện tại của Trung Quốc đã được thiết lập từ những năm 1950, khi tuổi thọ trung bình của người dân nước này là hơn 40. Nhưng hiện tại, khi đất nước đã phát triển mạnh mẽ, tuổi thọ trung bình của Trung Quốc đã đạt gần 77, theo Ngân hàng Thế giới.

    Tỷ lệ sinh giảm mạnh sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con khiến dân số Trung Quốc sụt giảm nặng nề. Hơn 300 triệu người, khoảng 1/5 dân số, dự kiến trên 60 tuổi vào năm 2025, theo ước tính của chính phủ.

    Các chuyên gia cảnh báo thực trạng này có thể đe dọa khả năng tăng trưởng kinh tế liên tục và cạnh tranh của Trung Quốc. Tại Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Âu, độ tuổi nghỉ hưu thường trên 65. You Jun, thứ trưởng phụ trách nguồn nhân lực và an sinh xã hội, từng nói Trung Quốc có nguy cơ "lãng phí nguồn nhân lực".

    Phản ứng dữ dội về kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu cũng cho thấy hàng loạt lo lắng khác tồn tại trong xã hội Trung Quốc về an ninh việc làm, mạng lưới an sinh xã hội và bất bình đẳng thu nhập.

    Môi trường cạnh tranh khốc liệt trong nhóm lao động cổ cồn trắng ở Trung Quốc đã bóp nghẹt cuộc sống của Naomi Chen, nhà phân tích tài chính 29 tuổi ở Thượng Hải. Cô thường nói với bạn bè về mong muốn nghỉ hưu sớm để thoát khỏi áp lực, dù điều đó có thể khiến cuộc sống của cô eo hẹp hơn.

    Thông báo của chính phủ chỉ càng làm tăng thêm mong muốn của Chen. Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ công việc bàn giấy lương cao cho những lứa sinh viên mới tốt nghiệp. Khi tăng tuổi nghỉ hưu, Chen lo lắng bản thân phải làm việc chăm chỉ hơn, nhưng ít có khả năng tăng lương vì số lượng lao động cạnh tranh lớn.

    "Việc thăng chức cũng sẽ chậm hơn, bởi cấp trên của tôi chưa tới tuổi hưu", cô nói.

    Tuy nhiên, lao động lớn tuổi có thể là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều hơn. Trung Quốc hiện đại hóa nhanh đến nỗi lao động lớn tuổi trở nên "yếu thế" trước các đồng nghiệp trẻ về kỹ năng và học vấn. Điều này khiến nhiều nhà tuyển dụng không mặn mà với việc giữ lại họ, theo Albert Francis Park, nhà kinh tế học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong. Trong một số ngành như công nghệ, 35 tuổi là mức tuổi tuyển dụng tối đa.

    Hình ảnh
    Nhóm người cao tuổi chơi mạt chược tại công viên ở Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

    Tăng tuổi hưu cũng có thể ảnh hưởng tới một số ưu tiên khác của chính phủ Trung Quốc, như khuyến khích các gia đình sinh thêm con để làm chậm tốc độ già hóa dân số. Đại đa số người Trung Quốc thường nhờ ông bà chăm sóc con cái. Nhiều người dùng mạng xã hội đặt câu hỏi liệu điều gì sẽ xảy ra nếu những người cao tuổi vẫn phải làm việc.

    Lu Xia, 26 tuổi, nói viễn cảnh nghỉ hưu muộn khiến cô không dám cân nhắc sinh thêm con thứ hai, bởi nhiều con đồng nghĩa sau này sẽ có nhiều cháu.

    "Khi tăng tuổi nghỉ hưu, thật khó để tưởng tượng những gì chúng tôi phải đối mặt khi trở thành ông bà", Liu, sống ở thành phố Dương Tuyền, phía tây nam Bắc Kinh, nói.

    Trừ khi Trung Quốc tăng hỗ trợ chăm sóc trẻ em, nhiều cha mẹ trẻ có thể phải chọn thôi việc hoặc hoãn sinh nở cho tới khi bố mẹ họ nghỉ hưu, khiến thực trạng thiếu hụt lao động thêm trầm trọng, theo Feng Jin, nhà kinh tế học tại Đại học Phúc Đán.

    Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo cái giá Trung Quốc phải trả sẽ rất cao nếu không hành động. Báo cáo của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc năm 2019 dự báo quỹ lương hưu của nước này sẽ cạn kiệt vào năm 2035, một phần do suy giảm lực lượng lao động. Điều này khiến nhiều người trẻ lo lắng về lương hưu sau này, nếu vấn đề không được giải quyết.

    Bian Jianfu, một giám đốc doanh nghiệp nhà nước mới nghỉ hưu ở tỉnh Tứ Xuyên, nói ông không ngại làm thêm vài năm vì làm vậy có thể giúp tăng lương hưu. Bian hiện nhận lương hưu khoảng 1.000 USD mỗi tháng, nhiều gấp đôi mức trung bình ở thành thị. Ông ca ngợi chính phủ Trung Quốc đã liên tục tăng lương hưu trong thập kỷ qua dù chuyên gia cảnh báo áp lực ngày càng lớn với quỹ lương hưu.

    "Chính phủ Trung Quốc đã đối xử tốt với những người nghỉ hưu", ông nói.

    Nhưng chính sách đãi ngộ tốt đó được phân bổ không đồng đều và nhiều khả năng vẫn như vậy ngay cả khi chính phủ tăng quỹ hưu trí. Ông Meng, nhân viên trật tự đô thị, mỗi tháng nhận lương 460 USD và dành 1/10 số đó để đóng vào quỹ lương hưu và bảo hiểm y tế cơ bản. Khi nghỉ hưu, ông dự kiến nhận được 120-150 USD/tháng.

    Meng thừa nhận mức lương hưu này không đủ trang trải cuộc sống, nhưng ông sẽ cố gắng tiếp tục làm việc để chờ đến ngày được nghỉ hưu, dù chưa biết lúc nào nó sẽ tới.

    "Tất cả những gì tôi có thể làm là cố gắng duy trì cho đến khi tôi đủ tuổi", ông nói.


    Thanh Tâm (Theo NY Times)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 60 khách