Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Tầm nhìn của ông Tập trước thềm 'lưỡng hội' Trung Quốc 2021

Đã gửi: Thứ 2 Tháng 2 22, 2021 9:54 am
by VietNews



Giới lãnh đạo Trung Quốc sắp tề tựu trong "lưỡng hội", cuộc họp chính trị hàng năm để gửi thông điệp sức mạnh, thành công và xác định di sản của ông Tập.

Cuộc họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc, tức quốc hội Trung Quốc, và cơ quan tham vấn chính trị hàng đầu Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc, thường được gọi là "lưỡng hội", luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình chương trình nghị sự chính trị năm tới. Tuy nhiên sự kiện năm nay, bắt đầu vào đầu tháng 3, cũng chứng kiến sự khởi đầu của kế hoạch 5 năm mới nhất cho nền kinh tế, tạo cơ hội cho giới lãnh đạo vạch kế hoạch dài hạn có thể xác định di sản của Chủ tịch Tập Cận Bình và tương lai của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 trong nước và giữ cho nền kinh tế đi đúng hướng sẽ giúp định hình thông điệp chính trị, đặc biệt trái ngược với cuộc chiến chống dịch ở phương Tây và các sự kiện bất ổn chính trị như cuộc bạo loạn tòa nhà quốc hội Mỹ tháng trước. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn phải khắc phục những vấn đề nghiêm trọng cả trong và ngoài nước.

Sự hiện diện của quan chức cấp cao, những người bị Mỹ và phương Tây trừng phạt vì các hành động bị cáo buộc ở Tân Cương và Hong Kong, tại cuộc họp sẽ giúp làm nổi bật chính sách của Bắc Kinh về đối nội, vốn gây cảnh báo ngày càng tăng trên quốc tế. Những cáo buộc Trung Quốc xử lý sai đại dịch ở thời điểm bùng phát, kết hợp các vấn đề Đài Loan, Biển Đông và tranh chấp biên giới với Ấn Độ, đã làm tổn hại thêm hình ảnh nước này, và thêm bất kỳ phản ứng quốc tế dữ dội nào đều có thể đe dọa các kế hoạch kinh tế của Trung Quốc.

Trung Quốc hy vọng chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ mở ra con đường khôi phục quan hệ với Mỹ, nhưng Washington ngày càng lo ngại thách thức Trung Quốc đặt ra và dự kiến tiếp tục gây áp lực.

Hình ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

2021 cũng là năm mang ý nghĩa chính trị lớn đối với ông Tập vì đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập. Ông Tập đã cam kết "tổ chức lễ kỷ niệm lớn" để đánh dấu sự kiện này vào tháng 7.

Ông phát tín hiệu tin tưởng vào hướng đi đảng và đất nước đang thực hiện, nói với quan chức cấp cao tháng trước rằng thế giới đang đối mặt "thời kỳ hỗn loạn, nhưng thời gian và động lực đang đứng về phía chúng ta". "Đây là nơi chúng ta thể hiện niềm tin và sự kiên cường, cũng như sự quyết tâm và tự tin", ông nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc cũng cảnh báo đất nước phải đối mặt với "những thách thức và cơ hội chưa từng có", đồng thời yêu cầu Bộ Chính trị "tạo điều kiện xã hội thuận lợi" cho dịp kỷ niệm 100 năm.

Giới lãnh đạo cũng cho biết họ sẽ đẩy mạnh nỗ lực duy trì trật tự chính trị và xã hội trước lễ kỷ niệm tháng 7, với Bộ trưởng Công an Triệu Khắc Chí yêu cầu các lãnh đạo cảnh sát coi bất kỳ thách thức nào đối với chính quyền, gồm cả trên mạng, là "chiến trường" mà họ phải sẵn sàng chiến đấu.

Dù Bắc Kinh tuyên bố chiến thắng Covid-19, đại dịch này sẽ vẫn là mối đe dọa, điển hình là đợt bùng phát tháng trước ở tỉnh Hà Bắc, giáp Bắc Kinh. Các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt được áp dụng cho hai hội nghị năm ngoái, sự kiện bị hoãn đến tháng 5, vẫn có hiệu lực cho các hội nghị năm nay.

Chỉ các nhà báo làm việc tại Bắc Kinh mới được phép đăng ký tham dự sự kiện, hầu hết diễn ra trực tuyến. Các nhà ngoại giao nước ngoài muốn tham dự sẽ phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 và trải qua một đêm cách ly trước đó.

Sau khi trở thành nền kinh tế lớn duy nhất đạt mức tăng trưởng năm ngoái, lãnh đạo Trung Quốc muốn bắt đầu giai đoạn phát triển kinh tế mới, được báo trước bằng việc bắt đầu kế hoạch 5 năm mới, một cách tích cực.

Nếu các chỉ tiêu GDP từng tỉnh đề ra là chỉ dẫn đáng tin cậy, Trung Quốc có thể hy vọng vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm nay. Hai trong số các trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước là Thượng Hải và Quảng Đông đặt mục tiêu tương đối thận trọng 6%. Trong khi những nơi khác, gồm Hồ Bắc, nơi Covid-19 xuất hiện lần đầu, đặt mục tiêu 10%.

Cùng với kế hoạch 5 năm, giới lãnh đạo cũng dự kiến công bố "tầm nhìn 2035", kế hoạch chi tiết cho 15 năm tiếp theo. Hồi tháng 11, ông Tập báo hiệu tham vọng trong lĩnh vực này bằng cách nói với các lãnh đạo đảng: "Trung Quốc hoàn toàn có thể trở thành quốc gia có thu nhập cao vào cuối kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (vào năm 2025) và tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035".

Các thông báo chính sách tháng tới sẽ được theo dõi chặt chẽ để hiểu thêm chi tiết về cách Bắc Kinh dự định thực hiện, nhưng để đạt các mục tiêu này, họ sẽ phải tiếp tục nâng cấp nền kinh tế và tiếp tục chuyển từ sản xuất giá rẻ sang công nghệ cao.

Bản phác thảo kế hoạch 5 năm được công bố vào tháng 11 cho thấy Trung Quốc dự định thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước và khuyến khích tự lực trong lĩnh vực công nghệ cao, như một phần của cái gọi là chiến lược lưu thông kép. Ông Tập đã báo hiệu sự chuyển hướng đối với khu vực trong nước trong một cuộc họp đảng cuối năm ngoái.

"Chúng ta phải đối mặt với nhiều rủi ro bên ngoài từ khi cải cách và mở cửa, chúng ta xoay xở biến nguy thành an bằng cách tập trung vào công việc kinh doanh của riêng mình và tìm chỗ đứng bên trong đất nước", ông Tập nói.

Chủ tịch Trung Quốc cũng muốn tập trung nhiều hơn vào "sự thịnh vượng chung" để giảm khoảng cách thu nhập đáng kể trong nước sau khi tuyên bố thành công trong xóa đói giảm nghèo hoàn toàn cuối năm ngoái. "Sự thịnh vượng chung không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề chính trị quan trọng liên quan đến nền tảng sự lãnh đạo của đảng", lãnh đạo Trung Quốc cho hay.

Sự thịnh vượng chung từ lâu được coi là mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh, nhưng có rất ít thông tin chi tiết về cách thức đạt mục tiêu này. Không rõ giới chức sẽ muốn đi bao xa trong việc phân phối lại của cải, nhưng chính sách này bị khu vực tư nhân coi là rất đáng ngờ.

Lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển trong tương lai của đất nước, nhưng có nguy cơ các nước khác, đặc biệt là Mỹ, sẽ cảm thấy bị đe dọa. Trung Quốc hiện vẫn phụ thuộc vào các quốc gia khác về một số công nghệ quan trọng và do lỗ hổng này, một số nhà quan sát tin rằng họ có thể chọn cách hạ thấp tham vọng, ít nhất trước công chúng, sau khi các chiến lược trước đó gây phản ứng dữ dội ở Washington.

Shi Yinhong, chuyên gia các vấn đề quốc tế tại Đại học Nhân dân và là cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc, cho biết: "Trung Quốc đã học được một số bài học khó, nhiều bên rất nhạy cảm với những kế hoạch của họ".

Shi trích dẫn các kế hoạch trước đó, như chiến lược "Made in China 2025" và kế hoạch "Nghìn nhân tài", đã trở thành cột thu lôi cho cuộc cạnh tranh với Mỹ.

"Made in China 2025" nhằm thúc đẩy sản xuất công nghệ cao trong các lĩnh vực từ 5G, trí tuệ nhân tạo đến xe điện. Kế hoạch này được đưa ra với nhiều sự phô trương vào năm 2015, nhưng đột ngột biến mất khỏi các tài liệu chính sách cuối năm 2018 sau khi làm dấy lên lo ngại trong chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump về việc các công ty nước ngoài buộc phải chuyển giao công nghệ, cũng như đe dọa sự thống trị kinh tế của Mỹ.

Hình ảnh
Phiên họp quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3/2019. Ảnh: Xinhua.

Kế hoạch "Nghìn nhân tài", được triển khai năm 2008 nhằm thu hút chuyên gia toàn cầu đến các phòng thí nghiệm khoa học Trung Quốc, cũng gặp trở ngại tương tự và biến mất khỏi sau khi gây ra cuộc tranh luận về hoạt động gián điệp trong các trường đại học và doanh nghiệp Mỹ.

"Khó khăn chính hiện nay là Trung Quốc cần tiếp cận công nghệ, nhưng đầu tư giữa Trung Quốc và các nước phát triển đã bị thu hẹp đáng kể", Shi nói. "Sau khi rút ra bài học, Trung Quốc có thể chọn cách mơ hồ hơn về các kế hoạch của mình nhưng vẫn kiên quyết thực hiện".

Gu Su, nhà khoa học chính trị tại Đại học Nam Kinh, cho biết ông không nghĩ rằng những yếu tố này sẽ dẫn đến thay đổi đáng kể đối với kế hoạch 5 năm, nhưng đã "có kỳ vọng về mối quan hệ thân thiện hơn với Biden".

Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Biden sau khi tân tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức, ông Tập đưa ra những gợi ý mạnh mẽ rằng Bắc Kinh hy vọng thiết lập lại quan hệ sau thời Trump, "nhấn mạnh hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho cả hai bên".

Chính quyền mới ở Washington có thể áp dụng cách tiếp cận khác, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy họ muốn giảm bớt áp lực lên Bắc Kinh. Sau cuộc gọi, Biden bày tỏ "lo ngại đối với Trung Quốc về các hoạt động kinh tế, vi phạm nhân quyền và cưỡng ép Đài Loan".

Chính quyền mới cũng chỉ ra rằng họ muốn làm việc với các đồng minh truyền thống của Mỹ để xây dựng mặt trận chung chống lại Bắc Kinh, coi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là ưu tiên và có kế hoạch xây dựng nhóm "Bộ Tứ" cùng Ấn Độ, Nhật Bản và Australia là trụ cột chiến lược quan trọng.

Những lo ngại về nhân quyền và liệu Bắc Kinh có thực hiện đúng lời hứa tiếp tục mở cửa nền kinh tế hay không cũng có thể cản trở tham vọng kinh tế của họ trên trường quốc tế. Thỏa thuận đầu tư mang tính bước ngoặt với Liên minh châu Âu (EU) cuối năm ngoái được coi là thành công lớn đối với Bắc Kinh, nhưng các thành viên Nghị viện châu Âu đã nêu lo ngại về lao động cưỡng bức và dọa sẽ chặn thỏa thuận.

Trung Quốc cũng cho thấy họ quan tâm đến việc tham gia Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thỏa thuận thương mại được hình thành sau khi Trump rút Mỹ khỏi một thỏa thuận trước đó. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn về quyền lao động và bảo vệ môi trường.

Huyền Lê (Theo SCMP)