Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Bùng phát lừa đảo đầu tư viện dưỡng lão ở Trung Quốc
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 28130
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Bùng phát lừa đảo đầu tư viện dưỡng lão ở Trung Quốc

    by VietNews » Thứ 2 Tháng 3 01, 2021 3:22 pm





    Hàng loạt dự án lừa đảo huy động vốn đầu tư viện dưỡng lão xuất hiện, với hứa hẹn lãi cao và chỗ ở tốt, khiến người già trắng tay.

    Bà Yang, 78 tuổi, sống tại Yiyang (Hồ Nam, Trung Quốc), từng miễn cưỡng tìm hiểu một dự án đầu tư viện dưỡng lão. Cô nhân viên kinh doanh tiếp cận bà rất nhiệt tình. Cô đợi bà ở trạm xe buýt và tự lái ôtô riêng đưa bà tham qua dự án. Tương tự với mỗi lần gặp nhà đầu tư khác, cô đều đưa ra lời rao như nhau: Chỉ cần đầu tư một ít, ông/bà có thể đảm bảo một chỗ trong viện dưỡng lão với giá hời và kiếm thêm được chút tiền.

    Ở Trung Quốc - nơi dân số đang già đi với tốc độ chóng mặt, rất khó tìm được không gian trong những viện dưỡng lão vừa túi tiền. Dù vậy, bà Yang vẫn chưa bị thuyết phục dễ dàng. Nhưng cuối cùng, khi chồng bà bị xuất huyết não là không thể nói chuyện được nữa, bà đã xuôi lòng. Bà gom hết 31.000 USD tiết kiệm cả đời cho công ty đầu tư viện dưỡng lão.

    Nhưng giờ đây, công ty của cô nhân viên kinh doanh kia là một trong hàng trăm trường hợp đang được điều tra hoặc đã bị truy tố bởi chính quyền Trung Quốc, liên quan đến những vụ lừa đảo đầu tư viện dưỡng lão.

    Họ huy động hàng trăm triệu USD với lời hứa đảm bảo một căn phòng hoặc một chiếc giường trong viện dưỡng lão. Vấn đề đã trở nên phổ biến đến mức các cơ quan tư pháp hàng đầu của Trung Quốc coi ngành dưỡng lão là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cái mà họ gọi là gây quỹ bất hợp pháp.

    Tại Yiyang, thành phố nơi bà Yang sinh sống, Cao Yinglin, một người đàn ông về hưu đã quẫn trí sau khi mất tiền tiết kiệm vào một phi vụ đầu tư viện dưỡng lão. Cuối cùng, ông đã nhảy sông tự vẫn.

    Bà Yang không biết bao giờ mình mới lấy lại được tiền. Giờ đây, bà phụ thuộc vào khoản tiền hưu trí nhỏ hàng tháng. "Nếu không", bà nói, "làm sao tôi có thể sống được?"

    Cuộc khủng hoảng chăm sóc người cao tuổi đang rình rập của Trung Quốc đã tạo cơ hội cho những kẻ lừa đảo và các kế hoạch đầu tư giống Ponzi. Theo chính phủ nước này, đến năm 2025, hơn 300 triệu người ở Trung Quốc sẽ từ 60 tuổi trở lên. Đến năm 2050, con số đó ước tính sẽ tăng lên nửa tỷ.

    Theo truyền thống, các gia đình Trung Quốc luôn chăm sóc cha mẹ già. Do chính sách một con hiện nay đã không còn và sự di cư ồ ạt đến các thành phố lớn, ngày càng ít người có điều kiện chăm sóc được bố mẹ mình. Chính phủ chỉ chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất, được gọi là "ba không" - những người không có gia đình, không được hỗ trợ tài chính và không có khả năng làm việc.

    Hình ảnh
    Người cao tuổi đi dạo cùng với các nhân viên tại Viện dưỡng lão Sijiqing ở quận Haidian, Bắc Kinh ngày 10/5/2000. Ảnh; Xinhua.

    "Chúng ta có dân số già liên tục và các dịch vụ công do chính phủ tài trợ không đủ để chăm sóc dân số này", Dong Keyong, Giáo sư tại Trường Chính sách và Hành chính Công tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết.

    Vì vậy, chính phủ khuyến khích tư nhân tham gia, hứa hẹn trợ cấp và ưu đãi thuế cho các công ty xây dựng viện dưỡng lão. Nhưng chi phí đầu tư viện dưỡng lão cao, và ưu đãi thường quá thấp, nên hầu hết không thể mua được dịch vụ chăm sóc chất lượng cao. Ví dụ, ở Bắc Kinh, chi phí hàng tháng tại các viện dưỡng lão có thể lên tới 1.500 USD, gấp ba lần mức lương hưu trung bình là 535 USD.

    Luật tại Trung Quốc quy định các công ty không được thu tiền từ người mua trước khi viện dưỡng lão được xây dựng. Nhưng để lách luật, thay vì họ làm hợp đồng bán một căn phòng hay chiếc giường, họ tạo các sản phẩm đầu tư, hứa hẹn lãi suất cao kèm lợi ích cho các cư dân già tương lai.

    Các nhà chức trách và các chuyên gia chăm sóc người cao tuổi cho biết các sản phẩm tài chính thường biến tướng thành các kế hoạch giống như Ponzi. Tiền huy động từ các nhà đầu tư sau đôi khi được sử dụng để trả cho các nhà đầu tư trước đó. Nếu họ không thể bán đủ nhà hoặc giường để bắt đầu xây dựng, dự án sẽ bốc hơi - và tiền cũng vậy.

    Tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức các quan chức Trung Quốc phải vào cuộc. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, gần đây đã gọi các quỹ đầu tư viện dưỡng lão với lợi nhuận cao là một "câu chuyện cổ tích".

    Hơn một nghìn vụ án hình sự đã được đệ trình để điều tra các công ty bán dịch vụ viện dưỡng lão trong bốn năm qua. Một công ty, Yi Lao Lin, ở phía bắc thành phố Thẩm Dương, hứa hẹn lợi nhuận hàng tháng cao tới 24% và là thành viên trong tương lai của một khu nghỉ hưu sang trọng với phòng tập thể dục, trung tâm giải trí và bệnh viện. Theo các quan chức tòa án Trung Quốc, công ty đã huy động được gần 5 triệu USD từ hơn 370 người trước khi biến mất không tung tích.

    Một công ty khác, Shanghai Da Ai Cheng, đã huy động được hơn 150 triệu USD thông qua các quỹ đầu tư, hứa hẹn lợi nhuận hàng năm 8-25% và suất ở trong viện dưỡng lão. Công ty trả lãi cho nhà đầu tư được 3 năm và biến mất. Tổng cộng, hơn 81 triệu USD đã "bốc hơi".

    Cảnh sát tỉnh Hồ Nam đã điều tra 45 trường hợp liên quan đến 540 triệu USD trong vòng hai năm và xác định thêm 37 viện dưỡng lão tư nhân có thể đã gây quỹ bất hợp pháp, theo Xinhua.

    Các chuyên gia cho biết, bất chấp những vấn đề, lĩnh vực này vẫn ít bị quản lý. Chan Wing-Kit, Phó giáo sư về chính sách xã hội tại Đại học Sun Yat-sen, cho rằng các quan chức đang tập trung vào chất lượng chăm sóc người cao tuổi chứ không phải các phương pháp tài chính.

    Chính phủ khuyến khích các công ty xây dựng ngành công nghiệp chăm sóc người cao tuổi và mở cửa lĩnh vực này cho đầu tư nước ngoài. Do đó, nhiều dự án được truyền thông nhà nước đưa tin rầm rộ. Các quan chức địa phương thường hỗ trợ họ bằng những chuyến thăm công khai đến các địa điểm xây dựng.

    Năm người được The New York Times phỏng vấn cho biết họ đã mất tiền thông qua các sản phẩm đầu tư tương tự. Họ phàn nàn rằng các công ty mà họ đầu tư được truyền thông địa phương đưa tin nhiều, khiến họ tin rằng các dự án đã có sự hỗ trợ chính thức từ cơ quan quản lý.

    Chen Shaohua, 54 tuổi, bị hấp dẫn bởi một dự án ở Chenzhou, một thành phố ở tỉnh Hồ Nam, nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và một liệu pháp độc quyền bằng ong được cho là áp dụng y học cổ truyền. Bà Chen lần đầu tiên biết nó khi đài truyền hình địa phương đưa tin về chuyến thăm của các quan chức chính phủ.

    Bà đã gom góp hơn 37.000 USD với các chị gái của mình để đảm bảo giường cho mẹ và mẹ chồng, cả hai đều ở độ tuổi 90. Sau đó, vào ngày 6/1, cảnh sát địa phương đã mở cuộc điều tra về hành vi gây quỹ bất hợp pháp của công ty. "Họ đã được chính phủ chứng thực và tin tức đã thổi phồng nó lên, và có rất nhiều người bán dự án này", bà nói, "Nó có thể đã là một trò lừa đảo ngay từ đầu".

    Người cao niên ở các vùng nông thôn có thể đặc biệt dễ bị tổn thương. Họ thường sống một mình vì con cái đã chuyển đến các thành phố lớn để kiếm việc làm. Khoảng 16 triệu người cao tuổi đã bị bỏ lại ở các vùng nông thôn, theo một cuộc khảo sát năm 2016 của Bộ Dân sự.

    Nhiều người lớn tuổi "không đủ tài chính để chi trả cho các dịch vụ chăm sóc dài hạn và họ không có con cái có thể chăm sóc cho họ. Vì vậy về cơ bản họ rất bế tắc," Bei Wu, Giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học New York, người đã nghiên cứu về người cao tuổi của Trung Quốc trong ba thập kỷ, nhận định.

    Cảnh sát thành phố Yiyang đang điều tra Heng Fuhai, công ty mà bà Yang đầu tư vào và Yiyang Nanuo Senior Apartments, công ty đã lấy tiền của Cao Yinglin, người đã ném mình xuống sông tháng trước. Nhà chức trách yêu cầu những người đã đầu tư cung cấp thêm thông tin và cho biết họ sẽ cố gắng giảm thiểu thiệt hại của các nhà đầu tư. Nhưng bà Dương thì nghi ngờ.

    Heng Fuhai và Nanuo Senior Apartments không đưa ra bình luận. Số điện thoại của Nanuo không còn liên lạc được. Một nhân viên tại Heng Fuhai thì cúp máy khi New York Times gọi đến.

    Bà Yang cho biết đã bỏ lỡ các dấu hiệu đáng ngờ. Cô nhân viên kinh doanh đã giục bà đầu tư ngay sau khi chồng bà không còn khả năng chăm sóc bản thân. Dù bị từ chối, nhưng cô không chịu thua. Cô gọi điện cho bà, theo bà về nhà và thăm chồng bà trong bệnh viện. Cô ta thậm chí còn dọn dẹp nhà cho bà.

    "Cô ấy hành động như con gái tôi", bà Yang nói, "Cô ấy thậm chí còn thương tôi hơn cả các con tôi. Cảm giác sẽ quá xấu hổ nếu tôi nói không".

    Giờ, bà chỉ biết ơn về khoản tiền hưu trí ít ỏi hàng tháng nhận được. Nếu không, "tôi sẽ phải làm những gì ông Cao đã làm", bà nói, "Chỉ cần một cú nhảy".

    Phiên An (theo NYT)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 13 khách