Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Người thiểu số Myanmar thêm khốn đốn hậu đảo chính
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Người thiểu số Myanmar thêm khốn đốn hậu đảo chính

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 4 08, 2021 8:00 pm





    Trước mỗi mùa mưa, Lu Lu Aung cùng những người dân tộc sống tản cư khác thường trở về làng để trồng hoa màu, nhưng năm nay họ không thể.

    Sau cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2, dù mùa mưa sắp đến, những nông dân đang sống tại một khu trại dành cho người tản cư, nằm ở bang Kachin xa xôi phía bắc Myanmar, hiếm khi bước chân khỏi ngôi nhà tạm bợ, càng không dám rời khu trại, khi nguy cơ đụng độ với quân đội Myanmar quá cao.

    "Chúng tôi không thể đi đâu, cũng không thể làm bất cứ việc gì kể từ sau đảo chính. Mỗi đêm chúng tôi đều nghe thấy tiếng máy bay quân sự bay rất gần, ngay phía trên khu trại", Lu Lu Aung cho biết.

    Các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 40% trong tổng số 52 triệu dân Myanmar. Tuy nhiên, chính quyền trung ương và quân đội nước này lâu nay đều do người Miến chiếm đa số kiểm soát. Kể từ khi Myanmar giành độc lập từ Anh vào năm 1948, hơn 10 nhóm dân tộc đã tìm cách giành quyền tự chủ lớn hơn. Một số nhóm thành lập lực lượng vũ trang riêng và thường xuyên xung đột với quân đội chính phủ.

    Hình ảnh
    Những người dân bang Karen, Myanmar, lên thuyền để di tản đến tỉnh Mae Hong Son, phía bắc Thái Lan, hôm 30/3. Ảnh: AP.

    Tình trạng đối đầu vũ trang giữa các bên đã âm ỉ suốt 70 năm qua, đôi lúc lắng dịu nhờ các lệnh ngừng bắn tạm thời.

    Năm 2015, 10 tổ chức vũ trang dân tộc đồng ý ký Thỏa thuận Ngừng bắn Toàn quốc do Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi làm trung gian. Tuy nhiên, tình trạng hòa hoãn giờ đây một lần nữa bị đe dọa, sau khi quân đội bắt bà Suu Kyi cùng các quan chức cấp cao, lật đổ chính quyền dân cử.

    10 nhóm vũ trang dân tộc lớn tại Myanmar hôm 3/4 tổ chức cuộc gặp trực tuyến nhằm bày tỏ sự ủng hộ phong trào biểu tình phản đối đảo chính, đồng thời lên án quân đội bắn đạn thật vào người dân. "Các tướng quân đội phải chịu trách nhiệm", Yawd Serk, lãnh đạo tổ chức chính trị Hội đồng Khôi phục bang Shan (RCSS), đồng thời là người sáng lập nhóm vũ trang Quân đội bang Shan (SSA), tuyên bố.

    Trong khi đó, nhiều nhóm nhân quyền địa phương cho biết kể từ hôm 27/3, quân đội đã tiến hành nhiều cuộc không kích ở biên giới phía đông, nhắm vào lực lượng vũ trang dân tộc tại bang Karen, nhóm phiến quân lâu đời nhất Myanmar, buộc hàng nghìn người phải di tản, trong đó nhiều dân thường chạy sang nước láng giềng Thái Lan.

    Lu Lu Aung, người dân tộc Kachin, cho biết cô từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối đảo chính, nhưng đã dừng lại bởi tình hình giờ đây quá nguy hiểm. Người phụ nữ này cho hay lực lượng an ninh Myanmar và các nhóm dân quân thân quân đội đã kiểm soát ngôi làng và nơi canh tác cũ của họ.

    "Trẻ em làng tôi không còn có thể tiếp tục đến trường, trong khi người lớn quá khó tìm việc và kiếm sống", Lu Lu Aung nói.

    Nguồn viện trợ nhân đạo cho người dân các vùng biên giới Myanmar, vốn bị tổn hại do đại dịch Covid-19, trở nên ngày càng khan hiếm kể từ sau đảo chính.

    Theo giám đốc giấu tên thuộc một tổ chức hỗ trợ người di tản ở Myanmar, hệ thống liên lạc đang bị tê liệt, các ngân hàng đóng cửa và tình hình an ninh ngày một bất ổn. "Không còn sự giúp đỡ hay viện trợ nhân đạo nào nữa", người này cho biết.

    Tại bang Karen ở phía đông, tình hình nhân đạo có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn, sau thông tin Thái Lan trục xuất nhiều người tị nạn. Phía Thái Lan cho biết những người này tự nguyện hồi hương.

    Vẫn có những vùng biên giới hầu như không chịu ảnh hưởng bởi đảo chính như bang Wa, với các phần lãnh thổ giáp cả Trung Quốc và Thái Lan, có chính quyền và quân đội riêng, cùng thỏa thuận ngừng bắn với quân đội Myanmar. Các video trên mạng cho thấy cuộc sống tại đây vẫn như bình thường, bao gồm việc triển khai tiêm vaccine Covid-19.

    Tuy nhiên, không khí căng thẳng bao trùm hầu hết những vùng biên giới còn lại, trong khi một nhóm thành viên chính quyền dân sự bị lật đổ đang theo đuổi mục tiêu thành lập chính quyền song song, cùng lực lượng vũ trang liên bang mới, bao gồm các nhóm phiến quân. Một số nhóm phiến quân còn bảo vệ người biểu tình và huấn luyện quân sự cho họ.

    Những diễn biến này khiến đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar cảnh báo nguy cơ nội chiến. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá viễn cảnh này khó xảy ra, bởi những thách thức về hậu cần do vị trí địa lý quá xa xôi, cũng như bất đồng chính trị giữa các nhóm dân tộc thiểu số.

    Bất chấp sự thiếu chắc chắn về tương lai, một số nhà hoạt động dân tộc thiểu số cảm thấy được đền đáp, bởi cuộc đảo chính khiến vai trò của các nhóm dân tộc ở Myanmar được chú ý nhiều hơn. Dường như cũng có sự thấu hiểu hơn giữa những người biểu tình và các nhóm thiểu số vốn phải trải qua khó khăn suốt thời gian dài.

    "Đó là một điểm sáng sau tất cả những chuyện này", một nhà hoạt động giấu tên nói.


    Ánh Ngọc (Theo AP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 68 khách