Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Nạn 'bác sĩ ma' ở Hàn Quốc
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Nạn 'bác sĩ ma' ở Hàn Quốc

    by VietNews » Thứ 2 Tháng 4 12, 2021 11:25 pm




    Vào một tối thứ 6 năm 2016, Kwon Tae-hoon nghe tin em mình đang ở phòng cấp cứu của bệnh viện, anh không biết em mình là nạn nhân của "bác sĩ ma".

    "Anh là anh trai của anh Kwon Dae-hee?", nhân viên bệnh viện hỏi. "Anh có thể đến bệnh viện bây giờ không?"

    Bệnh viện cho biết tình trạng của Kwon Dae-hee "không nghiêm trọng lắm". Kwon Tae-hoon cho rằng em mình bị thương vì ẩu đả do say xỉn. Khi bắt taxi đến bệnh viện Seoul, anh đã chuẩn bị trách mắng em trai.

    Tuy nhiên, anh không có cơ hội đó. Khi Kwon đến, em trai 24 tuổi đã bất tỉnh. Sau khi làm phẫu thuật gọt cằm, cậu bị chảy máu nhiều đến mức băng xung quanh khuôn mặt nhuốm màu đỏ. Cuối cùng, Kwon chết trong viện 7 tuần sau đó.

    Gia đình của Kwon nói rằng anh là nạn nhân của "bác sĩ ma" - việc hoán đổi bác sĩ khác thực hiện phẫu thuật thay cho bác sĩ chính sau khi bệnh nhân đã được gây mê.

    Hình ảnh
    Sinh viên Kwon Dae-hee thường chỉnh ảnh để có cằm thon gọn. Ảnh: CNN.

    Hành động "treo đầu dê, bán thịt chó" này hoàn toàn bất hợp pháp ở Hàn Quốc, nhưng các nhà hoạt động nói rằng các quy định yếu kém trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ trị giá 10,7 tỷ USD của đất nước đã khiến các thẩm mỹ viện mọc lên như nấm, nơi các nhân viên không đủ trình độ làm phẫu thuật thay cho các bác sĩ. Các bác sĩ đôi khi tiến hành đồng thời nhiều ca phẫu thuật, nghĩa là họ lệ thuộc vào các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, nha sĩ, y tá mới vào nghề hoặc thậm chí cả nhân viên bán thiết bị y tế làm hộ một số công việc.

    Theo luật Hàn Quốc, người chỉ đạo hoặc thực hiện can thiệp y khoa không giấy phép phải chịu hình phạt tối đa 5 năm tù giam hoặc phạt tiền tối đa 50 triệu won (44.000 USD). Nếu bác sĩ có giấy phép thực hiện "phẫu thuật ma", người này vẫn phải đối mặt tội danh gây hại cho người khác hoặc gian lận. Nhưng hành vi phạm tội kiểu này rất khó chứng minh vì nhiều bác sĩ không ghi lại công việc họ đã làm và nhiều phòng khám không có camera giám sát. Ngay cả khi bị đưa ra tòa, các "bác sĩ ma" hiếm khi bị phạt nặng, khiến các thẩm mỹ viện vẫn tục hành vi.

    Nhưng trường hợp của Kwon đã khiến vấn đề này được chú ý hơn. Gia đình anh không chỉ muốn đưa các bác sĩ liên quan ra công lý, họ còn muốn thúc đẩy thay đổi pháp lý.

    Kwon là một sinh viên đại học hiền lành và khiêm tốn, có kết quả học tập tốt nhưng không tự tin về ngoại hình. Anh tin rằng phẫu thuật thẩm mỹ có thể giúp mình thành công hơn. Trong những bức ảnh được chụp không lâu trước khi qua đời, Kwon chỉnh ảnh để có cằm V-line.

    Anh trai và mẹ của Kwon, Lee Na Geum, đã cố gắng khuyên anh không phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng Kwon đã bí mật đăng ký ở một thẩm mỹ viện nổi tiếng, chuyên về phẫu thuật hàm ở khu Gangnam, Seoul. Ngày 8/9/2016, bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật gọt hàm - hình thức phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến ở Đông Á, thường kéo dài 1-2 giờ, với chi phí 6,5 triệu won (hơn 5.700 USD). Nhưng cuộc phẫu thuật không diễn ra theo đúng kế hoạch.

    Sau khi bị chảy máu quá nhiều, Kwon được đưa đến bệnh viện. 9h sáng hôm sau, bác sĩ thẩm mỹ đã phẫu thuật cho Kwon đến viện, nói với gia đình Kwon rằng cuộc phẫu thuật diễn ra bình thường và thậm chí còn cung cấp cảnh quay từ camera giám sát để chứng mình điều đó. "Tôi ngay lập tức cảm thấy rằng tôi cần bằng chứng đó", bà Lee nói.

    Lee đã xem video từ camera giám sát của phòng phẫu thuật 500 lần. Video cho thấy cuộc phẫu thuật bắt đầu lúc 12h56, khi bác sĩ thẩm mỹ bắt đầu gọt xương hàm của Kwon. Ba y tá cũng có mặt trong phòng. Một tiếng sau, bác sĩ này rời đi và một bác sĩ khác vào phòng mổ nhưng sau đó cũng rời đi. Trong gần 30 phút, không bác sĩ nào có mặt trong phòng, chỉ có các y tá.

    Lee thấy rằng mặc dù bác sĩ đầu tiên, người mà Kwon tin tưởng, đã gọt xương hàm cho anh, người này không hoàn thành cuộc phẫu thuật mà phần lớn công đoạn do một bác sĩ đa khoa mới tốt nghiệp không có giấy phép phẫu thuật thẩm mỹ thực hiện. Trong khi đó, quảng cáo của thẩm mỹ viện nói rõ rằng bác sĩ trưởng của phòng khám sẽ thực hiện từ đầu đến cuối.

    "Em tôi đã tin tưởng vào bác sĩ chính, vì vậy nó quyết định phẫu thuật ở đó", Kwon Tae-hoon nói.

    Ca phẫu thuật kéo dài hơn ba giờ và kết thúc lúc 16h17 chiều. Theo Kim Seon-woong, cựu giám đốc luật Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc, người đã điều hành một thẩm mỹ viện trong 25 năm, phẫu thuật hàm thường chỉ mất 1,5 giờ trở xuống.

    Sau khi phẫu thuật, cả hai bác sĩ đều về nhà, chỉ các y tá túc trực khi Kwon bị mất máu. Lee cho biết bà đã bị sốc trước cảnh tượng các y tá vẫn ung dung dặm lại lớp trang điểm hoặc dùng điện thoại di động khi con bà mất máu. Tổng cộng, họ lau sàn nhà dính máu 13 lần. Khi các chuyên gia y tế đánh giá video, họ nhận thấy Kwon có khả năng đã mất lượng máu nhiều gấp ba lần những gì các bác sĩ đã nói.

    "'Bác sĩ ma' đã không kiểm tra xem con trai tôi đã mất máu đến mức nào", bà nói. "Tôi rất phẫn nộ. Chỉ cần một trong ba bác sĩ kiểm tra con tôi là có thể nó đã sống", bà nói, đề cập đến bác sĩ chính, 'bác sĩ ma' và bác sĩ gây mê, "nhưng không ai làm vậy".

    Bất chấp cái chết của Kwon, thẩm mỹ viện vẫn mở cửa và tiếp tục quảng cáo rằng họ đã hoạt động 14 năm mà không gặp sự cố nào. Cuối cùng, cơ sở này đóng cửa vào năm ngoái mà không rõ nguyên do.

    Gia đình Kwon muốn những người có trách nhiệm phải bị xử lý. Nhưng họ sớm phát hiện ra các luật về "bác sĩ ma" còn yếu ớt và chưa đầy đủ.

    Tòa án tối cao Hàn Quốc đã coi phẫu thuật thẩm mỹ là thực hành y tế vào năm 1974. Một năm sau đó, các bác sĩ phẫu thuật bắt buộc phải vượt qua kỳ thi chuyên môn. Năm 2014, nạn "bác sĩ ma" bắt đầu xuất hiện. Năm 2015, một nhóm bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đã đề nghị Bộ Y tế thắt chặt quy tắc bằng cách yêu cầu các bác sĩ liệt kê ai tham gia phẫu thuật và lắp đặt camera giám sát trong các thẩm mỹ viện.

    Các nhóm dân sự bắt đầu theo dõi các ca "phẫu thuật ma" và Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc đã thành lập một tổ công tác để tìm hiểu. Năm 2018, luật được thay đổi để tăng hình phạt đối với các bác sĩ tham gia hình thức này. Nhưng một bài báo được đăng trên tạp chí y khoa năm 2018 nói rằng hoạt động này vẫn "tràn lan".

    Một bác sĩ phẫu thuật giấu tên cho biết anh bắt đầu làm việc tại một trong những thẩm mỹ viện lớn nhất đất nước vào năm 2012. Dù không còn làm việc tại đây, anh muốn nói ra sự thật vì không muốn sống với cảm giác tội lỗi.

    Bác sĩ cho biết anh thường được yêu cầu làm người thay thế cho các bác sĩ chính. Các "bác sĩ ma" thường chờ dưới tầng hầm cho đến khi họ được gọi lên để phẫu thuật. Những người này không được liệt kê là nhân viên trên trang web của thẩm mỹ viện, trong khi thẩm mỹ viện quảng cáo rằng các cuộc phẫu thuật do bác sĩ có uy tín, giàu kinh nghiệm tiến hành.

    Anh cho biết tại nơi làm việc cũ, nhiều ca phẫu thuật tạo hình khuôn mặt, giống như ca phẫu thuật của Kwon, chủ yếu do "bác sĩ ma" tiến hành, nhiều người trong số đó là nha sĩ.

    Hình ảnh
    Camera giám sát tại bệnh viện Paju, tỉnh Gyeonggi. Ảnh: CNN.

    Nguyên do xuất hiện nạn "bác sĩ ma" là các thẩm mỹ viện chạy theo lợi nhuận. Hàn Quốc có tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ trên đầu người cao nhất thế giới, theo một báo cáo năm ngoái trên tạp chí y khoa Aesthetic Plastic Surgery. Trước khi Covid-19 bùng phát, Hàn Quốc đã thu hút hàng nghìn du khách quốc tế đến phẫu thuật thẩm mỹ hàng năm. Chỉ riêng thủ đô Seoul có 561 thẩm mỹ viện, theo Văn phòng Thống kê Hàn Quốc.

    Jo Elfving-Hwang, phó giáo sư về Hàn Quốc học tại Đại học Tây Australia, cho biết vào mùa cao điểm, các thẩm mỹ viện không thể đáp ứng được hết lượng bệnh nhân, vì các bác sĩ uy tín vừa phải làm phẫu thuật vừa phải tư vấn cho khách hàng mới.

    "Bác sĩ ma" là cách để các thẩm mỹ viện tối đa hóa lợi nhuận bằng hoán đổi bác sĩ có danh tiếng với một bác sĩ khác. "Tôi đoán lý do họ làm vậy là để các bác sĩ trẻ và non tay có thể làm việc và tích lũy kinh nghiệm trong khi thẩm mỹ viện có thể hoạt động với chi phí thấp", bác sĩ giấu tên nói. "Bằng cách này, thẩm mỹ viện có thể tiếp nhận nhiều khách hàng hơn và tiến hành nhiều ca phẫu thuật hơn".

    Theo Cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc, không phải tất cả ca phẫu thuật do "bác sĩ ma" thực hiện đều có vấn đề, nhưng giai đoạn năm 2016 - 2020, 226 người đã bị thương, gặp tác dụng phụ, phải phẫu thuật lại hoặc tử vong trong khi phẫu thuật thẩm mỹ. Cơ quan này không nêu rõ tỷ lệ tử vong. Một số du khách quốc tế đến Hàn Quốc để phẫu thuật cũng qua đời, nhưng không rõ những trường hợp đó có được đưa vào thống kê hay không.

    Nếu nạn nhân biết sự thật, họ ít khả năng làm to chuyện vì cảm thấy xấu hổ, Elfving-Hwang nói.Nếu nạn nhân thách thức pháp lý thì họ thường chấp nhận dàn xếp bên ngoài tòa án, nghĩa là sẽ ký thỏa thuận giữ kín thông tin nếu được bồi thường.

    Không rõ bao nhiêu đơn kiện đã được đệ lên tòa nhưng Bộ Y tế Hàn Quốc có thể ra lệnh đình chỉ hành nghề với các bác sĩ bị truy tố. Tổng cộng 28 biện pháp hành chính đã được áp dụng đối với các bác sĩ tham gia "phẫu thuật ma" giai đoạn năm 2015 - 2019. 5 người bị tước giấy phép, những người còn lại bị đình chỉ hành nghề trong một khoảng thời gian.

    Theo văn phòng của nghị sĩ Kwon Chil-seung, một bác sĩ từng yêu cầu y tá phẫu thuật mí mắt hoặc mũi thay mình ít nhất 90 lần chỉ bị đình chỉ hành nghề ba tháng. Một bác sĩ yêu cầu nhân viên công ty thiết bị y tế và y tá thực hiện ít nhất 58 ca phẫu thuật đĩa đệm cột sống cũng bị đình chỉ ba tháng.

    Dù vậy, gia đình Kwon quyết tâm đi tìm công lý. Họ đã đệ đơn kiện thẩm mỹ viện, cáo buộc họ lơ là trách nhiệm vì đã không giải thích rõ sự nguy hiểm của cuộc phẫu thuật và không thực hiện các biện pháp thích hợp để cứu bệnh nhân. Tháng 5/2019, gia đình được bồi thường 430 triệu won (381.000 USD), dựa trên giả định rằng nếu Kwon còn sống và làm việc cho đến năm 65 tuổi, đó là khoản tiền anh kiếm được với thu nhập trung bình của một lao động chân tay.

    Ba bác sĩ liên quan đến vụ án của Kwon đang phải đối mặt với tội danh ngộ sát trong quá trình làm việc, hai bác sĩ và một y tá đối mặt với tội danh hành nghề không giấy phép và một bác sĩ bị cáo buộc vi phạm luật y tế do quảng cáo phóng đại.

    "Các nạn nhân tai nạn y tế thường ngại đệ đơn kiện vì họ biết quá trình pháp lý có thể rất khó khăn và thách thức", mẹ của Kwon nói. "Các bác sĩ thì biết rằng rất khó để chứng minh họ đã làm sai nên họ công khai nói với các nạn nhân rằng hãy kiện họ đi. Tôi đã nghe nhiều nạn nhân khác kể lại như thế".

    Hình ảnh
    Lee Na Geum cầm biểu ngữ đứng trước tòa quốc hội để yêu cầu thắt chặt luật xử lý "bác sĩ ma". Ảnh: CNN.

    Gần như ngày nào mẹ của Kwon cũng đứng bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Seoul. Sau khi nghỉ hưu, bà và chồng chuyển đến Seoul sống để đấu tranh cho công lý. Bà giơ biểu ngữ yêu cầu các lập pháp đưa ra dự luật mang tên con trai bà, bắt buộc cài đặt camera giám sát trong phòng phẫu thuật thẩm mỹ. "Tôi sẽ không thể biết sự thật về trường hợp của con trai tôi nếu không có camera giám sát", Lee nói.

    Bà cũng muốn các bác sĩ bị tước giấy phép vĩnh viễn nếu họ phạm một số tội nhất định, như giết người hoặc ngộ sát.

    Trong khi đó, các bác sĩ phản đối dự luật, cho rằng họ sẽ không thể làm việc thoải mái khi nghĩ rằng mình bị theo dõi. Họ nói rằng camera giám sát làm xói mòn thay vì vun đắp lòng tin của bệnh nhân. Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc đã công khai phản đối dự luật bắt buộc gắn camera, cho rằng đây là hành vi xâm phạm quyền riêng tư và có thể khiến các bác sĩ mất tập trung trong quá trình phẫu thuật.

    Tuy nhiên, cũng có nhiều người ủng hộ thay đổi. Kim Seon-woong, cựu giám đốc luật của Hiệp hội Bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ Hàn Quốc, mở kênh YouTube với tên Bác sĩ Vendetta để vạch trần vấn đề "bác sĩ ma". Sau đó, đơn kiến nghị của ông thu hút hơn 50.000 chữ ký, trong đó, ông thúc giục Nhà Xanh đưa ra thay đổi. Một số người trẻ tuổi đã đến dự các phiên tòa xử vụ của Kwon để bày tỏ ủng hộ.

    Choi Jae-hoon, ngoài 20 tuổi, cho biết anh đã theo dõi trường hợp của Kwon kể từ khi nghe kể trên YouTube. "Tôi có thể rơi vào tình cảnh tương tự và đó là lý do tôi quan tâm đến sự việc này", anh nói và giải thích rằng anh lo lắng về sơ suất y tế nói chung, không chỉ phẫu thuật thẩm mỹ.

    Phương Vũ (Theo CNN)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 69 khách