Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Thông điệp của Mỹ khi điều chiến hạm qua biển Ấn Độ
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Thông điệp của Mỹ khi điều chiến hạm qua biển Ấn Độ

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 4 14, 2021 9:19 am






    Việc công khai chiến dịch tự do hàng hải của tàu chiến qua EEZ Ấn Độ giúp chính quyền Biden thể hiện Mỹ đã trở lại với vũ đài quốc tế.

    Chỉ một tháng sau cuộc họp thượng đỉnh Bộ Tứ gồm các nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, quan hệ giữa Washington và New Delhi bỗng nhiên trở nên căng thẳng, khi một chiến hạm Mỹ thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Ấn Độ.

    Chiến dịch FONOP diễn ra trong lúc đặc phái viên Mỹ John Kerry đang có chuyến thăm ba ngày ở New Delhi, nhằm thúc đẩy nước này hành động mạnh mẽ hơn để ngăn biến đổi khí hậu. Ấn Độ tỏ ra không hài lòng, bởi hải quân Mỹ chưa xin phép họ khi tiến hành chiến dịch.

    Dù khó chịu bởi sự bất ngờ của chiến dịch FONOP, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 9/4 chỉ phản ứng một cách ôn hòa bằng cách ám chỉ đây là hành động trái phép và thêm rằng những lo ngại của họ đã được chuyển tới Washington "thông qua các kênh ngoại giao".

    Đáp lại, giới chức Mỹ nói tàu của họ chỉ đơn giản "khẳng định quyền đi lại và tự do hàng hải" bằng cách thực hiện "hoạt động đi lại vô hại" qua vùng biển Ấn Độ.

    Hình ảnh
    Tàu USS John Paul Jones của hải quân Mỹ đi qua vịnh Ba Tư tháng 10/2020. Ảnh: U.S. Navy

    Hạm đội 7 của hải quân Mỹ ngày 7/4 phát thông cáo báo chí xác nhận "đã khẳng định quyền và tự do hàng hải" trong EEZ của Ấn Độ, bằng cách điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS John Paul Jones đi qua vùng biển nước này mà không cần "sự cho phép từ trước" của New Delhi.

    "Sự cho phép từ trước" mà hải quân Mỹ đề cập chính là nguồn cơn căng thẳng lần này giữa hai nước. Trong tuyên bố ngày 9/4, Ấn Độ cho biết họ tin Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) "không cho phép các nước khác thực hiện tập trận hoặc diễn tập quân sự, đặc biệt có liên quan tới việc sử dụng vũ khí hoặc chất nổ, mà không có sự chấp thuận của quốc gia ven biển" trong EEZ hoặc thềm lục địa của quốc gia đó. UNCLOS định nghĩa EEZ là khu vực mà một quốc gia "có quyền chủ quyền trong thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên".

    Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố họ không đồng ý với Ấn Độ và cho rằng tuyên bố của New Delhi "không phù hợp với luật pháp quốc tế".

    Bề ngoài, sự phản đối của New Delhi hướng tới hành động của Mỹ và việc Washington không chịu thừa nhận chính sách của Ấn Độ rằng những chiến dịch FONOP như vậy cần phải xin phép trước. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng phản ứng của Ấn Độ cũng xuất phát từ cách Mỹ công khai hoạt động này.

    "Không chỉ là FONOP, điều khiến New Delhi khó chịu hơn là cách hải quân Mỹ công bố nó", Sameer Patil, thành viên chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế tại tổ chức Gateway House ở Mumbai, nói. "Trước đây, họ từng có hoạt động tương tự trong EEZ của Ấn Độ, nhưng chưa từng thông báo".

    Dữ liệu từ hải quân Mỹ cho thấy lực lượng này đã nhiều lần thực hiện FONOP trên vùng biển Ấn Độ kể từ năm 1985 để phản đối các yêu sách hàng hải của New Delhi.

    Giới quan sát cho rằng chiến dịch FONOP lần này của Mỹ đáng chú ý nhưng không phải hiếm thấy. Theo dõi hoạt động FONOP của Mỹ trong vài năm gần đây, nhà báo độc lập Kunal Purohit nói chúng nhằm thách thức yêu sách hàng hải của nhiều nước, kể cả đối tác và đồng minh của Washington.

    Giữa tháng 10/2019 và tháng 9/2020, Mỹ đã "thách thức yêu sách hàng hải quá mức" của 19 nước, trong đó có cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Hải quân Mỹ có hoạt động FONOP trong EEZ của Sri Lanka vào ngày 3/4, vài ngày trước khi tiến hành chiến dịch trên vùng biển Ấn Độ, cũng như từng thách thức "yêu sách đường cơ sở quá mức" của Hàn Quốc ngày 31/3.

    Patil nói việc chỉ âm thầm thực hiện các hoạt động tương tự có thể không đủ với Washington và việc công bố rộng rãi chiến dịch FONOP này được xem như dấu hiệu quan trọng cho thấy chính quyền Joe Biden đang khôi phục vai trò của Mỹ như lãnh đạo toàn cầu.

    "Dưới thời Donald Trump, xu hướng hướng nội của Mỹ đã vấp nhiều chỉ trích. Các chiến dịch FONOP này là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang thực hiện cam kết của mình và đang trở lại sân khấu toàn cầu", ông nói.

    Trong thông báo ngày 7/4, Mỹ nói các hoạt động FONOP như vậy "không nhắm tới một quốc gia hay đưa ra tuyên bố chính trị cụ thể nào". Nhưng thực tế chúng có thể mang nhiều sắc thái hơn, theo giới quan sát.

    Rachel Esplin Odell, thành viên của chương trình Đông Á tại Viện nghiên cứu Quincy ở Washington, đăng trên Twitter rằng dù tuyên bố của Mỹ đúng, Washington vẫn "chọn mục tiêu" khi tiến hành chiến dịch FONOP. Trên thực tế, Mỹ không thực hiện chiến dịch FONOP chính thức nào chống lại đồng minh Australia hay Canada, dù phản đối các yêu sách chủ quyền "quá mức" của họ.

    Một số nhà phân tích cũng tin rằng chiến dịch FONOP của Mỹ có thể khiến New Delhi để lộ "gót chân Achilles" trước Trung Quốc. Ấn Độ và Trung Quốc từng chứng kiến nhiều sự cố trên biển. Tháng 12/2019, một tàu khảo sát Trung Quốc bị yêu cầu rút khỏi vùng biển Ấn Độ, trong khi ngư dân nước này từng nhiều lần phàn nàn với chính phủ về sự hiện diện của tàu cá Trung Quốc.

    Nhà phân tích Patil nói không loại trừ khả năng Trung Quốc tiến hành hoạt động tự do hàng hải trong EEZ Ấn Độ tương tự Mỹ, nhưng tin rằng "nếu tiến hành, họ sẽ vấp phải phản ứng gay gắt từ Ấn Độ, chứ không chỉ là sự phản đối ngoại giao".

    Manoj Joshi, thành viên của Observer Research Foundation ở New Delhi, viết trên The Quint rằng hành động của Mỹ cũng có thể nhằm gửi tín hiệu tới Trung Quốc.

    "Bắc Kinh được thông báo rằng không nên quá lo lắng về các chiến dịch FONOP của Mỹ ở Biển Đông, bởi nó là một phần thông lệ toàn cầu của Mỹ để thách thức các nước, thậm chí cả đồng minh như Ấn Độ, mà theo quan điểm của họ đã có 'yêu sách hàng hải quá mức' vượt quá những gì được quy định trong UNCLOS", ông viết.

    Hình ảnh
    Tàu chiến và tàu sân bay Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản tập trận ở biển Arab hồi tháng 11/2020. Ảnh: AP.

    Dù Patil nói rằng New Delhi sẽ "khó chịu" và nhận ra rằng Washington "vẫn không hiểu tình thế nhạy cảm của Ấn Độ", mối quan hệ song phương được cho không chịu bất kỳ tổn hại lâu dài nào.

    Hai nước gần đây chứng kiến khởi sắc trong quan hệ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tháng trước đã tới thăm Ấn Độ và gọi đây là "đối tác ngày càng quan trọng".

    Hội nghị lãnh đạo Bộ Tứ tháng trước cũng đưa hai nước xích lại gần hơn. Mỹ và Ấn Độ năm ngoái ký Hiệp định Hợp tác và Trao đổi cơ bản (BECA), cho phép họ chia sẻ thông tin tình báo địa chính trị và cung cấp hỗ trợ hậu cần cho quân đội của nhau tại các căn cứ quân sự.

    Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn lo ngại rằng chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi có thể không thích tình huống hiện tại, khi chiến dịch của Mỹ tràn ngập trên truyền thông Ấn Độ, khiến nhiều người hoài nghi về phản ứng của chính phủ và việc New Delhi ngày càng xích lại gần Washington.


    Thanh Tâm (Theo SCMP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 61 khách