Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
'Ván cược cuộc đời' của vua mỳ ăn liền Hàn Quốc
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    'Ván cược cuộc đời' của vua mỳ ăn liền Hàn Quốc

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 4 14, 2021 11:45 pm





    60 năm trước, Shin Choon-ho dự cảm rằng mỳ ăn liền sẽ được ưa chuộng tại Hàn Quốc trong tương lai và dồn hết nguồn lực để khởi nghiệp.

    Shin Choon-ho – nhà sáng lập công ty sản xuất mỳ ăn liền lớn nhất Hàn Quốc Nongshim đã qua đời ngày 27/3 ở tuổi 90 do bệnh hiểm nghèo. Ông được mệnh danh là vua mỳ ăn liền ramyeon của nước này.

    Shin là doanh nhân rất kín tiếng. Ông có ba con trai và hai con gái. Trong đó, con trai lớn của ông - Shin Dong-won, hiện là chủ tịch công ty mỳ Nongshim mà ông sáng lập cách đây gần 60 năm.

    Shin sinh ra tại một ngôi làng nhỏ gần thành phố biển Ulsan của Hàn Quốc. Ông là con trai thứ 3 trong gia đình có 10 người con. Một trong các anh chị của ông là Shin Kyuk-ho – nhà sáng lập Lotte Group sau này.

    Hình ảnh
    'Vua mỳ ăn liền' Hàn Quốc Shin Choon-ho. Ảnh: Nongshim

    Shin Choon-ho tốt nghiệp ngành luật trường đại học Dong-A và từng phục vụ trong quân đội Hàn Quốc thời kỳ chiến tranh Triều Tiên. Khi còn học đại học, ông bán cá ở chợ để kiếm tiền ăn học. Năm 1958, sau khi tốt nghiệp, ông kinh doanh bánh kẹo cùng Shin Kyuk-ho tại Nhật Bản. Chính trong trong khoảng thời gian này, ông tìm hiểu về ngành công nghiệp mỳ ăn liền của nước láng giềng.

    Sau Thế chiến II, mỳ ăn liền trở nên phổ biến khắp châu Á, đặc biệt là Nhật Bản. Thập niên 1960, chính phủ Hàn Quốc còn có chính sách khuyến khích người dân ăn bổ sung ngũ cốc thay thế cho gạo.

    Shin Choon-ho khi đó đã có dự cảm rằng mỳ ăn liền có thể sẽ được ưa chuộng ở Hàn Quốc trong tương lai. Ông muốn mở công ty riêng kinh doanh mặt hàng này, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của anh trai.

    Shin muốn chứng minh rằng ông có thể thành công trong ngành kinh doanh mà anh trai tin rằng ông sẽ thất bại. Ông đặt cược vào niềm tin rằng quá trình công nghiệp hóa tại Hàn Quốc sẽ kéo nhu cầu bữa ăn đơn giản lên cao.

    Theo các đồng nghiệp ở Lotte, hai anh em Shin cãi nhau gay gắt đến nỗi không bao giờ nói chuyện với nhau nữa. Choon-ho quyết định rời khỏi Lotte để thành lập Lotte Industrial Company, sau này đổi tên thành Nongshim. Trong tiếng Hàn Quốc, Nongshim có nghĩa là trái tim của nông dân.

    Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1999, những ngày đầu kinh doanh thực sự gian khó với Shin. Cạnh tranh trên thị trường khi ấy rất khốc liệt, khi mà Samyang Foods gần như đã nắm độc quyền thị trường ramyeon của Hàn Quốc. Phần lớn những sản phẩm ban đầu Nongshim tung ra thị trường đều thất bại.

    Tuy nhiên, công ty bắt đầu được biết đến nhiều hơn khi sản phẩm mỳ ăn liền của họ được chọn dùng trong thế vận hội châu Á năm 1986 và Olympic mùa hè năm 1988 tại Seoul. Những công thức gia vị mới cho mỳ ăn liền, như mỳ tương đen hay mỳ udon hải sản cay cũng khiến người tiêu dùng càng yêu thích sản phẩm của công ty.

    Hình ảnh
    Một số sản phẩm mỳ ăn liền của Nongshim. Ảnh: Zuma Press

    Nongshim bắt đầu xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ năm 1971, khởi đầu với những cửa hàng chuyên phục vụ người châu Á tại Mỹ. Năm 2005, họ mở nhà máy tại Los Angeles và từ đây thâm nhập sâu hơn vào các siêu thị của Mỹ, như Costco, Kroger hay Walmart.

    Shin thích dùng nước sốt bò cho sản phẩm mỳ của mình, trong khi mỳ Nhật thường sử dụng nước sốt gà. Đồng thời ông cũng quyết tâm sử dụng hương vị cay mạnh đặc trưng của Hàn Quốc, dù rằng nhiều đồng nghiệp sợ rằng khách hàng Mỹ sẽ chỉ thích những lựa chọn có hương vị nhẹ nhàng. Giờ đây mỳ Shin Ramyun đang được xuất đi hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.

    Doanh số bán sản phẩm mỳ này tăng vọt trong thời kỳ, Covid-19 khi ngày càng nhiều người lựa chọn các bữa ăn đơn giản được chuẩn bị tại nhà.

    Mỳ Shin Ramyun cũng trở nên nổi tiếng hơn khi xuất hiện trong bộ phim Hàn Quốc "Ký sinh trùng" được giải Oscar. Trong phim có cảnh một người mẹ nghèo thêm bò bít tết xắt nhỏ vào hỗn hợp hai loại mỳ Nongshim để làm món mỳ trộn jjapaguri vốn rất nổi tiếng tại Hàn Quốc. Nhờ thành công của bộ phim này năm 2019, Nongshim tung ra phiên bản mỳ cốc và từ thời điểm đó, mỳ của Nongshim càng trở nên nổi tiếng trên thế giới.

    Năm 2020, doanh thu trên toàn cầu từ sản phẩm mỳ ăn liền của Nongshim đạt 1,85 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán hàng tại Mỹ và Trung Quốc tăng lần lượt 26% và 28%.

    Nongshim định vị sản phẩm của hãng vào phân khúc cao. Trong khi các công ty đối thủ Nhật Bản như Nissin Foods hay Toyo Suisan Kaisha bán mỳ ăn liền giá chỉ từ 1 đến 2USD một gói, mỳ ăn liền của Nongshim có giá từ 3 đến 5USD một gói. Lãnh đạo Nongshim cho biết họ đặt mục tiêu vượt qua hai đối thủ Nhật tại thị trường Mỹ bằng sản phẩm cao cấp.

    Tại Hàn Quốc, Nongshim hiện là công ty mỳ ăn liền hàng đầu với 55% thị phần. Lượng tiêu thụ mỳ ăn liền của Hàn Quốc tính theo bình quân đầu người cao nhất thế giới. Theo ước tính của Hiệp hội Mỳ ăn liền Thế giới, mỗi người ăn Hàn Quốc ăn đến 75 suất mỳ trong năm 2019.

    Nongshim hiện đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất mỳ ăn liền. Đứng đầu là Master Kong của Trung Quốc.


    Diệu Thanh (theo WSJ)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 77 khách