Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
'Nội chiến' giành ghế thủ tướng Đức
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    'Nội chiến' giành ghế thủ tướng Đức

    by VietNews » Thứ 6 Tháng 4 16, 2021 9:03 am





    Cuộc cạnh tranh tiếp quản chiếc ghế bà Merkel để lại nổ ra ngay trong liên minh bảo thủ cầm quyền, khi bầu cử chỉ cách chưa đầy 6 tháng.

    Theo lẽ thường, Armin Laschet, người được bầu làm lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) hồi tháng 1, gần như chắc chắn sẽ kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel, lấp đầy khoảng trống chính trị mà bà để lại sau 16 năm cầm quyền.

    Ghế lãnh đạo đảng CDU được cho là một lợi thế lớn của Laschet trên con đường trở thành tân thủ tướng Đức sau khi bà Merkel mãn nhiệm vào tháng 9. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đây lại bị coi là rào cản đối với chính trị gia 60 tuổi này.

    Với chiến dịch tiêm chủng Covid-19 nhiều trắc trở và chiến lược ứng phó đại dịch gây bối rối, tỷ lệ ủng hộ dành cho phe bảo thủ đã giảm 10 điểm phần trăm kể từ đầu năm nay.

    Tỷ lệ ủng hộ Laschet cũng giảm dần sau một loạt hành động cá nhân gây mất thiện cảm. Tại bang North Rhine-Westphalia, quê nhà của Laschet, hơn một nửa dân số cho biết họ không hài lòng với màn thể hiện của ông. Một cuộc khảo sát tuần này cũng cho thấy chỉ 4% người Đức trên toàn quốc coi Laschet là "lãnh đạo mạnh mẽ".

    Không dừng lại ở đó, Laschet bất ngờ gặp phải thách thức từ Thống đốc bang Bavaria Markus Soder, lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đồng minh thân cận của CDU trong liên minh bảo thủ cầm quyền. Dù CSU có quy mô nhỏ hơn, Soder được cho là có tỷ lệ ủng hộ cao hơn Laschet.

    Hình ảnh
    Armin Laschet (trái) và Markus Soder tại một cuộc họp báo ở Berlin, Đức, tuần trước. Ảnh: NY Times.

    Theo bình luận viên Melissa Eddy của NY Times, Thống đốc 54 tuổi đã tận dụng một cách khéo léo những lần xuất hiện cạnh Thủ tướng Merkel sau các cuộc họp liên quan đến Covid-19, nhằm xây dựng hình ảnh một lãnh đạo có trách nhiệm, đủ khả năng giải quyết những vấn đề nan giải và hoàn thành các công việc. Kết quả là 57% người Đức đánh giá Soder đã thể hiện phẩm chất của một "lãnh đạo mạnh mẽ".

    Dường như nhận thức được mức độ ủng hộ mình, Soder bắt đầu công khai thúc đẩy mong muốn ứng cử hồi đầu tuần, chỉ ra tỷ lệ tín nhiệm mạnh mẽ và ổn định của ông so với Laschet trong các cuộc thăm dò, bất chấp cảnh báo từ những thành viên cấp cao trong phe bảo thủ rằng dư luận có thể thay đổi.

    "Rốt cuộc, phe bảo thủ phải đưa ra một cam kết được các cử tri và người dân chấp nhận, không chỉ một vài thành viên trong đảng. Đương nhiên những cuộc thăm dò không phải tất cả, nhưng không thể phớt lờ một xu hướng rõ ràng nổi lên sau vài tháng", Soder phát biểu trên kênh truyền hình bang Bavaria.

    Sau khi các nghị sĩ bảo thủ hàng đầu thảo luận về vấn đề này hôm 11/4, Soder cho biết ông sẵn sàng tranh cử nếu nhận được sự ủng hộ từ phía CDU và cam kết sẽ "không ngần ngại" hợp tác trong trường hợp ý định này bị phản đối.

    Tuy nhiên, sau khi ban lãnh đạo CDU và CSU tuyên bố ủng hộ Laschet, Soder đột ngột thay đổi lập trường. Ông vẫn tiếp tục thúc đẩy quyền tranh cử thủ tướng trong một cuộc họp kín giữa các nghị sĩ bảo thủ hôm 13/4. Sau 4 giờ thảo luận, gần 2/3 số người có mặt bày tỏ ủng hộ Thống đốc Bavaria, bao gồm cả những thành viên đảng CDU của Laschet.

    Tại quốc gia coi nghệ thuật dung hòa là kỹ năng vô cùng quan trọng đối với người lãnh đạo như Đức, một cuộc đối đầu chính trị công khai có thể khiến đôi bên đều phải trả giá đắt. Hơn nữa, trong lúc đảng Xanh đang vươn lên nhanh chóng và thu hẹp tỷ lệ ủng hộ với phe bảo thủ, liên minh cầm quyền được cho là không thể kiểm soát hậu quả từ cuộc "nội chiến" công khai như vậy.

    "Rốt cục cả hai bên đều phải tự dàn xếp. Không có quy trình nào giúp vạch ra rõ ràng phương hướng giải quyết chuyện này", giáo sư Thorsten Fass, nhà khoa học chính trị tại Đại học Tự do Berlin, nhận định. Bất kể ai là ứng viên tranh cử thủ tướng của phe bảo thủ, ông cho rằng người đó vẫn phải xử lý hậu quả từ cuộc đối đầu giữa Laschet và Soder. "Đây không phải cách tốt để khởi đầu năm bầu cử", giáo sư nói.

    Laschet và Soder đều bày tỏ mong muốn vấn đề được quyết định vào cuối tuần này, trong bối cảnh áp lực từ nội bộ hai đảng cũng gia tăng khi 4 đảng chính trị khác cũng tham gia cuộc bầu cử ngày 26/9.

    Không phải ai cũng đứng về phía Soder và muốn loại bỏ Laschet. Lãnh đạo đảng CDU từng đạt nhiều thành công, như giành ghế thống đốc bang North Rhine-Westphalia từ một người đương nhiệm được lòng cử tri, cũng như chiến thắng trong cuộc chạy đua kéo dài hàng tháng vào chức lãnh đạo đảng. Bên cạnh đó, ông còn nhận được sự ủng hộ từ một số thành viên cấp cao nhất và những người có tầm ảnh hưởng trong CDU.

    "Nếu Laschet đủ can đảm và duy trì được nền tảng ủng hộ trong CDU, Soder có thể sẽ chấp nhận thỏa hiệp, đồng thời tận dụng vị thế của mình để đàm phán một ghế nội các quyền lực cho đảng CSU trong chính phủ sắp tới", Ursula Munch, giám đốc Học viện Giáo dục Chính trị tại Tutzing, Đức, nhận định.

    Mặt khác, nếu áp lực dồn lên Laschet từ nội bộ CDU đủ lớn, ông cũng có khả năng nhượng bộ Soder vì lợi ích của phe bảo thủ. Trong trường hợp đó, Thống đốc Bavaria được cho là sẽ thay đổi các chính sách sao cho phù hợp với nguyện vọng của người dân, củng cố danh tiếng cá nhân.

    Khi người dân bang Bavaria không còn cảm tình với đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), mà quay sang ủng hộ đảng Xanh chủ trương bảo vệ môi trường, Soder đã từ bỏ lập trường chống người nhập cư và đồng tình với nỗ lực giải cứu ong mật, bất chấp sự tức giận của những người nông dân lâu nay ủng hộ đảng CSU.

    "Soder thông minh, linh hoạt và có giọng điệu mạnh mẽ. Ông ấy có thể dồn mọi người vào góc, trong khi vẫn chừa đường lui cho bản thân. Về mặt này, Laschet không thể sánh với Soder", Munch nhận xét.


    Ánh Ngọc (Theo NY Times)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 59 khách