Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Những hình mẫu chống Covid-19 chật vật với tiêm chủng
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Những hình mẫu chống Covid-19 chật vật với tiêm chủng

    by VietNews » Thứ 2 Tháng 4 19, 2021 9:22 am





    New Zealand từng được ca ngợi vì kiểm soát thành công đại dịch trong năm qua, nhưng tới nay mới chỉ tiêm vaccine Covid-19 cho gần 2,2% dân số.

    Khi nhiều nước chật vật phong tỏa nhiều tháng và hệ thống y tế bên bờ sụp đổ, New Zealand chỉ áp lệnh phong tỏa toàn quốc 5 tuần trước khi đưa mọi thứ trở lại gần như bình thường. Mặc dù đóng biên với người nước ngoài hơn một năm, các lễ hội âm nhạc, đám cưới ở New Zealand vẫn được tổ chức. Quốc gia này chỉ ghi nhận khoảng 2.500 ca nhiễm và 26 ca tử vong vì Covid-19.

    Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở phần còn lại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khi đánh giá khả năng ứng phó Covid-19 của hơn 100 quốc gia hồi đầu năm nay, Viện Nghiên cứu Lowy của Australia cho biết khu vực này chính là nơi thành công nhất thế giới về kiểm soát đại dịch. Trong khi đó, châu Âu và châu Mỹ, đặc biệt là Anh và Mỹ, được xem là những nơi thất bại trong cuộc chiến này.

    Tuy nhiên, khi thế giới chuyển sang giai đoạn chống dịch mới, cục diện có phần thay đổi. Hiện tại, Anh và Mỹ nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về chiến dịch tiêm chủng đại trà, nhưng các nước châu Á - Thái Bình Dương bị tụt lại phía sau.

    Khoảng 39,5% người Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine và phân tích của CNN ước tính quốc gia này có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào mùa hè năm nay, khi 70-85% dân số được tiêm chủng. Anh đã tiêm chủng ít nhất một liều cho 47% dân số.

    Hình ảnh
    Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho một người đàn ông ở Auckland, New Zealand hôm 9/3. Ảnh: AP.

    Song New Zeland, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản hay đảo Đài Loan, những nơi được xem như "hình mẫu" chống dịch, chưa tới 4% dân số đã được tiêm chủng. Australia, quốc gia từng lên kế hoạch tiêm vaccine cho toàn bộ dân trước cuối năm nay, cho biết sẽ không tiếp tục đặt bất kỳ mục tiêu tiêm chủng nào. Tính tới ngày 17/4, Australia mới tiêm khoảng 1,47 triều liều, gần 6% dân số. New Zealand là nước thấp thứ hai trong nhóm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về số lượng vaccine được sử dụng, với 136.000 liều tính tới ngày 17/4.

    Tình hình của mỗi quốc gia khác nhau, nhưng giới chuyên gia cho rằng một trong những lý do khiến các nước châu Á - Thái Bình Dương bị bỏ lại trong cuộc đua tiêm chủng là không ký thỏa thuận đặt hàng từ sớm với các nhà sản xuất vaccine.

    Trong những tháng đầu đại dịch, một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương chọn cách tiếp cận thành công tương tự nhau, như kiểm soát biên giới, phong tỏa nhanh, xét nghiệm diện rộng và truy vết tiếp xúc hiệu quả.

    Cùng thời điểm, các ổ dịch ở châu Âu và châu Mỹ bùng nổ mất kiểm soát. Không thể đối phó khủng hoảng đang diễn ra, một số vùng dịch lớn của thế giới chuyển trọng tâm sang phát triển vaccine.

    Robert Carnell, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty dịch vụ tài chính ING, nói những nước chọn đầu tư vào sản xuất vaccine đã giành được thành quả. "Họ đã dùng tiền để chơi một canh bạc có tính toán. Điều đó đã được đền đáp ở Anh", ông nói.

    Tháng 5/2020, Anh ký thỏa thuận đặt mua 100 triệu liều vaccine với AstraZeneca và tháng 7 có thêm thỏa thuận bổ sung 90 triệu liều, trong đó có 30 triệu liều vaccine Pfizer. Cùng tháng đó, Mỹ ký thỏa thuận 600 triệu liều với Pfizer.

    Vào thời điểm hai nước ký thỏa thuận, Anh đã báo cáo hơn 41.000 người chết và Mỹ ghi nhận hơn 140.000 ca tử vong. "Sự khẩn cấp và cần thiết phải làm bất kỳ điều gì có thể để thoát khỏi cái hố mà họ tự rơi vào đã thôi thúc họ", Bill Bowtell, chuyên gia y tế cộng đồng tại Đại học New South Wales, nói.

    Tuy nhiên, các nước ở châu Á - Thái Bình Dương không có "cảm giác cấp bách" như vậy, theo Bowtell. Ông thêm rằng khi Australia thảo luận hợp đồng mua bán vaccine, họ không đặt tất cả các loại vaccine lên bàn cân như Anh và phải trả giá vì điều đó.

    Jerome Kim, tổng giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Viện Vaccine Quốc tế ở Seoul, cho biết Anh và Mỹ đã đặt cược lớn trước nhiều nước khác và giờ cả thế giới phải đối mặt với vấn đề nguồn cung. "Nếu bạn nghĩ đây là một cuộc xếp hàng chờ đợi, Anh và Mỹ chính là những nước xếp đầu", ông nói.

    Khi Anh, Mỹ và nhiều nước khác bắt đầu triển khai vaccine hồi cuối năm ngoái, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là nơi có tỷ lệ lây nhiễm thấp và có khả năng phát triển vaccine hạn chế, chứng kiến chiến dịch tiêm chủng bị tụt hậu.

    Nhiều tháng trôi qua, điều đó đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích. Chiến dịch triển khai vaccine của New Zealand được xem là "tồi tệ", trong khi Australia được cho đã "thất bại". Lãnh đạo các nước này bảo vệ quan điểm của mình, cho hay họ muốn chờ đợi xem hiệu quả vaccine và thực tế là tỷ lệ tử vong của New Zeland cũng như Australia thấp hơn các quốc gia khác.

    Ngoài ra, nguồn cung vaccine bị đình trệ do nhiều vấn đề về sản xuất, cũng như nguy cơ đông máu, khiến nhiều nước buộc phải giảm quy mô tiêm chủng, trong đó có Australia. Australia hiện khuyến nghị chỉ tiêm vaccine AstraZeneca cho người trên 50 tuổi, trong khi người trẻ được tiêm vaccine Pfizer nhưng nguồn cung hạn chế.

    Chuyên gia cho rằng không thể phủ nhận các nước như Australia và New Zealand ít bị ảnh hưởng từ các rủi ro của vaccine. Tuy nhiên, họ vẫn chỉ trích những kế hoạch phân phối vaccine yếu kém của hai nước này, đặc biệt khi họ có nhiều thời gian chuẩn bị hơn những quốc gia khác.

    "New Zealand không bị áp lực vì hệ thống y tế quá tải, nên đáng lẽ chúng tôi phải có nhiều thời gian chuẩn bị và một số việc phải được thực hiện sớm hơn", Helen Petousis-Harris, nhà tiêm chủng học tại Đại học Auckland và đồng lãnh đạo tổ chức Global Vaccine Data Network, nói.

    Bowtell cũng cho rằng chính phủ Australia đã thất bại về nguồn cung và phân phối vaccine, dù có nhiều thời gian hơn các nước khác khi hệ thống y tế không bị quá tải. Ông thêm rằng một số bang đã có hành động trách nhiệm với y tế cộng đồng, nhưng vấn đề nằm ở các quyết định yếu kém ở cấp liên bang.

    Hình ảnh
    Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Melbourne, Australia hôm 7/4. Ảnh: AFP.

    Khi được hỏi về lý do chiến dịch tiêm chủng của New Zealand chậm chạp, Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết nước này chấp nhận thực tế không bao giờ đi đầu để có vaccine.

    "Tôi ủng hộ thực tế chúng tôi đặt hàng sau", bà nói trên đài truyền hình TVNZ, thêm rằng điều quan trọng là các nước đang phát triển cũng có thể có được vaccine.

    Petousis-Harris đồng tình rằng dù các nước khống chế dịch tốt không cần phải vội vã đặt hàng vaccine trước, phần lớn thế giới vẫn cần phải được tiêm chủng. "Nếu chúng tôi không làm, chúng tôi sẽ bị mắc kẹt. Bạn phải cân bằng điều đó với việc không lấy bất cứ thứ gì nhiều hơn số lượng bạn cần", ông nói.

    Bowtell cũng cho rằng Australia có nghĩa vụ hỗ trợ nhóm nước đang phát triển có vaccine, nhưng việc tiêm chủng cho người dân trong nước vẫn quan trọng.

    Một lý do khiến các nước phải tiêm vaccine là để mở cửa biên giới. Nhiều nhà phê bình lo ngại phần lớn châu Á - Thái Bình Dương vẫn phải đóng cửa với thế giới trong khi các nước khác đẩy mạnh tiêm chủng để có thể mở cửa du lịch và thương mại trở lại.

    "Khi nhiều nước tiêm chủng cho người dân của họ, New Zealand đang đối mặt nguy cơ bị bỏ lại", Chris Bishop, chính trị gia đảng đối lập, nói. "Xóa sổ Covid-19 ở New Zealand lẽ ra là cơ hội cho chúng tôi phục hồi nhanh hơn phần còn lại thế giới. Chúng tôi đang lãng phí nó do triển khai vaccine chậm chạp và kém hiệu quả".

    Các chuyên gia tin rằng những nước như New Zealand và Australia có thể mở rộng phạm vi tiêm chủng nhanh chóng và đó là điều cần làm, không chỉ vì nền kinh tế mà còn vì sức khỏe toàn cầu.

    "Ở một nước mà 90% dân số chưa được tiêm chủng, đó là công thức dẫn tới thảm họa. Tôi không nghĩ bạn muốn trở thành một hòn đảo với hầu hết người dân chưa được tiêm chủng trong một thế giới mà Covid biến chủng và thay đổi nhanh chóng", Bowtell nói. "Đó là một cuộc đua với biến chủng và thời gian".


    Thanh Tâm (Theo CNN)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 65 khách