Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Căng thẳng Nga - NATO đốt nóng Biển Đen
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27908
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Căng thẳng Nga - NATO đốt nóng Biển Đen

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 4 22, 2021 8:31 pm





    Căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang chưa từng thấy trong tháng qua, có nguy cơ biến Biển Đen thành "chiến trường" tiếp theo của cuộc đối đầu.

    Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/4 thông báo cấm tàu quân sự và công vụ nước ngoài đi qua một số khu vực thuộc Biển Đen trong 6 tháng, từ ngày 24/4 đến hết ngày 31/10. Một trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế nằm gần eo biển Kerch nối giữa Biển Đen và biển Azov, nơi có tuyến đường biển quan trọng với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và thép từ Ukraine.

    Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19/4 lên tiếng chỉ trích quyết định này của Nga, xem đây là "động thái leo thang vô cớ khác trong chiến dịch gây bất ổn và phá hoại ở Ukraine".

    Hình ảnh
    Tàu chiến Nga đi qua eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để tới Biển Đen hôm 17/4. Ảnh: Reuters.

    Động thái hạn chế đi lại một phần Biển Đen diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine. Nga từ tháng 3 điều động lượng lớn quân nhân và khí tài đến gần biên giới với Ukraine và bán đảo Crimea, đồng thời tổ chức nhiều cuộc diễn tập hải quân ở Biển Đen trong tuần.

    Mỹ ban đầu dự định điều tàu khu trục USS Roosevelt và USS Donald Cook tới Biển Đen, nhưng sau đó hủy kế hoạch này, do không muốn "chọc giận Moskva trong thời điểm nhạy cảm" trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

    Mỹ và NATO định kỳ triển khai tàu chiến đến Biển Đen để hỗ trợ Ukraine khi chiến sự ở miền đông nước này nổ ra từ năm 2014 giữa quân đội chính phủ với lực lượng ly khai thân Nga. Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea cùng thời điểm, mở ra cuộc đối đầu với phương Tây kéo dài tới nay.

    Khi kế hoạch triển khai tàu chiến của Mỹ tới Biển Đen được tiết lộ, Nga đã phản ứng dữ dội. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cáo buộc các hành động của Mỹ ở Biển Đen là "khiêu khích" và cảnh báo Washington nên "tránh xa" khu vực này.

    Biển Đen, nằm giữa Crimea, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu và Tây Á, được xem là ngã tư kinh tế và văn minh quan trọng của vùng đất Á - Âu. Khu vực này chứa nhiều dầu mỏ và khí đốt, các đường ống năng lượng, tuyến đường biển và cáp quang trọng yếu.

    Đối với Nga, Biển Đen có tầm quan trọng đặc biệt vì một số lý do kinh tế và địa chiến lược, theo Luke Coffey, giám đốc Trung tâm Chính sách đối ngoại Douglas và Sarah Allison thuộc Quỹ Di sản.

    Xuyên suốt lịch sử, các cảng của Nga ở Biển Đen luôn đóng góp rất lớn cho lợi ích kinh tế của quốc gia này. Vào Thế chiến I, 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga và 90% xuất khẩu nông nghiệp đều đi eo biển Bosphorus ở Thổ Nhĩ Kỳ, nối Biển Đen với Địa Trung Hải. Hiện tại, cứ 15 phút lại có một tàu chở dầu Nga hoặc Kazakhstan đi qua tuyến đường này.

    Biển Đen được xem như bàn đạp để thể hiện sức mạnh quân sự của Nga ở Gruzia, Ukraine và thậm chí là Syria. Việc kiểm soát Biển Đen đồng nghĩa kiểm soát hoàn toàn Biển Azov, vùng biển nhỏ được bao quanh bởi Nga và Ukraine, nối với Biển Đen thông qua eo biển Kerch.

    Một lý do quan trọng khác khiến Nga muốn sáp nhập Crimea, thống trị Biển Đen và kiểm soát hoàn toàn Biển Azov là kênh đào Volga-Don, một trong hai kênh nối Biển Caspi với bên ngoài.

    Nga đã sử dụng Volga-Don thường xuyên hơn để di chuyển tàu chiến qua lại giữa Biển Caspi và Biển Azov. Khả năng điều chuyển tàu chiến từ Biển Caspi đến Biển Đen và ngược lại cho phép Nga có thể phô diễn sức mạnh tại một khu vực quan trọng của thế giới, đồng thời mang tới cho các nhà hoạch định chính sách Nga sự linh hoạt và nhiều lựa chọn trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng khu vực.

    Ngoài ra, Biển Đen còn là hành lang trung chuyển hàng hóa và năng lượng quan trọng, nên việc kiểm soát các cảng trong khu vực và các tuyến đường biển sẽ giúp Nga tăng cường sức mạnh.

    Moskva có thể sử dụng sức mạnh và ảnh hưởng ở Biển Đen để thách thức và làm gián đoạn nguồn cung năng lượng từ lưu vực Caspi đến châu Âu. Một động thái như vậy có thể làm suy yếu triển vọng cung cấp năng lượng từ các nước như Azerbaijan hay Turkmenistan, và quan trọng hơn là làm suy yếu nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm tìm kiếm sự đa dạng nguồn năng lượng bên ngoài quỹ đạo của Nga.

    "Việc Nga kiểm soát Biển Đen cũng có thể khiến châu Âu rơi vào tình trạng bị bóp nghẹt về năng lượng", Shane Ward, nhà phân tích của Tổ chức Hòa bình Thế giới (OWP), cho hay.

    Hình ảnh
    Khu vực Biển Đen. Đồ họa: Washington Post.

    Biển Đen được xem như một điểm yếu của NATO ở sườn phía đông. Khu vực này đa dạng về văn hóa và sắc tộc, đồng thời có mối quan hệ lịch sử chặt chẽ với Nga do gần về vị trí địa lý. Bằng cách tác động đến các thành viên của NATO trong khu vực, Moskva có thể làm suy yếu nghiêm trọng gắn kết nội bộ cũng như giảm uy tín của liên minh này.

    Mỹ và một số thành viên khác của NATO vài năm qua đã tăng cường hiện diện ở Biển Đen để ngăn chặn các động thái của Nga. Nhưng sự hiện diện này đã suy yếu dưới thời tổng thống Donald Trump, người thực thi chính sách "Nước Mỹ trên hết" và không xem trọng vai trò của NATO.

    Khi Biden lên nắm quyền, Mỹ và NATO nối lại hoạt động triển khai lực lượng tới Biển Đen và vấp phải phản ứng quyết liệt của Nga, dấy lên nhiều lo ngại về an ninh tại khu vực chiến lược quan trọng. Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Porter cùng nhiều khí tài quân sự khác hồi đầu năm đã xuất hiện tại Biển Đen, cho thấy phản ứng quyết liệt hơn của Mỹ với các động thái quân sự của Nga tại khu vực được xem như "trung tâm cạnh tranh quyền lực". Đây là đợt tăng cường hiện diện hải quân lớn nhất của Mỹ ở Biển Đen kể từ năm 2017.

    Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 1 kêu gọi Nga "chấm dứt công nhận các khu vực Abkhazia và Nam Ossetia, đồng thời rút lực lượng", khi cho rằng động thái của Nga đang làm tăng bất ổn ở Gruzia, một đồng minh quan trọng của phương Tây trong nỗ lực kiềm chế Nga.

    Đối với NATO, an ninh của các thành viên như Thổ Nhĩ Kỳ và phần còn lại của châu Âu trước những động thái khó kiểm soát của Nga cũng không kém phần quan trọng. Trong khi đó, Mỹ cũng phải tìm các cải thiện quan hệ và cùng với đồng minh NATO đối mặt với khó khăn, theo đuổi chính sách chống lại các động thái của Nga.

    Shane Ward nhận định những động thái tiếp theo giữa Nga và phương Tây sẽ rất quan trọng đối với hòa bình ở Biển Đen trong nhiều thập kỷ tiếp theo.


    Thanh Tâm (Theo OWP, Anadolu, AFP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 91 khách