Nga phóng thử tên lửa trong hệ thống phòng thủ thế hệ mới, quả đạn đạt tốc độ gần 11.000 km/h, nhanh gấp 4 lần sơ tốc đạn AK.
"Đơn vị chiến đấu thuộc lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa đạn đạo Nga đã thực hiện thành công đợt thử lá chắn tên lửa mới tại thao trường Sary-Shagan ở Kazakhstan. Đầu đạn thế hệ mới đã thể hiện tính năng chiến đấu, đánh trúng mục tiêu giả định với độ chính xác cao", Bộ Quốc phòng Nga hôm 26/4 ra thông cáo cho biết
Tướng Sergei Grabchuk, chỉ huy lực lượng phòng thủ tên lửa đạn đạo Nga, cho biết quả đạn đạt tốc độ 10.800 km/h ngay sau khi rời giếng phóng, trong khi sơ tốc đầu nòng của đạn súng trường AK là 2.574 km/h. Theo Grabchuk, loại đạn tên lửa thế hệ mới này sẽ tăng cường năng lực chiến đấu cho những hệ thống đang bảo vệ lãnh thổ Nga.

Cuộc thử nghiệm tên lửa đánh chặn của Nga hôm 26/4. .
Các quả đạn trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo thường có tốc độ thấp hơn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tuy nhiên, chúng có khả năng tăng tốc rất nhanh, gần như đạt tốc độ tối đa ngay khi rời giếng phóng và lao đi trong tích tắc, thay vì tốn nhiều thời gian lấy độ cao như tên lửa thông thường. Điều này cho phép các hệ thống phòng thủ nhanh chóng đánh chặn mục tiêu trước khi chúng gây nguy hiểm cho lãnh thổ.
Nga đang phát triển hai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia, gồm phiên bản hiện đại hóa của lá chắn tầm xa A-135 "Amur" và tổ hợp phòng thủ cơ động A-235 "Nudol" hoàn toàn mới.
Phiên bản A-135 hiện đại hóa có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đơn lẻ hoặc phóng theo loạt lớn. Tính năng này nhằm đối phó với học thuyết quân sự Mỹ, vốn luôn ưu tiên đánh phủ đầu bằng số lượng lớn ICBM để áp đảo và làm quá tải hệ thống phòng thủ đối phương.
Nga đang triển khai 5 trận địa thuộc hệ thống A-135 tại tỉnh Moskva, mỗi trận địa có 12-16 tên lửa đánh chặn 53T6. Nga từng thử nghiệm biến thể hiện đại hóa của tên lửa này hồi năm 2018, cho thấy nó có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo đang lao tới mục tiêu ở độ cao 5-30 km và tầm xa 80 km, đạt tốc độ tối đa 21.000 km/h chỉ trong vòng ba giây sau khi phóng.
Trong khi đó, hệ thống A-235 Nudol có tầm bắn và độ chính xác cao hơn nhiều so với A-135. Nudol có thể bảo vệ các vùng lãnh thổ Nga trước đòn tấn công của ICBM trang bị nhiều đầu đạn hồi quyển độc lập (MIRV) và hệ thống mồi bẫy hiện đại. Các quan chức tình báo Mỹ cho rằng Nudol có thể diệt vệ tinh, trong khi Nga tuyên bố hệ thống này chỉ thực hiện nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đối phương.
Hệ thống A-235 sử dụng nhiều loại tên lửa để đối phó với các mục tiêu khác nhau. Phiên bản tầm xa sử dụng tên lửa 51T6 có tầm bắn 1.500 km và trần bay 800 km, phiên bản tầm trung dùng tên lửa 58R6 nâng cấp với tầm bắn 1.000 km và trần bay 120 km, trong khi phiên bản tầm ngắn có thể diệt mục tiêu ở khoảng cách 350 km và trần bay 50 km. Phiên bản tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân, hai biến thể còn lại sử dụng đầu đạn động năng.
Vũ Anh (Theo TASS)