Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Cảnh 'trong nhoai ra, ngoài đòi vào' ở bệnh viện Ấn Độ
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Cảnh 'trong nhoai ra, ngoài đòi vào' ở bệnh viện Ấn Độ

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 5 04, 2021 1:34 pm





    Goldi Patel mất ba ngày đi khắp nơi tìm bệnh viện cho chồng chữa Covid-19, nhưng sau khi nhập viện, chồng của cô lại một mực đòi ra.

    Goldi Patel, 25 tuổi, đi từ bệnh viện này tới bệnh viện khác giữa cái nắng nóng ngột ngạt của mùa hè ở New Delhi, điên cuồng tìm một nơi cứu sống người chồng nhiễm nCoV.

    Bốn bệnh viện đã từ chối Patel, người đang mang thai con đầu lòng được 7 tháng, trước khi cô tìm thấy một nơi điều trị. Nhưng điều kiện chăm sóc tại bệnh viện điều trị Covid-19 Sardar Patel, một cơ sở tạm thời ở ngoại ô thủ đô, tệ đến mức chồng cô cầu xin được xuất viện.

    Xung quanh Sadanand Patel, 30 tuổi, nhiều người đang hấp hối. Với lá phổi bị nhiễm trùng tới 80%, anh lo sợ về những gì có thể xảy ra nếu tình trạng ngày một xấu đi.

    "Tôi rất sợ. Nếu sức khỏe của tôi nguy kịch, tôi không nghĩ họ có thể cứu tôi", Sadanand nói khi đang nằm trên giường bệnh cuối tuần trước.

    Hình ảnh
    Sadanand Patel tại bệnh viện điều trị Covid-19 Sardar Patel, ngoại ô New Delhi tuần trước. Ảnh: CNN.

    Khi số ca Covid-19 ở Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng mạnh, hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước đã bên bờ sụp đổ. Giường, oxy và nhân viên y tế đều thiếu trầm trọng. Một số bệnh nhân Covid-19 thậm chí trong phòng chờ hoặc bên ngoài các phòng khám quá tải, trước khi được gặp bác sĩ.

    Chỉ một số bệnh nhân Covid-19 có thể xoay xở nhập viện vào thời điểm hiện tại. Nhưng một khi vào trong, một số phải đối mặt với cơn ác mộng khác, khi không được chăm sóc hoặc hỗ trợ y tế, chứng kiến mọi người xung quanh chết dần.

    Hồi tháng 2, giới chức yêu cầu đóng cửa bệnh viện Sardar Patel khi cho rằng Ấn Độ đã chiến thắng Covid-19. Khi làn sóng Covid-19 mới tấn công, cơ sở y tế với 500 giường bệnh nhanh chóng được mở cửa trở lại trong hỗn loạn.

    Sadanand được nhập viện một ngày sau khi bệnh viện mở cửa. Goldi cho biết khi cô tới thăm chồng vài ngày sau đó, cơ sở này đã chật kín người.

    Bên trong bệnh viện, một số bệnh nhân phải nằm trên những chiếc giường làm từ bìa các tông cứng. Thuốc men thiếu thốn và Sadanand cho biết anh chỉ gặp bác sĩ một, hai lần trong ba ngày kể từ khi nhập viện. Hai người đàn ông giường gần đó đã chết chỉ sau vài giờ do lượng oxy cạn kiệt, theo Sadanand.

    Cho tới ngày 1/5, ngày thứ 5 nhập viện, ít nhất 5 người quanh anh đã chết. Thi thể một người giường sát cạnh đã bị để đó suốt nhiều giờ trước khi được chuyển đi.

    Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ tháng trước cho biết sẽ nhanh chóng mở rộng cơ sở lên 2.000 giường bệnh với nguồn cung oxy đầy đủ để giúp giải quyết tình trạng bệnh viện quá tải trong thành phố. Khoảng 40 bác sĩ và 12- nhân viên y tế chuyên nghiệp đã được điều động tới cơ sở này.

    Tuy nhiên, mọi thứ không được như kỳ vọng. "Chính phủ nghĩ rằng họ mở bệnh viện này, bệnh nhân ở đây sẽ được điều trị. Nhưng thực sự, điều đó không hề xảy ra", Sadanand nói.

    Anh cho biết bệnh nhân ở đây không được bác sĩ thăm khám thường xuyên. Anh lo lắng nếu bản thân cần chăm sóc y tế, anh quá yếu để đi tìm sự giúp đỡ của bác sĩ. Một bệnh nhân nằm gần khuyên anh nên rời khỏi đây nếu cảm thấy sức khỏe tốt lên đôi chút.

    "Bạn sẽ chết trên giường vì không có ai gọi bác sĩ cho", anh nói.

    Hình ảnh
    Nhân viên khiêng giường bệnh làm từ bìa các tông tại cơ sở điều trị Covid-19 Sardar Patel, ngoại ô New Delhi hôm 24/4. Ảnh: Bloomberg.

    Đây không phải là câu chuyện của riêng gia đình Goldi. Sarita Saxena cho biết anh rể cô cũng nhập viện Sardar Patel, sau khi bị 7 cơ sở y tế khác từ chối. Cô không cho rằng bất kỳ bác sĩ nào ở đây điều trị cho bệnh nhân, bởi người duy nhất chăm sóc họ là gia đình và bạn bè. Những người này sau đó cũng đối mặt nguy cơ nhiễm nCoV.

    Những người bên ngoài bệnh viện lo lắng về tình trạng này tới mức họ cố gắng để đưa người thân xuất viện. Sadanand cho biết vì quá lo sợ, anh liên tục đề nghị bác sĩ chuyển mình tới một bệnh viện khác. Anh cũng van nài vợ, nhưng Goldi cho biết không còn nơi nào khác tiếp nhận anh.

    "Anh ấy đề nghị tôi đưa anh ấy rời khỏi nơi này, rằng anh ấy sẽ ở nhà, anh ấy không thấy ổn ở đây và cảm thấy rất sợ hãi", Goldi nói. "Tôi cố gắng giải thích rằng nếu ở đây, ít nhất anh ấy còn có oxy", cô kể.

    Bệnh viện Lala Lajpat Rai (LLRM), ở thành phố Meerut, bang Uttar Pradesh, cũng trong tình trạng quá tải. Mọi người nằm la liệt khắp nơi, từ trên cáng, trên bàn và cả sàn nhà. Họ rên rỉ và tuyệt vọng vì thiếu oxy. Có khoảng 55 giường cho 100 bệnh nhân, theo nhân viên bệnh viện. Chỉ có 5 bác sĩ tại cơ sở y tế này.

    Kavita, người mẹ 32 tuổi có hai con, phải nằm trên sàn bệnh viện suốt 4 ngày và giành giật từng hơi thở. Cô cho biết mình không có oxy để thở hay nhận được hỗ trợ y tế nào. 20 người xung quanh cô đã chết.

    "Tôi rất lo lắng. Tôi sợ mình sẽ ngừng thở", cô nói.

    Oxy hiện rất khan hiếm ở Ấn Độ, quốc gia báo cáo hơn 2,5 triệu ca nhiễm trong tuần qua. Nhiều nước khác đã gửi bình oxy cho Ấn Độ, cũng như nhiều trang thiết bị giúp nước này tự sản xuất. Harsh Vardhan, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Gia đình tuần trước cho biết nước này hiện có đủ oxy và người dân không cần hoảng loạn.

    Nhưng nhiều bệnh viện vẫn gặp khó khăn. Một số bệnh viện đã đăng Twitter cầu cứu, gắn thẻ các tài khoản chính thức để xin thêm oxy giúp bệnh nhân hấp hối.

    Nhiều thành viên gia đình bệnh nhân xếp hàng chờ hàng giờ bên ngoài các trung tâm cung cấp oxy, tay giữ những chiếc bình rỗng. 12 người, trong đó có một bác sĩ, tại một bệnh viện ở New Delhi đã chết vì cạn nguồn oxy.

    Một số bệnh viên khác thông báo với người nhà bệnh nhân rằng nếu muốn được nhập viện, họ phải tự chuẩn bị nguồn oxy. "Bây giờ chúng tôi phải nói với người dân trước khi tiếp nhận rằng họ có thể phải tự chuẩn bị nguồn oxy trong trường hợp khẩn cấp", Pooman Goyal, bác sĩ tại bệnh viện Pancheel, nói tuần trước.

    Bên ngoài LLRM, người nhà bệnh nhân đi đi lại lại chờ tin tức. Bên trong, Gyanendra Kumar, người quản lý bệnh viện, nói cơ sở này có đủ oxy nhưng thiếu nhân viên.

    "Chúng tôi không từ chối bất kỳ ai", ông nói. "Trước Covid-19, tôi chưa từng thấy cuộc khủng hoảng nào như vậy, nhưng tôi nghĩ chúng tôi đang ứng phó cuộc khủng hoảng này đúng cách".

    Tại Sardar Patel, dù thấy nhẹ nhõm khi chồng cô có oxy để thở, Goldi vẫn lo lắng về tình hình của anh, khi không có thuốc điều trị nhiễm trùng phổi. Bất cứ khi nào ngồi dậy, Sadanand sẽ ho hữ dội và đau thắt ngực. Tại bệnh viện, anh được cho thức ăn, nước uống và oxy nhưng thuốc men rất hạn chế. Nhân viên bệnh viện chỉ cho anh một chút kháng sinh sau khi Goldi dọa cô sẽ tự tử.

    "Ngoài oxy, việc điều trị cũng rất quan trọng. Bạn khong thể sống bằng hy vọng rằng bạn sẽ ổn nếu có oxy", Sadanand, người kiếm tiền chính của gia đình, nói.

    Chandrasekhar Singha,chuyên gia tư vấn hàng đầu về chăm sóc nhi khoa tại bệnh viện nhi Madhukar Rainbow ở New Delhi, nói ngoài oxy, một bệnh nhân bị nhiễm trùng phổi 80% sẽ cần được điều trị bằng thuốc kháng virus, steroid và kháng sinh.

    "Cung cấp oxy chỉ là cách bạn kéo dài thời gian", ông nói.

    Hình ảnh
    Bên trong một khu điều trị tại cơ sở y tế Sardar Patel, ngoại ô New Delhi cuối tuần trước. Ảnh: CNN.

    Cứ cách hai hoặc ba giờ, Goldi gọi cho chồng. Họ chỉ nói chuyện được vài phút trước khi hơi thở của anh trở nên yếu ớt.

    "Thật nguy hiểm. Tôi không muốn để anh ấy nói nhiều. Tôi luôn trong trạng thái căng thẳng", cô nói.

    Goldi cũng lo lắng cho chính mình, khi không biết bản thân đã nhiễm nCoV hay chưa. Cô không có triệu chứng, nhưng không làm xét nghiệm vì giá của nó lên tới 900 rupee (12 USD). Cô ấy cần dồn mọi hỗ trợ cho chồng. Bố mẹ của cả hai đều ở Uttar Pradesh và họ không còn sự hỗ trợ nào khác.

    Vợ chồng cô đều cảm thấy thất vọng về cách xử lý Covid-19 của chính quyền. Sadanand nói nếu được điều trị cẩn thận, anh đã không bao giờ để vợ phải chịu vất vả và nguy hiểm.

    "Nếu được nhập viện và điều trị ngay, bạn sẽ không bao giờ để người vợ mang thai phải vật lộn tìm cơ sở y tế cho bạn ở giữa các ca nhiễm nCoV ngoài kia. Bạn sẽ luôn lo lắng chuyện gì sẽ xảy ra nếu cô ấy nhiễm virus", anh nói.


    Thanh Tâm (Theo CNN)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 58 khách