Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Người Ấn lo sợ tiếng chuông báo tử
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Người Ấn lo sợ tiếng chuông báo tử

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 5 05, 2021 4:35 pm






    Shruti Kher, 33 tuổi, luôn hoảng sợ mỗi khi điện thoại đổ chuông, bởi rất có thể đó là thông báo về một ai đó vừa qua đời vì Covid-19.

    "Tiếng chuông điện thoại là điều tôi thấy sợ hãi nhất. Trái tim tôi chùng xuống mỗi khi nhận cuộc gọi. Câu đầu tiên tôi hỏi là mọi chuyện ổn chứ?", Kher, chủ một công ty tiếp thị ở thành phố Nashik, bang Maharashtra, phía tây Ấn Độ, kể.

    Kher cho biết tất cả thành viên gia đình cô đều bị sợ hãi quá độ. Họ gần như không bước chân ra ngoài kể từ tháng 3 năm ngoái và từ chối gặp gỡ bạn bè, họ hàng. Dù xét nghiệm nCoV hai tuần một lần, họ vẫn ngày ngày sống trong lo sợ. Tuy không thành viên nào trong gia đình nhiễm nCoV, Kher cho biết cô đã chứng kiến nhiều họ hàng hoặc bạn bè tử vong vì đại dịch trong năm qua.

    Giờ đây, khi virus hoành hành khắp thành phố, Kher nói mọi người thậm chí còn lo sợ hơn. "Tất cả chúng tôi đều khó ngủ. Mẹ tôi và tôi thường tỉnh giấc vào giữa đêm và không thể ngủ lại", cô kể.

    Hình ảnh
    Người phụ nữ Ấn Độ đau khổ sau khi chồng chết vì Covid-19 ở Ahmedabad tháng trước. Ảnh: Reuters.

    Ấn Độ đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng tồi tệ do làn sóng Covid-19 thứ hai gây ra. Với hơn 22,6 triệu ca nhiễm và hơn 226.000 ca tử vong, nước này là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Ấn Độ gần đây đều ghi nhận 300.000-400.000 ca nhiễm mới và hơn 3.000 ca tử vong mỗi ngày.

    Đợt bùng phát mới đã đẩy hệ thống y tế của quốc gia Nam Á đến bên bờ sụp đổ. Nhiều bệnh viện hết giường, nguồn cung oxy và thuốc men hạn chế. Dù hỗ trợ quốc tế không ngừng được chuyển tới, những cảnh tượng tang thương vì đại dịch vẫn liên tục xuất hiện ở khắp các khu vực nông thôn và thành thị. Các khu hỏa táng quá tải, buộc giới chức phải cho phép thiêu thi thể người chết trong công viên, bãi đỗ xe, thậm chí ở vỉa hè. Quá tuyệt vọng, nhiều bệnh nhân lên mạng xã hội cầu cứu mọi thứ, từ xét nghiệm nCoV tới tìm chỗ hỏa táng.

    Tuy nhiên, đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng không chỉ là cuộc chiến khó khăn với người nhiễm, nó khiến ngay cả những người khỏe mạnh cũng phải sống trong nỗi phập phồng rằng Covid-19 sẽ tới "gõ cửa" nhà họ hoặc một người mà họ quen biết.

    Sonali Gupta, bác sĩ tâm lý ở Mumbai, cho biết vấn đề mà nhiều bệnh nhân của cô gặp phải đều liên quan tới đại dịch. "Mọi người giờ đều rất sợ hãi. Lo lắng, bối rối, tê liệt, hoảng loạn và sợ hãi là 5 cảm xúc mà tôi thấy nhiều nhất ở các bệnh nhân", cô nói.

    Gupta cho biết hầu hết bệnh nhân đều quan tâm tới cách tự bảo vệ bản thân và cảm giác "vô cùng bất lực" với những gì đang diễn ra quanh họ. Phần lớn tình trạng này là kết quả trực tiếp của đại dịch, từ lo lắng nguy cơ tái nhiễm dù tiêm vaccine đến việc chứng khiến những người vật lộn để được điều trị tại các trung tâm y tế.

    "Tình hình dường như ngày càng xấu đi, khi chúng tôi không có bất kỳ câu trả lời hay sự rõ ràng nào về mọi chuyện", cô nói.

    Kunal Purohit, một nhà báo độc lập ở Mumbai, cho biết một người dì sống ở bang Gujarat suy sụp khi gọi điện cho anh hai ngày trước. Bà từng nhiễm nCoV cách đây hai tháng nhưng đã hồi phục hoàn toàn và được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, khi hay tin ít nhất 5 người quen đã chết vì nCoV trong hai tuần qua, bà cảm thấy sợ hãi, vì mọi thứ trở nên u ám và tang thương.

    Hình ảnh
    Một bệnh nhân Covid-19 thở oxy trên xe kéo trong khi chờ nhập viện ở Ahmedabad tháng trước. Ảnh: AP.

    Tại thủ đô New Delhi, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhiều người cũng sống trong tình cảnh tương tự. Arundhati R, luật sư 32 tuổi, đã ở trong nhà suốt ba tuần qua sau khi chồng cô nhiễm nCoV trong chuyến công tác ở thành phố Bangalore.

    Luật sư này cho biết cách cô đối phó với thảm kịch hiện tại là ngừng xem mọi thứ về nó. "Tôi không xem tin tức hay lên mạng xã hội. Tôi chỉ xem phim sitcom", cô kể.

    Không chỉ lo lắng về an toàn của bản thân, đợt bùng phát mới còn khiến cô phải suy ngẫm về tương lai.

    "Tôi cứ liên tục nghĩ về việc đại dịch này ảnh hưởng tới chúng tôi về mặt cảm xúc như thế nào", cô nói và không nghĩ rằng bản thân sẽ muốn ra ngoài hoặc giao tiếp với mọi người cả khi dịch thuyên giảm.

    Ngồi trong nhà, nghe tiếng còi cứu thương liên tục hú vang khi đưa bệnh nhân tới bệnh viện, Arundhati càng cảm thấy chán nản và bất lực. "Tình hình hiện tại khiến tôi trở nên ích kỷ, khi chỉ thích ở trong nhà, không thể ra ngoài giúp đỡ bất kỳ ai", cô nói.

    Nhà tâm lý học Gupta cho biết khi quan sát các bệnh nhân, bà nhận thấy những "chấn thương" tâm lý khi sống giữa đại dịch có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe, "từ đau dạ dày đến đau đầu hay đau lưng".

    "Chấn thương này khó có thể biến mất sớm. Mọi người sẽ mất một thời gian dài để vượt qua nó", cô nói.


    Thanh Tâm (Theo SCMP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 53 khách