Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Giằng xé chọn người sống, chết ở Ấn Độ
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27907
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Giằng xé chọn người sống, chết ở Ấn Độ

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 5 06, 2021 11:57 am






    Rohan Aggarwal, 26 tuổi, là bác sĩ phải quyết định bệnh nhân nào được sống và bệnh nhân nào đành nhận cái chết vì Covid-19, khi bệnh viện lâm vào tình trạng quá tải.

    Khi hệ thống y tế của Ấn Độ đang đứng trước bờ vực sụp đổ trong làn sóng Covid-19 thứ hai khốc liệt, Aggarwal buộc phải đưa ra những quyết định đó sau 27 giờ làm việc liên tục, gồm ca trực qua đêm phụ trách khoa cấp cứu tại bệnh viện ở New Delhi.

    Hình ảnh
    Rohan Aggarwal tại bệnh viện Holy Family ở New Delhi, Ấn Độ ngày 1/5. Ảnh: Reuters.

    Tất cả mọi người tại bệnh viện Holy Family, gồm bệnh nhân, người thân và y bác sĩ, đều biết cơ sở không có đủ giường, không đủ oxy hoặc máy thở để giữ cho tất cả bệnh nhân sống sót. "Ai được cứu, ai không được cứu lẽ ra nên do Thượng đế định đoạt", Aggarwal nói. "Chúng tôi không được tạo ra để làm điều đó, chúng tôi chỉ là con người. Nhưng tại thời điểm này, chúng tôi phải gánh trách nhiệm đó".

    Ấn Độ ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm một ngày trong hai tuần qua nhưng các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều. 5.000 giường tại các khoa điều trị tích cực (ICU) của thành phố gần như luôn kín.

    Bệnh nhân vội vã đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, chết trên đường phố hoặc tại nhà, trong khi xe chở oxy di chuyển dưới sự bảo vệ có vũ trang đến các cơ sở có lượng dự trữ ở mức thấp nguy hiểm. Các lò hỏa táng hoạt động suốt ngày đêm, bốc khói nghi ngút.

    Aggarwal lo sợ về nguy cơ anh cũng nhiễm virus, vì biết rằng bệnh viện sẽ khó tìm được giường cho anh. Aggarwal chưa tiêm vaccine. Khi Ấn Độ triển khai tiêm chủng cho nhân viên y tế hồi tháng một, anh bị ốm nên đã không tiêm. Đến tháng hai, anh tưởng rằng tình hình dịch đã cải thiện nên không bận tâm về vấn đề này. "Tất cả chúng tôi đều có quan niệm sai lầm là virus đã biến mất", Aggarwal nói.

    Khi Aggarwal bắt đầu ca làm việc vào khoảng 9h, 4 thi thể nằm tại khu vực vốn là nơi nhân viên y tế cởi bỏ đồ bảo hộ. Trong phòng cấp cứu, bệnh nhân và thân nhân chen chúc nhau, nhiều người không mặc đồ bảo hộ mà chỉ đeo khẩu trang vải. Ngay cả các bác sĩ và y tá cũng đã ngừng mặc đồ bảo hộ đầy đủ vì quá khó làm việc trong những bộ đồ đó.

    Một người đàn ông thậm chí còn nằm ở khu kho, xung quanh là các thùng rác y tế, một người khác bê bình oxy mới để thay thế bình cũ đã hết.

    Hình ảnh
    Bệnh nhân Covid-19 trong phòng cấp cứu của bệnh viện Holy Family ngày 1/5. Ảnh: Reuters.

    Trong điều kiện bình thường, Holy Family là một trong những bệnh viện tốt nhất trong nước, thu hút bệnh nhân từ khắp nơi trên thế giới. Thực tế, bây giờ nó vẫn vậy, nếu so sánh với các bệnh viện công, nơi bệnh nhân phải nằm hai người một giường hoặc chết ngay trên xe đẩy ở ngoài trời.

    Nhưng cơ sở này vẫn đang trong tình trạng tuyệt vọng. Bệnh viện vốn có sức chứa 275 người trưởng thành đang chăm sóc cho 385 người. Tấm biển ở bên ngoài cho thấy không có giường bệnh thường và giường khu điều trị tích cực bệnh nhân Covid-19 nào trống trong vài tuần qua.

    Trước khi bắt đầu ca làm việc tại khoa cấp cứu, Aggarwal trước hết đến kiểm tra khu điều trị thường cho bệnh nhân Covid-19. Cùng với một đồng nghiệp, anh phụ trách 65 bệnh nhân, khiến anh có tối đa 3-4 phút để kiểm tra từng người trước khi có trường hợp cấp cứu nào đến.

    Aggarwal vừa đi kiểm tra vài phút thì nhận được yêu cầu khẩn cấp từ một bệnh nhân. Anh lao xuống cầu thang, chạy dọc trên hành lang thiếu sáng để đến phòng 323, nơi một người đàn ông lớn tuổi gần bất tỉnh.

    "Ông ấy đang nguy kịch", Aggarwal giải thích với con trai của người đàn ông. Người con trai ngồi ôm đầu trong khi các nhân viên y tế sắp xếp để đưa bố anh vào ICU. Ông là một trong những người may mắn: ông đã được nằm ở khu chuyên điều trị Covid-19, do đó được vào ICU. "Họ không có giường, nhưng họ sẽ phải xoay xở", Aggarwal nói.

    Nhân viên bảo vệ Mahendar Baisoyar được bố trí bên ngoài cửa khoa cấp cứu để đảm bảo người thân bệnh nhân không cố gắng giành giường "bằng vũ lực". Tháng trước, thân nhân tại một bệnh viện khác ở thủ đô đã tấn công nhân viên y tế bằng dao sau khi một bệnh nhân tử vong. Tòa án thành phố cảnh báo sẽ xảy ra thêm nhiều ẩu đả và bạo lực tại bệnh viện nếu tình trạng thiếu hụt nguồn lực tiếp tục diễn ra.

    Hình ảnh
    Rohan Aggarwal giải thích với bệnh nhân rằng bệnh viện đã hết giường ngày 1/5. Ảnh: Reuters.

    Giống như nhiều người khác ở Delhi, bệnh viện Holy Family đã lên Twitter để cầu xin các chính trị gia bang và liên bang giúp đỡ đảm bảo nguồn cung oxy. Y bác sĩ ở đây làm hết sức có thể để sơ cứu cho người bệnh, nhưng họ không có chỗ cho tất cả mọi người.

    Vijay Gupta, 62 tuổi, là một bệnh nhân phải ra về, gia đình và bạn bè đang tranh luận xem phải làm gì tiếp theo. Rajkumar Khandelwal, bạn của Gupta, cho biết: "Chúng tôi đã rong ruổi từ lúc 6h để tìm giường".

    "Chúng ta sẽ đi đâu?" Khandelwal hỏi con trai của Gupta trong cơn tuyệt vọng.

    Những người khác trong khoa cấp cứu cần được dùng máy thở, nhưng Aggarwal nài nỉ các gia đình tự tìm oxy. Họ đã cố gắng nhưng lực bất tòng tâm.

    Vào thời điểm ca sáng của Aggarwal kết thúc, đôi mắt của anh đã đỏ ngầu vì mệt mỏi. Aggarwal lớn lên ở Delhi và muốn trở thành bác sĩ từ năm 6 tuổi. Anh thi đỗ trường đại học y trực thuộc bệnh viện chính phủ ở phía đông thủ đô vào năm 19 tuổi. Thực tế, năm sau Aggarwal mới hoàn thành việc học.

    Sumit Ray, giám đốc y tế của bệnh viện và là trưởng khoa ICU, cho biết các nhân viên đang làm mọi thứ có thể. "Y bác sĩ đang mất tinh thần. Họ biết họ có thể làm tốt hơn, nhưng họ không có thời gian", ông nói.

    Bất kể Aggarwal ở đâu, anh đều cảm tưởng âm thanh của máy đo nhịp tim văng vẳng bên tai khi cố gắng ngủ. Anh nghe thấy tiếng động đó ở bệnh viện. Nhưng khi nằm trên giường tại nhà, âm thanh đó vẫn vang lên trong đầu, khiến anh không thể nào quên được những bệnh nhân đã tử vong, không phải vì anh thiếu nỗ lực mà vì thiếu nguồn lực.

    Aggarwal trước đây thường ăn trưa trong bệnh viện, nhưng bây giờ, âm thanh mà anh gọi là "tiếng ồn ICU" khiến anh không thể chịu đựng nổi. Anh nghỉ ngơi tại một cửa hàng tiện lợi gần đó, ăn ngũ cốc và nghe những bài hát của Selena Gomez mà cửa hàng bật.

    "Đó thực sự là bầu không khí buồn bã", Aggarwal nói. "Tôi chỉ muốn nghỉ ngơi khoảng một giờ bên ngoài bệnh viện để nạp lại năng lượng. Bởi vì tôi phải ở đó thêm 24 giờ nữa".

    Aggarwal sống với cha mẹ và thường xuyên lo lắng về họ. Aggarwal từng tránh gặp gia đình nhưng mẹ anh không muốn vậy. "Tôi từng chỉ tiếp xúc với họ 10 ngày hoặc hai tuần một lần. Nhưng mẹ tôi muốn ăn cơm cùng tôi, mẹ không thể xa tôi", anh nói.

    Gần 15h, Aggarwal trở lại bệnh viện để trực khoa cấp cứu. Anh ngồi sau bàn làm việc khi người nhà của những người nhiễm nCoV vây xung quanh, cầu xin được nhập viện. "Nếu bệnh nhân bị sốt và có vẻ đã nhiễm nCoV nhưng không cần thở oxy, tôi không thể cho người đó nhập viện", anh nói.

    "Đó là tiêu chí. Mọi người đang chết trên đường phố vì thiếu oxy. Vì vậy, chúng tôi không thể tiếp nhận những người không cần thở oxy, ngay cả khi họ bị bệnh".

    "Một sự lựa chọn khác là khi một người đàn ông lớn tuổi và một thanh niên đều cần oxy lưu lượng cao mà bệnh viện chỉ còn một giường ICU. Tôi không thể để cảm xúc chi phối, người trẻ phải được cứu".

    Aggarwal nhanh chóng kiểm tra bệnh nhân trong khoa cấp cứu. "Ông ấy sẽ bình phục chứ?", một người hỏi khi Aggarwal xem phim chụp X-quang của bệnh nhân. "Tôi sẽ cố gắng hết sức, nhưng tôi không thể hứa trước điều gì", anh trả lời rồi quay sang bệnh nhân tiếp theo.

    Người phụ nữ có tên Pratibha Rohilla rên rỉ và ôm chặt mặt nạ dưỡng khí. Con trai của bà, Aditya, có vẻ giận dữ khi một bệnh nhân khác được chuyển khoa. Anh cố gắng tranh luận với y tá. "Tôi hiểu, nhưng không còn giường nào cả", cô trả lời.

    "Không còn giường", người con trai nói về các bệnh viện ở thủ đô. "Chúng tôi đã thử đến 15, 20 bệnh viện".

    Karuna Vadhera, 74 tuổi, đang trong tình trạng nguy kịch. "Bà ấy có thể qua đời bất cứ lúc nào", Aggarwal nói với người cháu Pulkit, khuyên anh này chuyển bà đến bệnh viện có giường ICU trống.

    "5 người nhà của chúng tôi đã tủa đi tìm ở các vùng khác nhau của Delhi, ai cũng đang cố gắng". Pulkit trả lời. "Nhưng không ai tìm được giường trống".

    Trong khi làm việc tại ICU, Aggarwal gặp một đồng nghiệp, họ nói đùa và nhận ra đó là lần đầu tiên anh cười trong nhiều tuần. Đến 5 giờ sáng, anh mới chợp mắt trong phòng nghỉ của khoa cấp cứu.

    Khi Aggarwal tỉnh giấc vài giờ sau, Vadhera, người phụ nữ lớn tuổi không có cơ hội vào ICU, đã chết. Cháu của bà, Pulkit, đứng bên cạnh khi thi thể được bọc trong vải liệm màu trắng, đưa lên xe cứu thương để hỏa táng.

    Chiếc giường trống bà để lại được dành cho Rohilla, người phụ nữ có con trai đã thử đến 15-20 bệnh viện, mặc dù bà cũng nên được đưa vào ICU.

    Cuối cùng, sau 27 giờ, ngày làm việc của Aggarwal kết thúc, anh kiệt sức và muốn ngủ bù cả hai ngày sau. Nhưng anh còn một công việc cuối cùng: Cha của một người bạn nhiễm nCoV và nhờ Aggarwal giúp đỡ, anh nhận được rất nhiều cuộc gọi như vậy mỗi ngày. Thường thì anh "lực bất tòng tâm", dù người gọi có nài nỉ thế nào, nhưng anh luôn luôn cố gắng. Vì vậy anh đeo khẩu trang và quay lại vào trong.


    Phương Vũ (Theo Reuters)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 49 khách