Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Người Ấn từ tâm dịch: Thất vọng với chính phủ, sợ cả vaccine
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Người Ấn từ tâm dịch: Thất vọng với chính phủ, sợ cả vaccine

    by VietNews » Thứ 5 Tháng 5 06, 2021 2:47 pm






    Phản ứng gây tranh cãi của chính phủ Ấn Độ trước và trong làn sóng Covid-19 thứ hai khiến người dân mất niềm tin vào cả vaccine.

    "Điều người dân Ấn Độ đang thiếu chính là một hình mẫu chống dịch, đặc biệt là từ chính phủ", Arvind Nathan, một quản lý marketing đang làm việc tại New Delhi, chia sẻ với VnExpress những lo lắng về làn sóng Covid-19 thứ hai.

    Trong khi Ấn Độ còn chưa qua hết cơn "sóng thần" Covid-19 bùng phát từ tháng 3, giới chức nước này đã bắt đầu cảnh báo "làn sóng thứ ba là không thể tránh khỏi do mức độ lây lan virus cao". Các nhà khoa học dự báo số ca tử vong vì Covid-19 đến cuối tháng 7 có thể tăng từ hơn 230.000 hiện nay lên hơn một triệu. Quốc gia Nam Á đã trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới với hơn 21 triệu ca nhiễm. Hệ thống y tế quá tải. Tài nguyên điều trị bệnh nhân Covid-19 khan hiếm từ thuốc men, máy thở, giường bệnh đến cả oxy.

    Theo giáo sư Rajib Dasgupta, chủ tịch Trung tâm Y tế Xã hội và Sức khỏe Cộng đồng thuộc Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, làn sóng thứ nhất tại Ấn Độ thuyên giảm đáng kể từ tháng 11/2020 và chạm đáy vào tháng 12/2020. Chính phủ Ấn Độ chuyển chiến lược, tập trung vào hồi phục nền kinh tế. Đa số khu vực kinh tế xã hội Ấn Độ mở cửa toàn diện trở lại, trừ trường học và dịch vụ giải trí. Ấn Độ tiến dần đến trạng thái bình thường.

    Ngày 22/1, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố Ấn Độ đã chiến thắng đại dịch "nhờ quyết tâm, kiên cường và không mất nhiều thời gian để huy động nguồn lực". Bức tranh giờ đây đã hoàn toàn trái ngược.

    Hình ảnh
    Bệnh nhân qua đời vì Covid-19 ở Ấn Độ được người thân làm lễ hỏa táng tại New Delhi vào ngày 27/4. Ảnh: TIME.

    Chuyển đến New Delhi từ tháng 9/2020 để làm việc, Arvind cảm nhận rõ xã hội Ấn Độ quá chủ quan trước làn sóng thứ hai. Khác với đợt bùng phát Covid-19 năm ngoái, những khu phong tỏa không được thiết lập ráo riết khi địa phương xuất hiện lây nhiễm cộng động.

    "Giờ đây mọi người phải tự giác tránh xa nơi có ổ dịch, còn người ở khu đó muốn làm gì thì mặc kệ", anh nói.

    Arvind chia sẻ rằng cộng đồng ở phía bắc Ấn Độ có truyền thống mộ đạo. Không ít người tin thần thánh sẽ bảo vệ họ khỏi bệnh tật nếu thanh tẩy cơ thể trên sông Hằng. Tâm lý chủ quan càng khó tránh khi chính phủ không mạnh tay kiểm soát lễ hội Kumbh Mela của người Hindu ở phía bắc. Thái độ thờ ơ lần này trái ngược với những gì đã xảy ra với một thánh đường Hồi giáo vào năm 2020.

    "Báo đài từng chỉ trích người đến thánh đường là vô trách nhiệm. Họ còn bị truy tố. Rồi khi Kumbh Mela diễn ra, chính phủ lẫn truyền thông không lên tiếng. Dịch bùng phát nhưng như bạn đã thấy thì lễ hội vẫn tiếp tục. Chính phủ chỉ chăm chăm nói về bầu cử. Mọi thứ thật hỗn loạn nhưng họ vẫn không chịu thay đổi", anh nói.

    Theo khảo sát bởi YouGov, mức ủng hộ đối với chính sách ứng phó Covid-19 của chính phủ Thủ tướng Modi đã "rơi tự do" ở làn sóng thứ hai, còn 59% tính vào cuối tháng 4. Con số này trong cùng kỳ năm 2020 lên đến 89%.

    Trả lời phỏng vấn từ Chennai, thành phố lớn thứ ba của Ấn Độ, Jagdish Mahendiran có cùng bức xúc khi chính phủ không thể kiểm soát dịch ở vùng có mật độ dân số cao, đặc biệt là phía bắc nước này. "Người dân vùng đó không chịu nghe khuyến cáo y tế, còn chính phủ lại không quan tâm gì ngoài cuộc bầu cử. Họ xem chúng tôi như ngân hàng phiếu bầu chứ không đoái hoài đến an nguy tính mạng", anh chia sẻ.

    Hình ảnh
    Jagdish Mahendiran tại sân bay Chennai ngày 23/4, trước khi trải qua 88 tiếng bay khứ hồi "bất đắc dĩ" giữa Chennai và Bangkok. Ảnh nhân vật cung cấp.

    Tình hình dịch ở thủ phủ của bang Tamil Nadu, phía nam Ấn Độ, vẫn trong tầm kiểm soát và không phải "ngày tận thế" khắp cả nước. Tuy nhiên, bệnh nhân từ phía bắc đang dần đổ về tìm cơ hội điều trị Covid-19, làm tăng áp lực lên hệ thống y tế. Thành phố đang áp lệnh giới nghiêm mỗi đêm từ 22h đến 5h ngày hôm sau, đồng thời phong tỏa toàn diện vào ngày chủ nhật.

    Jagdish cho rằng Chennai vẫn an toàn nhưng mọi người cần ý thức tuân thủ quy định. Mỗi lần rời nhà đi mua nhu yếu phẩm, anh vẫn thấy nhiều trường hợp thuộc nhóm trung hay lão niên không đeo khẩu trang. "Cũng không thể quy hết trách nhiệm cho chính phủ. Nếu mọi người đều ý thức thì điều tồi tệ đã không xảy ra", doanh nhân trẻ tuổi, vừa bị Thái Lan từ chối nhập cảnh vì đến từ vùng dịch, chia sẻ.

    "Các sự kiện tập trung đông người như vận động tranh cử và hội họp tôn giáo rõ ràng đã khiến tình hình xấu đi rất nhiều. Tuy nhiên, cần lưu ý nhóm sự kiện đó diễn ra trùng giai đoạn số ca tăng vọt phần lớn vì sự xuất hiện của những biến chủng mới", giáo sư Dasgupta cho biết.

    "Chính những biến chủng ngoại nhập hoặc mới xuất hiện đã châm ngòi làn sóng thứ hai. Đến cuối tháng 3, biến chủng mới chủ yếu giới hạn tại bang Mahrashtra và Punjab cùng một số bang khác với quy mô nhỏ hơn. Giờ đây, biến chủng B.1.617 tại Ấn Độ đã tiếp tục tạo ra đến ba đột biến là B.1.617.1, B.1.617.2 và B.1.617.3. Đây là những đột biến có khả năng lây nhiễm rất cao và đe dọa gây quá tải mọi bệnh viện. Hệ thống y tế Ấn Độ đang đối diện thách thức chưa từng có tiền lệ. Khu vực đô thị quá tải đến mức những người có điều kiện nhất còn khó tiếp cận dịch vụ y tế. Không giống như làn sóng thứ nhất, dịch đang bùng phát nhiều hơn ở cả nông thôn", ông cho biết.

    Tiêm vaccine Covid-19 là một trong những biện pháp đang được chính phủ Ấn Độ thúc đẩy nhằm khống chế làn sóng thứ hai. Tính đến ngày 4/5, nước này đã cho tiêm hơn 158 triệu liều. Tạp chí Quartz cảnh báo mục tiêu tiêm hơn 300 triệu/1,4 tỷ dân trước tháng 8/2021 là nhiệm vụ bất khả thi. Nguồn cung thiếu hụt khiến tốc độ tiêm chủng từ 3,5 triệu liều/ngày vào tháng 3 giảm còn 1,6 triệu liều/ngày trong tuần này.

    Hình ảnh
    Một cơ sở cung cấp oxy y tế bên ngoài thành phố Chennai chuẩn bị đơn hàng cho bệnh viện vào ngày 24/4. Ảnh: AFP.

    Báo chí Ấn Độ đưa tin hơn 300 tấn viện trợ ứng phó khẩn cấp Covid-19 Ấn Độ do các nước gửi đến New Delhi đang tắc nghẽn. Người phát ngôn san bay quốc tế Delhi "không ghi nhận viện trợ y tế liên quan đến Covid-19 được chuyển đến các địa phương khác". Tổng giám đốc Dịch vụ y tế bang Delhi Nutan Mindeja cho biết họ chưa nhận được gì dù hàng hóa đang nằm tại sân bay bang nhà.

    Cách tổ chức tiêm ngừa của chính phủ cũng gây nên không ít lo ngại với người dân, từ chênh lệch mức giá đến thông điệp thiếu rõ ràng và hoài nghi về tác dụng phụ của vaccine. Ngày 28/4, CoWIN - nền tảng được chính phủ mở cho người dân đăng ký chủng ngừa - sập mạng chỉ vài phút sau khi bắt đầu hoạt động.

    Arvind Nathan và Jagdish Mahendiran đều đồng tình "đến bệnh viện không phải giải pháp tốt nhất vào lúc này". Jagdish chia sẻ muốn chờ thêm một thời gian trước khi đi tiêm vaccine, phần lớn vì lo lắng trước chất lược dược phẩm được lưu hành trong nước.

    "Bạn bè của tôi ở nước ngoài được đã tiêm vaccine, chẳng có vấn đề gì. Một vài người bạn ở Ấn Độ lại gặp tác dụng phụ sau khi tiêm cùng loại vaccine đó nhưng do Ấn Độ sản xuất và lưu hành nội địa", anh tâm tư.

    Arvind thừa nhận ban đầu cũng rất lo ngại trước thông tin vaccine có tác dụng phụ và nghĩ việc nhiều người nghi ngờ vaccine không quá bất ngờ vì "chính phủ chống dịch không hiệu quả thì làm sao có thể tin tưởng thuốc họ phát đây". Tuy nhiên, Arvind vẫn muốn tìm cách thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay khi làn sóng dịch bệnh vẫn có nguy cơ tiến xuống miền Nam Ấn Độ và tiếp tục kéo dài, đặc biệt khi các chuyến bay nội địa hoạt động bình thường còn người thành thị vẫn thoải mái di chuyển.

    "Tôi vẫn muốn được bước khỏi nhà, được sống tự do, làm việc và không sợ hãi. Cứ tiêm mũi vaccine đầu tiên, để bác sĩ theo dõi, rồi tôi sẽ tính tiếp", anh cho chia sẻ.

    Trung Nhân
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 65 khách