Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Tương lai đại dịch kết thúc còn xa vời
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Tương lai đại dịch kết thúc còn xa vời

    by VietNews » Thứ 6 Tháng 5 07, 2021 11:23 pm





    Trọng tâm đại dịch giờ chuyển sang các nước nghèo, đặc biệt ở châu Á và Mỹ Latinh, với số ca tử vong có thể sớm vượt tổng năm 2020.

    Tính từ đầu năm nay, hơn 1,4 triệu ca tử vong Covid-19 đã được báo cáo trên toàn cầu, khi đại dịch nhấn chìm Mỹ Latinh và châu Á, theo dữ liệu của Đại học Oxford. Với trung bình khoảng 13.000 ca tử vong được ghi nhận mỗi ngày trên toàn cầu, số người chết vì Covid-19 trong vài tuần tới sẽ vượt con số 1,8 triệu ca được ghi nhận trong cả năm 2020. Nhiều chuyên gia cho rằng số ca tử vong thực tế có thể cao hơn nhiều con số được báo cáo chính thức.

    Ấn Độ tiếp tục báo cáo số ca nhiễm mới kỷ lục với hơn 412.000 ca mới trong ngày 6/5, nâng tổng số ca lên hơn 21 triệu. Đây là lần thứ hai trong tuần này, số ca nhiễm mới hàng ngày của quốc gia Nam Á vượt mức 400.000. Số người chết trong những ngày gần đây ở quốc gia Nam Á luôn ở mức 3.000 - 4.000 người.

    Từ Nepel tới Iran, Uruguay và Argentina, hệ thống y tế đều đang chịu áp lực lớn khi bệnh nhân đổ về ngày một nhiều. Một số quốc gia đối mặt tình trạng thiếu nguồn oxy y tế và khu chăm sóc đặc biệt, trong khi các cơ sở hỏa táng đỏ lửa suốt ngày đêm. Các biến thể mới nguy hiểm và có khả năng lây lan nhanh xuất hiện ngày một nhiều, nhanh hơn tốc độ truy vết của các phòng thí nghiệm.

    "Đây giống như một cuộc chiến", Bộ trưởng Y tế Uruguay Daniel Salinas nói.

    Hình ảnh
    Một người đào mộ đi qua nghĩa trang tại Manaus, Brazil hôm 29/4. Ảnh: AFP.

    Vào đầu năm nay, châu Âu và Bắc Mỹ vẫn nằm trong tâm bão Covid-19, khi báo cáo 72% ca nhiễm mới và 73% ca tử vong hàng ngày của toàn cầu. Hiện tại, khi những khu vực này chỉ chiếm 22% ca nhiễm và 28% ca tử vong, châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi chiếm 78% và 72% tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19.

    Chiến dịch tiêm chủng được cho là nguyên nhân đứng sau thay đổi này. Mỹ và nhiều khu vực ở châu Âu đang hướng tới hồi sinh nền kinh tế và một mùa hè với các biện pháp hạn chế được nới lỏng hoặc dỡ bỏ, khi tỷ lệ tiêm chủng ngày càng cao.

    Tuy nhiên, giới quan sát nhận định thay đổi này có thể không là vĩnh viễn, bởi bản chất khó lường của nCoV. Những biến thể có thể né vaccine xuất hiện ở các vùng dịch khác có thể quay trở lại phương Tây. Do đó, các nhà dịch tễ học và chuyên gia y tế cộng đồng nói phương Tây phải nhanh chóng giúp đỡ các nước đang phát triển kiểm soát đại dịch bằng cách hỗ trợ tiền, chuyên môn, thuốc men và quan trọng nhất là vaccine. Đây không chỉ là giúp các nước nghèo hơn, mà còn nhằm giảm nguy cơ đại dịch bùng phát trở lại.

    "Vì chúng ta sống trong một thế giới kết nối, đại dịch sẽ không bỏ qua ai và không ai có thể an toàn", Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli nói đầu tuần này.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 5,6 triệu ca nhiễm mới và hơn 91.000 ca tử vong được báo cáo trên toàn cầu trong vòng 7 ngày qua. Chỉ riêng Ấn Độ đã chiếm gần một nửa số ca nhiễm và 1/4 số ca tử vong. Gần 17.000 người chết vì Covid-19 được ghi nhận ở Brazil.

    Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm trong tháng 4 cao gấp 5 lần số ca trong cả năm 2020. Tỷ lệ nhiễm virus ở Philippines cũng chạm mốc cao mới trong tháng qua và cao hơn nhiều mức đỉnh điểm trong năm ngoái. Campuchia, nơi tránh được đợt bùng phát đầu tiên, đã báo cáo hàng trăm ca nhiễm một ngày trong những tuần gần đây, khiến nhiều cộng đồng phải áp dụng biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.

    Châu Phi đã báo cáo 57.000 trường hợp tử vong liên quan tới Covid-19 trong năm nay, sắp vượt mức 65.000 của năm 2020.

    "Dịch bệnh đã vượt kiểm soát ở nhiều nơi trên thế giới và có khả năng sắp mất kiểm soát ở những nơi đã từng thoát nạn", Martin McKee, giáo sư y tế cộng đồng châu Âu tại Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London, nói.

    Giới chuyên gia nhận định nhiều biến thể dễ lây nhiễm và việc tổ chức các sự kiện đông người, như lễ hội tôn giáo ở Ấn Độ, là nguyên nhân khiến số ca Covid-19 tăng mạnh. Hệ thống y tế yếu kém đồng nghĩa không phải người dân nào cũng có thể nhận được hỗ trợ khi cần. Thực hiện giãn cách xã hội cũng không đơn giản khi nhiều người đã quen cuộc sống gắn liền với cộng đồng và phải kiếm sống khi nguồn hỗ trợ cách ly từ chính phủ hạn hẹp.

    Thiếu hụt vaccine do nhiều nước giàu đã nhanh chóng đặt mua số lượng lớn cũng khiến nhiều nước nghèo khó thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng. Đại dịch hoành hành ở Ấn Độ, nhà máy sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cũng khiến tình hình thêm trầm trọng, khi quốc gia này phải ngừng xuất khẩu để đối phó khủng hoảng trong nước. WHO tuần này cho biết 100 triệu liều vaccine dự kiến xuất khẩu từ Ấn Độ tới các nước đang phát triển vẫn chưa được gửi đi.

    Tại Mỹ, 45% dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine và tỷ lệ của Liên minh châu Âu là 25%, trong khi tỷ lệ này ở Nam Mỹ và châu Á lần lượt là 12% và 4%. Chưa tới 1% dân số châu Phi được tiêm chủng.

    Mỹ ngày 5/5 tuyên bố sẽ miễn trừ tạm thời quyền sỡ hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 nhằm thúc đẩy sản xuất nguồn cung cho thế giới. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định phải mất nhiều tháng nữa để các nước đang phát triển có thể được hưởng lợi từ quyết định này.

    Bác sĩ ở nhiều quốc gia nói họ cần vaccine ngay lập tức để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất. "Điều quan trọng là giảm số bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt. Đó là nguyên nhân khiến quốc gia này têt liệt, hủy hoại nền kinh tế và hệ thống y tế", Daniel Goleniuk, giám đốc nhóm bệnh viện của Uruguay tại Rivera, giáp biên giới Brazil, cho hay.

    Nhiều mô hình Covid-19 dự báo đại dịch sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi số ca nhiễm và tử vong bắt đầu giảm. Số ca nhiễm mới ở Ấn Độ có thể gấp đôi vào giữa tháng 5, ở mức 800.000 - 1.000.000 ca mỗi ngày, theo Bhramar Mukherjee, giáo sư thống kê sinh học và dịch tễ học tại Đại học Michigan.

    Số ca tử vong ở Ấn Độ cũng có thể đạt đỉnh 12.000 trường hợp mỗi ngày vào tuần thứ ba của tháng 5, theo mô hình của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) ở Mỹ. Cho tới tháng 8, số người chết vì Covid-19 ở quốc gia Nam Á có thể lên tới một triệu người.

    Hình ảnh
    Một người đàn ông nằm ngủ trên các bình chứa oxy tại Lima, Peru hồi tháng 4. Ảnh: AFP.

    Tại Colombia, số ca tử vong đang tăng vọt với hơn 500 người mỗi ngày trong tuần này, mức cao kỷ lục. Chính phủ Argentina phải áp các biện pháp hạn chế mới đối với doanh nghiệp, đóng cửa trường học khi số ca nhiễm tăng lên mức cao mới vào tháng trước. Đối với Peru, tháng 4 là tháng chết chóc nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

    Hellen Nanez đã phải chờ nhiều ngày bên ngoài một bệnh viện ở thị trấn Pisco của Peru để chờ tin tức của bố, người mới được đưa vào khoa chăm sóc đặc biệt sau hai tuần vật lộn tìm giường bệnh. 13 người họ hàng của cô đã chết vì Covid-19. Cô của Nanez cũng vừa phải nhập viện vì xuất hiện các triệu chứng nặng vì nhiễm nCoV.

    "Tôi không biết phải cảm thấy thế nào nữa. Chúng tôi không có nhiều hy vọng. Điều này thật khủng khiếp", cô nói.


    Thanh Tâm (Theo WSJ)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 50 khách