Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Ca tử vong Covid-19 Ấn Độ vượt 4.000 một ngày
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Ca tử vong Covid-19 Ấn Độ vượt 4.000 một ngày

    by VietNews » Thứ 6 Tháng 5 07, 2021 11:29 pm





    Ấn Độ ghi nhận hơn 238.000 ca tử vong, tăng hơn 4.000 ca, trong khi đó, số ca Covid-19 mới mỗi ngày toàn cầu tuần qua giảm 4% so với tuần trước.

    Thống kê của AFP cho biết số ca nhiễm mới toàn cầu lần đầu tiên giảm nhẹ trong 10 tuần, xuống mức trung bình 789.500 ca/ngày, ít hơn 4% so với tuần trước. Tuy nhiên, số ca nhiễm hàng ngày tại Ấn Độ tăng 10% lên trung bình 385.000 ca/ngày.

    Số ca nhiễm mới ở châu Á tăng 10%. Trong khi đó, ca mới giảm tại các khu vực khác, tại châu Phi và châu Âu giảm 25%, Trung Đông13%, Mỹ và Canada12%, châu Đại Dương 12%, Mỹ Latinh 8%.

    Thế giới ghi nhận 155.679.020 ca nhiễm nCoV và 3.248.423 ca tử vong, tăng lần lượt 629.843 và 8.626, trong khi 133.887.302 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

    Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 21.880.583 ca nhiễm và 238.129 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 395.298 và 4.058 ca.

    Shivraj Singh Chouhan, Thủ hiến bang Madhya Pradesh, ngày 6/5 thông báo gia hạn lệnh phong tỏa tới 15/5 để ngăn Covid-19. Theo lệnh giới nghiêm của chính quyền địa phương, người dân không được phép tổ chức đám cưới hoặc tụ tập đông người trong tháng 5.

    Thủ hiến Chouhan cảnh báo sẽ xử lý tất cả trường hợp cố ý tăng viện phí điều trị bệnh nhân Covid-19 nhiều hơn mức bình thường.

    Lãnh đạo cơ quan y tế bang Goa Vishwajit P. Rane cho biết bang này ghi nhận số ca nhiễm nCoV chiếm tới 51,4% dân số, tỷ lệ cao chưa từng có. Thủ hiến bang Goa Pramod Sawant đang "nghiêm túc cân nhắc" việc áp lệnh phong tỏa toàn diện.

    Hình ảnh
    Nhân viên y tế Ấn Độ chuyển thi thể người nhiễm nCoV tới nhà xác tại một bệnh viện ở thủ đô New Delhi ngày 24/4. Ảnh: Reuters.

    Nepal đang đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 lan tới từ nước láng giềng Ấn Độ và nguy cơ hứng chịu thảm họa nhân đạo. Nepal ghi nhận 337.603 ca nhiễm và 3.579 ca tử vong, tăng lần lượt 9.023 và 50 ca.

    Số ca nhiễm tại Nepal cao gấp 57 lần tháng trước, với 44% kết quả xét nghiệm nCoV toàn quốc là dương tính. Các thị trấn Nepal gần biên giới Ấn Độ đang không thể ứng phó với làn sóng bệnh nhân mới, trong khi chỉ 1% dân số nước này được tiêm phòng đầy đủ.

    Trước thảm kịch Covid-19 tại Ấn Độ, giới chức y tế cũng cảnh báo các quốc gia láng giềng của nước này có thể đối diện đợt bùng phát nghiêm trọng tương tự. Tại Pakistan và Bangladesh, các phòng chăm sóc tích cực đã hoạt động gần hết công suất, thậm chí gần quá tải.

    Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 33.378.060 ca nhiễm và 594.162 ca tử vong do nCoV, tăng 8.868 ca nhiễm và 156 ca tử vong so với một ngày trước đó.

    Khoảng 149,5 triệu người Mỹ, tương đương 45% dân số, đã tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19, trong khi gần 109 triệu, khoảng 33% dân số, đã hoàn thành chương trình tiêm chủng, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC).

    Gần 252 triệu liều vaccine đã được tiêm ở Mỹ, chiếm 78% trong tổng số hơn 324,6 triệu được phân phối tại quốc gia này.

    Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 15.009.023 ca nhiễm và 417.176 ca tử vong, tăng lần lượt 72.559 và 2.531.

    Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga cho biết Brazil sắp ký hợp đồng thứ hai với Pfizer để mua thêm 100 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó 35 triệu liều sẽ được bàn giao vào tháng 10 tới. Với hợp đồng mới, Brazil sẽ có 200 triệu liều vaccine Pfizer để giảm bớt tình trạng thiếu vaccine của nước này.

    Nhật Bản, báo cáo 4.344 ca nhiễm và 72 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt 620.994 và 10.589.

    Các bệnh viện ở Osaka, Nhật Bản hết giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng, theo dữ liệu chính phủ. Tỷ lệ giường sử dụng cho các ca Covid-19 nặng ở Osaka chạm ngưỡng 103% vào ngày 5/5, trong khi tỷ lệ này của các ca nhẹ và trung bình là 82,4%.

    Để đối phó với số ca nhiễm tăng, chính quyền mở thêm hai trung tâm dự phòng vào tháng 4, được trang bị máy thở, để tiếp nhận các bệnh nhân chưa thể nhập viện. Giới chức địa phương cũng đề nghị các tỉnh lân cận giúp tiếp nhận ca Covid-19 nặng để giảm tải cho Osaka, nhưng đến nay chỉ có tỉnh Shiga đồng ý và tiếp nhận một bệnh nhân.

    Kể từ khi đợt bùng phát mới bắt đầu ngày 4/3, 17 bệnh nhân chết ở nhà hoặc khách sạn, theo dữ liệu của chính phủ. Giới chức Osaka cho biết gần 14.000 bệnh nhân phải điều trị tại nhà, trong khi gần 3.000 phải chờ nhập viện hoặc ở phòng khách sạn.

    Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.703.632 ca nhiễm, tăng 6.327, trong đó 46.663 người chết, tăng 167.

    Khoảng 18 triệu người, 7% dân số, vẫn lên kế hoạch tận hưởng kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr, bất chấp lệnh cấm đi lại của chính phủ, theo một khảo sát của hãng thông tấn nhà nước Antara.

    Indonesia ban hành lệnh cấm đi lại từ ngày 6/5 tới 17/5 để ngăn chặn lây lan dịch. Theo lệnh cấm, người dân phần lớn chỉ có thể đi lại trong thị trấn hoặc thành phố mình sinh sống. Khoảng 155.000 nhân viên an ninh, gồm 90.000 cảnh sát và 11.500 sĩ quan quân đội, được triển khai tới các trạm kiểm soát trên khắp nước để thực thi lệnh cấm đi lại và các biện pháp giới hạn khác trong kỳ nghỉ lễ.

    Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 1.087.885 ca nhiễm và 18.099 ca tử vong, tăng lần lượt 7.733 và 108 ca.

    Tổng thống Rodrigo Duterte yêu cầu thực thi ngay lập tức lệnh bắt người vi phạm quy định đeo khẩu trang bắt buộc, như đeo khẩu trang không đúng cách, theo thông báo của Bộ Tư pháp Philippines ngày 6/5.

    Campuchia ghi nhận thêm 558 ca nhiễm nCoV và 4 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 18.179, trong đó 114 ca tử vong.

    Chính quyền Phnom Penh đã ban hành hướng dẫn chi tiết cho các khu vực trong thành phố sau khi lệnh phong tỏa kết thúc hôm 5/5 và quy định này có thời hạn tới 12/5. Theo đó, một số vùng đỏ phải tiếp tục tuân thủ quy định như thời gian phong tỏa.

    Người dân sống trong khu vực màu đỏ phải ở lại nơi cư trú, không được ra ngoài "trừ phi có việc khẩn cấp", còn người dân trong vùng cam có thể di chuyển "nếu có việc cần thiết". Người dân sống trong vùng vàng được phép đi lại, đa số các ngành nghề kinh doanh được phép mở cửa lại. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm từ 20h tới 3h vẫn áp dụng với khu vực màu vàng và màu cam.

    Lào báo cáo 28 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca Covid-19 của nước này lên 1.205, không có ca tử vong.

    Chính phủ Lào quyết định gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày tới 20/5. Thủ tướng Phankham Viphavanh cho biết việc tiếp tục thực hiện các biện pháp cứng rắn hiện tại để ngăn chặn đợt bùng phát của dịch là điều cần thiết.

    Đội Kiểm soát và Phòng ngừa Covid-19 của Lào hôm 6/5 cũng kêu gọi các cơ quan chức năng và người dân tiếp tục tuân thủ các chỉ thị của chính phủ về phòng chóng dịch, đồng thời thúc giục cơ quan chức năng giám sát nghiêm việc thực hiện của công chúng.


    Nguyễn Tiến (Theo AFP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 60 khách