Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
'Người giàu cũng khóc' giữa đại dịch ở Ấn Độ
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    'Người giàu cũng khóc' giữa đại dịch ở Ấn Độ

    by VietNews » Thứ 7 Tháng 5 08, 2021 9:52 am





    Sự tuyệt vọng, hỗn loạn bao trùm cuộc sống người nghèo thành thị Ấn Độ từng xa lạ với Pinakin Tendulkar, tới khi làn sóng Covid-19 thứ hai trỗi dậy.

    Pinakin Tendulkar, nhà tư vấn kinh doanh sống trong một khu chung cư có vườn tập yoga và đường chạy bộ tại thành phố Pune, bang Maharashtra, Ấn Độ, nhận kết quả dương tính với nCoV vào tuần đầu tiên của tháng 4. Vợ, hai con và mẹ của Tendulkar, cụ bà 72 tuổi mắc bệnh tự miễn, cũng lần lượt nhiễm virus.

    Tendulkar mất nhiều ngày mới giúp mẹ được chăm sóc y tế đầy đủ, nhưng cụ bà qua đời hôm 23/4. Vợ chồng Tendulkar đều không thể đến đám tang do quá ốm yếu, không thể di chuyển, phải nằm trên giường bệnh vì Covid-19. Khu chung cư gồm 388 căn của Tendulkar cũng bị phong tỏa, bởi ghi nhận 55 ca nhiễm nCoV và 3 trường hợp tử vong.

    "Tôi không thể chăm sóc mẹ cả về mặt thể chất và tinh thần trong những ngày cuối đời", người đàn ông 45 tuổi cho biết. "Chúng tôi không được chuẩn bị. Hệ thống y tế quá tải, tôi phải vật lộn tìm giường bệnh và thuốc men, khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn".

    Sau khi tấn công người nghèo tại Ấn Độ năm ngoái, Covid-19 đang len lỏi vào tầng lớp trung lưu và thượng lưu, với các ca nhiễm là chính trị gia, vận động viên bóng gậy và ngôi sao Bollywood như Deepika Padukone, một trong những nữ diễn viên nổi tiếng nhất Ấn Độ.

    Hình ảnh
    Gia đình một nạn nhân Covid-19 bên ngoài một nhà xác tại thành phố Chennai, Ấn Độ, hôm 5/5. Ảnh: AFP.

    Những khu chung cư hiện đại ở Pune và nhiều thành phố lớn khác trở thành điểm nóng của đại dịch, dường như cho thấy sức mạnh và mức độ lây lan của các biến chủng nCoV mới. Giới chuyên gia đánh giá tầng lớp giàu có hơn tại Ấn Độ cũng dễ bị ảnh hưởng trong đợt bùng phát này, bởi nhiều người chưa phát triển khả năng miễn dịch sau làn sóng Covid-19 đầu tiên.

    "Virus đã chuyển hướng sang tầng lớp trung lưu và thượng trung lưu", tiến sĩ Shashank Joshi thuộc nhóm chuyên trách Covid-19 tại bang Maharashtra, cho biết, nói thêm rằng hệ thống điều hòa không khí trung tâm và thang máy đã biến các tòa chung cư cao tầng thành "điểm truyền nhiễm".

    Chính phủ Ấn Độ hôm 5/5 cảnh báo làn sóng đại dịch thứ ba là điều "không thể tránh khỏi", do virus đã lây lan rộng rãi và có khả năng xuất hiện thậm chí nhiều biến chủng mới hơn. Tuần trước, vùng dịch lớn thứ hai thế giới chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm mới được ghi nhận trên toàn cầu. Hơn 238.000 người đã chết vì Covid-19 tại Ấn Độ, nhưng con số thực tế được cho là cao hơn nhiều.

    Giới lãnh đạo Ấn Độ từng cho rằng họ đã kiềm chế được Covid-19, sau khi chứng kiến số ca nhiễm giảm hồi đầu năm. Tuy nhiên, việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch đã châm ngòi cho sự trỗi dậy của virus hồi tháng 3, khiến hệ thống y tế gần như sụp đổ. Vaccine Covid-19 cũng trở nên khan hiếm, dù Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới.

    "Những bệnh nhân đã ổn định, nhưng chưa bình phục hoàn toàn, cũng được cho xuất viện để các bác sĩ tiếp nhận những ca nghiêm trọng. Làn sóng lần này tồi tệ hơn rất nhiều", Smita Kulkarni, bệnh nhân Covid-19 tại thành phố Pune, cho biết. Luật sư 39 tuổi này vừa được đưa khỏi phòng điều trị tích cực, đang cố kiềm chế những cơn ho dữ dội và dai dẳng.

    Ít nhất 17 quốc gia đã phát hiện biến chủng nCoV Ấn Độ, hay còn gọi là B.1.617, thúc đẩy nhiều chính phủ quyết định đóng cửa biên giới với hành khách từ nước này. Nhiều người Ấn Độ giàu có được cho là đang đổ tiền và thuê máy bay riêng "tháo chạy" đến những nơi vẫn tiếp nhận họ, như Maldives và Dubai.

    Tại thành phố Mumbai, trung tâm tài chính của Ấn Độ, một phòng tác chiến Covid-19 được thiết lập để giúp cư dân tìm nơi còn giường bệnh và máy thở. Những người làm việc tại đây cho biết lời cầu cứu chủ yếu đến từ các khu dân cư giàu có hơn, thay vì những người nghèo.

    Tới nay, cơn hoảng loạn vẫn chưa bao trùm Dharavi, khu ổ chuột nổi tiếng ở Mumbai với gần một triệu cư dân sống trong những căn phòng chật hẹp. Khu vực G-North, nơi Dharavi tọa lạc, chỉ ghi nhận 17% tổng số ca nhiễm từ khu ổ chuột này trong tháng 4, trong khi Dharavi chiếm 70% dân số của G-North.

    Con số này phù hợp với báo cáo rằng 90% ca nhiễm nCoV ở Mumbai được phát hiện trong các tòa chung cư và khu vực bên ngoài những khu ổ chuột. Mặc dù vẫn lo ngại về Dharavi, nơi hơn 2/3 số cư dân dùng chung 450 nhà vệ sinh công cộng, giới chức hy vọng người dân tại đây đã phát triển khả năng miễn dịch từ làn sóng Covid-19 đầu tiên. Kailash Jethwa, một cư dân tại Dharavi, cho biết giới chức vẫn đến kiểm tra thân nhiệt thường xuyên và tiến hành truy vết khi có ca nhiễm.

    Trong khi đó, một cuộc khủng hoảng kéo dài có thể tàn phá tầng lớp trung lưu của Ấn Độ, vốn đang phát triển ổn định suốt nhiều thập kỷ, cho đến khi đại dịch xuất hiện. Trung tâm Nghiên cứu Pew ước tính tầng lớp trung lưu của Ấn Độ đã sụt giảm 32 triệu người vào năm ngoái, trong khi số người nghèo tăng 75 triệu.

    Trước khi Covid-19 bùng phát, Jimmy Tiwari sống thoải mái bằng nghề giáo viên tại thành phố Pune, dù là mẹ đơn thân có một con trai. Tuy nhiên, sau khi mất việc hồi tháng 3/2020, người phụ nữ 42 tuổi nhanh chóng cạn tiền tiết kiệm và phải sống dựa vào bố mẹ. Để cầm cự, cô và con trai hầu như chỉ ăn cơm với đậu lăng mỗi ngày.

    "Tôi không nhớ lần cuối đi mua sắm, hoặc gọi đồ ăn từ nhà hàng là khi nào. Trước đây, tôi thậm chí không phải nghĩ gì về những thú vui nhỏ nhặt như vậy. Nhưng với làn sóng Covid-19 thứ hai, chúng trở nên xa vời", Tiwari nói.


    Ánh Ngọc (Theo LA Times)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 66 khách