Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Nguy cơ từ những tên lửa Trung Quốc 'rơi tự do'
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27896
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Nguy cơ từ những tên lửa Trung Quốc 'rơi tự do'

    by VietNews » Chủ nhật Tháng 5 09, 2021 11:13 pm





    Các chuyên gia lo ngại tình trạng tên lửa vũ trụ Trung Quốc rơi không kiểm soát sẽ tái diễn và thiệt hại chỉ là sớm hay muộn.

    Những gì còn lại của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B đã rơi xuống Ấn Độ Dương vào ngày 9/5, sau khi phần lớn cháy rụi trong khí quyển Trái Đất. Mảnh tên lửa Trung Quốc rơi trên vùng biển phía tây quần đảo Maldives, theo Văn phòng Kỹ thuật Vũ trụ Có người lái Trung Quốc (CMSEO).

    Sau khi được phóng từ đảo Hải Nam vào ngày 29/4, đưa trang thiết bị lắp ráp trạm không gian Thiên Cung 3 vào quỹ đạo, tên lửa Trường Chinh 5B đã trở thành mối quan tâm của nhiều nước, không chỉ vì nó đánh dấu một bước tiến mới trong cuộc đua không gian.

    Đây mới là lần phóng thứ hai cho phiên bản 5B thuộc dòng tên lửa Trường Chinh. Lần đầu tiên tên lửa đẩy lớn nhất của Trung Quốc được phóng là vào tháng 5/2020. Mảnh vỡ khi đó rơi xuống Bờ Biển Ngà, khiến một số công trình ở nước này bị hư hại, nhưng may mắn không gây ra thương vong.

    Hình ảnh
    Tên lửa Trường Chinh 5B mang modul lõi của trạm không gian Thiên Cung 3, được phóng từ đảo Hải Nam vào ngày 29/4. Ảnh: AFP.

    Trong sứ mệnh không gian lần này, Trung Quốc lại một lần nữa không thể kiểm soát quá trình rơi của mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B. Xác suất gây thiệt hại của nó dù rất nhỏ vẫn đủ khiến cộng đồng khoa học và giới chức khoảng 11 nước lo ngại.

    "Những quốc gia thám hiểm vũ trụ cần hết sức hạn chế rủi ro về người và tài sản từ quá trình vật thể ngoài vũ trụ trở lại Trái Đất, đồng giời gia tăng tối đa mức độ minh bạch trong hoạt động. Rõ ràng Trung Quốc đã không đáp ứng những tiêu chuẩn về trách nhiệm liên quan đến mảnh vỡ lần này", lãnh đạo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson chỉ trích Bắc Kinh.

    "Trung Quốc cũng như mọi quốc gia và đơn vị thương mại thám hiểm vũ trụ cần hành động có trách nhiệm và minh bạch nhằm đảm bảo an toàn, ổn định, an ninh và sự bền vững dài hạn của các hoạt động ngoài không gian", ông nhấn mạnh.

    Chương trình vũ trụ Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận chỉ trong 6 tháng qua, từ việc đưa đá Mặt Trăng trở về Trái Đất đến sứ mệnh đưa tàu vũ trụ không người lái vào quỹ đạo sao Hỏa. Tuy nhiên, tham vọng không gian của Bắc Kinh vẫn tiềm ẩn rủi ro khi các nhà khoa học nước này liên tiếp thất bại trong việc kiểm soát đường bay bộ phận tên lửa sau khi phân tách.

    "Tôi nghĩ họ đã tắc trách. Thật vô trách nhiệm", Jonathan McDowell, nhà vật lý vũ trụ thuộc Trung tâm Vật lý Vũ trụ Cambridge tại bang Massachusetts, nhận định.

    Mảnh vỡ rơi xuống Trái Đất là tầng động cơ đẩy lõi cho tên lửa Trường Chinh 5B. Phần lớn tên lửa trên thế giới thường tách động cơ đẩy lõi và cho rơi ngay sau khi phóng. Các tầng còn lại của tên lửa khi đi vào quỹ đạo và giải phóng tầng hàng hóa sẽ kích hoạt thêm động cơ, điều chỉnh hướng bay trong quá trình tái xâm nhập khí quyển, nhắm đến những khu vực không có người sinh sống.

    Nhiều quốc gia đã vô cùng lo ngại trong vài ngày trước khi tầng động cơ của Trường Chinh 5B rơi xuống. Các chuyên gia đã ước tính phạm vi rơi của các mảnh vỡ trải rộng từ 41°5' độ vĩ bắc đến 41°5' độ vĩ nam, bao phủ khoảng 11 quốc gia. Khu vực này gồm nhiều thành phố lớn như New York hay Los Angeles của Mỹ, thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, thành phố Rio de Janeiro tại Brazil, thủ đô Nigeria là Abuja và cả thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

    Hình ảnh
    Ảnh chụp radar của trạm không gian Thiên Cung 1 khi trong quá trình rơi mất kiểm soát xuống bề mặt Trái Đất vào năm 2018. Ảnh: AFP.

    Trong suốt một tuần qua, Bộ tư lệnh Không gian Mỹ và Cơ quan Vũ trụ Nga đều theo dõi sát sao đường đi của mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc. Với vận tốc di chuyển gần 29.000 km/h, khả năng mảnh vỡ thay đổi hướng bay vào phút chót có thể dẫn đến hệ quả khó lường.

    Trong vòng ba thập kỷ qua, chỉ có Trung Quốc cho tầng động cơ đẩy lõi với kích thước lớn như vậy đi thẳng vào quỹ đạo, rồi để cho nó "rơi tự do", theo tiến sĩ McDowell. Các kỹ sư Trung Quốc đáng lẽ phải thiết kế cho tầng động cơ rơi trở lại mặt đất ngay sau khi phóng, hoặc bổ sung thêm động cơ phụ để điều chỉnh hướng bay đến nơi an toàn.

    Trạm không gian Skylab của NASA vào tháng 7/1979 cũng vỡ tan trên Ấn Độ Dương khi rời quỹ đạo, làm nhiều mảnh vỡ rơi xuống Tây Australia và buộc Tổng thống Mỹ Jimmy Carter phải công khai xin lỗi đồng minh. Kể từ sự cố này, phần lớn quốc gia trên thế giới đã điều chỉnh thiết kế và tránh để xảy ra trường hợp tương tự. "Sự việc lần này khiến chúng ta có ấn tượng rằng các nhà thiết kế tên lửa Trung Quốc đã quá lười nhác và không xử lý triệt để vấn đề", McDowell chia sẻ.

    Trong lần phóng Trường Chinh 5B vào năm 2020, Jim Bridenstine, giám đốc NASA dưới nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump, đánh giá thế giới đã "vô cùng may mắn khi không chịu thiệt hại về người". Ông nhận định cách Trung Quốc phóng tên lửa là "cực kỳ nguy hiểm". Trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc, trạm Thiên Cung 1, cũng mất kiểm soát trở về mặt đất vào năm 2018 và rơi xuống phía nam Thái Bình Dương.

    Giới chuyên gia cảnh báo điều đáng lo ngại là thế giới phải dần làm quen với nguy cơ từ tên lửa rơi tự do. Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm không gian Thiên Cung 3 trong vài tháng tới, đòi hỏi thêm nhiều đợt phóng tên lửa Trường Chinh 5B dù chưa được điều chỉnh thiết kế. Nhà Trắng tuần qua đã lên tiếng quan ngại và nhấn mạnh mong muốn mọi nước hành xử có trách nhiệm ngoài không gian.

    "Xác suất bạn trúng xổ số hôm nay là cực kỳ thấp, nhưng xác suất không một ai trúng xổ số lại là một câu chuyện rất khác. Câu chuyện ở đây cũng vậy. Rủi ro bị mảnh tên lửa rơi trúng của một cá nhân là rất thấp, nhưng nguy cơ với tất cả mọi người lại không như vậy", Ted J. Muelhaupt, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàng không về Mảnh vỡ trên quỹ đạo và Tái xâm nhập Trái Đất, lưu ý.

    Trung Nhân (Theo Reuters/New York Times)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 71 khách