Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Sợ hãi và bế tắc ở Myanmar 100 ngày hậu đảo chính
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27907
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Sợ hãi và bế tắc ở Myanmar 100 ngày hậu đảo chính

    by VietNews » Thứ 2 Tháng 5 10, 2021 10:10 am






    Quân đội Myanmar đã gieo rắc sợ hãi và trì trệ khắp nước trong 100 ngày sau đảo chính, nữ tu từng quỳ xin cho người biểu tình cho biết.

    Hình ảnh nữ tu Ann Rose Nu Tawng, 45 tuổi, hai lần quỳ trên đường phố, dang tay cầu xin cảnh sát đừng bắn "những đứa trẻ" được chia sẻ rộng rãi hồi tháng 3 khi biểu tình bùng lên ở Myanmar. Nữ tu hiện làm việc tại phòng khám ở bang Kachin, cực bắc Myanmar, chăm sóc những bệnh nhân bị thương bởi lực lượng an ninh, bị ốm vì căng thẳng, và cả những người tìm cách tự sát.

    Với hậu quả từ đại dịch Covid-19 và những hành động trấn áp của quân đội, "ngày càng nhiều người cảm thấy chán nản và muốn tự tử. Mọi người đang sống trong sợ hãi và họ cảm thấy tuyệt vọng", bà nói.

    Hình ảnh
    Nữ tu Ann Rose Nu Tawng quỳ trước cảnh sát ở thành phố Myitkyina, bang Kachin hồi tháng 3, trong khi hai cảnh sát cũng quỳ với bà. Ảnh: AFP.

    Ngày 11/5 đánh dấu 100 ngày các tướng lĩnh Myanmar tiến hành cuộc đảo chính chớp nhoáng, lật đổ chính phủ dân cử, bắt giam Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều lãnh đạo dân sự. Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính bùng lên ở nhiều nơi, trong khi quân đội sử dụng các biện pháp mạnh trấn áp, đẩy Myanmar rơi vào hỗn loạn.

    Theo nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), khoảng 780 thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc trấn áp của lực lượng an ninh đối với những cuộc biểu tình diễn ra gần như hàng ngày. Quân đội Myanmar phủ nhận con số này.

    Dù được khen ngợi vì hành động dũng cảm nhiều tháng trước, nữ tu Ann Rose Nu Tawng nói rằng những thanh niên đang chiến đấu mới là người nên được tán dương. "Họ đang hy sinh cuộc sống cho tương lai của mình", bà cho hay.

    Đêm này qua đêm khác, binh lính và cảnh sát đột kích các ngôi nhà để tìm người bị nghi hoạt động chống đối, gồm cả người biểu tình và người tham gia phong trào bất tuân dân sự, vốn đã làm tê liệt khả năng hoạt động của nhà nước. Dù vậy, phong trào vẫn tồn tại và được thúc đẩy bởi thế hệ trẻ, những người trưởng thành từ khi nền dân chủ xuất hiện và đất nước bắt đầu mở cửa cách đây một thập kỷ.

    "Chúng tôi muốn đứng về phía lẽ phải của lịch sử", một người biểu tình ở Yangon nói.

    Mức độ bạo lực trong các cuộc trấn áp đã giảm những tuần gần đây, một phần do người biểu tình chuyển sang chiến thuật tuần hành chớp nhoáng để tránh nguy cơ bị bắn. Tuy nhiên, trong khi bạo lực ở các trung tâm đô thị giảm, đụng độ giữa quân đội và quân nổi dậy dân tộc thiểu số ở các khu vực biên giới lại tăng lên.

    "Mọi chuyện sẽ không lắng xuống. Chính quyền quân sự nghĩ rằng mọi thứ sẽ ổn vào tháng 6, nhưng đó là ảo tưởng", nhà phân tích chính trị Khin Zaw Win ở Yangon cho biết.

    Ở phía đông bang Karen, Liên minh Quốc gia Karen, lực lượng đang che chở những người bất đồng chính kiến chạy trốn sang lãnh thổ của họ, đã tấn công các các đồn quân sự và đáp trả nhiều cuộc không kích của quân đội chính phủ. Các cuộc đụng độ ở phía bắc bang Kachin cũng nổ ra và Quân đội Độc lập Kachin tuần trước bắn hạ một trực thăng quân sự.

    Hình ảnh
    Người biểu tình khiêng một người đàn ông bị thương do đạn thật của lực lượng an ninh trong cuộc biểu tình ở Yangon, Myanmar ngày 17/3. Ảnh: AFP.

    Một số nhóm vũ trang công khai ủng hộ phong trào phản đối chính quyền quân sự, thậm chí còn cung cấp các khóa huấn luyện cơ bản cho người biểu tình trẻ tuổi.

    Tuy nhiên, lời kêu gọi các phe nổi dậy đoàn kết thành "quân đội liên bang" hiện vẫn chưa có kết quả. Một nhóm nghị sĩ bị lật đổ thành lập "Chính phủ Thống nhất Quốc gia" (NUG) hoạt động ngầm, tuyên bố thành lập "lực lượng phòng thủ nhân dân" để bảo vệ dân thường trước các cuộc trấn áp của quân đội. Thông tin chi tiết còn ít ỏi và NUG, với các thành viên đang lẩn trốn, đã không cho thấy khả năng gây được nhiều ảnh hưởng.

    Quân đội cuối tuần trước tuyên bố NUG là "nhóm khủng bố", quy trách nhiệm cho nhóm này "đánh bom, đốt phá, giết người và đe dọa để phá vỡ bộ máy hành chính nhà nước".

    Những lời kêu gọi kiềm chế cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đều không có dấu hiệu lay chuyển tướng lĩnh Myanmar. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng trước với sự tham dự của thống tướng Min Aung Hlaing đưa tới "đồng thuận 5 điểm" kêu gọi đối thoại, chấm dứt bạo lực và bổ nhiệm một đặc phái viên. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, quân đội Myanmar cho biết sẽ chỉ chú ý đến "các đề xuất" khi "tình hình trở lại ổn định".

    Trên phạm vi toàn cầu, các biện pháp trừng phạt cứng rắn ở cấp Liên Hợp Quốc bị Trung Quốc và Nga cản trở, những nước cho rằng động thái đó sẽ phản tác dụng.

    Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Myanmar dự kiến giảm 10% trong năm 2021. Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo tác động tổng hợp của đại dịch và cuộc đảo chính có thể khiến gần một nửa dân số Myanmar sống trong cảnh nghèo đói vào năm tới.

    "Quân đội đã chọn sai thời điểm để tiến hành cuộc đảo chính và đối mặt nội chiến", nhà phân tích Khin Zaw Win nói, thêm rằng chính quyền quân sự đã "mất tất cả sự ủng hộ của công chúng". "Người dân không chọn điều này. Chính các vị tướng đã chọn và họ sẽ phải trả giá".


    Huyền Lê (Theo AFP)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 43 khách